Cựu tùy viên quân sự nói về khả năng phát động chiến tranh của Bắc Kinh

02/03/2015 13:04
Lê Cường
(GDVN) - Dennis J Blasko cho hay, giới quan sát quân sự phương Tây, vấn đề này về bản chất đã vi phạm nguyên tắc chỉ huy thống nhất.
Nói trên một bài báo được đăng tải trên “War on the Rocks” – một website thông tin bàn nhiều về các vấn đề quân sự có trụ sở tại Washington, ông Dennis J Blasko- cựu Tùy viên quân sự Mỹ thường trú ở Bắc Kinh đã đưa ra những lý do có thể xem là những cản trở đối với việc Trung Quốc có thể phát động một cuộc chiến tranh quy mô lớn nhằm vào các đối thủ ở trong và ngoài khu vực châu Á.

Theo Dennis J Blasko, lý do đầu tiên hạn chế khả năng phát động chiến tranh của quân đội Trung Quốc (PLA) đó là vấn đề hệ thống hay nói cách khác là thể chế chính trị.

Cựu tùy viên quân sự Mỹ này cho rằng, trước tiên, cần phải nắm rõ có bao nhiêu sỹ quan, chỉ huy quân đội Trung Quốc được ủy nhiệm, đảm bảo sự trung thành của PLA với Đảng Cộng Sản Trung Quốc thông qua quá trình đào tạo về ý thức hệ, sự thăng chức trong nghiệp nhà binh ở đất nước này.

Ngoài ra, các vấn đề như “thấm nhuần” tâm lý Tam Quốc Chiến, truyền thông ý thức hệ và chiến tranh pháp lý nhằm duy trì kỷ luật cũng là một trong những tiêu chí được cho là cần có đối với các sỹ quan cao cấp ở quân đội TQ.

Dennis J Blasko cho hay, giới quan sát quân sự phương Tây, vấn đề này về bản chất đã vi phạm nguyên tắc chỉ huy thống nhất.

Theo lý thuyết này, bản thân các sỹ quan cấp tư lệnh của quân đội Trung Quốc chỉ được ủy nhiệm thực hiện các quyết định mang tính chiến dịch và chiến thuật khi cần thiết.

Với hệ thống chính trị của Trung Quốc hiện nay, chắc chắn có xung đột phát sinh giữa các tư lệnh quân đội và các quan chức chính trị khi cần đưa ra một quyết định cụ thể, quan trọng bất kỳ.

Vấn đề lớn thứ hai đó là, thực tế, các lực lượng mặt đất của quân đội Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế lớn hơn các quân, binh chủng khác trong hệ thống chỉ huy và cơ cấu của PLA.

Theo Dennis J Blasko, Lực lượng Lục quân Trung Quốc (trong đó bao gồm cả một lực lượng độc lập là Pháo binh số Hai (tên lửa chiến lược)) chiếm tổng cộng khoảng 72% trong số 2,3 triệu quân thường trực của toàn PLA.

Trong khi đó, lực lượng không quân và hải quân chỉ chiếm lần lượt là 10 và 17%.

Riêng Lục quân Trung Quốc đã chiếm đến 10 ghế trong cơ cấu Quân ủy Trung ương TQ. Lực lượng hải quân, Pháo binh số Hai mỗi bên chiếm 1 ghế, Không quân Trung Quốc vỏn vẹn cũng chỉ nắm được hai xuất trong cơ cấu quyền lực cao nhất của quân đội nước này.

Hiện nay, chỉ có các sỹ quan lục quân của quân đội Trung Quốc mới là những người được bổ nhiệm nắm các vị trí chủ chốt như tư lệnh các đại quân khu (TQ có 7 đại quân khu).

Ngay cả khi Trung Quốc cố tình thừa nhận rằng các mối đe dọa về hàng hải đã càng ngày càng gia tăng buộc Bắc Kinh phải đối mặt thì các chương trình, chiến dịch tương lai của nước này cũng chỉ có thêm các thành phần đầu tư mới là hải quân và không gian mà thôi.

Theo cựu sỹ quan tùy viên quân sự Mỹ, Trung Quốc sẽ phải mất nhiều năm nữa mới có thể cải tổ và hoàn thiện được cơ cấu quyền lực – chỉ huy trong lực lượng quân đội.

Lý do thứ ba, cũng là vận cản lớn nhất để Trung Quốc chưa thể phát động chiến tranh trong thời kỳ hiện đại đó là PLA thiếu kinh nghiệm chiến đấu.

Cuộc chiến trang gần đây nhất do PLA phát động là cuộc chiến trang xâm lược khu vực biên giới phía Bắc với quân đội Việt Nam vào năm 1979.

Trung Quốc cũng thừa nhận rằng chiến dịch đổ bộ chiếm đảo Yijiangshan từ tay Đài Loan trên Biển Đông năm 1955 là kinh nghiệm chiến đấu liên hợp duy nhất mà quân đội PLA tiến hành.

Cựu tùy viên quân sự Mỹ cho biết, trong những năm gần đây, việc Trung Quốc tham gia vào các chiến dịch và phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, thực hiện các nhiệm vụ cứu trợ thảm họa, cử chiếm hạm tham gia hộ tống tàu buôn, chống cướp biển ở Vịnh Aden cũng có ích trong tích lũy kinh nghiệm nhưng không thể bổ sung được sự yếu kém trong kinh nghiệm chiến đấu thực tế.

Lê Cường