Trường học không còn là nơi an toàn với nhiều học sinh

21/12/2016 06:51
Thùy Linh
(GDVN) - Theo báo cáo của Viện Y - Xã hội và Plan chỉ ra rằng, chỉ có 16% học sinh nữ và 19% học sinh nam cảm thấy luôn an toàn trong trường học.

Bạo lực học đường là vấn đề nóng nhất ở các trường phổ thông

Theo báo cáo nghiên cứu được Bộ GD&ĐT kết hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố ngày 20/12, thì bạo lực học đường là một trong những vấn đề nóng nhất của trường học phổ thông hiện nay.

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, năm học 2012-2013, có khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau (khoảng 5 ngày/1 vụ).

Cứ khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau, cứ khoảng 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau, trung bình 9 trường thì có học sinh đánh nhau.

Một kết quả nghiên cứu của Viện Y - Xã hội thực hiện năm 2014 trên 3.000 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Hà Nội cho thấy một thực trạng báo động hơn của bạo lực học đường: 80% học sinh cho biết từ trước đến nay đã bị bạo lực giới trong trường học ít nhất một lần; 71% học sinh bị bạo lực học đường trong vòng 6 tháng trước đó.

Trong đó, 73% học sinh bị bạo lực tinh thần (mắng chửi, đe dọa, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục…), 41% bạo lực thể chất và 19% bị bạo lực tình dục.

Trường học không còn là nơi an toàn với nhiều học sinh (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Trường học không còn là nơi an toàn với nhiều học sinh (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Đặc biệt, bạo lực học đường có xu hướng gia tăng về số lượng và mức độ trong học sinh nữa. Đa số những nữ sinh từng có hành vi bạo lực cho rằng bạo lực học đường là "bình thường" và "chấp nhận được".

Bạo lực không chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh mà còn xảy ra giữa giáo viên với học sinh khi thầy cô vẫn được coi là "cha mẹ" với quyền lực lớn, là trung tâm của trường học. Đôi khi có hành vi bạo lực ngược lại từ học sinh đối với thầy cô giáo.

Hơn nữa, những hình phạt vốn dĩ tồn tại như một yếu tố không thể thiếu trong hệ thống trường học và gia đình như: phê bình trước lớp, làm bản kiểm điểm, mời phụ huynh… đang tạo ra những khoảng cách giữa học sinh và thầy cô giáo. 

Chính vì thế, trường học không còn là nơi an toàn với một bộ phận học sinh. Báo cáo của Viện Y - Xã hội và Plan chỉ ra rằng, chỉ có 16% học sinh nữ và 19% học sinh nam cảm thấy luôn an toàn trong trường học.

Chương trình học đang tạo căng thẳng cho học sinh

Một vấn đề đáng lưu ý trong trường học hiện nay là sự thiếu phù hợp của chương trình học tạo ra áp lực học tập căng thẳng cho học sinh. 

Con số 45.962 học sinh trung học cơ sở và 23.758 học sinh trung học phổ thông lưu ban trong năm học 2014-2015 và 42.698 và 19.281 học sinh tương tự của hai cấp học lưu ban trong năm học 2015-2016. 

Trong các cuộc tham vấn tại Đồng Tháp và TP.Hồ Chí Minh, nhiều giáo viên cũng lý giải tác động của chương trình học đối với nhiều vấn đề của học sinh.

Rõ ràng, khi chương trình học căng thẳng, học sinh không theo kịp sẽ dẫn đến việc chán học, các hành vi chống đối trong trường, hoặc đẩy trẻ em đến các tệ nạn xã hội khác.

Trường học không còn là nơi an toàn với nhiều học sinh ảnh 2

Bất ổn văn hóa học đường chủ yếu do đứt dây liên kết nhà trường-gia đình

(GDVN) - Không ít trường mải chạy theo thành tích bằng việc nhồi nhét kiến thức để học sinh đạt kết quả cao mà xem nhẹ việc trang bị những kỹ năng sống cần thiết.

Nghiên cứu của giảng viên Nguyễn Thanh Bình, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với 200 học sinh Trung học phổ thông tại 3 trường trên địa bàn Hà Nội chỉ ra 4 khó khăn chính của học sinh THPT hiện nay:

Khó khăn trong việc hình thành thế giới quan với 78,7%; khó khăn trong định hướng nghề nghiệp với 76,6%; khó khăn trong định hướng tình bạn, tình yêu là 57,8%; và khó khăn trong định hướng quan hệ gia đình, dòng họ là 31,6%.

Những khó khăn mà học sinh trung học phổ thông gặp phải tập trung ở việc học tập, hướng nghiệp, các mối quan hệ với thầy cô bạn bè.

Báo cáo này cũng dẫn kết quả một khảo sát do nhóm nghiên cứu thực hiện báo cáo tại một trường THCS tại TP.Hồ Chí Minh cho thấy, có khoảng 10% trong số 3.300 học sinh của trường có bố mẹ ly hôn, ly thân hoặc đang có xung đột. Nhiều trường tư thục, tỉ lệ bố mẹ ly hôn, ly thân, không hạnh phúc chiếm tới 2/3 lớp học.

Những vấn đề về tâm lý do đặc trưng lứa tuổi kết hợp với áp lực học tập căng thẳng và các vấn đề khác đã dẫn đến một thực trạng đau lòng, đó là học sinh tự tử. 

Bộ GD&ĐT đưa ra con số đáng báo động là có tới 17% số học sinh có ý định tự tử, trong khi đó nhiều nhà nghiên cứu vẫn cho rằng con số đó có thể là thấp hơn so với thực tế.

Thậm chí, đã có một vài trường hợp, học sinh rủ nhau tự tử tập thể do nghĩ mình sẽ trượt kỳ thi đại học do làm bài kém hoặc buồn chán gia đình. 

Bên cạnh đó, những vấn đề thiếu kiến thức, kỹ năng sống nhất là các vấn đề liên quan tới sức khỏe sinh sản hiện nay của học sinh đang trở nên báo động.

Theo thống kê của Tổng cục dân số, năm 2015 có 5.500 vụ phá thai của vị thành niên trong số 28.000 ca phá thai được thống kê tại các cơ sở y tế công lập. Tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên là 2,2% các vụ phá thai.

Từ thực tế này, Bộ GD&ĐT và UNICEF chỉ ra rằng, dù có sự khác nhau giữa các cấp, bậc học, loại hình trường khác nhau trong các nhu cầu về dịch vụ công tác xã hội, tuy nhiên có thể khẳng định nhu cầu trợ giúp của công tác xã hội để giải quyết các vấn đề đa dạng, phức tạp của học sinh là thực tế mà cấp học nào cũng cần thiết. 

Nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên cả về tâm lý, hướng nghiệp, sức khỏe, giới tính, công tác truyền thông, đào tạo phát triển kỹ năng sống, kỹ năng xã hội.

Thùy Linh