LTS: Xung quanh việc một trường trung học cơ sở ở Quảng Nam ra nghị quyết: “giáo viên muốn ghi âm, ghi âm tại các cuộc họp của nhà trường thì phải xin phép và được sự đồng ý của chủ trì mới thực hiện”, đang có nhiều quan điểm trái chiều nhau.
Trong đó, ý kiến thì cho rằng quy định này vi phạm, hạn chế vai trò giám sát, phản biện trong trường học.
Nhưng cũng có quan điểm đồng ý bởi đây là quy định nội bộ nhằm ngăn ngừa những thông tin sai lệch, xuyên tạc, vu khống nhau “đẩy” lên mạng xã hội, gây mất đoàn kết nội bộ.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam mong đón nhận những chia sẻ của các thầy cô, cán bộ quản lý giáo dục về vấn đề này.
Hạn chế vai trò giám sát, phản biện
Theo quan điểm của một số giáo viên thì quy định này là không hợp lý, vi phạm luật cán bộ công chức và quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường.
Nhiều giáo viên cho rằng, "nghị quyết cản trở ghi âm ghi hình trong các cuộc họp nhà trường" là vi phạm pháp luật. Ảnh: giaoduc.net.vn |
“Những thông tin trong các cuộc họp nhà trường là công khai, không nằm trong danh mục bí mật của nhà nước. Vậy tại sao lại cản trở giáo viên ghi âm, ghi hình?”, cô HLD (giáo viên một trường tiểu học) nói.
Theo cô D., việc ghi âm lại nội dung các cuộc họp cũng là cách để lưu giữ bằng chứng, bởi có những quyết định, những mệnh lệnh của hiệu trưởng có khi chỉ nói bằng miệng, không được chép vào văn bản.
Để Hiệu trưởng lãnh đạo phong trào chống tham nhũng trường học thì... |
Dẫn chứng cho việc này, cô D. cho hay, vào đầu năm học mới, hiệu trưởng có yêu cầu giáo viên bàn bạc với hội phụ huynh để thu thêm một số khoản phí đầu năm.
Tuy nhiên, nếu sự việc này vỡ lỡ, trường bị phát hiện là lạm thu thì mọi “tội lỗi”, trách nhiệm đổ lên đầu giáo viên chủ nhiệm và ban đại diện hội cha mẹ học sinh.
Còn hiệu trưởng thì nghiễm nhiêm phủi bỏ trách nhiệm vì không có bằng chứng là họ chỉ đạo.
Nhiều giáo viên cũng đặt nghi vấn liệu nhà trường có vấn đề tiêu cực gì không, sao lại sợ cán bộ, giáo viên ghi âm, ghi hình?
“Việc cấm quay phim, chụp hình trong phòng họp theo tôi là không hợp lý và thiếu khách quan.
Nếu một cơ quan, đoàn thể làm việc minh bạch và đảm bảo yếu tố công bằng thì không việc gì phải lo sợ vấn đề thông tin thất thiệt. Việc nghiêm cấm chỉ tạo thêm tâm lý căng thẳng trong mỗi cuộc họp”, một giáo viên nói.
Việc ghi âm, ghi hình tại các cuộc họp sẽ tạo ra một cơ chế minh bạch, rõ ràng trong trường học. Tránh trường hợp giáo viên bị hiệu trưởng chèn ép, bị kiểm điểm, phê bình một cách vô lý.
Chia sẻ quan điểm về “nghị quyết” tréo ngoe này, thầy HVL. (giáo viên một trường trung học cơ sở) cho rằng, có những vụ việc liên quan đến tiêu cực, nếu không được ghi âm sẽ rất khó để phanh phui, làm sạch môi trường giáo dục.
Còn nếu thầy cô muốn ghi âm phải lên xin phép hiệu trưởng thì sự việc càng rắc rối hơn và sẽ không ai dám làm điều đó.
“Hiệu trưởng sẽ đặt ra hàng loạt câu hỏi truy vấn: ghi âm để làm gì?, tại sao phải ghi âm?... Thầy cô phải đối diện với sự nghi kị, trù dập của hiệu trưởng. Không ai dại gì lại làm việc đó”, thầy L. nói.
Quy định này có vi phạm?
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Bá Học, đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các văn bản như nội quy, quy chế, quyết định của nhà trường bắt buộc phải phù hợp với các văn bản pháp quy.
Hiệu trưởng quá nhiều quyền sẽ dẫn đến lạm quyền |
Dưới gốc độ pháp lý, việc ghi âm, ghi hình trong cuộc họp khi có một giáo viên nào đó tham dự không bị cấm.
“Công dân có quyền được quay phim, chụp hình ở những nơi không có biển cấm (khu vực quân sự). Việc quay phim chụp hình là quyền của công dân nên không có chuyện phải xin – cho”, luật sư Học nói.
Tuy nhiên, nếu sử dụng hình ảnh, ghi âm, đoạn phim đó với mục đích bôi nhọ xúc phạm hoặc một hành vi tương tự sẽ không được phép.
Chúng ta phải hiểu các cuộc họp công khai nên không có việc bị cấm các hình thức quay phim, ghi âm hay ghi hình.
Việc nhà trường ra nghị quyết như vậy là trái với các quy định về minh bạch thông tin (lưu ý: đây là trường công).