Thứ trưởng Bộ Giáo dục lí giải điểm thi Ngoại ngữ kém

29/07/2015 07:10
Phương Thảo
(GDVN) - “Việc thay đổi chất lượng dạy học cũng không thể một sớm một chiều được, sẽ cần thời gian”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.

Nhìn vào phổ điểm môn Ngoại ngữ năm nay, khi có tới 49.715 bài thi chỉ được 3 điểm, với 49.358 bài thi đạt 2,5 điểm. Đây là chưa tính tới các cụm thi do địa phương tổ chức vì nếu tính cả mức điểm của các thí sinh này thì phổ điểm còn rơi lệch nữa về phía điểm dưới trung bình.

So với những năm qua, đây là năm mà kết quả môn Ngoại ngữ kém nhất. Đề khó hay chất lượng dạy ngoại ngữ ở trường phổ thông kém? Tất cả đều có nguyên nhân, và hệ quả trước mắt là điểm thi môn này ở mức thấp tới giật mình.

Phổ điểm môn tiếng Anh thấp nhất trong các môn bắt buộc thi quốc gia.
Phổ điểm môn tiếng Anh thấp nhất trong các môn bắt buộc thi quốc gia.

Trước sự yếu kém của môn Ngoại ngữ trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga lí giải, do môn tiếng Anh là môn bắt buộc ở phổ thông nên tất cả thí sinh phải thi. Trong số những em thi cũng có thí sinh điểm rất cao, theo thống kê của Bộ thì những thí sinh đạt trên 20 điểm khối D có thể nhiều hơn năm trước.

“Vì chúng ta thi chung trong tổng số các thí sinh (những em không có nguyện vọng học khối D cũng phải thi) nên điểm chênh lệch, những em thi vào khối D điểm cũng rất cao” ông Ga cho biết.

Theo ông Ga, việc có những thí sinh điểm thi tiếng Anh cao chứng tỏ các em đầu tư rất tốt cho khối của mình.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, hiện nay Bộ đang thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020, chúng ta đã thay đổi cách dạy ngoại ngữ, tăng cường chất lượng ngoại ngữ vì ngoại ngữ là môn học không thể thiếu trong quá trình hội nhập.

Ông Ga nhận định, đây là môn rất cần thiết cho học sinh, cuối năm 2015 Việt Nam hội nhập với Asean thì lao động trong nước có thể dịch chuyển sang các nước khác trong khối. Do đó Bộ cũng thấy được tầm quan trọng của Đề án Ngoại ngữ 2020.

“Tất nhiên, việc thay đổi chất lượng dạy học cũng không thể một sớm một chiều được, sẽ cần thời gian. Hiện chúng ta đang đi đúng hướng, tức là bồi dưỡng chất lượng giáo dục, thay đổi phương pháp giảng dạy, các năm tới sẽ có cải thiện” ông Ga cho biết. 

Năm nay, ngưỡng điểm vào đại học là 15,0 điểm đối với tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn thi (không nhân hệ số môn chính). 

Với mức điểm này, có 531.182 thí sinh có ít nhất một tổ hợp với tổng điểm bằng hoặc cao hơn 15,0 điểm. 

So với chỉ tiêu tuyển sinh đại học, số thí sinh này nhiều gấp 1,52 lần. Với mức ngưỡng tối thiểu này còn khoảng 27% thí sinh đăng ký dự thi để xét tuyển đại học, cao đẳng không đạt ngưỡng để xét tuyển vào các trường đại học.

Phương Thảo