Tỉnh Cà Mau yêu cầu làm rõ phản ánh thu chi ở Trường Phan Bội Châu

22/05/2017 09:21
Bài và ảnh: Ngọc Huỳnh
(GDVN) - Sở Thông tin Truyền thông Cà Mau vừa có công văn đề nghị xác minh, làm rõ thông tin phản ánh của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam để làm cơ sở báo cáo Tỉnh ủy...

Liên quan đến thông tin bài phản ánh về nhiều khoảng thu, chi gây bức xúc tại Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu (Phường 4, Thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau), Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Đen đã ký ban hành Công văn số 370.

Theo nội dung Công văn trên, Sở này đề nghị Uỷ ban Nhân dân Thành phố Cà Mau chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra xác minh, làm rõ nội dung của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, khẳng định nội dung nào đúng, nội dung nào sai và phải có báo cáo bằng văn bản gửi về Sở Thông tin – Truyền thông để sở làm cơ sở báo cáo Tỉnh ủy, Uỷ ban Nhân dân tỉnh… 

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, thời gian qua, dư luận tại Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu bức phản ánh về việc bà Tạ Thị Huế (Hiệu trưởng nhà trường) đã đưa ra nhiều khoản thu cao hơn mức bình thường, nhiều khoản chi không rõ ràng và có phần nghiêng về lợi ích của cá nhân bà, dẫn đến gây bức xúc.

Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu, nơi có nhiều giáo viên, phụ huynh bức xúc về các khoản thu, chi của nhà trường.
Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu, nơi có nhiều giáo viên, phụ huynh bức xúc về các khoản thu, chi của nhà trường.

Theo phản ánh cho thấy, giá của một cuốn học bạ tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau chỉ bán với giá 5.000 đồng/cuốn (đối với loại bạ theo hình thức trường hoc kiểu mới’ có cao hơn nhưng không nhiều - PV), nhưng trường lại thu của học sinh đến 15.000 đồng/cuốn; 

Giá photo theo giá thị trường tại Cà Mau chỉ khoảng 200 đồng/trang A4, trong khi nhà trường tính 500 đồng/trang A4; lệ phí kiểm tra học kỳ các trường khác chỉ khoảng 8.000-10.000 đồng, trường này thu đến 15.000 đồng… 

Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu còn trích 5% trong khoản 75% của giáo viên trực tiếp giảng dạy chia cho các giáo viên chủ nhiệm, dẫn đến số tiền thực tế chi cho các giáo viên trực tiếp đứng lớp chỉ còn 70%; 

Để dành chọn khoản 10% (tổ chức - quản lý) chia cho bản thân Hiệu trưởng, kế toán, thủ quỹ; đồng thời trích một phần chia cho bảo vệ và tạp vụ… 

Trong đó, Hiệu trưởng hưởng khoảng 6 triệu đồng; kế toán và thủ quỹ mỗi người trên 3 triệu đồng…

Trong khi đó, theo quy định thì tỷ lệ chi tiền học được chi thù lao cho giáo viên trực tiếp giảng dạy 75%; chi công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường 10%; hỗ trợ tiền điện, nước, vệ sinh và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm 15%. 

Đặc biệt, Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu còn dùng tiền trong khoản 15% hỗ trợ điện, nước, vệ sinh và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm để mua máy điều hòa trong phòng làm việc của Hiệu trưởng, rồi mua màng che cho khu hành chính của nhà trường,… 

Trước đây, khi trả lời báo chí xung quanh các vấn đề trên, bà Tạ Thị Huế (Hiệu trưởng) cho rằng, việc thu tiền photo của học sinh là để “bồi dưỡng” cho người chỉnh sữa đề cương; 

Việc thu tiền học bạ cao hơn ở sở là để chi cho người trực tiếp đi mua và cho giáo viên quản lý, ghi học bạ; còn vấn đề thu, chi Hiệu trưởng nhận định là vấn đề “tế nhị” nên không thông tin trên báo chí…

Mặc dù Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước có quy định rất cụ thể, nhưng với lý do có sự thống nhất của nhà trường, cơ quan chức năng kết luận việc dùng máy photo của nhà trường photo tài liệu cho học sinh (có thu tiền) là đúng, dẫn đến gây bức xúc.
Mặc dù Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước có quy định rất cụ thể, nhưng với lý do có sự thống nhất của nhà trường, cơ quan chức năng kết luận việc dùng máy photo của nhà trường photo tài liệu cho học sinh (có thu tiền) là đúng, dẫn đến gây bức xúc.

Theo nguồn tin của phóng viên được biết, trước đây cũng đã từng có giáo viên tố cáo Hiệu trưởng với nhiều nội dung.

Trong đó có việc lợi dụng danh nghĩa nhà trường để hoạt động kinh doanh máy photo không lành mạng, có thu tiền của học sinh nhưng chi phí sữa chữa, bảo trì máy thì lạm chi vào ngân sách…

Tuy nhiên, sau khi vào cuộc xác minh, Thanh tra Nhà nước Thành phố Cà Mau đưa ra lý do “Trước khi thực hiện, cô Huế (Hiệu trưởng) có hợp toàn thể giáo viên thông qua nội dung trên, được sự thống nhất rồi mới thực hiện. 

Việc thu, chi có mở sổ sách rõ ràng và thực hiện đúng đúng quy định”, từ đó kết luận, việc làm của hiệu trưởng là đúng, nội dung tố cáo của giáo viên là sai.

Kho bạc Nhà nước yêu cầu khi thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có tài khoản gửi tại ngân hàng phải chuyển khoản nhưng khi photo bài kiểm tra chỉ thu tiền mặt, chính vì vậy trường không thể tách riêng để thanh toán. 

Bên cạnh đó chi phí sửa chữa máy photo do đơn vị cung cấp không ràng buộc hình thức thanh toán nên trường đã cân đối từ nguồn ngân sách và nguồn quỹ photo để thanh toán…”, Thanh tra “giải thích” về việc dùng máy photo của nhà trường photo đề cương thu tiền học sinh nhưng dùng tiền ngân sách sửa chữa... 

Khi biết được kết luận nói trên, một số giáo viên cho rằng, Thanh tra Thành phố Cà Mau đã nhìn nhận vấn đề bằng phương pháp “cảm nhận” và “lập luận”, dựa trên những chứng cứ có lợi cho Hiệu trưởng rồi kết luận nội dung tố cáo của giáo viên là “sai” mà không hề đưa ra một quy định cụ thể là rất khó thiết phục. 

Công văn của Sở Thông tin và Truyền thông Cà Mau đề nghị xác minh, báo cáo liên quan đến thông tin mà báo Dân trí phản ánh.
Công văn của Sở Thông tin và Truyền thông Cà Mau đề nghị xác minh, báo cáo liên quan đến thông tin mà báo Dân trí phản ánh.

Bởi, tại các Điều 2, Điều 4, Điều 5 và Điều 6 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008 qui định: Tài sản nhà nước phải được sử dụng đúng mục đích, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm… 

Cụ thể, các quy định trên nêu rõ: Đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước phải sử dụng tài sản nhà nước phục vụ hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao; 

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý; 

Nghiêm cấm các hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; sử dụng tài sản nhà nước để kinh doanh trái pháp luật… 

Mới đây, sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải nội dung phản ánh nói trên, nhiều giáo viên, phụ huynh bức xúc, gọi điện thoại, gửi email phản ánh thêm nhiều việc làm gây bức xúc của trường này. 

Các giáo viên, phụ huynh phản ánh, theo quy định, nhà trường có thể thỏa thuận với cha mẹ học sinh về mức thu dạy thêm, học thêm nhưng mỗi môn không quá mức quy định là mức lương cơ bản x 0,06/học sinh/tháng (tức theo quy định thì mỗi tiết không quá 3.600 đồng – Phóng viên).

Tuy nhiên, nhà trường lại thu mỗi em 250.000 đồng/tháng, trong khi mỗi tháng dạy thêm chỉ 36 tiết học thì các em phải đóng mỗi tiết gần 7.000 đồng (250.000 : 36 = 6,95 ngàn đồng), gần gấp đôi so với quy định.

Đặc biệt, đối với khối 6 và khối 7 thuộc mô hình trường học mới, thời khóa biểu chỉ có 4 môn học (Văn, Toán, Tiếng Anh và môn Khoa học tự nhiên); trong đó môn học khoa học tự nhiên (Lý, Hóa) chỉ dạy 1 tiết/tuần (dạy xen nhau hàng tuần).

Nhưng khi thu tiền trường lại tính thành 2 môn học Lý-Hóa với mức thu 100.000 đồng/tháng, tức nhà trường đã tính thành 5 môn học (Văn, Toán, Tiếng Anh, Lý, Hóa); trong khi theo quy định ở trường học ‘kiểu mới” thì môn Lý và Hóa được gộp thành môn Khoa học tự nhiên…

Ngoài ra, vào tháng cuối năm học này, trường nghỉ lễ đến 3 ngày học (thứ 7, thứ 2, thứ 3; mỗi ngày học 2 buổi) không dạy bù, nhưng trường không trả lại tiền học thêm cho các em… 

Một giáo viên tiết lộ, tại cuộc họp Hội đồng nhà trường mới đây, giáo viên đưa ra nội dung các em học sinh và phụ huynh phản ánh về việc không dạy bù vào các ngày nghỉ lễ nói trên nhưng vẫn thu tiền của các em thì Hiệu trưởng giải thích cho rằng, tại cuộc họp lãnh đạo mở rộng, trường đã tính đến chuyện đó rồi, nhưng lỡ thu rồi, khó tính chi li ra tiết, chia ra để thu rất khó…?  

“Tôi thấy nực cười khi Hiệu trưởng khó tính chi li số tiền ra tiết, bởi học sinh vẫn biết mình nghỉ bao nhiêu tiết, mỗi tiết bao nhiêu tiền; chẳng lẽ nhà trường không tính được”, một giáo viên nhận định. 

Bài và ảnh: Ngọc Huỳnh