Đó là chia sẻ của cô Hoàng Thị Hiếu (giáo viên Trường tiểu học mầm non Hoa Phong Ba, Làng Thanh Niên, Huyện đảo Cồn Cỏ, Tỉnh Quảng Trị) là một trong 42 giáo viên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2016.
Gần 10 năm gắn bó với trẻ trên đảo, cô Hiếu thương cảm với cuộc sống của các em học trò chịu nhiều thiệt thòi nên mặc dù, gia đình vào đất liền nhưng cô vẫn hàng ngày ở lại đảo Cồn Cỏ (cách nhà 30km) để chăm sóc, dạy dỗ học trò.
Cô giáo Hoàng Thị Hiếu truyền dạy con chữ đầu tiên cho nhiều trẻ nhỏ trên đảo Cồn Cỏ. Ảnh: Xuân Tùng/Báo Tiền phong |
Cô Hiếu cho hay, thông thường, một tuần mới có một chuyến tàu ra đảo, mùa đông thì còn phụ thuộc vào thời tiết.
Nếu có việc cần thì nhờ tàu cảnh sát biển để đi nhờ nhưng vì sóng to gió lớn, không phải lúc nào muốn vào đất liền cũng được.
Thế mới hiểu được nỗi vất vả của các cô trên đảo và sự cách trở với gia đình trên đất liền.
Với các thầy cô, đảo đã là nhà, học trò, nhân dân và chiến sĩ là gia đình lớn |
Nhớ như in ngày nhận quyết định công tác tại đảo Cồn Cỏ vào năm 2008, cô Hiếu kể lại, khi đó trước mắt là hình ảnh đảo đầy hoang sơ, lạ lẫm nên đã tự đặt câu hỏi với chính mình:
“Cuộc sống hiện đại nhiều người tìm đến nơi phồn hoa đô hội, có điều kiện tốt nhất để sống và làm việc, sao mình lại chọn con đường ra đảo nhỏ thân yêu này phương tiện đi lại khó khăn, xa gia đình, 4 bề đều là tiếng sóng vỗ?”.
Nhưng ngay lập tức, cô giáo trẻ (sinh năm 1987) đã tự nhủ với bản thân rằng:
“Ở đảo cũng như ở đất liền, ở đâu cũng là nhà, các cháu nhỏ ở đào còn chịu nhiều thiệt thòi hơn mình thì cớ sao mình lại không dạy cái chữ để các cháu luôn nở nụ cười, vui tươi”.
Chính điều này đã là động lực để cô Hiếu vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để đồng hành cùng học trò nơi đây ngần ấy thời gian truyền đạt kiến thức cho các cháu với mong muốn khi các cháu có cơ hội vào đất liền yên tâm học tập.
Chia sẻ thêm, cô Hiếu cho hay, dù cuộc sống khó khăn là vậy nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo, cơ quan đơn vị, tạo niềm tin cho bản thân cô cũng như thanh niên tình nguyện xa đảo phục vụ lập nghiệp, an tâm sinh sống và làm việc.
Cô giáo 30 năm ngoài đảo kể chuyện quà tết là gói mì chính, chai nước mắm |
Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hiếu kể, ngoài đảo đi lại khó khăn, mặc dù các cô cũng có trồng rau trên đảo tuy nhiên hầu hết mọi điều kiện sinh hoạt phục vụ ăn uống thì đều gửi tàu đi từ đất liền vào.
Khi hỏi về thưởng tết của giáo viên nơi cô công tác, cô Hiếu nói: “Dịp Tết đến Xuân về, chúng tôi được công đoàn nhà trường tặng 1 gói quà (bao gồm: mứt, kẹo, trà) và được nhà trường hỗ trợ 500.000 đồng tiền vé xe cộ để về đoàn tụ với gia đình chứ không phải “thưởng tết”.
Hơn nữa, người dân và học sinh ở đây còn nghèo lắm, lấy gì mà thưởng hay làm quà”.
Câu chuyện về cô giáo Hoàng Thị Hiếu cũng là thực tế ở nhiều trường học, điểm trường ở vùng đảo.
Chính tình yêu trẻ của các thầy cô đã tiếp thêm sức mạnh để mang cái chữ, tiếng hát đến với các cháu nơi đảo Cồn Cỏ và khi tết đến, được trở về với gia đình, với quê hương trong những ngày tết ngắn ngủi chính là phần thưởng lớn nhất.