Trong bài "Tổng chủ biên nói gì về tham gia viết sách giáo khoa trước khi có chương trình?" ngày 1/6, Báo VietnamNet đặt câu hỏi với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết:
"Có quy định cụ thể nào về việc người biên soạn chương trình được viết sách giáo khoa không thưa ông?"
Trả lời “loanh quanh”
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trả lời câu hỏi trên của Báo VietnamNet rằng:
"Trên cơ sở bàn bạc, thống nhất với đối tác là Ngân hàng Thế giới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Quyết định số 2445 ngày 19/7/2016 ban hành Sổ tay thực hiện Dự án (Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông).
Sổ tay thực hiện Dự án quy định:
“Các thành viên Ban phát triển chương trình tổng thể và Ban phát triển chương trình môn học trong thời gian thực hiện hợp đồng các công việc của Ban phát triển chương trình tổng thể (42 tháng) và Ban phát triển chương trình môn học (16 tháng) không được tham gia biên soạn sách giáo khoa;
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trên cương vị Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ảnh: Xuân Trung. |
Sau khi kết thúc hợp đồng, các thành viên này có thể tham gia biên soạn sách giáo khoa (do Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc do tổ chức, cá nhân khác tổ chức biên soạn) và cũng có thể tham gia hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa nếu không tham gia biên soạn sách giáo khoa đó.”
Khi triển khai, 18 thành viên Ban phát triển chương trình tổng thể đã ký với Dự án hợp đồng giai đoạn 1 (18 tháng).
Tới nay, kết thúc giai đoạn 1, các ban phát triển chương trình đã hoàn thành chương trình, báo cáo các hội đồng thẩm định. Sau giai đoạn 1, Dự án sẽ xem xét nguyện vọng và năng lực để ký tiếp hợp đồng giai đoạn 2 (24 tháng).
Những ai có nguyện vọng và sẽ được ký hợp đồng tiếp, nội dung công việc như thế nào, tôi chưa được rõ.
Nhưng có điều rõ nhất là tôi và các thành viên khác của Ban soạn thảo chương trình đã hoàn thành nhiệm vụ, không còn là thành viên Ban phát triển chương trình tổng thể hay Ban phát triển chương trình môn học nữa." [1]
Ngày 2/6, Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi với Tổng chủ biên: "Theo ông thì người biên soạn chương trình có được tham gia viết sách không?"
Báo cáo của Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) do ông Ngô Trần Ái trình bày trước Đoàn giám sát ngày 7/5 nêu đích danh Tổng chủ biên, 2 Chủ biên chương trình môn học đang là tác giả viết sách giáo khoa cho VEPIC. Ảnh: GDVN. |
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trả lời với khẳng định chắc chắn:
"Không có quy định nào cấm người biên soạn chương trình viết sách giáo khoa sau khi đã hoàn thành công việc biên soạn chương trình.
Thậm chí người biên soạn chương trình tham gia viết sách sẽ có thuận lợi vì hiểu chương trình thì viết sẽ tốt hơn. Dĩ nhiên là họ phải được các tổ chức biên soạn sách giáo khoa mời.
Tác giả viết sách giáo khoa không thể là thành viên của hội đồng thẩm định sách giáo khoa." [2]
Trong bài viết trước, "Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết và ông Ngô Trần Ái, ai trung thực?", chúng tôi đã nêu ra những câu hỏi rất rõ ràng và cụ thể với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết;
Nhưng đến giờ này, chúng tôi chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng nào kể cả trực tiếp, hay gián tiếp (như cách Giáo sư trả lời các báo khác).
Ở bài viết này, chúng tôi không bình luận về cách "trả lời loanh quanh mãi" của Tổng chủ biên, như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã từng nhận xét phần trả lời "mấy câu hỏi đơn giản" Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận tháng 11/2015.
Chúng tôi chờ đợi câu trả lời thẳng thắn, trung thực từ quý thầy tham gia ban phát triển chương trình có tên trong danh sách tác giả viết sách giáo khoa cho VEPIC tính đến tháng 5/2018 (46/56 vị);
Trong thời gian này, chúng tôi xin phân tích một số mâu thuẫn trong phần lên tiếng của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết mà chúng tôi vừa dẫn trên đây.
Xung đột lợi ích khi Tổng chủ biên, Chủ biên tham gia viết sách giáo khoa
Dường như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có sự hiểu lầm quy định tại Điểm f (trang số 9) thuộc Mục II "Nguyên tắc chung thực hiện dự án" của Sổ tay thực hiện Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP).
Báo cáo của ông Ngô Trần Ái thách thức uy tín, liêm chính của Tổng chủ biên |
Theo chúng tôi hiểu, 18 thành viên ban phát triển chương trình tổng thể (Sổ tay dự án RGEP gọi là Hội đồng kỹ thuật chính), bao gồm Tổng chủ biên (Sổ tay dự án RGEP gọi là CTO) và Chủ biên chương trình môn học cần phải:
"Tránh xung đột lợi ích đối với một nhóm người (Hội đồng kỹ thuật chính - CTC) vừa tham gia xây dựng chương trình, vừa biên soạn sách giáo khoa."
Chỉ có "các thành viên Hội đồng kỹ thuật môn học (SSTC), một khi họ đã hoàn thành công việc do Hội đồng kỹ thuật chính (CTC) giao, họ có thể tham gia biên soạn sách giáo khoa (do Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc do tổ chức, cá nhân khác tổ chức biên soạn)."
Nói cách khác, 18 thành viên Hội đồng kỹ thuật chính (Giáo sư Thuyết gọi là ban phát triển chương trình tổng thể) gồm Tổng chủ biên và các Chủ biên chương trình môn học không được phép tham gia viết sách giáo khoa cho bất kỳ đơn vị nào để tránh xung đột lợi ích.
Hơn nữa, một trong những chức năng nhiệm vụ của CTO (Tổng chủ biên) theo Sổ tay Dự án GREP là:
"Báo cáo trực tiếp Thứ trưởng phụ trách Dự án và Bộ trưởng, đồng thời xin tham vấn thêm từ Hội đồng tư vấn quốc tế và các chuyên gia trong nước để tuyển dụng, và hỗ trợ cho quy trình tuyển chọn" các thành viên Hội đồng kỹ thuật chính, Hội đồng kỹ thuật môn học và tành viên Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa.
Như vậy, quyền lợi và trách nhiệm của Tổng chủ biên lớn lắm, vừa có quyền chọn các Chủ biên, các thành viên hội đồng kỹ thuật môn học, vừa có vai trò rất lớn với hoạt động tuyển dụng Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình sách giáo khoa.
Với chức năng, nhiệm vụ này, làm sao Tổng chủ biên có thể đi viết sách giáo khoa cho một tổ chức, cá nhân nào, ngay cả khi "hết hợp đồng"?
Chỉ các thành viên Hội đồng kỹ thuật môn học trừ Chủ biên, mới được phép tham gia viết sách giáo khoa "sau khi hoàn thành công việc do Hội đồng kỹ thuật chính giao."
Do đó, câu trả lời của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trên Báo VietnamNet dường như có ý đánh đồng thẩm quyền viết sách giáo khoa của Hội đồng kỹ thuật chính với Hội đồng kỹ thuật môn học.
2 cuốn Tiếng Việt lớp 1 tập 1, Tiếng Việt lớp 1 tập 2 mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết là tổng chủ biên kiêm chủ biên biên soạn cho VEPIC được viết từ tháng 9/2017 (thời gian Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đang là Tổng chủ biên theo hợp đồng với Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông), nếu chiểu theo Công văn số 09/CV-VEPIC mà ông Ngô Trần Ái ký, báo cáo Đoàn giám sát. Ảnh: GDVN. |
Trong khi Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên chương trình môn Toán - Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình môn Khoa học tự nhiên Mai Sỹ Tuấn nằm trong 46/56 thành viên ban phát triển chương trình (tổng thể, môn học) được ông Ngô Trần Ái báo cáo với Quốc hội:
Đây là những tác giả đang viết sách giáo khoa cho VEPIC (sách viết từ tháng 9/2017 đến tháng 5/2018).
Và rõ ràng theo báo cáo của ông Ngô Trần Ái với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, thì quý thầy vừa làm chương trình cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho dự án, vừa viết sách giáo khoa cho VEPIC, mà quý thầy chưa chứng minh được điều ngược lại.
Câu trả lời của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trên Báo Tuổi Trẻ chúng tôi nêu ra phía trên càng cho thấy, dường như Tổng chủ biên chưa nắm rõ tinh thần "Nguyên tắc chung thực hiện dự án" của Sổ tay thực hiện Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông.
Chúng tôi đã phân tích điều này trong bài "Báo cáo của ông Ngô Trần Ái thách thức uy tín, liêm chính của Tổng chủ biên".
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có còn là Tổng chủ biên? Hoàn thành nhiệm vụ có đồng nghĩa với "hết trách nhiệm"?
Chúng tôi khá bất ngờ với khẳng định của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trên Báo VietnamNet ngày 1/6, rằng:
"Nhưng có điều rõ nhất là tôi và các thành viên khác của Ban soạn thảo chương trình đã hoàn thành nhiệm vụ, không còn là thành viên Ban phát triển chương trình tổng thể hay Ban phát triển chương trình môn học nữa."
Đã và đang có “cuộc vận động chỉ định thầu” bộ sách giáo khoa mới? |
Giải thích của Giáo sư là: "18 thành viên Ban phát triển chương trình tổng thể đã ký với Dự án hợp đồng giai đoạn 1 (18 tháng). Tới nay, kết thúc giai đoạn 1".
Ngày 13/4/2018, Trung tâm Truyền thông giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo dẫn lời Tổng chủ biên Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết:
"Thủ tục để bổ nhiệm các thành viên trong Ban Phát triển Chương trình cũng không diễn ra nhanh chóng. Danh sách ứng viên phải được lọc và gửi sang Ngân hàng thế giới để hiệp y.
Mãi đến ngày 8/12/2016 mới có thư của Ngân hàng Thế giới chấp thuận Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông; cuối tháng 12/2016 mới có quyết định bổ nhiệm.
Và cho đến ngày 14/3/2017 vừa rồi (cách đây vừa 1 tháng) mới có thư của Ngân hàng Thế giới chấp thuận thành viên các Ban Phát triển Chương trình môn học." [3]
Chúng tôi không thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai quyết định bổ nhiệm Tổng chủ biên, nên không rõ thời hạn hợp đồng của ông Nguyễn Minh Thuyết với Dự án là từ khi nào.
Cứ theo lời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết thì cuối tháng 12/2016 mới có quyết định bổ nhiệm, và giả sử ngày quyết định bổ nhiệm chính là ngày bắt đầu hợp đồng 18 tháng, thì cuối tháng 5/2018 Giáo sư hết hạn hợp đồng Tổng chủ biên.
Nhưng thầy Nguyễn Minh Thuyết trả lời Báo Tuổi trẻ ngày 1/6, Báo VietnamNet ngày 2/6 đều trên cương vị Tổng chủ biên.
Ngày 2/6 Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết vẫn tham dự sự kiện "Tọa đàm về cách thiết kế, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông" do Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn phối hợp thực hiện cùng SACE College Vietnam tổ chức. [4]
Ông Ngô Trần Ái giới thiệu với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bộ bản thảo sách giáo khoa lớp 1 của VEPIC được biên soạn từ tháng 9/2017, bao gồm 2 cuốn do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng chủ biên kiêm chủ biên, ảnh: GDVN. |
Nhưng ngay cả khi kết thúc hợp đồng giai đoạn 1 và không ký tiếp hợp đồng giai đoạn 2 làm Tổng chủ biên, liệu Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có chịu trách nhiệm với những gì ông đã làm trên cương vị Tổng chủ biên và trong thời gian đảm nhiệm chức vụ này?
Trong bài "Sẽ có nhiều đề án "34 nghìn tỷ đồng" nữa!" trả lời phỏng vấn báo An ninh Thủ đô ngày 23/4/2014 Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói thế này:
"Cá nhân lãnh đạo có thể thay đổi nhưng quản lý nhà nước là liên tục. Mình xây dựng đề án 10 năm chẳng hạn, thì các thế hệ lãnh đạo khác nhau vào gánh vác kế tục thôi.
Cũng không có cách nào khác, người chịu trách nhiệm là cả người đề xuất đề án lẫn người kế tục. Bởi người kế tục nếu thấy không ổn thì sẽ phải điều chỉnh.
Tuy nhiên, ở nước mình trước nay chả mấy ai phải chịu trách nhiệm về những quyết định sai cả, ngay cả ông đương nhiệm còn chả chịu trách nhiệm nữa là ông về hưu!" [5]
Chúng tôi tin những lời nhận xét trên An ninh Thủ đô của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết là lời nói thật lòng.
Giáo sư cũng đã từng không ngại va chạm khi lên tiếng phê phán "trí thức chùm chăn" [6], đồng thời xiển dương lòng khảng khái, tự trọng của người trí thức khi nhắc lại lời người xưa:
"Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất" (nghĩa là: giàu sang không làm hư hỏng, nghèo khó không khiến đổi lòng, quyền uy không khuất phục nổi). [7]
Bởi vậy, chúng tôi hy vọng rằng, với sự cương trực, thẳng thắn, trách nhiệm Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã thể hiện trên nghị trường Quốc hội, ông sẽ không rơi vào số "chả mấy ai chịu trách nhiệm" trong cương vị Tổng chủ biên.
Nguồn:
[1]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-da-duoc-tham-dinh-454315.html
[2]https://tuoitre.vn/tham-dinh-chuong-trinh-viet-sach-giao-khoa-con-nhieu-viec-de-lo-20180602101332807.htm
[3]https://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=4617
[4]https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/giao-duc-40/toa-dam-ve-cach-thiet-ke-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-3757859.html
[5]http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/se-co-nhieu-de-an-34-nghin-ty-dong-nua/547764.antd
[6]http://kienthuc.net.vn/dien-dan/gs-nguyen-minh-thuyet-noi-ve-tri-thuc-trum-chan-112233.html
[7]http://tiasang.com.vn/-dien-dan/tri-thuc-va-mot-vai-dac-diem-cua-tri-thuc-3338