Việt Nam nên tham khảo cơ chế “sách giáo khoa kiểm định" của Nhật Bản

09/11/2016 07:25
Nguyễn Quốc Vương
(GDVN) - Quá trình chuyển đổi từ cơ chế biên soạn và lựa chọn sách giáo khoa từ “quốc định” sang “kiểm định” ở Nhật Bản có thể sẽ là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

LTS: Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương thực hiện “một chương trình – nhiều sách giáo khoa”, điều này sẽ góp phần đưa giáo dục Việt Nam xích lại gần dòng chảy của giáo dục thế giới.

Tuy nhiên, khi quan sát những tranh luận đang diễn ra xung quanh việc thực hiện quyết định này, nghiên cứu về giáo dục lịch sử tại Đại học Kanazawa, Nhật Bản, Nguyễn Quốc Vương nhận ra rằng chủ trương này ở Việt Nam dường như vẫn đang là một bài toán khó.

Từ kinh nghiệm của giáo dục Nhật Bản, hôm nay tác giả Nguyễn Quốc Vương đưa ra quan điểm với mong muốn tháo gỡ bài toán này. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Trong cuộc cải cách giáo dục lớn lần thứ 4 kể từ năm 1945 vốn được gọi vắn tắt là cải cách giáo dục căn bản, toàn diện hiện nay Việt Nam sẽ chuyển từ cơ chế “một chương trình-một sách giáo khoa” sang cơ chế “một chương trình-nhiều sách giáo khoa”. 

Cơ chế “một chương trình-một sách giáo khoa” là cách gọi khác của cơ chế “sách giáo khoa quốc định” với đặc điểm chính là cả nước sử dụng một bộ sách giáo khoa do Nhà nước (Bộ Giáo dục và đào tạo) biên soạn và ban hành. 

Tương tự, cơ chế “một chương trình-nhiều sách giáo khoa” là cách diễn đạt khác của cơ chế “sách giáo khoa kiểm định”, ở đó Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ xây dựng chương trình và thẩm định các bản thảo đăng ký trở thành sách giáo khoa. 

Bộ Giáo dục và đào tạo có chủ trương thực hiện “một chương trình – nhiều sách giáo khoa” (Ảnh: VOV)
Bộ Giáo dục và đào tạo có chủ trương thực hiện “một chương trình – nhiều sách giáo khoa” (Ảnh: VOV)

Những bộ sách giáo khoa sau khi qua được vòng thẩm định sẽ được tự do lựa chọn và sử dụng.

Việc chuyển đổi từ cơ chế “một chương trình-một sách giáo khoa” sang “một chương trình- nhiều sách giáo khoa” có diễn ra thuận lợi hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó không thể thiếu là hành lang pháp lý và vai trò tạo ra “cầu nối” của Bộ Giáo dục và đào tạo.
 
Quá trình chuyển đổi từ cơ chế biên soạn và lựa chọn sách giáo khoa từ “quốc định” sang “kiểm định” ở Nhật Bản sau 1945 rất có thể sẽ là bài học kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam. 

Sự thay đổi các hình thức biên soạn và lựa chọn sách giáo khoa ở Nhật Bản 

Giáo dục cận đại theo mô hình của phương Tây được chính thức bắt đầu như một hệ thống dành cho quốc dân ở Nhật Bản từ thời Minh Trị.

Tuy nhiên, không phải ngay từ đầu chính quyền Minh Trị đã “với tay” đến mọi ngóc ngách của giáo dục, đặc biệt là nội dung giáo dục. 
 
Trong khoảng 10 năm đầu với phương châm “văn minh khai hóa” và “khai sáng quốc dân”, các giáo viên ở Nhật có thể tự do lựa chọn các cuốn sách phù hợp để làm sách giáo khoa. 

Việt Nam nên tham khảo cơ chế “sách giáo khoa kiểm định" của Nhật Bản ảnh 2

“Rất dễ thấy hiện tượng lạm dụng ngôn từ và cách nói từ tiếng nước ngoài"

(GDVN) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý vấn đề này tại Hội thảo "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng" ngày 5/11 tại Hà Nội.

Những cuốn sách của Fukuzawa Yukichi (1835-1901) như “Tây Dương sự tình”, “Thế giới quốc tận”… đã được sử dụng như là sách giáo khoa trong các trường học. 

Tuy nhiên sau đó, đặc biệt kể từ khi Hiến pháp đại đế quốc Nhật Bản ra đời, Nhật Bản đã chuyển sang chế độ sách giáo khoa có tên “Kaishinsei” (1881). 

Theo quy định của chế độ này, người giáo viên ở các trường vẫn có quyền chọn lựa sách làm sách giáo khoa nhưng khi chọn phải báo cáo với cơ quan giám sát giáo dục của nhà nước. 

Đến năm 1883, chế độ “Kaishinsei” (báo cáo) này chuyển thành “ninkasei” (cấp phép). Trong chế độ “ninkasei”, việc tuyển chọn sách giáo khoa phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền của nhà nước. 

Khi chế độ này được thực thi, nhiều cuốn sách của Fukuzawa Yukichi bị loại bỏ ra khỏi trường học. Cuối cùng đến năm 1904 (năm Minh Trị thứ 37) chế độ “sách giáo khoa quốc định” được thiết lập. 

Theo đó tất cả các cuốn sách muốn trở thành sách giáo khoa phải qua được vòng thẩm định của Bộ giáo dục. Chế độ “sách giáo khoa quốc định” này đã tồn tại suốt từ đó cho đến tận năm 1947 với 5 lần thay đổi sách giáo khoa. 

Xác lập chế độ “sách giáo khoa kiểm định” và vai trò của Bộ giáo dục


Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong bối cảnh cải cách dân chủ được xúc tiến để tái thiết nước Nhật, dựa trên tinh thần của Hiến pháp 1946 và quy định của các bộ luật về giáo dục như Luật giáo dục cơ bản, Luật giáo dục trường học…mà trực tiếp là “Quy định kiểm định sách giáo khoa” (tháng 4/1947) và “Tiêu chuẩn kiểm định sách giáo khoa” (tháng 2/1948), chế độ “sách giáo khoa kiểm định” chính thức ra đời. 

Việt Nam nên tham khảo cơ chế “sách giáo khoa kiểm định" của Nhật Bản ảnh 3

Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại qua góc nhìn trực diện từ cơ sở

(GDVN) - Triển khai ở đô thị lớn không ai tiếp nhận, ông mang nó về các tỉnh nông thôn, vùng xa như Tây Ninh, tỉnh miền núi như Lào Cai để “thực nghiệm”.

Tuy nhiên, để chế độ kiểm định có thể được vận hành tốt trong thực tế cần đến cả thời gian và sự chuẩn bị, đặc biệt trong bối cảnh hậu chiến.

Vì vậy, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với sách giáo khoa và thực hiện các hoạt động có tính chất “bước đệm”. 

Biện pháp có tính chất khẩn cấp tạm thời đối với sách giáo khoa là việc chỉ thị cho giáo viên tiến hành dùng mực đen bôi đè lên các đoạn trong sách giáo khoa có nội dung ca ngợi chủ nghĩa quân phiệt, ca ngợi chiến tranh trong sách giáo khoa cũ để kịp có sách giáo khoa cho học sinh dùng vào năm học mới bắt đầu vào tháng 9/1945. 

Do các môn như Tu thân, Địa lý Nhật Bản, Lịch sử Nhật Bản trước đó đã bị Bộ tư lệnh tối cao quân đồng minh (GHQ) ra chỉ thị đình chỉ cho nên sách giáo khoa bị bôi đen nhiều nhất là sách Quốc ngữ. 

Song song với các biện pháp khẩn cấp trên, Bộ Giáo dục cũng tiến hành biên soạn một số cuốn sách giáo khoa mới. Động thái này có tính chất như bước đệm cho việc chuyển đổi sang chế độ “sách giáo khoa kiểm định”. 

Đây là khoảng thời gian xây dựng hành lang pháp lý và cũng là thời gian để cho các nhà xuất bản tư nhân chuẩn bị cho việc ra đời các cuốn sách giáo khoa của mình. 

Cuốn sách do Bộ giáo dục Nhật Bản biên soạn và xuất bản sớm nhất trong thời gian này là cuốn “Đất đai và con người”, cuốn sách giáo khoa dành cho môn Xã hội (Nghiên cứu xã hội) môn học hoàn toàn mới. 

Đây là cuốn sách dành cho học sinh lớp 6, lớp cuối cùng của bậc tiểu học và được in ra ngay trước khi giờ học môn Xã hội bắt đầu. Sau đó các cuốn sách khác dành cho môn Xã hội và nhiều môn khác cũng được in ấn và sử dụng. 

Các cuốn sách do Bộ giáo dục Nhật Bản biên soạn nói trên đã được sử dụng trong khoảng 5 năm từ năm 1947 đến năm 1952. Sách giáo khoa kiểm định được bắt đầu được đưa vào sử dụng song song cùng với sách do Bộ giáo dục biên soạn bắt đầu từ năm 1949 và sau đó thay thế toàn bộ.
 
Ở Việt Nam hiện tại, Bộ Giáo dục và đào tạo cũng chủ trương sẽ biên soạn một bộ sách giáo khoa để “đảm bảo sự chủ động”.

Cũng có thể hiểu việc tham gia biên soạn này của Bộ Giáo dục và đào tạo giống như một bước đệm tương tự như ở Nhật Bản sau 1945. 

Tuy nhiên, để bước đệm này thực sự tạo ra hiệu quả tốt thì việc công bố rộng rãi lộ trình và quy chế thẩm định sách giáo khoa bao gồm cả việc thẩm định các bản thảo của Bộ giáo dục một cách công tâm, minh bạch và thời hạn thực hiện bước đệm này là điều cần thiết. 

Nếu không làm được hai việc nói trên, việc chuyển đổi từ cơ chế “một chương trình-một sách giáo khoa” sang cơ chế “một chương trình-nhiều sách giáo khoa” sẽ khó có được thành công. 

Nguyễn Quốc Vương