"Nga tuyệt đối sẽ không chuyển nhượng động cơ xịn cho Trung Quốc"

17/08/2013 08:27
Đông Bình
(GDVN) - Bài viết giới thiệu năng lực xuất sắc của ngành chế tạo máy bay Nga, đồng thời giới thiệu về hoạt động xuất khẩu máy bay Nga trên thị trường quốc tế.
Chủ tịch Tập đoàn chế tạo hàng không liên hợp Nga Mikhail Pogosyan
Chủ tịch Tập đoàn chế tạo hàng không liên  hợp Nga Mikhail Pogosyan

Ngày 16 tháng 8 mạng sina Trung Quốc đăng bài viết dẫn nguồn tin mạng chế tạo cơ khí Nga cho biết, khi trả lời Đài phát thanh “Tiếng vọng Moscow” về những vấn đề có liên quan đến tình hình chế tạo hàng không và các hiện trang công ty, triển vọng phát triển… của Nga, Chủ tịch Tập đoàn chế tạo hàng không liên hợp Nga (tiếng Nga: Объединённая Авиастроительная Корпорация,OAK) Mikhail Pogosyan chỉ ra, Trung-Nga ký thỏa thuận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hợp tác quân sự song phương sẽ không thoát khỏi khuôn khổ nhất định.

Trung Quốc cho dù có thể sao chép được máy bay chiến đấu của Nga, nhưng sẽ tồn tại khoảng cách về chất lượng, tính năng. Hơn nữa, Nga sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì ưu thế dẫn trước về công nghệ.

Ông Mikhail Pogosyan chỉ ra, trình độ trang bị hàng không chắc chắn sẽ không bao giờ dừng lại, máy bay là “đơn vị” chiến đấu có tốc độ phát triển tương đối nhanh. Sau khi Liên Xô giải thể hơn 20 năm, công nghiệp hàng không Nga không thể vẫn dựa vào “bán thành phẩm” trước đây.

Những tiến bộ chủ yếu thể hiện ở nghiên cứu chế tạo thiết bị điện tử hàng không hiện đại, cải tiến động cơ, dành cho máy bay năng lực mới tấn công các mục tiêu mặt đất, nghiên cứu chế tạo hệ thống tác chiến mới.

Hiện nay, Nga vẫn có sức cạnh tranh khá mạnh trên thị trường thế giới, Nga không thể chỉ là chào bán hàng mẫu trang bị hàng không cá biệt, mà cần đưa ra dòng máy bay hoàn chỉnh, bất kể là lĩnh vực hàng không tuyến đầu, lĩnh vực hàng không vận tải, hay lĩnh vực hàng không dân dụng, những sản phẩm này đều phải dựa trên nền tảng hệ thống dịch vụ sau bán hàng thống nhất, phương pháp chế tạo thống nhất, phương án công nghệ nền tảng thống nhất.

Máy bay chiến đấu Su-27SK của Không quân Việt Nam, do Nga chế tạo.
Máy bay chiến đấu Su-27SK của Không quân Việt Nam, do Nga chế tạo.

Đồng thời, tăng cường cạnh tranh bên trong tốt đẹp, trên thực tế, hoạt động cạnh tranh giữa các công ty như MiG, Sukhoi, Yakovlev trong lĩnh vực sáng tạo chưa bao giờ dừng lại.

Trên thị trường hàng không quân sự, Nga hoàn toàn không nghi ngờ đang ở vị thế dẫn trước thế giới, đối thủ cạnh tranh thực tế chủ yếu là Mỹ, cũng có cạnh tranh với các nước châu Âu, chủ yếu là Pháp, nhưng sức cạnh tranh của họ không bằng Nga.

Để nâng cao sức cạnh tranh, Nga luôn nỗ lực, luôn hoàn thiện các loại sản phẩm, trong đó có máy bay dòng Su-27, đưa ra sản phẩm tốt nhất, đồng thời tích hợp các thiết bị tiên tiến do các nước khác sản xuất, chẳng hạn theo yêu cầu của Ấn Độ, lắp ráp rất nhiều thiết bị điện tử của Pháp, Ấn Độ và Israel trên máy bay tiêm kích Su-30MKI cung cấp cho Không quân Ấn Độ.

Khi nói về sự phát triển của công ty, Mikhail Pogosyan chỉ ra, hơn 20 năm trở lại đây, công ty luôn dựa vào nguồn vốn ngoài ngân sách để tiến hành phát triển, chủ yếu là thu nhập từ xuất khẩu vũ khí.

Thông qua Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga, đã ký hợp đồng cung cấp máy bay dòng Su-27 cho Trung Quốc và giúp Trung Quốc có giấy phép sản xuất máy bay Su-27, đã ký hợp đồng cung cấp máy bay Su-30 cho Ấn Độ và giúp Ấn Độ có giấy phép sản xuất máy bay Su-30, ký kết hợp đồng xuất khẩu máy bay cho Việt Nam, Indonesia, Algeria, Venezuela. Tất cả các hoạt động xuất khẩu này đều đem lại thu nhập không tồi, duy trì tính ổn định sản xuất của công ty.

Máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Không quân Việt Nam, do Nga chế tạo
Máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Không quân Việt Nam, do Nga chế tạo

Hiện nay, công ty có xu thế phát triển tốt đẹp, tốc độ sản xuất tăng 15-20% mỗi năm, năng lực sản xuất 6 năm gần đây đã tăng gấp đôi. Điều quan trọng hơn là, sự phát triển hiện nay của công ty không còn chủ yếu dựa vào hoạt động xuất khẩu, căn cứ vào quy hoạch vũ khí của Liên bang Nga và rất nhiều đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Nga trở thành nhân tố ổn định quan trọng cho sự phát triển của công ty, không chỉ mua sắm máy bay tiêm kích, máy bay cường kích, máy bay ném bom tiền tuyến, mà còn mua máy bay vận tải quân dụng và các hệ thống vũ khí tấn công khác.

Nếu nói 4 năm trước quy mô cung ứng cho Quân đội Nga chỉ chiếm 5-10% năng lực sản xuất của công ty, thì năm 2012, tỷ lệ này đã đạt 50%, năm nay sẽ đạt 70%. Năm 2012, công ty đã bàn giao cho Không quân Nga 35 máy bay lực lượng hàng không tiền tuyến, năm nay sẽ bàn giao 66 máy bay, năm 2014 sẽ bàn giao khoảng 90 máy bay.

Đối với vấn đề Ấn Độ đang tích cực nhập khẩu hàng hóa phương Tây và Trung Quốc tìm cách tự nghiên cứu chế tạo sản phẩm của họ liệu có tạo ra mối đe dọa kinh tế cho hoạt động xuất khẩu của công ty Nga, Chủ tịch Mikhail Pogosyan cho rằng, năm 2012, Ấn Độ luôn kiên trì chính sách đa dạng hóa mua sắm quân sự. Chẳng hạn, Không quân Ấn Độ ký kết mua máy bay Rafale bên cạnh việc trang bị máy bay dòng MiG, Sukhoi.

Nhưng, Nga-Ấn xây dựng kế hoạch công tác chung lâu dài và ổn định, không chỉ cung cấp trang bị quân sự, mà còn hợp tác nghiên cứu chế tạo sản phẩm mới, chẳng hạn hiện nay có chương trình sản xuất máy bay tiêm kích Su-30MK có giấy phép, chương trình hợp tác nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và máy bay vận tải đa năng.

Máy bay chiến đấu Su-30MKI của Không quân Ấn Độ
Máy bay chiến đấu Su-30MKI của Không quân Ấn Độ

Mặc dù Nga có lúc không giành được tất cả chương trình đấu thầu mua sắm của Quân đội Ấn Độ, đây cũng là hiện tượng bình thường, nhưng hai nước có kế hoạch hợp tác lâu dài, ổn định, có thể bảo đảm nền tảng hợp tác đối tác Nga-Ấn, đặc biệt là trên phương diện hợp tác sản xuất vũ khí trang bị mới cung cấp cho thị trường Ấn Độ.

Còn với Trung Quốc, có thể nước này sẽ cố gắng để đạt tới trình độ hiện nay của Nga, nhưng quá trình này tương đối lâu dài, hơn nữa chỉ có nguồn tài chính và nguồn nhân lực là hoàn toàn không đủ. Trung Quốc cần có kinh nghiệm, cần có tích lũy. Vì vậy, Nga vẫn sẽ duy trì địa vị ưu thế tương đối ổn định trên thị trường trang bị hàng không quân sự thế giới.

Về vấn đề Trung Quốc sao chép sản xuất có thể gây tổn thất cho Nga, ông Mikhail Pogosyan cho rằng, Nga và Trung Quốc ký kết thỏa thuận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Hợp đồng chuyển nhượng công nghệ Su-27 được ký kết trong khuôn khổ thỏa thuận liên chính phủ giữa hai nước, trong khuôn khổ hợp đồng Nga đã chính thức chuyển nhượng một phần bản quyền sở hữu trí tuệ.

Cần phải nói là, Nga cố gắng hợp tác văn minh với Trung Quốc, hơn nữa Nga hiểu khuynh hướng sao chép máy bay chiến đấu Nga của Trung Quốc, vì vậy ông cho rằng, hợp tác giữa Nga-Trung sẽ không thoát khỏi khuôn khổ nhất định. Thêm nữa, bất cứ hàng sao chép nào thì cũng không thể bằng được hàng gốc.

Máy bay chiến đấu đa năng Su-35 do Nga chế tạo
Máy bay chiến đấu đa năng Su-35 do Nga chế tạo

Nếu không thể biết được những nhân tố chính nền tảng của một chương trình máy bay nhất định, thì vĩnh viễn không thể sao chép thành công sản phẩm tốt hơn so với sản phẩm nguyên mẫu. Nhiệm vụ chính của Nga là không thể dậm chân tại chỗ, mà là phải tiếp tục nỗ lực nâng cao trình độ nghiên cứu phát triển, duy trì ưu thế dẫn trước công nghệ.

Mikhail Pogosyan tiết lộ, về mặt chuyển nhượng công nghệ, Nga có khá nhiều giới hạn. Nga chủ yếu chuyển nhượng nhãn hiệu máy bay, kết cấu máy bay, cấu tạo thông minh, vật liệu hợp kim cụ thể và sẵn sàng cung cấp linh kiện có liên quan, nhưng một loạt công nghệ như công nghệ động cơ, quy trình và công nghệ có liên quan đến công nghệ và phương pháp chế tạo, công nghệ thuật toán mang tính bảo vệ bên trong bảo đảm giải quyết các nhiệm vụ, chắc chắn đều là những thành quả mới của Nga, không thể chuyển nhượng. Nói chung, Nga chỉ cung cấp những bộ kiện cần thiết, bảo đảm các sản phẩm cấp phép sản xuất có thể sử dụng là được.

Khi nói về tiến bộ công nghệ trang bị hàng không, Pogosyan cho rằng, một trong những công nghệ then chốt hiện nay là thiết bị điện tử vô tuyến điện tích hợp của máy bay. Nếu nói máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư cần có nhân viên 2 tổ lái để giải quyết nhiệm vụ đa năng, thì máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm chỉ có một phi công, nhân viên tổ lái thứ hai là máy tính có thể giải quyết tất cả các nhiệm vụ hỗ trợ, là phi công điện tử.

Động cơ máy bay 117S do Nga chế tạo
Động cơ máy bay 117S do Nga chế tạo

Ngoài ra, máy bay chiến đấu đa năng Su-35 biểu diễn tại Triển lãm hàng không Paris năm nay đã để lại ấn tượng khó quên, chứng minh công nghệ động cơ hàng không Nga vẫn là tiên tiến nhất, tốt nhất thế giới, hệ thống điều khiển của máy bay tiêm kích tiền tuyến cũng độc nhất vô nhị trên thế giới, tính năng tiên tiến hơn, đồng thời an toàn hơn, trình độ tích hợp thống nhất cao hơn, có thể bảo đảm cho máy bay hoàn thành bất cứ động tác cơ động nào mà các loại máy bay khác không thể thực hiện.

* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả! - Facebook
Đông Bình