Trường nào cũng đào tạo mở, từ xa thì hai Đại học Mở sẽ tồn tại như thế nào?

21/03/2016 07:20
Thùy Linh
(GDVN) - Ngày 17/3, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam có buổi tọa đàm với Viện Đại học Mở Hà Nội về chủ đề “tự chủ đại học”.

Thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 (Nghị quyết 77).

Đến nay đã có 13 trường Đại học công lập trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, tự chủ

Mô hình tự chủ của Viện Đại học Mở Hà Nội 

Theo báo cáo của TS. Nguyễn Mai Hương – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Mở Hà Nội, đây là trường đại học mở công lập đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ GD&ĐT trực tiếp quản lý. 

Đại học Mở có nghĩa là “mở cơ hội học tập cho mọi người bằng việc đa dạng hóa các phương thức đào tạo, đa dạng hóa cấp bậc đào tạo, đa dạng hóa chương trình, ngành nghề đào tạo”, hướng tới một nền giáo dục đại chúng, dành cho số đông. 

Từ khi thành lập (1993) đến nay, Viện Đại học Mở Hà Nội được ngân sách nhà nước cấp một khoản kinh phí rất nhỏ, Viện phải tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên. 

Từ ngày 28/2/2003 theo quyết định số 915/QĐ-BGDĐT, Viện được giao quyền tự chủ tài chính giai đoạn 2002-2004, Viện đã bớt khó khăn khi số lượng sinh viên ngày càng tăng nhưng lại gặp nhiều bất cập trong khâu thanh quyết toán. 

Đến tháng 3/2007, theo quyết định số 1325/QĐ-BGDĐT, Viện được giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. 

Tháng 3/2013 theo quyết định số 1093/QĐ-BGDĐT, Viện được giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với đơn vi sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên giai đoạn 2011-2013. 

Đến tháng 7/2014 theo quyết định số 2605/QĐ-BGDĐT, Viện được giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên giai đoạn 2014-2016. 

Cơ chế tự chủ tài chính của Viện Đại học Mở Hà Nội thực hiện bằng cách tự cân đối thu-chi với nguồn thu chủ yếu là học phí, lệ phí theo các quy định quản lý tài chính của nhà nước, trực tiếp là Bộ GD&ĐT đối với trường công lập. 

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có buổi tọa đàm với Viện Đại học Mở Hà Nội về chủ đề “tự chủ đại học”. (Ảnh: Thùy Linh)
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có buổi tọa đàm với Viện Đại học Mở Hà Nội về chủ đề “tự chủ đại học”. (Ảnh: Thùy Linh)

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Mai Hương, công tác tự chủ của Viện Đại học Mở Hà Nội mặc dù đã có những thuận lợi, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn: 

Thứ nhất, chưa được đầu tư về cơ sở vật chất dẫn đến cơ sở vật chất còn thiếu, phần lớn cơ sở vật chất là đi thuê, không ổn định, phân tán ảnh hưởng đến việc đầu tư dài hạn. 

Thứ hai, nguồn thu bị hạn chế do chưa tự chủ mức học phí (hiện tại vẫn theo khung học phí của trường đại học công lập), chưa được chủ động trong các khoản chi đảm bảo hoạt động của Viện. 

Thứ ba, quy mô đào tạo của nhà trường phải thu hẹp theo thông tư 57/TT-BGD&ĐT (cơ sở vật chất và số lượng giảng viên cơ hữu), chưa phù hợp với đặc thù của trường Đại học Mở. 

Thứ tư, trường chưa được chủ động trong các hoạt động đào tạo để thực sự có các ngành học, chương trình phù hợp với yêu cầu của xã hội. 

Thứ năm, Nhà nước chưa có chính sách đặc thù cho giáo dục mở và đào tạo từ xa.

Thứ sáu, tự chủ về tài chính bị ràng buộc bởi các văn bản của cơ chế bao cấp. 

Đánh giá về công tác tự chủ của Viện Đại học Mở Hà Nội

Đánh giá về vấn đề tự chủ tài chính của trường trong 23 năm qua, TS Trương Tiến Tùng - Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội cho rằng:

Dù nhà trường luôn thực hiện việc thu, chi từ nguồn thu học phí ít ỏi theo quy định của một trường Đại học công lập, không nhận các đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. 

Nhưng với sứ mạng “mở cơ hội học tập cho mọi người với chất lượng tốt, phục vụ nhu cầu học tập đa dạng với nhiều loại hình đào tạo, đa ngành, đa cấp độ, đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế”, Viện Đại học Mở Hà Nội không những mang lý luận giáo dục mở, đào tạo từ xa vào Việt Nam mà còn làm được nhiều điều cho đào tạo Đại học Việt Nam như: 

Về tính nguyên tắc của hệ thống giáo dục Đại học:

- Xóa bỏ độ tuổi trong học Đại học và sau Đại học (trước đây sau 25 tuổi không học Đại học, sau 36 tuổi không học sau Đại học).

- Khái niệm thỉnh giảng đã hình thành tập hợp giảng viên tại các Viện nghiên cứu và các cơ quan Chính phủ (trước đây chưa hề có). Sự giao lưu này đã giúp người học có thêm nhiều kiến thức mới, thực tiến.

- Với phương thức phân tán (di chuyển thầy thay cho di chuyển trò) đã tạo cơ hội học tập cho các cư dân vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người. Tiết kiệm chung cho xã hội về sự di chuyển của của người học.

Về lợi ích cho đất nước: 23 năm qua Viện đại học Mở Hà Nội đã đào tạo được hơn 140.000 cử nhân và kỹ sư. Nếu cứ tính mỗi sinh viên được đầu tư 7 triệu /năm thì nhà trường đã tiết kiệm được cho nguồn ngân sách nhà nước dành cho giáo dục là 3.920 tỷ. 

Ngoài ra, Viện còn tạo điều kiện cho hàng ngàn cán bộ khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý cống hiến cho đất nước thông thông qua giảng dạy, hướng dẫn sinh viên. 

Và Viện đã tạo được phong trào tự học tập là cội nguồn của xã hội học tập hiện nay giúp cho Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.

TS.Trương Tiến Tùng chỉ rõ thêm, trong các nhóm trường được tự chủ có thể chia ra làm 3 nhóm chính: 

Nhóm 1: Khối các trường đại học kinh tế - xã hội như Đại học Kinh tế quốc dân…

Nhóm 2: Khối các trường đại học kỹ thuật như Đại học Bách khoa Hà Nội…

Nhóm 3: Các trường thực hiện giáo dục mở (Viện Đại học Mở Hà Nội, Đại học Mở TP.Hồ Chí Minh)

Rõ ràng, nhóm 1 có hạ tầng, cơ sở vật chất tốt nên vấn đề tự chủ không khó. Còn nhóm 2 thì cần đầu tư nên tự chủ chỉ từ nguồn thu học phí sẽ gây khó khăn cho quá trình thực hiện. 

Trong khi nhóm 3 phải có cơ chế thì mới tự chủ thành công vì giáo dục mở rất cần cơ chế đặc thù riêng như việc học của sinh viên còn gặp nhiều khó khăn do các thủ tục liên kết trong khi giáo dục mở cần học tập hơn là đối tác… chỉ khi nào những vướng mắc được giải quyết thì nhà trường mới có thể ổn định và bền vững. 

Nhìn nhận về vấn đề tự chủ của Viện Đại học Mở Hà Nội, TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục Đại học – Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng:

Rõ ràng, khi mở ra hai Đại học Mở (Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh) nhằm đáp ứng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực mang tầm cơ quốc gia và giải quyết nhu cầu học tập của người dân nhưng hiện nay tất cả các trường đều đào tạo từ xa, đào tạo mở. Thử hỏi, 2 Đại học Mở sẽ tồn tại thế nào?

Trước đây, trường Đại học kinh tế quốc dân là đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế nhưng hiện nay ngành, lĩnh vực nào cũng có, còn trường Đại học Giao thông vận tải thì đào tạo cả ngành du lịch thậm chí một trường tận Trà Vinh lại có thể đào tạo tại Lai Châu

Vậy trường nào sẽ đào tạo chuyên sâu cho một lĩnh vực cụ thể? 

TS Lê Viết Khuyến (ngồi giữa), Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục Đại học – Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam nêu ý kiến (Ảnh: Thùy Linh)
TS Lê Viết Khuyến (ngồi giữa), Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục Đại học – Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam nêu ý kiến (Ảnh: Thùy Linh)

Thậm chí, TS. Lê Viết Khuyến từng gay gắt tới lãnh đạo Bộ GD&ĐT rằng: “Nếu Bộ không còn coi trường Đại học Mở là một trường mở thì nên bỏ cái chữ “mở” đi”.

Bởi, rõ ràng, các trường đại học khép kín thì lại cho đào tạo mở, đào tạo từ xa còn chính trường Đại học Mở thì lại bắt thực hiện theo tiêu chuẩn của một trường đóng. 

Với mong muốn tiếp tục phát triển hệ thống giáo dục mở và từ xa, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, tạo ra sự bình đẳng về giáo dục- đào tạo, cung cấp các khóa học đa dạng, chất lượng góp phần thực hiện chủ trương học tập suốt đời. 

Viện Đại học Mở đưa ra một số đề xuất nhằm thực hiện tự chủ một cách toàn diện (Bao gồm tự chủ về đào tạo và nghiên cứu khoa học, tự chủ về bộ máy tổ chức, tự chủ về tài chính và tự chủ tài sản): 

- Được thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện của một trường đại học. 

- Có hệ thống văn bản thống nhất của nhà nước để nhà trường thực hiện đươc quyền tự chủ toàn diện và hệ thống văn bản đặc thù cho đào tạo mở và đào tạo từ xa. 

- Khi thực hiện quyền tự chủ toàn diện thì nhà nước cần đầu tư vào các trương trình trọng điểm về cơ sở vật chất, kỹ thuật đối với đào tạo từ xa. Bởi vì đào tạo từ xa đảm bảo chất lượng thì cần có đầu tư. 

Thùy Linh