Thầy cô giáo không có tính nhẫn nại, chịu đựng sẽ không trụ nổi với nghề

27/11/2016 08:32
Thuận Phương
(GDVN) - Chẳng thế mà nhiều giáo viên nói với nhau, giáo viên bây giờ muốn tồn tại với nghề phải học chữ "nhẫn", phải biết học cách “mackeno”.

LTS: Lên tiếng trước vụ thầy giáo tát học sinh ở TP. Hồ Chí Minh vừa qua, cô giáo Thuận Phương chia sẻ những câu chuyện về khó khăn của các thầy cô khi phải xử lý học sinh cá biệt.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Cư dân mạng đang rất quan tâm chia sẻ bởi clip thầy giáo tát vào mặt, vào đầu một học sinh lớp 7 trong ngày 23/11 vừa qua.

Qua xác minh, chuyện xảy ra tại một trường trung học cơ sở Nguyễn Hiền tại quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.

Cô hiệu trưởng Lê Thị Chín đã thừa nhận đây là câu chuyện có thật. Nhà trường đang xem xét hình thức kỉ luật thầy giáo giám thị đánh học sinh. 

Sự việc được điều tra làm rõ, học sinh này có biểu hiện gây ồn ào mất trật tự trong lớp ảnh hưởng đến việc học của nhiều học sinh khác.

Do thầy giáo Thế Anh quá tức giận nên không làm chủ được hành vi của mình đã tát vào đầu, vào mặt em học sinh này. 

Vụ thầy giám thị tát học sinh gây xôn xao dư luận. (Ảnh chụp từ clip, nguồn: zing.vn)
Vụ thầy giám thị tát học sinh gây xôn xao dư luận. (Ảnh chụp từ clip, nguồn: zing.vn)

Được biết, thầy Thế Anh là giáo viên mới được nhà trường kí hợp đồng một tháng trước đây. Sau sự việc này xảy ra nguy cơ thầy phải nghỉ dạy là rất lớn.

Xem clip chỉ thấy hình ảnh thầy đang tức giận đánh học sinh nên sự phẫn nộ của cư dân mạng càng gay gắt. Để dẫn đến tình trạng thầy nóng nảy phải xử lý bằng đòn roi như thế chỉ những ai là giáo viên mới hiểu được. 

Bình thường nhiều em học sinh lên trường không phải để học mà chủ yếu chơi bời, quậy phá. Dù thầy cô giáo có nói cỡ nào, khuyên giải ra sao các em cũng chẳng để “lọt tai” cứ tự do cười nói, hét lớn trong cả giờ học.

Có em còn chọc phá để bạn không thể học được và thầy dạy cũng chẳng xong. Nhiều giáo viên nín nhịn cho qua tiết học để cho yên chuyện.

Nhưng nhiều thầy giáo nóng tính lại rất khó kìm cơn giận khi thấy các em không chỉ gây mất trật tự còn tỏ ra xấc xược và đầy thách thức. Thế rồi trong một phút nóng giận thầy đã thẳng tay phạt trò cũng là điều dễ hiểu.

Nhiều đồng nghiệp của tôi dạy ở bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông kể lại:

Nhiều học sinh rất vô lễ. Đã không muốn học nhưng cũng chẳng cho bạn khác học. Khi được giáo viên nhắc nhở, các em thường lên giọng thách thức theo kiểu 'Em thích thế, thầy ngon cứ đụng thử xem?'

Nhiều khi tức đến bầm gan tím ruột nhưng phải gằn mình lại vì sợ hậu họa sẽ đến với mình”.

Học sinh thời nay thế nào?

Nhiều thầy cô nói đùa với nhau “Bây giờ mình không phải dạy học trò mà toàn phải cung phụng những ông hoàng bà chúa”.

Thầy cô giáo không có tính nhẫn nại, chịu đựng sẽ không trụ nổi với nghề ảnh 2

Tình trạng vi phạm đạo đức nghề giáo, đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”

(GDVN) - Sự bất lực về nghiệp vụ, thiếu phương pháp sư phạm đúng đắn trong khi áp lực công việc ngày càng lớn đã dẫn tới những hành vi bạo hành của một số giáo viên.

Nói thế để thấy được áp lực của thầy cô giáo hiện nay nặng nề như thế nào.

Với trẻ tiểu học, giáo viên lên lớp thường mang bánh kẹo ra dụ “Học ngoan cô (thầy) sẽ thưởng quà.

Trò mắc lỗi thầy cô cũng phải thật ngọt ngào khuyên nhủ, nhiều em không nghe, cô thầy nào lỡ cầm cái cây thước bé tí khẽ vào tay trò coi như chuẩn bị tinh thần hứng trận lôi đình của các bậc phụ huynh.

Ý thức được việc có cha mẹ “bảo kê”, thầy cô phạt trò là vi phạm nên với bậc học lớn hơn, học sinh càng trở nên lì lợm khó bảo.

Liên hệ với phụ huynh để được phối hợp giáo dục không ít gia đình nói đó là trách nhiệm của nhà trường.

Nhìn cảnh trò đứng cãi tay đôi với thầy, có em còn sỗ sàng gọi thầy bằng "ông", bằng "thằng", gọi cô bằng "bà", bằng “con mẹ”. Không ít người cho rằng học trò thời nay hư hơn vì ít bị đòn roi, trách phạt như trước. 

Chẳng thế mà nhiều giáo viên nói với nhau, giáo viên bây giờ muốn tồn tại với nghề phải học chữ "nhẫn", phải biết học cách “mackeno”.

Nhưng như thế thì lương tâm nhà giáo bị cắn rứt, bất an. Thế rồi, giáo viên muốn tồn tại với nghề chỉ còn một cách duy nhất là học tính nhẫn nại, chịu đựng mà thôi.

Một số ý kiến cho rằng “Giáo dục bằng đòn roi là bất lực”. Giá tất cả chúng ta ai cũng thử trải qua một ngày làm giáo viên, vào dạy một lớp học mà có vài em học sinh cá biệt mới thấu hiểu hết những áp lực mà thầy cô thời nay đang phải chịu đựng.

Nói thế không phải để cổ xúy cho việc thầy cô dùng bạo lực với các em. Chỉ  mong muốn có được sự hợp tác chặt chẽ từ phía gia đình học sinh với nhà trường.

Sự nghiêm khắc của cha mẹ với con sẽ giúp các thầy rất nhiều trong việc dạy dỗ và giáo dục các em. Được vậy sẽ chẳng bao giờ còn xảy ra tình trạng thầy cô dùng bạo lực với học sinh của mình như thế.

Thuận Phương