Nhật Bản có năng lực săn ngầm tốt nhất trong khu vực, chỉ đứng sau Mỹ

16/05/2013 07:32
Việt Dũng
(GDVN) - Bài báo giới thiệu năng lực săn ngầm như các loại trang bị, vũ khí săn ngầm... cùng với phương thức săn ngầm của Nhật Bản - chỉ đứng sau Mỹ.
Cụm máy bay tuần tra săn ngầm tại một căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Cụm máy bay tuần tra săn ngầm tại một căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera ngày 13/5 nói về vấn đề phát hiện tàu ngầm lạ ở khu vực tiếp giáp phía nam đảo Kume, Okinawa. Ông cho biết, nếu tàu ngầm xâm nhập lãnh hải Nhật Bản, sau khi được Thủ tướng đồng ý sẽ lập tức áp dụng hành động phòng bị, buộc tàu ngầm phải nổi lên mặt nước. Điều này gây quan tâm đặc biệt cho dư luận về năng lực và phương thức tác chiến săn ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Theo tờ “Ships of the world” Nhật Bản, lực lượng săn ngầm của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cơ bản chia làm 3 bộ phận: Một là lực lượng mặt nước gồm các tàu khu trục và tàu hộ vệ chủ lực, hai là lực lượng hàng không gồm các máy bay trực thăng săn ngầm hải quân (trang bị cho tàu chiến) và máy bay săn ngầm cánh cố định cất cánh từ bờ biển.

Tàu ngầm vốn cũng là vũ khí sắc bén quan trọng “lấy tàu ngầm để chống tàu ngầm”, nhưng 16 tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển làm nhiệm vụ lâu dài phá hoại đường thủy/hậu cần của đối phương và huấn luyện tác chiến phục kích eo biển, vì vậy săn ngầm hoàn toàn không phải là sở trường.

Theo bài báo, những tàu chiến làm nhiệm vụ tàu chỉ huy trong “Hạm đội 8.8” - hạt nhân sức chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản như các tàu khu trục trực thăng lớp Hyuga, lớp Haruna, lớp Shirane mang theo 3 máy bay trực thăng săn ngầm trở lên, là các tàu chiến săn ngầm chuyên dụng hiếm có trên thế giới, ngoài trang bị thiết bị sonar tần số trung bình và thấp ở vỏ tàu, còn được trang bị sonar kéo số hóa và sonar định vị ở độ sâu khác nhau, năng lực dò tìm tàu ngầm tổng thể khá mạnh, thích hợp với tác chiến ở vùng biển sâu, vì vậy được triển khai ở vùng biển phía bắc và phía đông hướng ra Thái Bình Dương.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-1 do Nhật Bản chế tạo, tính năng hơn hẳn P-3C do Mỹ chế tạo
Máy bay tuần tra săn ngầm P-1 do Nhật Bản chế tạo, tính năng hơn hẳn P-3C do Mỹ chế tạo

Còn sonar tần số trung bình sử dụng ở tàu khu trục thông dụng thích hợp với sử dụng ở vùng biển nước nông, được triển khai hướng vào Trung Quốc, các cảng biển phía tây của CHDCND Triều Tiên, phụ trách tuần tra vùng biển thềm lục địa biển Hoa Đông.

Không chỉ có vậy, tất cả tàu tác chiến cỡ lớn và trung bình của Lực lượng Phòng vệ Biển đều được lắp thiết bị sonar trong vỏ tàu, cộng thêm máy bay trực thăng săn ngầm mang theo, cự ly dò tìm săn ngầm có thể bảo đảm nhu cầu an toàn của một hạm đội có quy mô trung bình. Trong nhiều cuộc diễn tập Vành đai Thái Bình Dương do Hải quân Mỹ tổ chức, kỹ thuật săn ngầm của Nhật Bản cũng được công nhận là xuất sắc nhất.

Ngoài ra, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sở hữu tổng cộng 101 máy bay tuần tra săn ngầm P-3C, chỉ sau Mỹ, loại máy bay này có thể mang theo tới 9 tấn vũ khí săn ngầm và 87 phao sosar, bán kính tác chiến tối đa có thể bao trùm toàn bộ vùng biển của quần đảo Nhật Bản.

Có chuyên gia cho rằng, các trang bị săn ngầm, vũ khí tấn công tàu ngầm và thiết bị dò tìm hiện có của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đều là hàng đầu thế giới. Đặc biệt là lực lượng săn ngầm hàng không, bất kể chất lượng hay số lượng chỉ đứng sau Mỹ, đứng thứ hai thế giới.

Tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga Nhật Bản có công dụng hàng đầu là săn ngầm
Tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga Nhật Bản có công dụng hàng đầu là săn ngầm

Nhật Bản sử dụng những trang bị này tiến hành tác chiến săn ngầm như thế nào? Theo tiết lộ của tờ “Ships of the world” Nhật Bản, sau khi nhận được dấu hiệu “tàu ngầm xâm phạm”, Lực lượng Phòng vệ Biển trước tiên sẽ điều máy bay săn ngầm cánh cố định (có tốc độ nhanh nhất) đến duyên hải thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, trước khi chưa phát hiện ra dấu vết tàu ngầm, thường trước hết sử dụng radar, phương thức quan sát hồng ngoại và mắt thường, tiến hành tìm kiếm tàu ngầm hoạt động trong trạng thái có ống thông khí hoặc trạng thái tiềm vọng trên mặt nước.

Khi phát hiện và xác nhận trên mặt biển có tàu ngầm hoạt động, máy bay săn ngầm và tàu chiến mặt nước chạy phía sau sẽ tập trung chạy hướng mục tiêu, trong đó máy bay săn ngầm cánh cố định căn cứ vào số liệu thủy văn ở “vùng biển có sự” bố trí trận địa tìm kiếm phao sonar mọi hướng bị động.

Sau khi hoàn thành bố trí trận địa, máy bay tiến hành bay tuần tra trên không ở khu vực trận địa phao sonar, theo dõi và chờ đợi tín hiệu mục tiêu. Sau khi nhận biết và xác nhận có tàu ngầm, lập tức tiến hành định vị đối với tàu ngầm để bảo đảm trước khi tấn công không bị mất mục tiêu.

Đối với tàu chiến mặt nước trang bị máy bay trực thăng, có thể sử dụng phao sonar tiến hành tìm kiếm cơ bản, sau khi phát hiện được tiếng ồn của mục tiêu, tiếp tục cho máy bay trực thăng cất cánh tới khu vực “phao nóng” phát hiện tàu ngầm, máy bay trực thăng dừng (treo) trên không trung và sử dụng thiết bị dipping sonar tiến hành dò tìm và định vị chủ động, sau khi xác định được vị trí của mục tiêu, máy bay trực thăng có thể tiến hành tấn công đối với tàu ngầm.

Tàu khu trục trực thăng lớp Shirane Nhật Bản tập trung vào tăng cường tính năng săn ngầm
Tàu khu trục trực thăng lớp Shirane Nhật Bản tập trung vào tăng cường tính năng săn ngầm
Việt Dũng