Chiều nay, thảo luận về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung – Giám đốc Công an TP Hà Nội (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) đã đưa ra bảy yếu tố cần phải có khi đổi mới, đồng thời nhấn mạnh những bài học đắt giá trong quá khứ mà chính các con của ông đã phải trải qua.
Đừng để phải trả giá đắt thêm một lần nữa
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung nêu thí dụ là ở ngay Hà Nội có một số trường quốc tế dành cho con của các cán bộ làm ở các đại sứ quán, và cứ di chuyển đến đâu thì người ta đưa con đến đó học. Như vậy là những trường này đều đã có một cái chuẩn chung.
“Cần phải tránh tình trạng như thời gian vừa qua sách tràn lan, học thêm dạy thêm, nhưng con em đồng bào miền núi vì không có tiền nên không có sách. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải xây dựng được một chương trình chuẩn cho tất cả các vùng miền. Ngày xưa chúng tôi cũng như các đồng chí đi học, cứ lớp sau mượn sách giáo khoa của lớp trước để học, nhưng các vùng miền thì đều rất chuẩn.
Bây giờ chính vì chúng ta có nhiều chương trình quá, nhiều sách quá, tôi sợ rằng không khéo rồi đến lúc loạn chữ. Thế cho nên chúng ta cần có một chương trình liên thông, đạt chuẩn giữa các vùng miền”, Tướng Chung nói.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội. |
Theo Tướng Chung, cần tham khảo ý kiến của các nhà khoa học trong và ngoài nước, các tổ chức xây dựng chương trình quốc tế, xem cách làm của họ thế nào, để phục vụ cho thế hệ trẻ; nếu không sẽ có những thứ phải trả giá rất đắt.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung: “Tôi rất mong muốn, trong chương trình học ngoại khóa của học sinh, đến trước năm 18 tuổi phải dạy cho các cháu hiểu luật giao thông”.
Ông nêu thí dụ từ chính các con của mình: “Con tôi sinh năm 1995, năm 2001 bắt đầu học Trường Nam Thành Công. Lúc đó bắt đầu đổi mới sách giáo khoa và đổi chữ viết không có chân. Được 3 năm sau lại thôi, thế là sau đó hai vợ chồng nhà tôi phải thuê người dạy viết chữ đẹp 7 năm trời, sau này mới viết chữ lại bình thường được, chứ không thì viết chữ cứ bỏ mất chân. Vì vậy, chúng ta phải có tính toán cẩn thận, nếu không thì sẽ phải trả giá rất đắt, mà có khi làm hỏng cả một thế hệ.
Chúng ta đã bỏ tiền xây dựng nền tảng, cái gốc để con em học thì đừng sợ tốn kém. Chúng ta khắt khe với việc gì chứ khắt khe với cái này thì không nên, mà quan trọng là chúng ta đưa được chương trình phù hợp. Chúng ta không nên đắn đo là vì không đủ kinh phí nên sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn”.
Mỗi học sinh phải thông thạo ít nhất một ngoại ngữ
Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, đổi mới chương trình – sách giáo khoa lần này, cần lưu ý 7 điểm sau:
Thứ nhất, chương trình đảm bảo tính liên tục từ tiểu học đến trung học cơ sở, phổ thông trung học, đảm bảo phù hợp từng năm, từng độ tuổi, phù hợp với trí tuệ.
Thứ hai là đảm bảo tri thức, kiến thức cơ bản.
Thứ ba, đảm bảo rèn luyện cho các cháu về mặt đạo đức, giữ gìn được đạo đức truyền thống dân tộc.
Thứ tư, đảm bảo cho quá trình rèn luyện về mặt sức khỏe. Trong quá trình dạy học hiện nay đang coi trọng truyền thụ tri thức nhiều hơn, nên cần điều chỉnh. Trong quá trình phát triển lên các cấp cao dần thì học sinh rất cần có sức khỏe tốt, để khi tốt nghiệp thì mới có đủ sức khỏe làm việc.
“Ngày xưa chỉ có cái thước kẻ 30cm và cô giáo nhắc ngồi viết thế nào cũng phải cách vở 30cm, và thời chúng tôi thì rất ít người bị cận thị. Bây giờ đành là máy tính nhiều, nhưng rõ ràng tỷ lệ cận thị ở trẻ quá nhiều và tăng lên rất nhanh”, Tướng Chung nêu thí dụ.
Thứ năm, các cháu phải hiểu biết về văn hóa dân tộc và sự phát triển của dân tộc như thế nào. Sau này phát triển lên, có muốn làm điều gì thì mình cũng phải hiểu chính mình đã. Về vấn đề này các Đại biểu Quốc hội cũng đã có nhiều dịp bày tỏ những bức xúc trước thực trạng học sinh không muốn học môn Lịch sử, môn Địa lý.
Thứ sáu, trong xu thế hội nhập, mỗi học sinh phải vững vàng ít nhất một ngoại ngữ và tiến tới khi học xong đại học phải thạo hai ngoại ngữ để phục vụ cho hội nhập quốc tế, và phải có kỹ năng tin học để bổ sung thêm cho kỹ năng sống, kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Thứ bảy, trong chương trình sách giáo khoa mới cần phải dành sự ưu tiên cho học sinh kể từ tiểu học trở đi có nhiều khoảng thời gian tham gia các buổi ngoại khóa, để học sinh cảm nhận được về cuộc sống, hiểu được những gì đã học trong sách vở. Thông qua các buổi ngoại khóa, học sinh sẽ có so sánh thực tế giữa lý luận với thực tiễn, tự rút ra những bài học bổ ích cho mình, từ đó phát huy tốt hơn trí tuệ cá nhân.