Vào năm học mới, VNEN sẽ đi về đâu?

07/08/2017 07:00
Ngọc Quang
(GDVN)- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, mô hình trường học mới VNEN tiếp tục được triển khai nếu đảm bảo cơ sở vật chất và trình độ giáo viên.

Ngày 4/8 tại Hội nghị tổng kết năm học 2016 – 2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017 – 2018 cấp Tiểu học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có một phát biểu mà dư luận đang hết sức quan tâm: Năm học vừa qua, các địa phương đã có nhiều nỗ lực bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý.

Tuy nhiên nếu so với bộ chuẩn giáo viên mới Bộ đang xây dựng thì vẫn còn một bộ phận giáo viên ở bậc học Mầm non, cấp Tiểu học hay giáo viên ngoại ngữ chưa đáp ứng được các tiêu chí trong bộ chuẩn mới dẫn đến tình trạng chất lượng giáo dục ở một số địa phương chưa cao.

Bộ chuẩn giáo viên mới so với chuẩn cũ sẽ thay đổi rất nhiều. Chuẩn cũ đặt đặt nặng yêu cầu về năng lực chuyên môn, tuy nhiên về kỹ thuật dạy học, kỹ năng phát triển năng lực học sinh vẫn còn hạn chế; Tiêu biểu là trong mô hình trường học mới - VNEN, giáo viên tuy tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn (theo chuẩn cũ) là rất cao. Nhưng về phương pháp dạy học, kỹ năng hướng dẫn, hỗ trợ học sinh của một số giáo viên vẫn còn hạn chế do chưa được chuẩn bị, tập huấn kỹ lưỡng.

Riêng về mô hình trường học mới VNEN, Bộ trưởng yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo phải rà soát lại, nếu trường nào chưa đủ điều kiện, chỉ áp dụng những yếu tố tích cực của mô hình.

Những trường nào đáp ứng đủ các yếu tố cần thiết về cơ sở vật chất, giáo viên có phương pháp dạy học tốt thì tiếp tục triển khai mô hình VNEN.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo phải rà soát lại, nếu trường nào chưa đủ điều kiện, chỉ áp dụng những yếu tố tích cực của mô hình VNEN. Nơi nào đủ điều kiện thì tiếp tục áp dụng VNEN. ảnh: vgp.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo phải rà soát lại, nếu trường nào chưa đủ điều kiện, chỉ áp dụng những yếu tố tích cực của mô hình VNEN. Nơi nào đủ điều kiện thì tiếp tục áp dụng VNEN. ảnh: vgp.

Phát biểu này của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định tính đúng đắn khoa học của mô hình VNEN và cho phép triển khai tiếp “nếu đáp ứng đủ các yếu tố cần thiết như về cơ sở vật chất, giáo viên có phương pháp dạy học tốt”. Đó là thay đổi căn bản trong phương pháp dạy học, chuyển từ “thầy đọc trò chép” sang “thày hướng dẫn, trò chủ động tự học, sáng tạo”. Đây cũng là vấn đề mà dư luận quan tâm, chờ đợi lâu nay.

Vậy nên câu hỏi hết sức thời sự đặt ra lúc này là địa phương nào đáp ứng được hai tiêu chí trên nếu triển khai VNEN, bởi vì dư luận trong thời qua có ý kiến ủng hộ nhưng cũng có ý kiến không ủng hộ tiếp tục triển khai VNEN?

Với phát biểu này của Bộ trưởng Nhạ thì các địa phương sẽ phải chủ động chuẩn bị đạt về hai tiêu chí “cơ sở vật chất, phương pháp dạy học” nếu tiếp tục áp dụng mô hình này, hoặc là chỉ tiếp thu “những yếu tố tích cực của mô hình”.

Những yếu tố tích cực cực ở đây, có thể là: quan điểm mục tiêu VNEN; phương pháp dạy học, giáo dục; tổ chức quan lý lớp học; xây dựng môi trường lớp học; tập huấn bồi dưỡng giáo viên và nhà trường phối hợp có hiệu quả với cha mẹ học sinh, cộng đồng.

Về cơ sở vật chất thì hẳn đây vẫn sẽ là một khó khăn đối với hầu hết các địa phương trên cả nước, nhất là tại các thành phố lớn khi mà sĩ số quá lớn, thậm chí lên tới hơn 50 học sinh/1 lớp. Do đó cần điều kiện về con người để có tư duy vận dụng linh hoạt và sáng tạo khi áp dụng VNEN. Theo quy định thì sĩ số học sinh không quá 35 em/lớp (đối với Tiểu học) và  không quá 45 em/lớp (đối với Trung học).

Thí dụ như nếu sĩ số đông thì không nhất thiết phải chia nhóm mà có thể xếp lớp học như mô hình cũ, nhưng học cá nhân, học theo cặp, khi thảo luận thì mới chia nhóm hoặc không chia nhóm nhưng học sinh được quay sang thảo luận với các bạn ngồi xung quanh.

Vấn đề cơ sở vật chất ở các địa phương sẽ phải lo được dần và đủ, vì đó là yêu cầu cần thiết cho dù địa phương có áp dụng mô hình VNEN hay khi sang  trường học theo CTGDPT mới  mà sĩ số quá lớn như hiện nay thì không thể nào phát huy được tính khoa học và đạt được kết quả như mong muốn.

Điều thứ hai cũng rất quan trọng đó là trình độ giáo viên, hay nói cụ thể hơn là tay nghề, phương pháp, kỹ thuật dạy học của các giáo viên, có đủ để áp dụng VNEN?

Vào năm học mới, VNEN sẽ đi về đâu? ảnh 2

Theo Bộ Giáo dục, VNEN đã tạo ra môi trường giáo dục thân thiện

Trên thực tế công tác tập huấn bồi dưỡng giáo viên ở một số địa phương chưa thật tốt nên đã dẫn tới hiệu quả chưa cao, thậm chí có nơi áp dụng máy móc, rập khuôn.

Sự linh hoạt trong vận dụng thực tế và trình độ của giáo viên có đủ đáp ứng được vai trò là người hướng dẫn cho học sinh hay không chính là vấn đề cần phải đặt ra, nhất là khi cả nước đang tiến hành công cuộc đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục. Mà muốn đổi mới được thì trước tiên phải chú trọng tới đội ngũ nhà giáo.

Trong quá trình bồi dưỡng sắp tới Bộ cũng nên hướng dẫn cụ thể cho giáo viên các biện pháp áp dụng linh hoạt mô hình VNEN để họ yên tâm thực hiện, đỡ mất công suy nghĩ, tìm tòi. Được biết Bộ Giáo dục và Đào tạo có trang mạng “Trường học kết nối” mấy năm qua đã hoạt động tốt, nên tận dụng phát huy ưu thế này để bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý trên cả nước.

Nếu đã xác định được cách làm cũ là “thầy đọc trò chép” khiến cho nền giáo dục yếu kém thì việc phải thay đổi sang một mô hình khác mang tính chủ động hơn, sáng tạo hơn cho cả giáo viên và học sinh là điều không phải bàn cãi, cho dù có dạy VNEN hay không thì sự thay đổi vẫn rất cần thiết.

Sự thay đổi ấy giúp cho học sinh hoàn toàn chủ động trong việc đọc sách, nghiên cứu thảo luận và có tư duy bao quát, có kiến thức cơ bản tốt hơn – hay nói cách khác là tạo lập nên phương pháp tư duy khoa học ngay từ bậc tiểu học, sẽ tạo nền tảng tốt cho học sinh lên các bậc học cao hơn.

Những yếu tố tích cực này đang được áp dụng triệt để tại các nền giáo dục tiên tiến, còn tại Việt Nam cũng do hai yếu tố “năng lực của giáo viên và cơ sở vật chất” đã khiến cho chất lượng đào tạo phần nào bị hạn chế.

Để áp dụng được VNEN thì cần hội tụ đủ hai thành tố: Cơ sở vật chất và năng lực của giáo viên. ảnh: giaoduc.net.vn
Để áp dụng được VNEN thì cần hội tụ đủ hai thành tố: Cơ sở vật chất và năng lực của giáo viên. ảnh: giaoduc.net.vn

Để có nền giáo dục mạnh phải thay đổi tư duy học tập từ bậc tiểu học

Theo yêu cầu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đối với các địa phương không đáp ứng được hai tiêu chí “năng lực giáo viên” và “cơ sở vật chất” thì tiếp thu, vận dụng những yếu tố tích cực của VNEN, thực chất đó cũng là sự áp dụng phương pháp dạy học mới, từ truyền thụ kiến thức kiểu “đọc chép” sang “hướng dẫn cho học sinh tự học”.

Đó là học sinh cần được hướng dẫn để khởi động bài học, bằng hoạt động gợi mở, kích thích, tạo tình huống, sau đó tự học theo hướng dẫn trong sách giáo khoa và hướng dẫn bổ sung cụ thể hơn của giáo viên, của bạn học cùng cặp để tự suy nghĩ tìm cách giải quyết vấn đề.

Vào năm học mới, VNEN sẽ đi về đâu? ảnh 4

Các địa phương đang trông chờ vào quan điểm nhất quán của Bộ về VNEN

Các em cũng cần được thảo luận theo cặp, theo nhóm, như vậy nội dung bài học nêu ra sẽ rất sinh động, giúp củng cố và phát triển các kỹ năng, thái độ về lãnh đạo, giao tiếp, hợp tác, thân ái, tương trợ giúp đỡ bạn.

Đặc biệt, tự học, tự nghiên cứu cũng là tiền đề, là cơ sở giúp cho học sinh có được phương pháp, phong cách học tập suốt đời; có vai trò hết sức quan trọng nó quyết định sự phát triển các phẩm chất nhân cách của học sinh sau này.

Tự học, không hiểu theo nghĩa truyền thống là một quá trình tự bản thân học sinh thu thập thông tin, xử lý thông tin để biến thành kiến thức của mình, mà ở đây được hiểu là tự học có định hướng, và theo hướng dẫn của giáo viên và sách hướng dẫn cùng sự trợ giúp của bạn học trong nhóm học tập.

Tự học giúp học sinh hiểu sâu, mở rộng, củng cố và ghi nhớ bài học một cách vững chắc; có khả năng vận dụng các tri thức đã học vào việc giải quyết những nhiệm vụ học tập mới; hình thành được tính tích cực, độc lập tự giác trong học tập; hình thành được nề nếp làm việc khoa học; hình thành và phát triển khả  năng phân tích, tổng hợp bài học, đây là một phẩm chất quan trọng của tư duy.

Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng coi năng lực tự chủ và tự học là năng lực đầu tiên trong 3 năng lực chung cần có của học sinh.

Và xin kết thúc bài viết này bằng chia sẻ của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhã - nguyên Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội: “Tiêu chí đào tạo của Mỹ rất khoa học, nó được thể hiện rất rõ ràng qua việc sinh viên phải hoàn thành được một bài tập cụ thể, và phải tham gia được vào một nghiên cứu ngay từ năm thứ nhất.

Tới năm thứ hai, sinh viên phải xuống thực tế tại các nhà máy, các cơ sở lao động và phải có được một bài tham luận.

Tới năm thứ ba, sinh viên phải tham gia được vào các công trình nghiên cứu khoa học của thầy cô, để được trực tiếp làm một số việc đơn giản, qua đó hiểu về quy trình, cách thức làm một đề tài khoa học.

Tới năm thứ tư, sinh viên phải có một khóa luận thức sự, phải có được công trình nghiên cứu của riêng mình.

Qua cả một quá trình học tập, làm việc thực tế như vậy cho nên sinh viên của Mỹ nắm rất chắc cả lý thuyết với kỹ năng”.

Có vẻ như câu chuyện đào tạo đại học ở Mỹ chẳng liên quan gì tới phương pháp dạy hoc ở tiểu học tại Việt Nam? Không phải vậy! Bởi vì sở dĩ sinh viên của Mỹ tiếp cận được các vấn đề như Phó Giáo sư Nhã chia sẻ thì ngay từ bậc tiểu học các em đã được dạy rất cẩn thận và hình thành được cách học, phương pháp tự học, phương pháp tư duy, phương pháp tự nghiên cứu.

Ở Việt Nam, muốn thực sự đổi mới được nền giáo dục, hãy bắt đầu từ những điều cơ bản như vậy.

Ngọc Quang