"Sức mạnh quân sự Nhật Bản rất lớn, sẵn sàng ứng phó với kẻ địch"

20/02/2013 07:35
Đông Bình
(GDVN) - Đó là nhận định của sĩ quan Mỹ, nhất là những đột phá rất lớn về sức mạnh trên biển và khả năng ứng phó với kẻ địch mạnh trên biển của Nhật Bản.
Tàu sân bay trực thăng cỡ nhỏ của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Tàu sân bay trực thăng cỡ nhỏ của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Trang mạng “Tin tức Quốc phòng” Mỹ ngày 17/2 cho biết, một nhóm quân nhân Nhật mang theo ba lô hành quân lớn, súng trường và ống pháo cối cỡ nòng 84 mm đã từ một chiếc tàu chiến trên biển bước lên bờ, trông rất giống binh sĩ của Lính thủy đánh bộ Mỹ.

Nhưng, trên thực tế, họ là binh sĩ của lực lượng mang tên "Trung đoàn bộ binh phía Tây"/“Western Army Infantry Regiment” (WAIR) ở phía tây Nhật Bản, đang tiến hành cuộc diễn tập quân sự thường niên “Quả đấm thép” trong thời gian 3 tuần với Lính thủy đánh bộ Mỹ.

Theo sĩ quan chỉ huy phía Mỹ, khả năng quân sự của Nhật Bản đã được tăng trưởng rất lớn trong 10 năm qua, trong đó sức mạnh trên biển và khả năng ứng phó với kẻ địch mạnh trên biển cũng có đột phá rất lớn.

Các mối đe dọa đến từ CHDCND Triều Tiên và tranh chấp đảo Senkaku với Trung Quốc là nguyên nhân Nhật Bản tích cực thúc đẩy hệ thống phòng thủ tên lửa, huấn luyện năng lực tác chiến trên biển.

Năm 2013 là năm thứ 8 của cuộc diễn tập này, mục đích diễn tập là nhằm tăng cường khả năng hiệp đồng giữa Hải quân, Lính thủy đánh bộ Mỹ với Quân đội Nhật Bản. Sức mạnh quân sự của Nhật Bản được định nghĩa là sức mạnh tự vệ, chỉ được dùng cho bảo vệ hòa bình, bảo vệ lãnh thổ và cung cấp viện trợ thảm họa.

Hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tiến hành diễn tập liên hợp.
Hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tiến hành diễn tập liên hợp.

Binh sĩ của họ hoàn toàn không giống như Lính thủy đánh bộ Mỹ, thiên về luyện tập khả năng tấn công bờ biển. Nhưng, do lo ngại nước láng giềng CHDCND Triều Tiên - một nước khó đoán biết - phát động tấn công tên lửa, lãnh đạo quân đội Nhật Bản ngày càng quan tâm tới những kỹ năng này.

“Họ hy vọng trở thành một lực lượng có thể tự tồn tại” – Thượng tá Christopher Taylor, sĩ quan chỉ huy lực lượng viễn chinh lính thủy đánh bộ 13 Mỹ nói. Ông cho rằng: “Là đối tác hiệp ước của Mỹ, họ đang đẩy nhanh tốc độ”.

Tuy Nhật Bản luôn mở rộng khả năng phòng thủ tên lửa của họ, đẩy nhanh các cuộc họp về tái vũ trang quân sự, nhưng chủ đề sở hữu khả năng tấn công vẫn rất nhạy cảm với họ. Mấy chục phóng viên Nhật Bản đưa tin về cuộc diễn tập “Quả đấm thép” đã cùng chụp lễ khai mạc và huấn luyện ở khu vực hoang mạc…, nhưng họ chưa từng chụp được bất cứ một hình ảnh nào cho thấy 1 binh sĩ tra đạn vào súng trường.

Taylor từng tiếp xúc với binh sĩ Nhật Bản trong nhiều hành động quân sự ở nước ngoài, đồng thời còn đảm nhiệm sĩ quan chỉ huy của nhóm phi đội 265 máy bay trực thăng hạng trung thuộc Lính thủy đánh bộ Mỹ đóng ở Okinawa.

Ông hình dung, những nỗ lực có được khả năng quyết sách chiến thuật của Nhật Bản đang liên tục phát triển, đồng thời cho rằng quân Nhật “có tính tấn công nhiều hơn”.

Biên đội tàu chiến Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Biên đội tàu chiến Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Tại hội nghị tin vắn truyền thông Nhật Bản tháng ngày 11/2 vừa qua, Melvin G. Spacey, phó chỉ huy quân đoàn viễn chinh Lính thủy đánh bộ Mỹ cũng cho rằng, khả năng quân sự  của Nhật Bản đã tăng rất lớn trong 10 năm qua. Ông đã chỉ ra “mối đe dọa” từ CHDCND Triều Tiên, đồng thời cho rằng, Nhật Bản đang xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Ông nói: “Chúng tôi có thể nhìn thấy Nhật Bản đang tăng cường khả năng của họ để tự bảo vệ mình”. “Điều này có thể phù hợp với lợi ích của Mỹ. Chúng tôi đang cố gắng phát huy các nguồn lực của mình trên toàn thế giới”.

Mỹ hy vọng đến năm 2020 sẽ triển khai lực lượng tập trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Spacey cho rằng, một nước Nhật Bản mạnh hơn sẽ tăng cường sự ổn định cho khu vực này, “điều này có thể giúp chúng tôi có khả năng điều chỉnh khu vực buộc phải triển khai quân đội trên toàn cầu”.

Bài báo cho rằng, đối với Nhật Bản, tăng cường sức mạnh trên biển và phòng thủ kẻ thù bên ngoài từ trên biển đều là nhu cầu an ninh tự thân. Ngoài CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản còn đang đối mặt với rất nhiều thách thức an ninh khác, trong đó đáng chú ý nhất là tranh chấp đảo Senkaku với Trung Quốc.

Tên lửa Patriot của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Tên lửa Patriot của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Matsushi Kunii, sĩ quan chỉ huy của một quân đoàn phía Nhật Bản cho rằng, cùng diễn tập với quân Mỹ đem lại rất nhiều lợi ích cho Nhật Bản.

Ông nói: “Ở Nhật Bản, những nơi huấn luyện bắn đạn thật của chúng tôi rất có hạn. Cho nên, có được những nơi huấn luyện này rất quan trọng đối với chúng tôi. Có được không gian trên biển để diễn tập cũng rất quan trọng đối với chúng tôi, bởi vì chúng tôi không có cơ hội huấn luyện như vậy cả ở trong và ngoài đảo Nhật Bản”.

Theo Kunii, có được vùng biển sóng lớn và mặt bằng biển cao như vùng biển California để tiến hành huấn luyện “rất tốt với chúng tôi”.

Tháng 6/2013, một lực lượng thuộc Quân đội Nhật Bản sẽ đến California để tham gia vào một cuộc diễn tập lớn hơn mang tên “Tấn công chớp nhoáng buổi bình minh”. Tàu chiến hải quân của Mỹ và Nhật Bản sẽ tham gia, lực lượng đổ bộ của quân Nhật sẽ triển khai diễn tập trong tình hình tự mình chỉ huy.

Tàu khu trục tên lửa Aegis lớp Atago của Nhật Bản.
Tàu khu trục tên lửa Aegis lớp Atago của Nhật Bản.
Đông Bình