Nhật Bản đang "luyện kiếm" để sẵn sàng tấn công kẻ thù

16/06/2013 08:10
Việt Dũng
(GDVN) - Đây tiếp tục là một trong loạt bài viết tỏ ra đặc biệt lo ngại của Trung Quốc đối với các động thái trở thành "quốc gia bình thường" của Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng Đảng Tự do Dân chủ cầm quyền chủ trương sửa đổi Hiến pháp, xây dựng quân đội chính quy, thực hiện quyền tự vệ tập thể, tăng cường phòng thủ các hòn đảo tây nam, nới lỏng xuất khẩu vũ khí
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng Đảng Tự do Dân chủ cầm quyền chủ trương sửa đổi Hiến pháp, xây dựng quân đội chính quy, thực hiện quyền tự vệ tập thể, tăng cường phòng thủ các hòn đảo tây nam, nới lỏng xuất khẩu vũ khí

Trang mạng tiếng Trung "Jnocnews" ngày 10 tháng 6 có bài viết mang tên "Nhật Bản muốn tấn công căn cứ nước thù địch dựa vào cái gì" cho rằng, "Đại cương kế hoạch phòng vệ" quyết định phương hướng quân sự của Nhật Bản nhiều lần được sửa đổi, hơn nữa tốc độ đổi mới ngày càng nhanh.

Phương hướng sửa đổi cũng ngày càng theo hướng "tấn công", đồng thời tận dụng cơ hội mở rộng quân bị, đằng sau việc Nhật Bản xây dựng "lá chắn phòng thủ", cũng đang không ngừng “luyện kiếm tấn công”.

Theo bài viết được báo chí TQ tuyên truyền với ý đồ bôi xấu Nhật Bản thì, "những năm gần đây, nền chính trị Nhật Bản có tồn tại bất ổn, các đảng phái tranh giành quyền lực, đấu đá gay gắt, khiến rất nhiều dự luật, pháp quy liên quan đến quốc sự, dân sinh không được kịp thời xem xét, đã ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của vận nước Nhật Bản".

Nhưng người quan sát kỹ sẽ phát hiện, "Đại cương kế hoạch phòng vệ" quyết định phương hướng quân sự của Nhật Bản lại được nhiều lần sửa đổi, hơn nữa tốc độ sửa đổi lại ngày càng nhanh.

Ở Nhật Bản, văn kiện mang tính cương lĩnh chỉ đạo chính sách an ninh quốc gia và xây dựng Lực lượng Phòng vệ thường có 2 loại: Một là Quy hoạch 5 năm xác định biên chế nhân viên và số lượng trang bị của Lực lượng Phòng vệ, gọi là "Kế hoạch chỉnh đốn lực lượng phòng vệ trung hạn". Hai là "Đại cương kế hoạch phòng vệ" liên quan đến chỉnh đốn, sắp xếp lực lượng phòng vệ trong 10 năm tới.

Đảng Dân chủ (DPJ) Nhật Bản cầm quyền 3 năm, không chỉ đã tiến hành sửa đổi "Đại cương kế hoạch phòng vệ" phiên bản năm 2004, sửa "chuyên phòng thủ" (một chiến lược đã thực hiện lâu dài) thành "phòng thủ linh hoạt/động thái", đồng thời cũng đã nới lỏng "Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí".

Nhưng, sau khi Đảng Tự do Dân chủ (LDP) Nhật Bản giành lại chính quyền về tay mình, họ vẫn cho rằng, "Đại cương kế hoạch phòng vệ" do Đảng Dân chủ xây dựng không thể "tiến cùng thời đại", tương đối bảo thủ.

Vì vậy, quyết định tiếp tục tiến hành sửa đổi "Đại cương kế hoạch phòng vệ" (mới sửa được 2 năm). Ngày 30 tháng 5, tại hội nghị liên tịch của Tiểu ban quốc phòng và Ủy ban điều tra an ninh tổ chức tại trụ sở Đảng Tự do Dân chủ, một bản dự thảo "Đại cương kế hoạch phòng vệ" mới đã ra đời.

Máy bay tuần tra săn ngầm mới nhất do Nhật Bản tự nghiên cứu chế tạo.
Máy bay tuần tra săn ngầm mới nhất do Nhật Bản tự nghiên cứu chế tạo.

Bản dự thảo chủ trương sửa đổi nội dung xây dựng "lực lượng phòng vệ động thái" của "Đại cương kế hoạch phòng vệ" thành "lực lượng phòng vệ cơ động vững chắc". Dự thảo đề xuất thành lập "quân đội chính quy", thành lập "lực lượng thủy quân lục chiến", mua vũ khí tiên tiến của Mỹ, tăng cường phòng thủ các hòn đảo nhỏ ở hướng tây nam.

Ngoài ra còn nhấn mạnh, xét thấy CHDCND Triều Tiên phát triển hạt nhân và tên lửa, Chính phủ Nhật Bản cần để cho Lực lượng Phòng vệ sở hữu năng lực độc lập tiến hành tấn công đối với các căn cứ kẻ thù. Vì vậy, theo các phương tiện truyền thông, "Đại cương kế hoạch phòng vệ" Nhật Bản có thể sửa thành đại cương "tấn công".

Căn cứ vào Hiến pháp hòa bình và nguyên tắc chuyên phòng vệ do Mỹ định ra cho Nhật Bản, Nhật Bản tạm thời không phát triển, triển khai tên lửa hành trình tầm trung và tầm xa có thể tấn công căn cứ của kẻ thù. Vì vậy, có phương tiện truyền thông cho rằng, lực lượng tấn công tầm xa của Nhật Bản có thể chủ yếu hy vọng vào Lực lượng Phòng vệ trên không.

Nhưng, máy bay chiến đấu chủ lực F-15J hiện nay của Lực lượng Phòng vệ Trên không gần đây liên tiếp xảy ra sự cố. Loại máy bay chiến đấu không thể bảo đảm được trong huấn luyện bình thường tại "cửa nhà" này thì làm sao có thể thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tấn công tầm xa? Huống hồ, F-15J là một loại máy bay không chiến, máy tính trên máy bay không lắp phầm mềm tấn công đối đất, không thể ném bom dẫn đường chính xác.

Ngoài F-15J, máy bay chiến đấu F-4EJ thích hợp cho tấn công đối đất thì quá cũ kỹ, hệ thống cảnh báo sớm điện tử trên máy bay lạc hậu nghiêm trọng, năng lực tự bảo vệ rất kém, khó mà chọc thủng mạng lưới phòng không của kẻ thù.

Còn máy bay chiến đấu F-2 do Nhật Bản tự nghiên cứu chế tạo, về lý thuyết tuy có thể mang theo tên lửa không đối đất để tác chiến, nhưng cần được nâng cấp, cải tạo thì mới có thể tương thích với vũ khí tấn công đối đất do Mỹ chế tạo.

Máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản.
Máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản.

Trong tình hình này, "năng lực độc lập tiến hành tấn công đối với căn cứ kẻ thù" của "Đại cương kế hoạch phòng vệ" mới đến từ đâu?

Trước hết, đẩy nhanh nâng cấp máy bay chiến đấu F-2. Mặc dù việc nâng cấp cải tạo máy bay chiến đấu F-2 gặp khó khăn khá lớn, nhưng Bộ Quốc phòng Nhật Bản hoàn toàn không từ bỏ kế hoạch này.

Từ năm 2011 trở đi, Lực lượng Phòng vệ Trên không đã liên tục thúc đẩy nâng cấp cải tạo máy bay chiến đấu F-2, chương trình cốt lõi là trang bị bom dẫn đường chính xác JDAM do Mỹ chế tạo, sử dụng dẫn đường GPS, có thể ném bom cách mục tiêu ngoài 40-60 km, từ đó tránh được sự tấn công của mạng lưới hỏa lực phòng không của kẻ thù, thực hiện tấn công tầm xa chính xác mục tiêu, "đánh xong rồi chạy".

Thứ hai, mặc dù Nhật Bản chưa có sự phát triển dài về tên lửa hàng không cỡ lớn, nhưng, công nghệ trên các phương diện như dẫn đường vệ tinh và vật liệu composite hàng không và vũ trụ của Nhật Bản vẫn rất có tiềm năng, nếu vượt qua được những trói buộc về mặt pháp lý có liên quan, Nhật Bản phát triển được tên lửa hành trình trang bị cho máy bay chiến đấu sẽ không khó khăn gì.

Cuối cùng, trong thời điểm Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược đến châu Á-Thái Bình Dương, đang từng bước xây dựng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thành một phần của lực lượng quân sự bản thân. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản đang tích cực thúc đẩy thực hiện quyền tự vệ tập thể, lấy lý do giúp đỡ quân Mỹ để phát triển sức mạnh Lực lượng Phòng vệ.

Biên đội máy bay chiến đấu F-2 Nhật Bản.
Biên đội máy bay chiến đấu F-2 Nhật Bản.

Ngày 31 tháng 5, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố, sẽ biên chế máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 cho Không quân Mỹ vào cuối năm 2016, trong khi đó Bộ Quốc phòng Nhật Bản có khả năng nhập khẩu đồng bộ 4 máy bay chiến đấu này trang bị cho Lực lượng Phòng vệ Trên không.

Trong 10 năm tới, 60% sức mạnh quân sự của Hải, Không quân Mỹ sẽ chuyển tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, lượng lớn vũ khí trang bị tiên tiến chắc chắn sẽ được "bốc" đến khu vực này.

Khi đó, có thể có rất nhiều vũ khí tiên tiến sẽ triển khai đồng bộ cho quân đội Nhật-Mỹ. Nhật Bản hoàn toàn có khả năng dựa vào lý do giúp đỡ quân Mỹ, sử dụng "thanh kiếm" của quân Mỹ để tấn công đối thủ, từ đó trực tiếp tấn công căn cứ của kẻ thù.

Nhật Bản ngày càng cảnh giác với các mối đe dọa từ nước láng giềng, tận dụng thời cơ để mở rộng quân bị, đằng sau việc xây dựng lá chắn phòng vệ, họ cũng không ngừng luyện tập "thanh kiếm tấn công". Điều này gây lo ngại cho Trung Quốc.

Nhật Bản đặt mua 42 máy bay chiến đấu tấn công liên hợp tàng hình F-35 của Mỹ
Nhật Bản đặt mua 42 máy bay chiến đấu tấn công liên hợp tàng hình F-35 của Mỹ

Việt Dũng