Hi sinh tuổi thanh xuân để ra đảo "truyền lửa"
Cô Nguyễn Thị Bích Thủy (sinh năm 1967) sinh ra và lớn lên tại một gia đình nghèo hiếu học tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 1987, sau đó, cô Thủy xuống Kiên Giang học khóa sư phạm cấp và ra trường công tác tại xã đảo Lại Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang cho đến nay.
Quyết định ra đảo công tác của cô gái trẻ hồi đó gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của gia đình.
“Ngày tôi đi, bố mẹ khóc nức nở, mong tôi nghĩ lại. Nhưng tôi vẫn kiên định…”, cô Thủy kể lại.
Cô Nguyễn Thị Bích Thủy hiện đang công tác tại Trường Tiểu học Lại Sơn (huyện Kiên Hải, Kiên Giang) (Ảnh: Đăng Lương) |
Tình nguyện ra đảo, biết là sẽ nhiều khó khăn đang chờ phía trước, nhưng cô nữ sinh mới ra trường ấy vẫn không khỏi choáng váng vì những thiếu thốn nơi biển khơi.
Quanh đảo là đường đất đầy sỏi đá, những vách núi cheo leo. Điện không có, nước vô cùng thiếu. Giáo viên không có giường để nằm. Chỗ ngủ của các cô chính là bàn ghế.
Sống và làm việc trong điều kiện khắc nghiệt như thế nhiều người không thể chịu được đã rời bỏ về với đất liền nhưng cô giáo trẻ Bích Thủy vẫn quyết tâm bám trụ Lại Sơn.
Bởi theo cô, mỗi lần chùn bước, những ánh mắt học trò ngây thơ ở đây, sự nghèo khó và thiệt thòi của các em lại hiện lên trước mắt, thôi thúc cô phải bù đắp phần nào.
Cứ như thế, lòng yêu nghề và tình yêu với trẻ đã khiến cô giáo trẻ ấy cứ mải mê với hết thế hệ học trò này đến lứa học trò khác trên đảo Lại Sơn.
Không hiểu sao mình có thể vượt qua
“30 năm trôi qua, biết bao thăng trầm trong nghề nghiệp và cũng biết bao thế hệ học trò đã lớn lên và trưởng thành, nhiều khi nghĩ về những năm tháng đã qua, tôi cũng không hiểu sao mình có thể vượt qua một cách rất nhẹ nhàng.” cô Thủy vui vẻ tâm sự.
Cô Thủy nhớ lại: Những năm 1987, 1988… khi đó giáo viên thiếu trầm trọng, ngày dạy 2 lớp, cô Thủy đến dạy xóa mù chữ cho các em và những ngư dân chưa biết chữ trên địa bàn xã đảo.
Biển cả và học trò, những câu chuyện tình người gây xúc động(GDVN) - Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, thầy giáo Lê Xuân Quyết (sinh năm 1990) nhiều lần “gõ cửa” Sở GD&ĐT để được dạy học ở Trường Sa. |
Khi đó, ngoài công tác giảng dạy thì cô giáo trẻ này còn được lãnh đạo trường phân công làm công tác Đoàn thanh niên và công tác Tổng phụ trách Đội, hai tuần lễ đi sinh hoạt ở điểm lẻ 1 lần.
Mỗi lần đi công tác ở điểm lẻ, cô thường trèo qua núi trong thời gian 3 đến 4 tiếng đồng hồ mới tới nơi.
Trong một năm có khoảng 4-5 tháng mùa biển động, từ đất liền đi ra đảo có lần đi bị chìm xuồng.
“Mà ngày đó, hầu hết người dân ở đảo sống bằng nghề đánh bắt hải sản, các em đến tuổi đi học lại thường xuyên theo bố mẹ đi biển nên sĩ số lớp học thường không ổn định.
Nhưng với cái tâm của người thầy, bản thân chúng tôi cũng thường xuyên đến vận động các em quay trở lại trường lớp. Ban ngày tôi dạy học cho học sinh ở trường.
Đến tối, tôi dạy xóa mù chữ cho các em và ngư dân chưa biết chữ trên địa bàn xã đảo Lại Sơn, dạy ở các lớp học tình thương, tình nghĩa.
Cứ như thế tình cảm với các học trò, với biển đảo quê hương cũng lớn dần theo năm tháng, cứ thế gắn bó với các em học sinh. Và tôi xác định nghề dạy học của mình cho đến hết cuộc đời trên xã đảo này” - cô Thủy chia sẻ.
Với những cống hiến không mệt mỏi, cô Nguyễn Thị Bích Thủy được chọn là một trong 42 gương mặt giáo viên tiêu biểu nhất được vinh danh trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016.
Cô cũng là nhà giáo có số năm bám đảo nhiều nhất, với 29 năm, trong tất cả 42 giáo viên được tuyên dương năm nay.