Quần đảo Andaman và Nicobar, Ấn Độ |
Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 16 tháng 7 dẫn hãng tin Reuters Anh ngày 14 tháng 7 đưa tin, Ấn Độ xây dựng căn cứ giám sát mạnh, thậm chí tiền tiêu chiến lược có thể triển khai nhiều quân binh chủng ở quần đảo Andaman và Nicobar lân cận eo biển Malacca, muốn dựa vào đó để theo dõi chặt chẽ tàu chiến Hải quân Trung Quốc ra vào Ấn Độ Dương.
Bài báo cho biết, sau khi hoàn thành thăm các nước Đông Nam Á và diễn tập ở Biển Đông, vào đầu tháng này, 4 tàu chiến Ấn Độ đã thăm cảng Blair ở quần đảo Andaman. Điều này cho thấy, quần đảo Andaman và Nicobar đang trở thành mấu chốt của New Delhi trong việc ngăn chặn sự hiện diện hải quân không ngừng tăng lên của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
Khi trả lời phỏng vấn báo chí ở New Delhi và cảng Blair, quan chức quốc phòng Ấn Độ đã trình bày kế hoạch cải tạo một căn cứ quân sự quy mô nhỏ thành tiền tiêu chiến lược, đồng thời triển khai các phương tiện thiết bị mạnh của không quân, hải quân và lục quân ở đó.
Cũng có quan chức Ấn Độ cho biết, kế hoạch mở rộng trước đó hoàn toàn không được thực hiện đầy đủ. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ hy vọng xây dựng lại vị thế thống trị truyền thống ở Ấn Độ Dương.
Tàu ngầm thông thường Type 039B Trung Quốc sau cải tiến (nguồn mạng sina Trung Quốc) |
Dư luận quốc tế phổ biến thừa nhận, vị trí của quần đảo Andaman và Nicobar là tài sản chiến lược để Ấn Độ do thám các động thái của Hải quân Trung Quốc. Quần đảo Andaman và Nicobar nằm ở giữa vịnh Bengal và biển Andaman, cách Myanmar và Indonesia gần hơn so với đất liền Ấn Độ.
Điều quan trọng hơn là, đảo phía nam của nó tiếp cận eo biển Malacca, trong khi đó, eo biển Malacca là lối vào Ấn Độ Dương, hơn nữa, 3/4 vận chuyển dầu mỏ của Trung Quốc đều phải đi qua tuyến đường chiến lược này.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters tại văn phòng của mình ở cảng Blair, cựu chỉ huy quân sự ở quần đảo Andaman, ông A.K. Singh cho biết: "Tuyến đường hàng hải bận rộn nhất thế giới chính là ở Biển Đông. Từ lâu, chúng tôi đều thấy cần phải bảo vệ những hòn đảo này. Trong khi đó, lần này, chúng tôi bắt đầu lấy tầm nhìn chiến lược để xem xét những hòn đảo có thể làm bàn đạp cho Ấn Độ này".
Bài viết cho rằng, gần đây, New Delhi lo ngại tàu ngầm Trung Quốc lẻn vào Ấn Độ Dương. Ấn Độ xây dựng đường băng sân bay ở “đầu” và “đuôi” của quần đảo Andaman và Nicobar, có một số đường băng tạo thuận lợi cho máy bay giám sát tầm xa cất hạ cánh.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 Trung Quốc đến Ấn Độ Dương (nguồn mạng sina Trung Quốc) |
Trong đó, một cái là vịnh Campbell ở đảo Nicobar lớn, cách eo biển Malacca 240 km. Năm 2012, Ấn Độ xây dựng ở đó căn cứ hàng không có đường băng dài 1.060 m. Quân đội Ấn Độ có kế hoạch mở rộng đường băng lên tới 6.000 thước Anh (1 thước Anh khoảng 0,3 m) vào năm tới, trong tương lai sẽ đạt 10.000 thước Anh.
Quân đội Ấn Độ điều máy bay tuần tra săn ngầm P-8I mới nhất từ đất liền Ấn Độ đến cảng Blair. Nếu độ dài đường băng kéo dài tới 6.000 thước Anh, máy bay săn ngầm bất cứ lúc nào cũng có thể triển khai ở vịnh Campbell.
Một phi công hải quân của cảng Blair cho biết: "Trong tất cả các kế hoạch, nâng cấp vịnh Campbell là quan trọng nhất. Bạn từ đó có thể nhận được rất nhiều tin tức tình báo".
Quan chức quốc phòng Ấn Độ cho biết, Quân đội Ấn Độ có kế hoạch vào trước năm 2022 sẽ nâng số lượng tàu chiến hải quân ở căn cứ quần đảo Andaman và Nicobar lên gấp đôi, lên 32 chiếc. Những tàu này bao gồm tàu tuần tra, thuyền máy tên lửa, tàu đổ bộ.
Ấn Độ còn có kế hoạch điều thêm lữ đoàn bộ binh với 3.000 quân đến quần đảo Andaman trong 3 năm tới.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon Hải quân Ấn Độ |
Tuy nhiên, hãng tin Reuters cho rằng, điểm yếu của Hải quân Ấn Độ là lực lượng tàu ngầm. Ngay từ năm 2002, sĩ quan chỉ huy quân sự địa phương đã từng đề nghị thi công căn cứ tàu ngầm ở vịnh Carnota, phía nam quần đảo, nhưng kế hoạch này luôn bị gác lại.
Ngoài thiếu căn cứ tàu ngầm, Ấn Độ cũng thiếu lực lượng tàu ngầm đối phó lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc. Ấn Độ sở hữu 13 tàu ngầm diesel-điện cũ, trong khi đó, Trung Quốc sở hữu 70 tàu ngầm bao gồm cả tàu ngầm hạt nhân.