Những trận đánh huyền thoại, ly kỳ như trong phim hành động

22/12/2011 09:39
Theo Báo Công An
Trong suốt 30 năm đấu tranh vũ trang vì độc lập tự do, thống nhất đất nước, cách đánh biệt động đô thị trở thành một chiến thuật đạt đến trình độ cao
Trong suốt 30 năm đấu tranh vũ trang vì độc lập tự do, thống nhất đất nước, cách đánh biệt động đô thị trở thành một chiến thuật đạt đến trình độ cao của nghệ thuật tác chiến, đã làm nên những huyền thoại khiến kẻ địch khiếp đảm, kinh hoàng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nguyên Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã từng nói: “...Là một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của quân đội ta, bộ đội đặc công, biệt động nói chung và biệt động Sài Gòn - Gia Định nói riêng đã thực hiện xuất sắc tư tưởng quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh:

 “Nêu cao tinh thần quyết chiến, lấy ít thắng nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược...”. Chiến công lừng lẫy của biệt động Sài Gòn - Gia Định luôn là những vết son chói lọi trong lịch sử dân tộc.

Theo đại tá Nguyễn Đức Hùng (bí danh Tư Chu, nguyên Chỉ huy trưởng Đoàn biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định) thì cách đánh biệt động, chiến tranh du kích đô thị đã có từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân. Sau ngày 23-9-1945, tại Sài Gòn - Gia Định đã xuất hiện những tổ chức vũ trang tự lập với các tên gọi như nhóm Hùng Vương, ban Vô hình, ban Ám sát, đội Cảm tử, nhóm Dao găm... hoạt động độc lập, diệt trừ các tên Việt gian bán nước, làm tay sai cho thực dân.

Về sau, cùng với sự lớn mạnh, trưởng thành của các lực lượng vũ trang, các lực lượng trên đã được hợp nhất thành Ban công tác thành. Trải qua thời gian, lực lượng này được phát triển thành lực lượng vũ trang Tự vệ thành Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, rồi sau được gọi dưới những tên gọi như: Liên tác chiến đấu quân, Đoàn biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định...

Dù với tên gọi nào thì nhiệm vụ của biệt động Sài Gòn - Gia Định vẫn là tổ chức các trận đánh tiêu diệt sinh lực quan trọng trong cơ quan đầu não chiến tranh của chế độ thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai.
Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) - Phó tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng các lực lượng biệt động
Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) - Phó tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng các lực lượng biệt động
Ngày nay, tại mặt tiền khách sạn Park Hyatt, tọa lạc tại góc đường Hai Bà Trưng - Cao Bá Quát còn ghi dấu chiến công trận đánh cư xá Brink của lực lượng biệt động Sài Gòn xảy ra ngày 24-12-1964. Thời điểm đó, cư xá Brink (gọi theo tên của viên thiếu tướng tư lệnh lực lượng Mỹ đầu tiên ở Việt Nam là Franci G. Brink, là một tòa nhà sáu tầng với 193 phòng thuộc loại cư xá hạng nhất dành cho sĩ quan Mỹ ở Sài Gòn.

Trú đóng ở đây có khoảng 200 sĩ quan, trong đó có quá nửa là sĩ quan cấp tá thuộc Bộ tư lệnh yểm trợ lục quân Mỹ lúc bấy giờ). Theo hồi ký của đại tá Tư Chu, ý tưởng đánh cư xá Brink đến từ một vệt nắng trong một tấm bưu ảnh chụp toàn bộ cảnh cư xá. Khi mới nhìn, bức ảnh có một vệt trắng ở tầng trệt phía Tây tòa nhà khiến ông tưởng rằng ảnh hư nhưng nhìn kỹ thì đó là vệt nắng chiếu hắt vào tầng trệt để xe của các cố vấn Mỹ.

Cái vệt nắng ấy đã gợi cho ông ý tưởng đặt một khối thuốc nổ lớn vào đó nên ông đã lưu giữ tấm ảnh vào sổ tay làm việc để hằng ngày mỗi khi nhìn thấy, cái ý tưởng ban đầu lại càng thôi thúc ông và đồng đội hành động.

Sau nhiều tháng chuẩn bị, cuối tháng 12-1964, tại một hố chiến đấu ở ấp Bàu Chứa, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, kế hoạch tác chiến đánh cư xá Brink được vạch ra.
Một góc cư xá Brink sau vụ nổ
Một góc cư xá Brink sau vụ nổ
14 giờ 40 phút ngày 24-12-1964, chiếc xe du lịch hiệu Nash chở viên thiếu tá ngụy từ từ tiến vào cổng cư xá. Đến sân trong, viên thiếu tá xuống xe và hỏi viên cảnh sát ngụy làm nhiệm vụ bảo vệ:

- Đại tá William Johnson hẹn tôi ở đây. Chẳng hay đại tá đã về chưa?
- Dạ chưa, tên cảnh sát trả lời.

Nghe câu trả lời của viên cảnh sát, thiếu tá có vẻ bực dọc, trách móc... Sau một hồi suy nghĩ, ông ta vẫy tay gọi tài xế:

- Ê, mày và xe ở đây chờ đại tá về và đưa về nhà nghe.
- Dạ! - tài xế khúm núm gật đầu.

Sau khi căn dặn tài xế, viên thiếu tá rời khỏi cư xá. Chiếc xe cũng từ từ lăn bánh vào sân trống và lùi vào khu vực để xe vào gầm tòa nhà, tư thế sẵn sàng đón vị đại tá Mỹ. Tài xế xuống xe lau chùi, quét dọn nệm cho tươm tất.

Một lát sau, khi mấy tay cảnh sát ngụy đang đứng ở cổng, bỗng thấy tay tài xế từ phía trong đi ra, mặt cau có, vừa đi vừa chửi tên thiếu tá bắt chờ hết người này đến người khác, để đói, để khát. Nghe nỗi niềm của lính mấy tay cảnh sát cũng phụ họa, chúng kể với tay tài xế rằng mấy tài xế khác cũng bị bắt chờ như vậy và không nghi ngờ gì khi tay tài xế xin ra ngoài đi ăn, kèm theo lời dặn với theo: “Đại tá có về, anh nói chờ tôi đi ăn chút xíu!”. Lũ cảnh sát ngụy gật đầu nhận lời.
Quân cảnh Mỹ - nguỵ phong tỏa hiện trường vụ đánh đại sứ quán Mỹ
Quân cảnh Mỹ - nguỵ phong tỏa hiện trường vụ đánh đại sứ quán Mỹ
17 giờ 55 phút, một tiếng nổ long trời, lửa bốc cao 400 - 500 mét từ phía cư xá Brink phát ra, cộng với sức công phá của bồn xăng chứa 2.500 lít đã thổi bung tòa nhà khiến nó rỗng ruột tới tầng ba, làm hàng trăm tên địch chết và bị thương. Lúc bấy giờ, viên thiếu tá, vốn là đồng chí Nguyễn Quang Hóa (tự Tư Mập, người gốc Sài Gòn làm nghề điện lạnh) đóng giả đã lột bỏ bộ quân phục mang quân hàm thiếu tá, trên đường trở về cơ sở.

Người lái xe, do đồng chí Nguyễn Thanh Xuân - (thường gọi là Bảy Bê, vốn là thiếu sinh quân của Trung đoàn 82 Bình Thuận trong kháng chiến chống thực dân, từng nhập vai cần vụ cho một viên đại tá Mỹ, gây nổ ở khách sạn Caravelle hồi tháng 8-1964) giả dạng cũng ở nơi an toàn. Trận đánh đã tạo ra tâm lý hốt hoảng khiến bọn quân cảnh Mỹ sau đó có lần nã đạn vào xe hơi của tướng Đặng Văn Quang (chỉ huy lực lượng đặc biệt ngụy) khi xe của gia đình ông ta đi vào ngõ hẹp trước khách sạn quân Mỹ trú đóng vì tưởng rằng... “đó là xe Việt cộng vào đặt chất nổ”.

Sau vụ cư xá Brink bị thổi tung, an ninh tại các cơ sở có quân Mỹ đồn trú, làm việc được thắt chặt tối đa. Tòa đại sứ Mỹ cao năm tầng tọa lạc tại góc đường Hàm Nghi - Võ Duy Nguy (nay là ngã tư Hồ Tùng Mậu - Hàm Nghi) được tăng cường đề phòng bằng một phân đội lính thủy đánh bộ Mỹ cùng mật thám, cảnh sát chìm của ngụy làm nhiệm vụ bảo vệ. Tại đây lá cờ đế quốc lúc nào cũng ngạo nghễ, thách thức.

Vào một buổi tối, đồng chí Tư Chu đến Bộ Chỉ huy quân khu trình bày mọi suy nghĩ, băn khoăn của mình. 9 giờ ngày 30/3/965, anh Lê Văn Việt (biệt danh Tư Việt, tên giả là Nguyễn Văn Hai, vốn là một thanh niên nghèo, mất cha mẹ từ năm lên tám, lớn lên và giác ngộ cách mạng trong vùng bưng sáu xã Thủ Đức) đi chiếc xe máy rà lại tiệm thuốc lá ven đường gần ngã ba Võ Duy Nguy - Nguyễn Công Trứ (nay là Hồ Tùng Mậu - Nguyễn Công Trứ) để mua thuốc lá, chiếc xe vẫn nổ máy. Ở góc đường Tôn Thất Đạm - Nguyễn Công Trứ, một thanh niên cũng đang lúi húi buộc dây giày.
chiến sĩ biệt động, đặc công trước giờ làm nhiệm vụ
chiến sĩ biệt động, đặc công trước giờ làm nhiệm vụ
Từ ngã tư Võ Duy Nguy - Hàm Nghi một chiếc ôtô du lịch hiệu Frigate màu đen sang trọng lướt vào đoạn đường một chiều trước cổng Tòa đại sứ Mỹ. Khi chiếc xe trờ tới lằn vôi qua đường dành cho người đi bộ trước cổng tòa đại sứ thì cũng là lúc Tư Việt móc súng bắn hạ hai tên cảnh sát ngụy. Nghe tiếng súng nổ, đám mật vụ, cảnh sát chìm ở quán nước gần đó ùa ra bắt anh.

Một tên giương súng nhắm Tư Việt nhưng người thanh niên cột dây giày (Trần Văn Thế - trinh sát chiến đấu của Quân báo Quân khu) đã dùng súng hạ ngay hắn. Trong lúc địch chưa hiểu chuyện gì thì chiếc xe du lịch đã tăng ga áp sát vào hông tòa nhà, người lái xe tung cửa lao xuống, băng qua đường dưới sự yểm trợ của anh Thế sau khi đã giật nụ xòe khối thuốc khiến tên lính Mỹ đứng gác luống cuống không kịp đối phó. Khu vực trước cổng tòa đại sứ trở nên hỗn loạn. Tưởng bị đánh bom như những lần trước, số quan chức và nhân viên sứ quán nhanh chóng xuống thang, tranh nhau rời khỏi tòa nhà.

Nhưng chưa kịp ra khỏi thì khối thuốc nổ 150kg (được thiết kế theo cấu tạo lõm, tập trung thổi sức công phá vào phòng giữa tòa nhà) chạm ngòi nổ. Một tiếng nổ long trời lở đất vang lên đã thổi tung tất cả các bức tường từ tầng một đến tầng ba của tòa đại sứ. Ngoài sân, mấy chục chiếc xe du lịch cháy rụi.

Từ trong đống gạch vụn, một số quan chức, nhân viên sứ quán Mỹ được dìu ra, trong đó có cả Phó đại sứ Alexis Johnson với khuôn mặt đầy máu. Trong lúc hỗn loạn, Bảy Bê (người tổ trưởng từng gây nổ trong trận đánh cư xá Brink) đã thoát ra, lên taxi đến chợ Bến Thành, sau đó ung dung về cơ sở của ta.

Đồng chí Thế cũng bắn viên đạn cuối cùng yểm trợ cho Tư Việt rồi cũng thoát được lưới địch, anh về nhà đưa mẹ già ra thẳng chiến khu. Chỉ riêng anh Lê Văn Việt bị thương trong khi đọ súng với lũ cảnh sát chìm và bị bắt.

Tám ngày sau, chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ khép anh vào tội tử hình, sau đó bị đày ra Côn Đảo. Tại nơi “địa ngục trần gian” anh đã cùng các đồng chí của ta hai lần tổ chức vượt ngục nhưng không thành và đã hy sinh khi tuổi đời vừa 26.

Ngày 20/12/1994, đồng chí Lê Văn Việt được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân. Trong trận đánh Tòa đại sứ Mỹ năm 1965, ước tính phía Mỹ bị thương vong khoảng 190 người.
Theo Báo Công An