Thi quốc gia: Đã đến lúc học để thi Văn

19/05/2015 05:57
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Đọc thật kỹ đề, phân thời gian từng câu hợp lý, làm dàn ý sơ lược, viết và hoàn thiện bài, thí sinh còn cần chuẩn bị tâm thế thoải mái, tự tin.

LTS: Chỉ còn ít thời gian nữa là đến kỳ thi quốc gia cho hàng triệu học trò cả nước. Các đổi mới năm nay trong cấu trúc đề thi đặt ra thách thức không nhỏ cho học trò.

Xuất phát từ điều đó, thầy giáo Nguyễn Văn Lự- một giáo viên THPT- đến từ Vĩnh Phúc đã có bài viết chia sẻ này.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Đề thi Ngữ văn 2015 rất có thể câu nào cũng mới lạ, nghĩa là không có trong bất cứ tài liệu nào, phao thi nào.

Không có phương pháp tối ưu hay thầy cô giỏi nào làm giúp hiểu giúp.

Các thí sinh cần nỗ lực dành thời giờ ôn kiến thức cơ bản và các kỹ năng, học cách viết bài tự luận, cách đối thoại đặc biệt có điều kiện, nhằm bày tỏ thuyết phục hiểu biết về vấn đề đặt ra trong đề thi.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Câu 1: đọc hiểu

Kỳ thi chung thành thử đề Ngữ văn dài đòi hỏi thí sinh năng động tư duy và biết cách làm bài tự lập. Loại dần lối học văn thuộc lòng, theo văn mẫu thể hiện trong câu hỏi đọc hiểu văn bản bất kỳ trong 8 câu hỏi nhỏ về ngữ pháp văn bản đã học ở THCS, lên THPT chủ yếu luyện tập là một mối lo lắng.

Phần lớn học sinh học khối tự nhiên và cả các lớp học văn, không biết nhiều về tạo lập văn bản và khó khăn viết câu, viết đoạn, diễn đạt và trình bày. Các tri thức về nghĩa của từ vựng, nghĩa của câu; phép tu từ; liên kết đoạn hay văn bản; đoạn văn; phong cách ngôn ngữ hay ngữ pháp…đều quan trọng, đặc biệt là việc vận dụng những tri thức đó.

Phương cách hữu hiệu bù lấp khoảng rỗng về ngữ pháp văn bản trong thời gian ngắn thật sự khó khăn không chỉ với thầy dạy trò ôn. Hiểu bản chất của quá trình đọc văn bản theo cấu trúc,   thể loại và ngữ nghĩa, từ đó nhận biết và hiểu các lớp ý nghĩa để diễn tả ý hiểu thành câu, thành đoạn. 

Trong những giờ tiếng Việt hay lý thuyết làm văn, nhà giáo rất nên thoát ly ví dụ mẫu, bài mẫu để tạo tâm thế học trò gắn với đời sống, gắn với lứa tuổi giúp các em hiểu và nhớ kiến thức bài học. Giúp đỡ học sinh từng bước hiểu bản chất ngữ pháp văn bản là cách tốt nhất để học sinh đọc hiểu bất cứ ngữ liệu nào trong đề thi.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Câu 2: Nghị luận xã hội

Thời gian dành cho câu 3 điểm này khoảng 40 phút. Viết ngắn khó hơn viết dài. Đề thi nghị luận xã hội là những vấn đề chưa có ở trong tài liệu nào, sách nào cho nên dạy ôn thi không thể dùng đề tủ văn mẫu.

Hãy bắt tay ngay vào ôn tập các kiến thức lý thuyết kiểu bài và các kỹ năng nhận thức đề, lập dàn ý. Có thể giúp học trò xây dựng khung dàn ý, tổng kết thành bảng dễ nhớ và vận dụng. Chú trọng cách viết mở bài, kết bài và tăng thời gian luyện viết trên lớp tạo tâm thế làm văn. 

Cũng nên giúp học sinh ghi nhớ và nhận diện vấn đề thuộc tư tưởng hay đạo lí, vấn đề đời sống trong văn học hay hiện tượng đời sống được dư luận quan tâm. Đưa về từng khía cạnh của đời sống hay tư tưởng, quan điểm hay đạo đức luân lí để học sinh hình dung cách hiểu, cách bày tỏ chính kiến, thái độ nhìn nhận đánh giá. 

Với thí sinh khối tự nhiên, các trò nhận thức được vấn đề nhưng không biết bắt đầu viết từ đâu, trình bày thế nào, dẫn chứng thế nào. Dạy kỹ năng làm văn theo từng thao tác sẽ đem lại cho thí sinh tự tin viết suy nghĩ thành  đoạn văn, bài văn, rồi quen dần, rồi sẽ dễ hiểu, sẽ chấp nhận được.

Lúng túng nhất, bế tắc nhất của học sinh bàn luận về vấn đề xã hội là không giải mã ý nghĩa, không hiểu đúng và trúng câu văn trích trong đề. Non yếu về tri thức tiếng Việt, học sinh dễ lạc đề hay bàn luận lung tung; không nắm được lý thuyết kiểu bài làm thí sinh viết  tràn lan, viết cho xong. 

Đề thi 2015 cần đến kiến thức tổng hợp, liên môn để luận bàn về vấn đề cuộc sống đặt ra. Định hướng học sinh đặt mình vào nhiều góc nhìn khác để kiến giải và bình luận theo cảm xúc và quan điểm cá nhân.

Yêu cầu của câu hỏi nghị luận xã hội rất coi trọng khả năng nhận thức và kỹ năng tạo lập văn bản, kỹ năng lập luận, hành văn. Hiểu đúng đã khó, viết để người đọc hiểu và đồng tình lại càng khó hơn. Hãy bắt đầu từ những vấn đề xã hội gần gũi để học sinh làm quen với việc bày tỏ ý hiểu và quan điểm như: tính tự giác, lòng khoan dung hay niềm vui của học trò

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Câu 3: Nghị luận văn học

Không có sự lựa chọn giữa văn xuôi hay thơ. Cơ cấu điểm 40 % và khá chi tiết phần nào giảm áp lực viết bài tự luận nhưng đòi hỏi rất cao về kỹ năng tư duy và diễn đạt. Đa phần thí sinh mắc lỗi về cấu trúc văn bản, chưa biết tách đoạn, chưa dùng từ, viết câu đúng và linh hoạt. Khó khăn lớn nhất vẫn là thí sinh không thực hiện đúng các thao tác tạo lập văn bản, từ định hướng xác lập vấn đề, lập dàn ý, viết và hoàn thiện. 

Nội dung các bài lý thuyết tập làm văn gần như học lướt qua, tiết viết bài trên lớp chưa hẳn nghiêm túc, bài làm ở nhà coi như văn chép. Việc chấm hình thức qua loa vô tình đã làm mất ý thức tự viết bài, thậm chí, bài chép lại hơn điểm bài tự làm. Đọc văn của trò, bất cứ ai cũng nhận ra sự ngô nghê, sáo rỗng về kiến thức văn học và non kém về diễn đạt trình bày.

Trước hết, củng cố cách đọc hiểu văn chương, bằng phương pháp tìm ngữ nghĩa của câu chữ, hiểu đúng chi tiết, hình ảnh về nghĩa sự việc, nghĩa tình thái văn cảnh. Biết tóm tắt cốt truyện, nắm chi tiết về ngoại hình, tính cách nhân vật qua nghệ thuật tự sự. 

Hãy đọc nhiều lần nhằm xác định nội dung chính tác giả hướng đến là vấn đề gì? Những biện pháp nghệ thuật khác lạ nào được sử dụng? Tưởng tượng, nhập vai và đặt tác phẩm văn học trong không gian, thời gian và cảnh huống tác giả sáng tác nhằm gợi mở cách hiểu đúng rồi hiểu sâu các lớp ý nghĩa của văn bản. 

Ôn tập cách đọc hiểu truyện, đọc hiểu thơ đã học ở lớp 11 kết hợp với các bài lý thuyết làm văn ở lớp 12 và các thao tác lập luận. Tránh hiểu suy diễn chủ quan do không đọc kỹ câu chữ, do thoát ly văn bản. Yêu cầu của đề năm nay đánh giá năng lực cảm thụ và diễn đạt nhiều hơn là phô diễn theo lối thuộc lòng. 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Không còn nhiều thời gian để ôn toàn bộ kiến thức và kỹ năng, những thầy cô giàu kinh nghiệm sẽ chọn dạy trò cách làm thế nào, căn cứ nào để hiểu đúng ngữ liệu của đề và cách diễn giải ý hiểu trong bài luận của mình.

Không ai dám tin đề Ngữ văn chính thức năm 2015 chỉ giống đề minh họa, dạng nêu 2 ý kiến về hai đoạn trích hay trong một tác phẩm. Bộ Giáo dục chỉ định hướng cấu trúc các câu hỏi, lượng kiến thức và cơ cấu điểm, nhất là yêu cầu về nội dung và kỹ năng làm văn. 

Thí sinh huy động các tri thức tổng hợp, các thao tác giải thích, phân tích, so sánh và bình luận để bày tỏ sự hiểu biết về vấn đề đặt ra của đề bài. Ôn tập các kỹ năng đọc và nhận thức đề, cách tìm ý và sắp xếp ý phù hợp; cách viết mở bài, kết bài và cách triển khai các luận điểm. 

Bí quyết làm tốt bài nghị luận văn học phụ thuộc vào việc có hiểu đúng và trúng vấn đề bàn luận hay không. Các kỹ năng vận dụng tri thức tiếng Việt, tri thức văn học và diễn đạt cảm xúc mang dấu ấn cá nhân đều được chấp nhận. Tổng kết các dạng bài nghị luận, củng cố các thao tác lập luận, tập viết đoạn văn ngắn, rèn kỹ việc dùng từ, dựng câu, viết đúng chính tả cũng rất cần thiết. 

Từ những dàn ý khung (mục ghi nhớ trong sách giáo khoa), thầy cô hướng dẫn học sinh luyện tập viết bài theo từng phần thời gian ứng với điểm số. Chữa bài và tự sửa các lỗi cũng là cách ôn tập hiệu quả cho các nhóm đối tượng học sinh.     

Sẽ không còn các đề tủ theo dạng bộ đề trước kia. Cơ cấu điểm 3 câu (3-3-4) với chỉ 01 đề chung chính thức sẽ không làm khó cho nhiều thí sinh ngại viết nhưng để đạt mức điểm khá (3/4) chẳng dễ chút nào. 

Đọc thật kỹ đề, phân thời gian từng câu hợp lý, làm dàn ý sơ lược, viết và hoàn thiện bài, thí sinh còn cần chuẩn bị tâm thế thoải mái, tự tin bày tỏ hiểu biết của mình giữa không khí nghiêm túc của phòng thi.

Đã đến lúc từ bỏ lối học Ngữ văn thầy cô hiểu thay, viết thay và văn mẫu. Học văn là học cách sống, cách làm người và còn là học cách đọc và cách hiểu, cách nói và cách viết về những giá trị đích thực của con người và cuộc sống. 

Nguyễn Văn Lự