Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (Bộ môn Giao thông, Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) bắt đầu đào tạo từ năm 2016. Đến nay, trải qua 8 năm đào tạo, vậy ngành này có những thành tựu và sự thay đổi nào?
Về nội dung trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ Thân Đình Vinh, Trưởng Bộ môn Giao thông.
Phóng viên: Đến nay ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông trải qua 8 năm đào tạo, Khoa có những sự thay đổi như nào trong chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, thưa thầy?
TS Thân Đình Vinh: Bộ môn Giao thông được thành lập từ ngày đầu thành lập Khoa, thành lập Trường. Đến nay đã gần 55 năm đào tạo chuyên môn về giao thông. Qua quá trình phát triển Bộ môn, Khoa đã có nhiều điều chỉnh chương trình đào tạo, để phù hợp với xu hướng phát triển trong từng thời kỳ.
Điển hình, năm 2016 Bộ môn đã xây dựng riêng ngành về Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (gồm 3 chuyên ngành Giao thông đô thị, Đường bộ, Cầu hầm), giúp cho công tác đào tạo được chuyên sâu hơn hướng tới sự phát triển hệ thống giao thông thông minh, bền vững.
Đội ngũ giảng viên của Bộ môn được đào tạo trình độ cao (sau tiến sĩ) tại các quốc gia phát triển hàng đầu trong lĩnh vực giao thông như Mỹ, Nhật, Pháp…
Nhà trường xác định giao thông là một trong những ngành nghề quan trọng nhất trong nền kinh tế. Do vậy, cơ sở vật chất đã từng bước được đầu tư, xây dựng để đáp ứng cho quá trình đào tạo theo xu hướng phát triển.
Phóng viên: Theo Đề án tuyển sinh trình độ đại học năm 2023, tỷ lệ sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông có việc làm sau một năm tốt nghiệp đạt 97,73%. Thầy vui lòng chia sẻ thêm về cơ hội việc làm của sinh viên sau khi ra trường?
TS Thân Đình Vinh: Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã xác định đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hiện nay. Chính vì vậy, thống kê dự toán chi đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương cho Bộ Giao thông vận tải trong nhiều năm gần đây đều cao nhất trong các Bộ, Ban ngành Trung ương.
Hệ thống giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong thời gian tới đều ưu tiên đầu tư xây dựng tạo bước đột phá để phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Trước tình hình đó, đòi hỏi cần có nguồn nhân lực rất lớn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch phát triển đô thị.
Sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm ở các cơ quan tổ chức như:
Các cơ quan Trung ương, các Bộ ban ngành như Bộ Giao thông, Bộ Xây dựng, Bộ kế hoạch đầu tư…
Các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện như Ủy ban Nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, các sở ngành như sở Giao thông, Sở Xây dựng, Sở kế hoạch đầu tư, các Ban quản lý dự án cấp tỉnh, cấp huyện, các phòng ban cấp huyện, thành phố như phòng Quản lý đô thị, phòng Kinh tế - hạ tầng…
Các tổ chức quốc tế, các tập đoàn, tổng công ty quốc tế và Việt Nam trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, hạ tầng kỹ thuật. Một số công việc cụ thể như: Quy hoạch, thiết kế, thi công, giám sát, thẩm định, thẩm tra, kiểm toán, quyết toán, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng…trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Phóng viên: Như giới thiệu của Khoa, đơn vị đã hợp tác đào tạo với nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành: Công ty Cổ phần công nghệ Xây dựng ACUD Việt Nam, Văn phòng Tư vấn và chuyển giao công nghệ xây dựng, Tập đoàn CEO Group.
Chính vì vậy, khi là sinh viên Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, các bạn có nhiều cơ hội nhận học bổng của các công ty, đơn vị lớn đó.
Thầy chia sẻ thêm về cơ hội để sinh viên có thể được nhận học bổng các công ty, đơn vị trên, cũng như học bổng của trường và các tổ chức quốc tế và nhiều trường đại học lớn tại các nước như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Anh…
TS Thân Đình Vinh: Hiện nay Khoa, Bộ môn hợp tác đào tạo với khoảng hơn 300 đơn vị, tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp lớn nhỏ trong lĩnh vực liên quan đến hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng.
Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông là một trong những ngành quan trọng nhất tạo động lực chính phát triển kinh tế, xã hội đất nước do vậy có rất nhiều định hướng, chủ trương, chính sách phát triển từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Kéo theo đó có rất nhiều hợp tác giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế, giữa Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội với các trường đại học trong và ngoài nước về phát triển hạ tầng giao thông.
Hiện nay học bổng du học, học bổng trực tiếp nghiên cứu, học bổng quỹ VinFuture chủ yếu về lĩnh vực phát triển giao thông, hạ tầng, môi trường. Do vậy, sinh viên nếu theo học ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông sẽ có rất nhiều cơ hội được nhận học bổng này.
Phóng viên: Như giới thiệu của Khoa, sinh viên của đơn vị sẽ được học tập nhóm, nghiên cứu khoa học với sinh viên của các khoa khác, để giải quyết các vấn đề vướng mắc của đô thị và địa phương.
Thầy vui lòng chia sẻ thêm về nội dung trên và có thể lấy ví dụ thực tiễn của sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông?
TS Thân Đình Vinh: Hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên Khoa nói chung, ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông nói riêng, luôn được đánh giá là tốp đầu của nhà trường.
Điển hình, bình quân hằng năm cả Khoa có khoảng 50 đề tài, sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông có khoảng 10-15 đề tài. Nội dung những đề tài liên quan đến nhiều những vấn đề thực tiễn phát triển đô thị tại Việt Nam và bắt nhịp xu hướng phát triển của thế giới.
Điển hình là các đề tài trong 5 năm gần đây, có nhiều nhóm sinh viên đã phối hợp với sinh viên bên khoa Quản lý đô thị, Khoa xây dựng, Khoa Quy hoạch đô thị và nông thôn, để triển khai các đề tài nóng như chống ùn tắc giao thông cho các đô thị lớn, phát triển hạ tầng giao thông thông minh, hạ tầng giao thông phát triển bền vững, hệ thống giao thông đa phương thức, tích hợp.
Nhóm đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể hóa và áp dụng trong đồ án tốt nghiệp và đạt giải cao tại cuộc thi quốc gia, quốc tế như giải Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, giải Loa Thành…
Phóng viên: Mở rộng vấn đề về thực tiễn, các công trình giao thông hiện nay đòi hỏi không chỉ nhanh về tiến độ mà còn phải đáp ứng về chất lượng.
Thực tế hiện nay, có nhiều tuyến đường, phố đưa vào khai thác, sử dụng sau một thời gian xuất hiện “ổ gà, ổ voi”.
Theo thầy cô, trong chương trình đào tạo của nhà trường cho sinh viên, các em được đào tạo những kiến thức, kỹ năng để xây dựng được những tuyến đường giao thông đảm bảo chất lượng ra sao?
TS Thân Đình Vinh: Thực ra đây là một câu hỏi khá thú vị. Việc xuất hiện “ổ gà, ổ vịt” hay thậm chí “ổ voi” có rất nhiều nguyên nhân khác nhau.
Để tìm hiểu các nguyên nhân đó cần trang bị nhiều kiến thức chuyên môn sâu, đây cũng có thể là một trong những hướng nghiên cứu khoa học của các em học sinh khi trở thành sinh viên của ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông.
Trong quá trình học các em sẽ được trang bị các kiến thức lý thuyết, thực hành về các nội dung từ khâu quy hoạch, thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống giao thông đô thị.
Khi được học, thầy cô sẽ đưa ra những chủ đề nóng để cùng trao đổi, nghiên cứu và tìm ra những nguyên nhân và giải pháp phù hợp.
Phóng viên: Ngoài vấn đề kể trên, những nắp cống, hố ga lồi lõm hay những tuyến đường bị lỗi lõm do bị cày xới bởi đường cáp ngầm, đường ống nước sạch, nước thải... Phải chăng việc quản lý hệ thống giao thông đô thị của chúng ta chưa có sự thống nhất?
TS Thân Đình Vinh: Hạ tầng giao thông mà nhất là hạ tầng giao thông đô thị rất phức tạp có tính liên ngành. Trên đường có rất nhiều đường dây, đường ống, hệ thống hạ tầng cấp điện, thông tin, cấp nước, thoát nước…chính vì vậy trong công tác quản lý còn nhiều tồn tại, chồng chéo, đòi hỏi có kiến thức tổng hợp, liên ngành.
Đối với sinh viên học tập tại Khoa sẽ được trang bị kiến thức để giải quyết từng tình huống thực tế. Từ đó, trang bị kiến thức tổng hợp liên ngành giúp các em sinh viên ra trường, tiếp cận ngay được công việc.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
Năm 2024, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tiếp tục tạo cơ hội vàng kích cầu nguồn nhân lực cho nhóm ngành Kỹ thuật hạ tầng đô thị (gồm ngành Kỹ thuật cấp thoát nước, chuyên ngành Kỹ thuật hạ tầng đô thị, chuyên ngành Kỹ thuật môi trường đô thị, chuyên ngành Công nghệ cơ điện công trình, ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông), bằng các phương thức xét tuyển như, điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển thẳng các khối A00, A01, D01, D07.
Điểm chuẩn ngành ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông năm 2023 với phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp là 21,45 và xét học bạ là 20,5.