Cơ hội thăng hạng nào cho giáo viên chức danh nghề nghiệp hạng III?

16/05/2024 06:48
Ngân Hoa
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - "13 năm mòn mỏi chờ được xếp lương theo bằng cấp, khi được rồi thì con đường thăng hạng lại trở nên xa vời vì nhà trường đã thừa chỉ tiêu".

Vừa qua, bài viết “Khống chế tỉ lệ, giáo viên hạng III sẽ rất khó có cơ hội xét lên hạng II” được đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã được chia sẻ trên nhiều diễn đàn xã hội và nhận được sự tương tác khá lớn của nhiều thầy cô giáo.

Có nhiều ý kiến cho rằng không nên khống chế chỉ tiêu từng hạng, giáo viên nào có đủ năng lực, phẩm chất sẽ được tham dự kỳ xét duyệt để cải thiện hạng của mình mới tạo được động lực phấn đấu cho các thầy cô.

bai-van-ve-thay-co-giao-700-1631865368349315703330-6451-9961.jpg
Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn.

Cũng có những ý kiến bày tỏ, việc khống chế chỉ tiêu các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên theo Công văn số 64/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ về việc xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức là hợp lý vì không riêng lĩnh vực giáo dục, nhiều ngành nghề khác cũng thực hiện theo hướng dẫn này.

Điều bất cập chính là ở nhiều địa phương, giáo viên đã không có được cơ hội tham dự xét thăng hạng dù bản thân đã thừa tiêu chuẩn. Bởi vì, trước đó, trường đã xếp hạng chức danh nghề nghiệp theo chùm Thông tư 01; 02; 03; 04/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập, các chỉ tiêu giáo viên hạng II đã đủ, thậm chí có nơi thừa chỉ tiêu theo hướng dẫn của công văn số 64.

Vì sao giáo viên hạng II ở các trường hầu hết đã đủ cơ cấu?

Trước đó, theo quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, nhiều tiêu chuẩn được giáo viên cho là dễ đạt được. Trong đợt xét chuyển hạng chức danh theo chùm Thông tư 20;21;22;23/2015 giáo viên nào có bằng đại học cũng được xếp giáo viên hạng II. Và khi chuyển áp dụng chùm Thông tư 01-04 và Thông tư 08/2023 vừa qua, tất cả giáo viên hạng II cũ đã được chuyển xếp sang hạng II mới.

Vì thế, hiện nay, trong nhiều trường học ở cả 4 cấp nhiều hạng chức danh (đặc biệt giáo viên hạng II) gần như đã vượt con số giới hạn tỷ lệ tối đa 50%.

Khi các cơ sở giáo dục đã thực hiện việc chuyển xếp hạng chức danh nghề nghiệp (không bị chỉ tiêu khống chế) thì Văn bản số 64/BNV-CCVC có hiệu lực từ ngày 05/01/2024 đưa ra việc khống chế chỉ tiêu các hạng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những thầy cô giáo ở những địa phương hàng chục năm trời không thực hiện việc chuyển xếp hạng. Dẫn đến, quyền lợi thiết thực của những giáo viên này bị thiệt thòi nhiều mặt.

Địa phương không thực hiện thăng hạng chức danh thường xuyên, nhiều giáo viên thiệt đơn thiệt kép

Tốt nghiệp đại học sư phạm cuối năm 2011 nhưng mãi đến năm 2021 thầy giáo Bùi Hải mới được ăn lương hệ đại học. “Đầu năm 2011, địa phương thực hiện việc chuyển xếp lương theo bằng cấp. Tôi chỉ chậm có một tháng theo quy định mà lỡ dở cả đời đi dạy. Và hiện nay, cơ hội thăng hạng chức danh của chúng tôi vô cùng mịt mờ”, thầy Bùi Hải chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ với thầy giáo Bùi Hải, cô giáo Mai Phương nhận bằng đại học năm 2012 nhưng chỉ nhận lương trung cấp suốt nhiều năm. Năm 2021, thực hiện việc chuyển xếp lương theo chùm Thông tư 01-04, cô mới được chuyển xếp sang lương đại học với chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III, hưởng hệ số lương 4.32.

Bạn bè đồng nghiệp lấy bằng đại học trước đó 1 năm thì hiện nay ai cũng là giáo viên tiểu học hạng II với hệ số lương 4.68 hoặc 5.02

Đó chỉ là một trong 2 ví dụ giáo viên có bằng đại học nhưng hàng chục năm nhưng ăn lương trung cấp, cao đẳng do địa phương không tổ chức thi, xét thăng hạng.

Năm 2021, sau hơn mười năm, những giáo viên này đã được xếp lương đại học và xếp chức danh nghề nghiệp hạng III. Trong số những giáo viên ở hạng III, có không ít thầy cô giáo vững về chuyên môn, nổi trội về năng lực phẩm chất. Tuy thế, con đường thăng hạng lên giáo viên hạng II không biết đến bao giờ vì tỷ lệ giáo viên hạng II của trường đã đủ thậm chí vượt con số 50%.

Một số thầy cô giáo cho rằng, nếu địa phương tổ chức việc xét, thi thăng hạng thường xuyên sẽ không xảy ra tình trạng giáo viên có bằng đại học vẫn nhận lương trung cấp, cao đẳng và không biết đến bao giờ mới được thăng hạng chức danh.

“13 năm mòn mỏi chờ được xếp lương theo bằng cấp, khi được rồi thì con đường thăng hạng lại trở nên xa vời”, một giáo viên buồn rầu cho biết.

Trong thực tế, đã có không ít giáo viên ở hạng chức danh thấp nhưng trình độ và năng lực chuyên môn lại vượt trội hơn hẳn so với một số giáo viên ở hạng chức danh cao. Liên quan đến thứ hạng là liên quan trực tiếp đến thu nhập của mỗi thầy cô. Vì thế, ai cũng có mong muốn được cải thiện thứ hạng.

Để tạo động lực cho giáo viên, xin được đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần rà soát các cơ sở giáo dục để nắm số lượng giáo viên có bằng đại học từ năm 2015 về trước (phần lớn những giáo viên này, đã tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn trước khi Luật Giáo dục 2019 quy định tiêu chuẩn giáo viên tiểu học, trung học cơ sở phải có bằng đại học) để đề đạt cơ quan có thẩm quyền xét đặc cách Chức danh nghề nghiệp hạng II cho một số giáo viên đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo các quy định hiện hành.

Thứ hai, hàng năm, ngành giáo dục địa phương cần rà soát số lượng giáo viên từng hạng chức danh ở các cơ sở giáo dục để có sự điều tiết giữa các trường cho phù hợp với chỉ tiêu của mỗi hạng.

Ví dụ như trường thiếu chỉ tiêu giáo viên hạng II, hạng I sẽ cho giáo viên chuyển theo yêu cầu về trường còn thiếu để các thầy cô giáo có cơ hội thăng hạng.

Thứ ba, có thêm quy định, giáo viên đã được thăng hạng nhưng trong quá trình làm việc lại không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ của hạng đang giữ thì có thể bị xuống hạng.

Khi việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp mang đến đặc quyền đặc lợi cho giáo viên thì cũng cần có các giải pháp để làm sao việc này luôn tạo động lực để thầy cô luôn cố gắng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ngân Hoa