Indonesia nhập công nghệ sản xuất tên lửa chống hạm của Trung Quốc?

07/09/2013 08:11
Việt Dũng
(GDVN) - Indonesia muốn tự chủ nghiên cứu chế tạo tên lửa chống hạm, thực hiện phương châm "lấy nhỏ thắng lớn", nhưng thỏa thuận TQ-Indonesia chưa được ký kết.
Tên lửa chống hạm C-705 Trung Quốc
Tên lửa chống hạm C-705 Trung Quốc

Trang mạng "Người đưa  tin công nghiệp quân sự" Nga đưa tin, Indonesia có thể sẽ ký thỏa thuận có liên quan đến tổ chức sản xuất tên lửa chống hạm C-705 có giấy phép tại Indonesia. Quân đội Indonesia có kế hoạch sử dụng loại tên lửa này trang bị cho tàu tên lửa KCR-40 nội địa.

Trước đó từng có tin truyền thông suy đoán, Indonesia đã bắt đầu sản xuất tên lửa chống hạm Type C-705. Nhưng người phát ngôn Ủy ban chính sách công nghiệp quốc phòng Indonesia vừa chứng thực với tờ "Jane's Defense Weekly", Indonesia vẫn chưa ký kết thỏa thuận có liên quan với phía Trung Quốc.

Indonesia cho biết, đàm phán với Cục khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc về tổng thể tiến hành rất thuận lợi, nhưng hai bên vẫn chưa đạt được nhất trí về một loại vấn đề có liên quan đến chuyển nhượng công nghệ.

Tờ "Jane's Defense Weekly" cho rằng, nguyên nhân chủ yếu làm cho thỏa thuận chưa thể ký kết là Trung Quốc muốn bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ của họ. Có chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có thể muốn Indonesia tăng số lượng mua sắm tên lửa C-705 để giải quyết vấn đề hiện nay. Indonesia có kế hoạch trang bị hệ thống tên lửa C-705 cho hơn 20 tàu tên lửa KCR-40 và loại tàu chiến khác được chế tạo trong mấy năm tới của họ.

Ngoài ra, Trung Quốc và Indonesia còn tiến hành đàm phán về một loạt chương trình hợp tác khác, bao gồm hợp tác nghiên cứu chế tạo và sản xuất trang bị kỹ thuật quân sự và hệ thống vũ khí. Indonesia hiện đang sản xuất tên lửa chống hạm C-802 do Trung Quốc nghiên cứu chế tạo, đồng thời đã trang bị nó cho tàu tuần tra cỡ lớn PB-57.

Tàu tên lửa KCR-40 của Hải quân Indonesia
Tàu tên lửa KCR-40 của Hải quân Indonesia

Có quan chức Indonesia cho biết, sản xuất tên lửa chống hạm và nghiên cứu chế tạo vũ khí chống hạm mới là một phần quan trọng của chiến lược xây dựng công nghiệp quốc phòng hiện đại được các nhà lãnh đạo Indonesia đưa ra, trong đó triển khai hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài là một trong những biện pháp cụ thể thực hiện chiến lược này.

Tên lửa chống hạm C-705 do Tập đoàn công nghiệp khoa học hàng không Trung Quốc nghiên cứu chế tạo, Công ty xuất nhập khẩu cơ khí chính xác Trung Quốc phụ trách tiếp thị ở nước ngoài. Tầm phóng tối đa của loại tên lửa này có thể đạt 140 km.

Tàu tên lửa KCR-40 do Indonesia tự chủ nghiên cứu chế tạo đã trang bị loại hệ thống tên lửa này. Tên lửa chống hạm C-705 trang bị đầu đạn nặng 110 kg, độ cao bay đoạn cuối là 5-7 m, chủ yếu dùng để trang bị cho tàu tuần tra cỡ nhỏ lớp 50-500 tấn, dùng để tấn công tàu chiến cỡ lớn và trung bình có lượng giãn nước trên 1.500 tấn, thậm chí được gọi là đòn sát thủ "lấy nhỏ thắng lớn".

Tên lửa chống hạm C-802 Trung Quốc
Tên lửa chống hạm C-802 Trung Quốc
Việt Dũng