Vì sao có giáo viên chủ nhiệm tự động đi xin đánh giá "Tốt" cho học sinh?

18/05/2024 06:48
Thuận Phương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Chuyện giáo viên chủ nhiệm “đi xin” điểm, xin đánh giá mức "Tốt" một số giáo viên bộ môn vẫn thường xảy ra ở không ít trường học hiện nay.

Trên một diễn đàn của giáo viên tiểu học gần đây, có xuất hiện dòng tâm sự của một giáo viên:“Mình là giáo viên dạy Tiếng Anh. Cứ cuối học kỳ 2 là mình sợ và áp lực cho điểm kinh khủng.

Phải cho theo giáo viên chủ nhiệm. Có những học sinh giỏi Toán, Tiếng Việt có giỏi tiếng Anh đâu? Tầm 9, 10 điểm các môn hoá ra siêu nhân hết. Một lớp tầm 1, 2 em đạt điểm 9 thôi mà chỉ tiêu giáo viên chủ nhiệm đưa tới 25/40 học sinh hoàn thành xuất sắc”.

gdvn-hình điểm giỏi 1.jpg
Bảng điểm tổng kết đánh giá theo Thông tư 27 (Ảnh minh họa)

Dòng tâm sự đã thu hút được sự quan tâm của nhiều thầy cô giáo. Bởi, đây không chỉ là sự trăn trở của một thầy cô mà nhiều giáo viên hiện nay cũng đang ở trong tâm trạng ấy.

Áp lực về chỉ tiêu khen thưởng, nhiều giáo viên chủ nhiệm phải “đi xin” đánh giá kết quả Tốt từ đồng nghiệp

Sau dòng tâm sự ấy, rất nhiều bình luận được chia sẻ. Có người nói rằng, đó không phải là chỉ tiêu (về số lượng học sinh xuất sắc) của giáo viên chủ nhiệm đưa ra mà là thực hiện chỉ tiêu của nhà trường.

Trong thực tế hiện nay, nhiều trường học không áp dụng chỉ tiêu về học sinh xuất sắc nhưng vẫn còn không ít trường đang rất quan tâm đến chuyện này. Đã có những ý kiến cho rằng, lớp nhiều học sinh xuất sắc là do giáo viên dạy giỏi. Trường nhiều học sinh xuất sắc là trường tốt. Bởi thế, nhiều thầy cô giáo cũng khá áp lực để cố gắng bằng mọi cách đạt được chỉ tiêu.

Ngoài việc nỗ lực giảng dạy thì việc giáo viên chủ nhiệm “can thiệp” vào việc đánh giá học sinh của một số giáo viên bộ môn để có nhiều học sinh xuất sắc vẫn xảy ra ở không ít trường tiểu học hiện nay.

Ở bậc tiểu học hiện nay, có tất cả 11 môn học. Bao gồm các môn như tiếng Việt; Toán; Ngoại ngữ 1; Đạo đức; Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, 2, 3); Lịch sử và Địa lý (lớp 4,5); Khoa học; Tin học và Công nghệ; Giáo dục Thể chất; Nghệ thuật; Hoạt động trải nghiệm.

Những môn học tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ, Tin học, Lịch sử và Địa lý được đánh giá bằng điểm số. Những môn còn lại đánh giá bằng nhận xét. Ngoài những môn học còn có 13 năng lực phẩm chất cũng sẽ được đánh giá ở 3 mức Tốt, Đạt và Chưa đạt.

Giáo viên chủ nhiệm bậc tiểu học giảng dạy khá nhiều môn học và nắm giữ quyền đánh giá 13 năng lực phẩm chất của học sinh. Tuy nhiên theo quy định đánh giá học sinh của Thông tư 27 thì các môn học và các năng lực phẩm chất phải được đánh giá là Tốt mới đạt Học sinh Xuất sắc hoặc học sinh Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện.

Chỉ cần một trong 11 môn học giáo viên đánh giá là hoàn thành thì học sinh ấy sẽ không đạt một danh hiệu thi đua nào.

Vì thế hiện nay, chuyện giáo viên chủ nhiệm “đi xin” một số giáo viên bộ môn đánh giá một học sinh nào đó đạt mức Tốt vẫn thường xảy ra.

Quy định về khen thưởng của Thông tư 27

Hiệu trưởng khen thưởng cuối năm học cho học sinh được quy định trong Thông tư số: 27/2020/TT-BGDĐT có 2 danh hiệu: Khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc; Khen thưởng danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.

Cả 2 danh hiệu thì học sinh phải được đánh giá 11 môn học đạt loại Tốt và 13 năng lực phẩm chất cũng đạt loại Tốt. Tuy thế, có những môn thuộc môn năng khiếu như Âm nhạc, Mỹ thuật hay môn học về thể chất là Thể dục thì học sinh vẫn phải được đánh giá Tốt.

Theo một số giáo viên dạy môn Nghệ thuật, để đánh giá một học sinh về Âm nhạc, Mỹ thuật đạt loại Tốt không hề dễ chút nào. Ngoài việc các em biết hát to, rõ lời còn phải hát đúng cao độ, trường độ, gõ phách đúng tiết tấu…

Hay như môn Mỹ thuật, ngoài việc biết vẽ theo mẫu, biết phối màu tự nhiên, bố cục hài hòa thì còn phải vẽ đẹp, sáng tạo…mới đạt kết quả Tốt. Một lớp không có nhiều học sinh đạt được những điều này.

Và dù có đến 10 môn học và 13 năng lực phẩm chất xếp loại Tốt, còn một môn như Âm nhạc hay Mỹ thuật xếp hoàn thành thì học sinh vẫn không có được danh hiệu thi đua.

Có giáo viên dạy các môn như Nghệ thuật, Thể dục xếp loại khá dễ dàng thì nhiều thầy cô giáo dạy những môn học này đòi hỏi học sinh khá cao nên phần lớn chỉ xếp loại hoàn thành. Vì thế, không ít các thầy cô giáo chủ nhiệm phải đích thân “đi xin” được nâng kết quả của học sinh lên Tốt. Những giáo viên bộ môn lúc này, lại đau đầu khi phải đứng giữa 2 lựa chọn.

Không đồng ý nâng kết quả sẽ mất lòng đồng nghiệp còn đồng ý thì lương tâm nghề nghiệp sẽ cắn rứt khi bản thân xếp loại không công bằng.

Có giáo viên dạy bộ môn chia sẻ: "Ở trường tôi, nếu học sinh được điểm cao Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh mà giáo viên bộ môn không cho Tốt thì sẽ bị Ban giám hiệu hỏi: "Sao em đó thi toàn điểm 10 mà riêng môn thầy không được xếp Tốt? Thầy xem lại chuyên môn và trình độ, kỹ năng sư phạm của mình đi, phải thế nào mới thế; Hoặc vận động: "Thầy cho Tốt đi, cho theo giáo viên chủ nhiệm đi chứ, làm căng để được gì đâu? Thầy cứ làm theo ý mình đi, để ảnh hưởng đến thi đua khen thưởng cuối năm của nhà trường và tập thể thầy tự chịu trách nhiệm". Thế là, tôi đành phải nhắm mắt ghi Tốt cho hài hòa".

Thông tư 27 đã chấm dứt việc "mưa giấy khen"

Đánh giá xếp loại học sinh theo chương trình cũ trước đây đã xảy ra tình trạng mưa giấy khen khi một lớp học 35 em thì có tới 34 em được khen thưởng.

Thông tư 27 đã có nhiều quy định chặt chẽ về khen thưởng. Nếu làm đúng như tinh thần của Thông tư 27 đưa ra thì một lớp học cũng chỉ có từ 1 đến 3 học sinh được khen là nhiều. Thậm chí theo một số thầy cô giáo, có lớp học, sẽ không có em nào đủ điều kiện được khen thưởng.

Thế nhưng, vì chỉ tiêu thi đua, về thành tích một số trường học, một số ngành giáo dục địa phương vẫn tự áp chỉ tiêu khen thưởng ở mức cao chót vót, một số trường học Ban giám hiệu lại gây áp lực cho giáo viên. Vì thế, dẫn đến tình trạng xin điểm, xin nhận xét trong đánh giá xếp loại học sinh vẫn đang xảy ra.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả.

Thuận Phương