Ước mơ thi đại học của học sinh tại bản “không hộ khẩu”

22/01/2019 06:23
Vũ Ninh
(GDVN) - Hàng chục năm nay, những đứa trẻ sinh ra tại bản Suối Phèn phải mang họ mẹ. Nhiều em học đến lớp 12 không thể thi đại học vì gia đình không có sổ hộ khẩu.

Gác lại ước mơ con chữ

Cư Seo Vọc là một trong bốn học sinh hiếm hoi của bản Suối Phèn (xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) học hết lớp 12 nhưng không thể thi đại học.

Nguyên nhân do gia đình Vọc không có sổ hộ khẩu vì thế  Vọc không được làm chứng minh thư nhân dân.

"Để thi đại học cần phải có sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân. Em không có nên học hết lớp 12 không thể thi, không thể có bằng tốt nghiệp".

Trong cái nắng chói chang của miền đất đỏ, tiếng hát của Vọc lảnh lót bay vào trong không trung.

Mơ ước lớn nhất của Vọc là có thể thi đỗ vào một nhạc viện nào đó, đem lời ca tiếng hát của đồng bào dân tộc Mông đến với mọi người.

Ở bản Suối Phèn, mỗi khi Vọc hát, gia đình, thôn bản lại cảm thấy chạnh lòng.

Họ vừa buồn, vừa thương Vọc và đau đáu nỗi niềm: những học sinh học hết lớp 12 không được thi đại học.

Cư Seo Vọc và ước mơ học đại học còn dang dở (Ảnh: Vũ Ninh)
Cư Seo Vọc và ước mơ học đại học còn dang dở (Ảnh: Vũ Ninh)

Càng hát những ước mơ, hoài bão lỡ dở ùa về, Vọc khóc càng to hơn.

Trấn tĩnh, Vọc kể tiếp câu chuyện những đứa trẻ không hộ khẩu đi học gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi.

"Trước đây em đi học theo đúng chủ trương thì em sẽ nhận được hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng nhưng do không có hộ khẩu nên em không được hưởng.

Học sinh ở đây bỏ học rất nhiều, cứ học đến lớp 9 là chúng nó xin nghỉ. Em đã đến động viên nhiều em tiếp tục đi học.

Các em nó nói đi học như các anh chị, học đến lớp 12 mà không được thi đại học thì bọn em nghỉ từ bây giờ phụ giúp gia đình hoặc đi làm còn có tác dụng hơn".

Trước cái lý của các em nhỏ, Vọc cũng đành chịu: "Năm nay cả bản không có trường hợp học sinh lớp 12 nào nhưng đã có 2 đứa học sinh lớp 10 bỏ học".

Khi được hỏi Vọc trách người lớn không, những người “nhảy dù” vào mảnh đất này năm xưa, không có giấy tờ, không hộ khẩu.

Ước mơ thi đại học của học sinh tại bản “không hộ khẩu” ảnh 2Rơi nước mắt với chuyện học ở xóm Gầm cầu giữa Thủ đô

Vọc càng buồn hơn: "Thế hệ bọn em sinh sau đẻ muộn không biết và không liên quan đến những việc làm của người lớn.

Em có bao giờ phá một mét đất rừng, phát một mét đất nương nào đâu.

Theo em việc làm sai của người lớn thì người lớn chịu trách nhiệm sao lại bắt cả bọn em phải chịu những thiệt thòi khi đi học.

Trẻ con không bao giờ sai vì khi đấy bọn em đã sinh ra đâu. Nên em mong được tạo điều kiện cho những đứa trẻ khác được đi học.

Em thì đã lỡ dở ước ở được đi học rồi, không muốn nhìn thấy các em khác cũng như mình".

Tráng A Tử là một trường hợp khác học đến lớp 12 không được thi đại học vì không có chứng minh nhân dân.

"Em học đến lớp 12 không có chứng minh thư để thi nên bỏ về. Em trai em cũng học đến lớp 10 thì bỏ ngang.

Hỏi nó thì nó bảo học hết lớp 12 mà cũng không được thi thì em nghỉ đi làm còn hơn".

Lực điền Giàng A Dơ có hai đứa con khai sinh đều đăng ký họ mẹ. Dơ không có hộ khẩu, không chứng minh thư, không đăng ký kết hôn nốt.

Giàng A Dơ cho biết: "Con em đi học sách vở còn không được cấp chứ đừng nói đến các chế độ khác.

Nguyên nhân là không có hộ khẩu, không có chứng nhận hộ nghèo  nên nhà trường bắt phải đóng tiền.

Hai đứa nhỏ học ở Quảng Sơn đều không được trợ cấp.

Nếu bây giờ có hộ khẩu thì cả năm không mất tiền sách vở, mỗi tháng lại được hỗ trợ mấy trăm nghìn. Số tiền đó đủ cho các cháu ăn học".

Giàng A Dơ và nỗi lo con cái không được học hành đến nơi đến chốn (Ảnh: Vũ Ninh)
Giàng A Dơ và nỗi lo con cái không được học hành đến nơi đến chốn (Ảnh: Vũ Ninh)

Bi hài chuyện không có hộ khẩu

Những năm 2000 đồng bào dân tộc Mông từ các tỉnh miền núi phía Bắc bắt đầu "nhảy dù" vào "miền đất hứa" Tây Nguyên.

Anh Đinh Công Hoàng – trưởng công an xã Quảng Hòa cho biết: "Hiện nay trên địa bàn xã Quảng Hòa và xã Đắk Rmăng còn tồn tại một số cụm dân cư không hộ khẩu như ở bản Suối Phèn.

Khoảng gần 20 năm trước họ nhảy dù vào đây làm nương rẫy. Đây là một vấn đề tồn tại nhiều năm qua và các lãnh đạo đang tìm cách tháo gỡ".

Ước mơ thi đại học của học sinh tại bản “không hộ khẩu” ảnh 4Ước mơ lớp học nơi đầu gió Nậm Chà

Xung quanh vấn đề không có hộ khẩu tại bản suối Phèn, người dân gặp phải rất nhiều câu chuyện bi hài.

Những đứa trẻ sinh ra không được mang họ bố mà phải lấy họ mẹ.

Bảo hiểm y tế thì không dùng được vì không có chứng minh thư.

Thậm chí đến việc thuê phòng nghỉ cũng không được vì cả hai vợ chồng đều không có bất cứ giấy tờ tùy thân gì trong người.

Anh Giàng A Dơ kể lại: "Bản thân tôi cũng như 400 nhân khẩu ở đây không có giấy tờ tùy thân gì cả ra thị xã muốn ngủ lại không được.

Không được vào nhà nghỉ khách sạn vì không có chứng minh thư hai vợ chồng phải ngủ tạm ngoài đường.

Khi mua xe máy tôi phải nhờ người khác đứng tên, mua hộ.

Bảo hiểm y tế xã cấp về nhưng không sử dụng được, đi khám là phải có giấy tờ tùy thân kèm theo. Kể cả có bảo hiểm cũng không chữa được.

Trong này vẫn có bảo hiểm y tế, bà con có nhưng  mà không sử dụng được, vì không có chứng minh thư, nên bảo hiểm có ảnh đâu, không biết mình là ai mà sử dụng, bảo hiểm có cũng như không.

Từ 2011 lại đây là các cháu mang họ mẹ hết, không mang họ bố được, phải có khẩu và kết hôn mới có đăng ký khai sinh được. Bố để trống, mẹ vẫn đầy đủ thông tin".

Cư A Áo, 25 tuổi có một vợ, hai con cho biết: Khó khăn nhất là khi  mua xe không có giấy tờ để đăng ký phải nhờ người khác đăng ký hộ.

"Nhiều khi công an hỏi sao xe của mình và giấy tờ của người khác, tôi phải về xã lấy xác nhận của người mua xe hộ mình để chứng minh không phải xe ăn trộm.

Phiền nữa là khi lấy vợ không có đăng ký kết hôn, con cái khai sinh phải lấy họ mẹ, tên bố để trống.

Thẻ bảo hiểm y tế có nhưng không sử dụng được vì không có cái ảnh chứng minh mình là người của xã. Mà muốn được cấp ảnh thì phải có chứng minh thư".

Cuộc sống khổ đủ đường vì không có sổ hộ khẩu của người dân bản Suối Phèn (Ảnh: Vũ Ninh)
Cuộc sống khổ đủ đường vì không có sổ hộ khẩu của người dân bản Suối Phèn (Ảnh: Vũ Ninh)

Hiểu được những khó khăn của bà con đặc biệt là trong vấn đề học hành, anh Đinh Công Hoàng nhiều lần tham mưu cho xã.

"Mình cũng tham mưu cho xã và hiện nay đang bắt đầu xây dựng một trường mầm non ở suối Phèn.

Về vấn đề hộ khẩu thì nhiều năm qua tỉnh, huyện, xã cũng rất quyết tâm để giải quyết nhưng hiện nay chưa có quy hoạch khu dân cư chính thức.

Riêng về vấn đề các em học và thi đại học tôi cũng đã có những tham mưu cho họ là về quê cắt khẩu, chuyển khẩu vào đây.

Sau đó tiến hành nhập khẩu vào một số gia đình hoặc thuê đất để nhập khẩu. Đây chỉ là phương án giải quyết tình trạng trước mắt thôi".

Vũ Ninh