Ngày 6/4/2019, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ, Trường Trung học phổ thông Quế Lâm (huyện Đoan Hùng) tổ chức buổi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.
Buổi nói chuyện có sự tham gia của 800 học sinh, các thầy cô trong trường và đặc biệt có sự quan tâm tham dự của ban đại diện phụ huynh Trường Trung học phổ thông Quế Lâm.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói chuyện với học sinh. Ảnh: Đỗ Thơm |
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã mang đến cho thầy và trò Trường Trung học phổ thông Quế Lâm (huyện Đoan Hùng) một buổi ngoại khóa bổ ích và lý thú.
Tại buổi hội thảo, sau phần nói chuyện về những cơ hội, thách thức trong thời đại cách mạng 4.0, những tấm gương khởi nghiệp thành công trên nhiều lĩnh vực, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã trả lời rất nhiều câu hỏi của các em học sinh của trường.
Em Nguyễn Văn Bình lớp 12 A4 đặt câu hỏi, câu nói nào mà Giáo sư thấy tâm đắc nhất, làm kim chỉ nam để thầy phấn đấu?
Trả lời câu hỏi này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khẳng định, có rất nhiều câu nói, châm ngôn hay trong cuộc sống mà Giáo sư tâm đắc. Trong đó có trả lời mà nước ngoài người ta hỏi học sinh là học để làm gì?
Phần đặt câu hỏi với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng được các em học sinh vô cùng hào hứng. Ảnh: Đỗ Thơm |
Theo nhận định của Giáo sư, có thể học sinh Việt Nam sẽ trả lời là học để sau này đỡ khổ, học vì bố mẹ, học để không phụ lòng thầy cô, học để vào đại học…Nhưng thế giới người ta trả lời câu hỏi đó là “Học để thành con người tự do”.
Thế nào là tự do? Đó là tự do để lựa chọn công việc mà mình yêu thích.
Giáo sư chia sẻ câu chuyện của tác giả cuốn sách “Giá như tôi biết điều đó trước khi học đại học” – Đinh Tuấn Ân.
Theo câu chuyện của thầy Nguyễn Lân Dũng thì người viết cuốn sách này đã học đại học ngân hàng theo định hướng của bố mẹ đến năm thứ 4 thì bỏ học. Lý do, là không thích nghề ngân hàng.
Một lần đi qua cửa hàng KFC và suy nghĩ, chủ nhân của thương hiệu này chỉ có cái đùi gà mà bán khắp thế giới.
Trong khi quê mình có món tào phớ, rất ngon nhưng ít người biết đến.
Thế rồi, anh Đinh Tuấn Ân đã khởi nghiệp bằng việc kinh doanh tòa phớ. Đến nay anh đã mở được hệ thống cửa hàng tào phớ ở thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ sở của anh Ân đã sáng tạo ra 30 món tào phớ, trong đó có món nổi tiếng là tào phở hương sầu riêng.
Dự định tới đây sẽ phát triển hệ thống của hàng tào phớ lan rộng ra 63 tỉnh thành và vươn ra thế giới.
Theo Thầy, các em cần tìm xem bản thân mình có lợi thế, khả năng gì. Không nhất thiết 800 em học sinh trường Trung học Phổ thông Quế Lâm ngồi đây đều phải vào đại học.
Nếu em có khả năng bơi lội, em hãy theo đuổi đam mê, rèn rũa khả năng đó để cố gắng trở thành Ánh Viên thứ 2.
Nếu em có khả năng ca hát, em có thể theo đuổi để trở thành ca sỹ ví dụ như Mỹ Tâm.
Nếu em nào đam mê kinh doanh hãy tìm hiểu, học hỏi, bắt đầu đầu tư những điều nhỏ nhất để có thể thành Jack Ma…
“Vào đại học có tốt không, rất tốt nhưng nếu tất cả học sinh tốt nghiệp lớp 12 đều vào đại học thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi thất nghiệp.
Tôi mong các em hãy biết đam mê, biết cố gắng, dám ước mơ và tìm cách hiện thực hóa đam mê, ước mơ đó để giúp Đoan Hùng ngày càng phát triển, giàu mạnh”.
Học sinh trường Trung học phổ thông Quế Lâm đặt câu hỏi: "Không vào đại học, chúng em có thể khởi nghiệp thành công?". Ảnh: Đỗ Thơm |
Em Nam học sinh lớp 12A1 đặt câu hỏi, trong quá trình phấn đấu cố gắng để học tập cống hiến. Chắc chắn Giáo sư gặp không ít khó khăn.
Vậy lúc đó, thầy lấy đâu động lực? Và Giáo sư có quan điểm thế nào khi khởi nghiệp với số vốn ít trong thời đại 4.0?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh: Bác Hồ nói “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Bền gan, vững chí theo đuổi đam mê, nhất định các em sẽ thành công
Trả lời câu hỏi thứ hai của em Nam, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng dẫn lại câu chuyện về anh Mười Bơ. 5 năm liền đi làm thuê để tích cóp mua được chiếc xe đạp và bắt đầu khởi nghiệp trồng, kinh doanh Bơ sau trở thành tỷ phú ở Tây Nguyên.
“Hãy bắt đầu từng bước nhỏ. Chỉ cần bạn có ý tưởng khởi nghiệp tốt, bạn muốn khởi nghiệp, chắc chắn bạn sẽ tìm được cách thức để thành công”, Giáo sư Dũng nhấn mạnh.
Em Đỗ Thị Vân – học sinh lớp 12A2 đặt câu hỏi: “Thưa Giáo sư, theo Giáo sư có cần phải vào đại học mới khởi nghiệp thành công không?”
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh lại: “Trong quá trình trao đổi với các em, tôi đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện khởi nghiệp thành công.
Trong đó, có rất nhiều người không hề học đại học. Họ là những tấm gương rõ nhất để các em thấy đại học không phải con đường duy nhất để thành công.
Jack Ma, Bill Gate đều là những người minh chứng cho điều đó”.
Đặc biệt trong buổi hội thảo, một số em học sinh đã đặt câu hỏi là làm sao để bố mẹ hiểu được các em, tôn trọng mong muốn, ước mơ của các em.
Không bắt ép các em phải vào đại học, phải làm nghề bố mẹ các em muốn nhưng các em lại không thích?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, trên cuộc đời này, không ai yêu thương, chăm sóc, lo lắng vô điều kiện cho các em như bố mẹ các em.
Các em hãy chia sẻ, trao đổi, nói chuyện nhiều hơn với bố mẹ để hiểu nhau. Chỉ có như vậy, bố mẹ mới hiểu các em và các em hiểu được tấm lòng, sự quan tâm của các em với bố mẹ.
Thầy Nguyễn Tiến Trình – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quế Lâm gửi lời cảm ơn đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã cho các em buổi hội thảo ý nghĩa. Ảnh: Đỗ Thơm |
Kết thúc buổi hội thảo, thầy Nguyễn Tiến Trình – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quế Lâm đã gửi lời cảm ơn đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã mang đến cho 800 học sinh của trường, các thầy cô, các phụ huynh buổi nói chuyện ý nghĩa.
Thầy Nguyễn Tiến Trình mong rằng, được gặp gỡ Giáo sư, có cơ hội hỏi và nhận được chia sẻ của thầy Nguyễn Lân Dũng, các em học sinh của trường sẽ cố gắng học tập, trau dồi kiến thức, hun đúc, vững tin theo đuổi đam mê, công việc yêu thích để vươn tới thành công, thành công dân có ích.
Ban giám hiệu nhà trường chụp ảnh lưu niệm với Giáo sư. Ảnh: Đỗ Thơm |
Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước. Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường. Email: toasoan@giaoduc.net.vn. Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả. |