Báo Mỹ: Thời Tập Cận Bình, TQ sẽ gia tăng lượng đầu đạn hạt nhân

02/04/2013 07:02
Đông Bình
(GDVN) - Theo bài báo thì Tập Cận Bình rất coi trọng Lực lượng Pháo binh 2 nên trong tương lai TQ sẽ tiếp tục tăng cường khả năng răn đe hạt nhân chiến lược.
Tên lửa đạn đạo chiến thuật DF-11 của Lực lượng Pháo binh 2
Tên lửa đạn đạo chiến thuật DF-11 của Lực lượng Pháo binh 2

Tờ “China in Brief” của Quỹ Jamestown Mỹ ngày 28/3 có bài viết nhan đề “Lực lượng Pháo binh 2 thời đại Tập Cận Bình”, cho rằng, mối quan hệ giữa nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, Tập Cận Bình với Lực lượng Pháo binh 2 (Lực lượng tên lửa chiến lược) Trung Quốc đã gây ra rất nhiều suy đoán cho dư luận quốc tế về sự phát triển của Lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông này.

Vào cuối tháng trước, ông Tập Cận Bình đã ký lệnh biểu dương một lữ đoàn của Pháo binh 2 có thành tích nổi bật. Tháng 12/2012, khi gặp gỡ đại biểu Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc của Lực lượng Pháo binh 2, ông Tập cũng được truyền thông quốc tế đưa tin rộng rãi.

Khi đó, Tập Cận Bình cho rằng, Pháo binh 2 là “lực lượng cốt lõi răn đe chiến lược của Trung Quốc, là điểm tựa chiến lược cho vị thế nước lớn của Trung Quốc, là hòn đá tảng quan trọng bảo vệ an ninh quốc gia của TQ”.

Nhưng, những thông tin  về sự phát triển tương lai của vũ khí hạt nhân và khả năng tên lửa thông thường của Pháo binh 2 ít được tiết lộ. Qua những bài phát biểu của các sĩ quan cấp cao có lẽ sẽ có thể hiểu được phương hướng phát triển của Pháo binh 2.

Tư lệnh Pháo binh 2 Tịnh Chí Viễn từng viết bài cho biết, sự phát triển trong tương lai của lực lượng tên lửa sẽ bao gồm tăng cường các khả năng như khả năng tình báo và trinh sát, khả năng chọc thủng và sát thương của tên lửa, khả năng sống sót, tấn công chính xác và phản ứng nhanh.

Chủ tịch nước TQ - Tập Cận Bình
Chủ tịch nước TQ - Tập Cận Bình

Ông Tịnh cho biết, vũ khí hạt nhân của Trung Quốc “phát triển hạn chế”, “không thể cạnh tranh về số lượng”. Bắc Kinh muốn duy trì vũ khí hạt nhân ở “mức độ tối thiểu” đủ để bảo vệ an ninh quốc gia. Nhưng điều này có thể có nghĩa là Trung Quốc muốn tăng mạnh quy mô đạn hạt nhân.

Trong vấn đề hiện đại hóa lực lượng tên lửa thông thường, Pháo binh 2 hầu như sẽ tiếp tục tăng hỏa lực và tầm phóng với khả năng tấn công chính xác. Mark Stokes, nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu chương trình 2049 Mỹ cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm có tầm phóng xa hơn, có thể đe dọa tàu sân bay Mỹ với khoảng cách ít nhất là 3.000 km. Bắc Kinh cũng có thể lựa chọn phát triển tên lửa tấn công đối đất thông thường mới có tầm phóng xa hơn.

Quân đội Trung Quốc coi trọng huấn luyện, Pháo binh 2 cũng không ngoại lệ. Trên thực tế, lãnh đạo cao nhất của họ thường nhấn mạnh tầm quan trọng của huấn luyện. Nhìn vào báo chí của Quân đội Trung Quốc, hoạt động huấn luyện của Pháo binh 2 được tăng cường cả về tính thực tế và độ phức tạp, nhưng những thông tin về huấn luyện và diễn tập vẫn đang nhấn mạnh đến các điểm yếu nhất định và những nhu cầu cải tiến mới.

Lãnh đạo hiện nay của Pháo binh 2 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng phải huấn luyện nghiêm túc để “rèn luyện binh lính”.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A Pháo binh 2 Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A Pháo binh 2 Trung Quốc

Lực lượng tên lửa hạt nhân của Trung Quốc đang tăng trưởng, nhưng đến nay quy mô tương mù mờ, việc triển khai lượng lớn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cơ động đường bộ làm cho khả năng đáp trả hạt nhân của Bắc Kinh được bảo đảm.

Trong 10 năm tới, dự kiến Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh tên lửa hạt nhân của Pháo binh 2, đến nay nó vẫn là nhân tố răn đe hạt nhân quan trọng nhất của nước này. Xu thế sẽ là phát triển theo hướng tên lửa hạt nhân chiến lược có khả năng sống sót tốt hơn.

Đông Bình