Hình ảnh đá Chữ Thập trên mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 15 tháng 10 năm 2014 |
Tân Hoa xã ngày 17 tháng 10 đăng bài viết nhan đề "Sân bay tiền tuyến Trung Quốc đặt ở đá Chữ Thập, có thể không kích khu vực xung quanh 800 km", bài viết được cho là dẫn nguồn "Tuần san Tin tức Trung Quốc".
Theo bài viết, gần đây Trung Quốc liên tiếp có các động thái (phi pháp) ở khu vực Biển Đông, từ quản lý hành chính đến bố trí quân sự, những hoạt động này gắn kết chặt chẽ với nhau.
Kế tiếp tổ chức lễ thượng cờ quốc khánh trái phép ở đảo đá liên quan, trong tháng 9 năm 2014, các quân chủng lớn Hải quân, Không quân và Pháo binh 2 Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận thực binh liên hợp mang tên "Hành động liên hợp-2014A" ở Biển Đông.
Tiếp theo, Trung Quốc tiếp tục khởi động hoạt động "thực thi pháp luật" (bất hợp pháp) ở khu vực Biển Đông (tàu Hải tuần-21 ngày 9 tháng 10 xuất phát từ cảng ở đảo Hải Nam, đến tuần tra ở đá Bắc, nhóm Lưỡi Liềm, cuối cùng đến đảo Phú Lâm – thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Đồng thời, triển khai công trình "đá hóa đảo" (bất hợp pháp) ở 6 đá ngầm trên quần đảo Trường Sa, đã gây chú ý cho các bên. Đặc biệt, những thông tin về việc thi công sân bay (bất hợp pháp) ở đá Chữ Thập càng trở thành trung tâm chú ý của dư luận.
Đối với thông tin Trung Quốc có kế hoạch chi tiền khổng lồ xây dựng (phi pháp) sân bay ở đá Chữ Thập trên quần đảo Trường Sa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố: "Nếu Trung Quốc tiến hành hoạt động gì trên đảo đá ngầm liên quan, thì cũng hoàn toàn là việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc".
Bên ngoài phổ biến cho rằng, câu trả lời như vậy chẳng khác nào đã ngầm thừa nhận kế hoạch này. Thái độ của Quân đội Trung Quốc càng cứng rắn, ngang ngược hơn, cho rằng "Philippines và Việt Nam không có tư cách nói ra nói vào đối với xây dựng Biển Đông của Trung Quốc".
Hình ảnh này được cho là "Dự án nghiên cứu kỹ thuật đá ngầm Biển Đông" (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ) |
Có phân tích cho rằng, Trung Quốc xây sân bay ở đá Chữ Thập, Trường Sa, có nghĩa là cứ điểm quân sự ở Trường Sa của Quân đội Trung Quốc đã lặng lẽ hình thành (hành động này là nguy hiểm và bất hợp pháp).
Ngang nhiên biến đá Chữ Thập thành pháo đài
Theo bài báo, hiện nay, tình hình “bảo vệ cái gọi là chủ quyền” quần đảo Trường Sa rất nghiêm trọng. Việt Nam, Philippines đều đã tiến hành xây dựng cứ điểm quân sự quan trọng trên các đảo, đá (bài báo không chút xấu hổ gọi là bị xâm chiếm), đồng thời làm cho chúng trở thành trung tâm chỉ huy ở các đảo đá Trường Sa.
Hiện nay, quần đảo Trường Sa tổng cộng có 4 sân bay có thể cất hạ cánh máy bay chiến đấu cỡ lớn: Sân bay đảo Ba Bình do nhà cầm quyền Đài Loan kiểm soát; Việt Nam đã thi công sân bay trên đảo Trường Sa, hoàn thiện các công trình quân sự; Philippines đã xây dựng sân bay lớn nhất trong quần đảo Trường Sa ở đảo Thị Tứ; Malaysia đã xây dựng sân bay ở đá Hoa Lau (sau lấn biển xây dựng đảo nhân tạo).
Đá Chữ Thập là một trong 7 đá san hô ở quần đảo Trường Sa do Trung Quốc kiểm soát (bất hợp pháp) hiện nay. Tọa độ địa lý là 9 độ 37 phút vĩ Bắc, 112 độ 58 phút kinh Đông, đá ngầm này hình bầu dục, toàn bộ đá ngầm rộng khoảng 7 km, dài 22 km, hình thái hồ cạn không rõ ràng, nước sâu 14,6 - 40 m, khi thủy triều lên chìm dưới mặt biển 0,5 - 1 m, khi thủy triều rút chỉ lộ ra một ít đá ngầm.
Hình ảnh đá Gạc Ma nhanh chóng biến thành đảo nhân tao trên báo chí Trung Quốc |
Từ tháng 2 tới tháng 8 năm 1988, căn cứ vào quyết định (bất hợp pháp) của Quốc vụ viện và Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc đã xây dựng (bất hợp pháp) một trạm quan sát biển có người đồn trú ở đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa và xây dựng (bất hợp pháp) một chỗ đỗ máy bay trực thăng, 1 bến tàu lớp 4.000 tấn, 1 tòa nhà 2 tầng và 1 lán rau 500 m2. Hiện nay đã biến nó thành pháo đài, đóng hơn 200 quân. Tuy nhiên, theo bài báo, do chưa xây dựng được đường băng dành cho máy bay chiến đấu chủ lực, khả năng đe dọa quân sự (và xâm lược của Quân đội Trung Quốc) giảm đáng kể.
Bài báo cho rằng, trong nhiều lần "bảo vệ cái gọi là chủ quyền" Biển Đông, so với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trung Sa (gồm bãi cạn Scarborough ăn cướp từ tay Philippines năm 2012), quần đảo Trường Sa do cách xa đất liền (Trung Quốc), "đấu tranh bảo vệ chủ quyền" - thực chất là ăn cướp của Quân đội Trung Quốc rất khó khăn do thiếu sân bay tiền tuyến. Cùng với tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp, hạn chế này ngày càng rõ ràng.
Quân đội Trung Quốc "canh cánh trong lòng" đối với "hải chiến Hoàng Sa" và "hải chiến Trường Sa" (đây là 2 cuộc chiến tranh xâm lược biển đảo của Việt Nam do Trung Quốc tiến hành) lần lượt vào tháng 1 năm 1974 và tháng 3 năm 1988, mặc dù hai cuộc chiến tranh trên biển này "giành toàn thắng" bằng Quân đội Trung Quốc, nhưng lộ rõ sự yếu ớt về quyền kiểm soát trên không, cộng với lo sợ sự chi viện của Không quân Việt Nam, vì vậy quy mô chiến sự không lớn.
Sau chiến tranh không lâu, Hải quân Trung Quốc đã xây dựng (bất hợp pháp) một sân bay ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, làm cho bán kính tác chiến và phạm vi kiểm soát trên không của lực lượng hàng không Hải quân tăng lớn, nhưng khả năng chi viện cho tác chiến ở quần đảo Trường Sa có hạn, còn lâu mới có thể đáp ứng nhu cầu cái gọi là "bảo vệ chủ quyền" Biển Đông hiện nay (ý là tiếp tục tiến hành chiến tranh xâm lược các đảo, đá ngầm còn lại của Việt Nam và các nước khác trong tương lai theo chủ trương bành trướng, xâm lược bằng “đường lưỡi bò”).
Hình ảnh đá Gaven ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Tân Hoa xã ngày 10 tháng 10 năm 2014 |
Vì vậy, Quân đội Trung Quốc khao khát xây dựng (bất hợp pháp) một sân bay tiền tuyến ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Chuyên gia hải quân Trung Quốc Doãn Trác từng đưa ra đề án "nhanh chóng xây dựng (bất hợp pháp) bến tàu và sân bay tìm kiếm cứu nạn ở Trường Sa" tại "Lưỡng hội" (kỳ họp của Chính hiệp và Quốc hội Trung Quốc) vào năm 2013.
Bài báo tự tiện cho rằng, trong quần đảo Trường Sa, bãi đá ngầm của đá Chữ Thập khá lớn, xung quanh không có cứ điểm của “địch” ở lân cận, vì vậy môi trường tương đối an toàn, là một đá ngầm có tiềm năng phát triển tương đối lớn. Chuyên gia quân sự cho rằng, Trung Quốc có thể lấn biển, tạo đất (bất hợp pháp) ở đá Chữ Thập, xây dựng căn cứ quân sự hải không quân cỡ lớn, phô diễn sức mạnh uy hiếp/đe dọa (đối với Việt Nam và các nước khác ven Biển Đông).
Bài báo dẫn “những người theo dõi lâu dài” vấn đề Biển Đông cũng cho rằng, hiện nay, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trung Sa, bãi cạn Scarborough đều nằm dưới sự kiểm soát thực tế (bất hợp pháp) của Trung Quốc, việc "bảo vệ chủ quyền Trường Sa" cần gia tăng “đe dọa quân sự”.
Bài báo ngang nhiên cho rằng, nếu mở rộng đá Chữ Thập thành đảo, thì nó đủ để cho Trung Quốc có được một sân bay và căn cứ quân sự có thể đậu tàu chiến lớp 5.000 tấn ở Biển Đông cách xa đất liền. Các phương tiện truyền thông và chuyên gia Nga cho rằng, một khi việc mở rộng đá Chữ Thập hoàn tất, Trung Quốc có khả năng triển khai (bất hợp pháp) tên lửa phòng không Hồng Kỳ-9 (HQ-9) ở đó, đồng thời triển khai (bất hợp pháp) máy bay trực thăng vận tải, tàu đổ bộ tốc độ nhanh và lực lượng thuyền máy, như vậy có thể tăng cường ưu thế quân sự cướp đoạt các bãi đá ngầm, tranh chấp ở xung quanh.
Hình ảnh đá Tư Nghĩa trên mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 15 tháng 10 năm 2014 |
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình phân tích cho rằng, đá Chữ Thập cách đảo Trường Sa - Trung tâm chỉ huy quần đảo Trường Sa của Việt Nam khoảng 110 km, cách đảo Thị Tứ - trung tâm chỉ huy quần đảo Trường Sa của Philippines khoảng 225 km, cách căn cứ đá Vành Khăn (hiện do Trung Quốc kiểm soát bất hợp pháp) khoảng 295 km, cách đá Subi (hiện do Trung Quốc kiểm soát bất hợp pháp) khoảng 195 km, cách bãi ngầm James khoảng 625 km, cách Việt Nam khoảng 500 km, cách Malaysia khoảng 550 km, cách Philippines khoảng 550 km, cách đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa khoảng 800 km.
Tống Trung Bình công khai dùng “hỏa lực mồm” và ngạo mạn cho rằng: "Khoảng cách này là phạm vi tấn công hỏa lực của tất cả máy bay chiến đấu chủ lực hiện nay của Trung Quốc, căn cứ không quân ở đá Chữ Thập có thể giúp Trung Quốc kiểm soát vùng trời Biển Đông về quân sự một cách thực sự".
Theo phần tử “bành trướng vũ lực” Tống Trung Bình, vị trí chiến lược của đá Chữ Thập không thể thay thế, vì vậy giá trị chiến lược của nó chính là giá trị của Biển Đông. Nếu như kết hợp căn cứ không quân của đá Chữ thập với các công trình cảng ở các đá ngầm khác thì sẽ tạo ra một căn cứ hải không quân rất khó đối phó.
Do Trung Quốc rất ít công khai thông tin về các hoạt động quân sự (bất hợp pháp) ở Biển Đông, mãi đến khi Philippines phản đối cho rằng, cả mùa hè năm 2014 Trung Quốc đều xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông, người dân Trung Quốc mới biết đến các công trình "đá hóa đảo" ở 6 đá ngầm ở Trường Sa (trong đó có đá Chữ Thập, đá Gạc Ma) do Trung Quốc tiến hành (bất hợp pháp).
Theo bài báo, dư luận Trung Quốc hy vọng Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) đường băng sân bay ở đá Chữ Thập, làm cho nó trở thành sân bay tuyến đầu của Quân đội Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam).
Tàu Kiểm ngư KN 951 của Việt Nam sau khi bị Chính phủ Trung Quốc chỉ đạo khủng bố vũ lực |
Bài báo cho rằng, Philippines và Việt Nam cực kỳ quan tâm đối với hoạt động lấn biển, xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, quan chức Philippines ngày 6 tháng 10 đã bày tỏ lo ngại, cho rằng "Trung Quốc luôn tập trung thi công, không ngừng nghỉ, xây đảo nhân tạo sẽ có thể làm cho Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát Biển Đông".
Có phân tích cho rằng, đường băng sân bay ở đá Chữ Thập vẫn chưa được xây dựng. Nhưng, hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa chỉ là sự khởi đầu, chiến lược cường quốc biển do Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định sẽ không chỉ là kế hoạch "đem gác xó".
Hoạt động quân sự của Mỹ-Philippines-Việt Nam
Bài báo cho rằng, sau khi Mỹ tuyên bố chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, ngoài tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Biển Đông, còn bắt đầu tiến hành viện trợ quân sự đối với các nước như Singapore, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, có kế hoạch chi 156 triệu USD trong 2 năm tới để giúp đỡ các nước Đông Nam Á nâng cao "năng lực hoạt động hàng hải".
Quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ Michael Fuchs đã đưa ra đề nghị "3 không" (không đoạt đảo, không lấn biển, không có hành động đơn phương) tại một cuộc hội thảo vào ngày 11 tháng 7, mũi dùi nhằm thẳng vào Trung Quốc, cho biết phải "để Trung Quốc ý thức được cái giá của hành vi khiêu khích".
Hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông không ngừng gia tăng. Tháng 4 năm 2014, sau 20 năm căn cứ của Quân đội Mỹ ở Philippines đóng cửa, Mỹ và Philippines đã ký kết một thỏa thuận 10 năm cho phép Quân đội Mỹ đóng quân ngắn hạn. Ngày 24 tháng 6, cụm tấn công tàu sân bay USS George Washington Hải quân Mỹ và nhiều tàu chiến của Hải quân hoàng gia Malaysia đã tiến hành diễn tập liên hợp ở Biển Đông. Ngày 29 tháng 9, hai nước Mỹ-Philippines lại mở màn một cuộc tập trận quy mô lớn, gần 5.000 binh sĩ đã tham gia cuộc tập trận dài 12 ngày ở đảo Palawan và đảo Luzon, Philippines.
Tàu cá QNg 96382 TS của Việt Nam sau khi bị Chính phủ Trung Quốc chỉ đạo khủng bố |
Ngày 2 tháng 10, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, sẽ cho phép bán vũ khí cho Việt Nam hỗ trợ nước này bảo vệ an ninh hàng hải. Có phân tích cho rằng, hành động này của Mỹ có thể gây tức giận cho Trung Quốc.
Gần 4 năm qua, Philippines, Việt Nam đã xây dựng rầm rộ ở các đảo đá trên Biển Đông, xây gấp các loại công trình quân sự, không ngừng tăng cường lực lượng quân sự trên hướng Biển Đông.
Được biết, trên đảo Thị Tứ, ngoài 50 binh sĩ lực lượng đặc nhiệm đồn trú, Philippines còn bố trí thêm 2 khẩu pháo phòng không 40 mm, thi công 12 doanh trại cho quân đồn trú bất cứ lúc nào, cộng thêm 300 cư dân đảo được huấn luyện bán quân sự.
Đường băng trên đảo Thị Tứ dài 1.260 m, có thể cất hạ cánh máy bay vận tải quân sự C-130, trong 4 năm qua, Quân đội Philippines đã đẩy mạnh sửa chữa, hiện đã hoàn toàn nghiệm thu.
Bài báo cho rằng, Việt Nam luôn tăng cường "ý thức bảo vệ Trường Sa" cho quân đội và "công trình xây dựng quốc phòng biển". Năm 1993, Việt Nam kiểm soát 24 đảo, đá ngầm ở quần đảo Trường Sa, quân đồn trú chỉ 600 người, đến năm 2002, Việt Nam đã quản lý 29 đảo, đá ngầm, quân đồn trú tăng lên 2.020 người.
Sân bay đảo Nam Yết, sân bay đảo Trường Sa Lớn lần lượt hoàn thành, từ đó Không quân Việt Nam có được sân bay ở tuyến đầu Trường Sa, lượng lớn nhân viên, trang bị và đạn được được liên tục vận chuyển đến quần đảo Trường Sa bằng hành lang đường không.
Mời thầu dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam lộ rõ lòng tham vô đáy của Trung Quốc ở Biển Đông. |
Ngoài ra, Việt Nam đầu tư vốn lớn, xây dựng cụm hải không quân lập thể có chiều sâu với 11 căn cứ hải quân ở các khu vực như Vạn Hoa, Cẩm Phả, Hòn Gai và 11 căn cứ không quân như Nội Bài, Yên Bái, Kép.
Không quân Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chủ trương lợi ích ở Biển Đông. 13 máy bay chiến đấu Su-27 và 4 máy bay chiến đấu Su-30 của sư đoàn 370 Không quân Việt Nam được coi là "lực lượng chiến đấu nòng cốt" tranh đoạt quyền kiểm soát trên không ở vùng biển quần đảo Trường Sa của Không quân Việt Nam, 17 máy bay chiến đấu trị giá 3,8 tỷ USD đều đã triển khai ở căn cứ không quân Phan Rang, hình thành năng lực tác chiến bao trùm lên phần lớn vùng biển Trường Sa, với bán kính trên 1.500 km.
Theo bài báo, lực lượng chủ lực của “Hạm đội duyên hải” Hải quân Việt Nam bao gồm 6 tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9, 12 tàu tên lửa lớp Molniya và 6 tàu ngầm lớp Kilo Type 636, cộng với tên lửa chống hạm siêu âm bờ biển K-300P Bastion tầm bắn gần 300 km do Nga chế tạo, sức chiến đấu tương đối khả quan.
Không dừng lại ở tuyên bố, Trung Quốc hung hăng kéo giàn khoan, tàu chiến, máy bay quân sự v.v... đến uy hiếp, đe dọa, dùng vũ lực đối với Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Đây phải chăng là một cuộc tập dượt, một đợt thử nghiệm cho một phương án đánh chiếm, xâm lược ở Biển Đông trong tương lai? |
“Nghiên cứu hai bờ bắt tay phòng thủ Biển Đông”
Theo bài báo, trong thời điểm Trung Quốc “củng cố” (bất hợp pháp) đảo đá ở Biển Đông, hỗ trợ cho hoạt động của giàn khoan, nhà cầm quyền Đài Loan cũng khởi công xây dựng bến tàu mới ở đảo Ba Bình đã xâm chiếm (của Việt Nam, ở quần đảo Trường Sa). Cục Cảnh sát biển Đài Loan (Hải tuần) xác nhận, lô vật tư đầu tiên dùng để xây dựng bến tàu mới ở đảo Ba Bình đã được đưa đến đảo này dưới sự bảo vệ của tàu tuần tra Cảnh sát biển.
Công trình này sớm hơn 2 - 3 năm so với kế hoạch ban đầu, bên ngoài phân tích cho rằng, đây là một hành động phối hợp ngầm với Trung Quốc của nhà cầm quyền Mã Anh Cửu để "ứng phó tình hình Biển Đông".
Điều đáng chú ý là, nhà cầm quyền Đài Loan mở rộng bến tàu đảo Ba Bình cần phải vận chuyển thiết bị hạng nặng, có thể thuê tàu đặc chủng Chấn Hoa-7 của Trung Quốc, tàu này thuộc sở hữu của Công ty vận tải đường thủy thuộc Tập đoàn công nghiệp nặng Chấn Hoa, Thượng Hải, tốc độ có thể đạt 12 hải lý/giờ, khả năng chạy liên tục là 13.000 hải lý, treo quốc kỳ Libya.
Nhà cầm quyền Đài Loan gấp rút tăng cường “phòng thủ” đảo Ba Bình, về khách quan đã tăng sức ép cho Trung Quốc. Theo tờ “Liên hợp” Đài Loan, tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng, cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc, hiện làm Phó hội trưởng Hiệp hội ngoại giao công chúng Trung Quốc, Trương Cửu Hoàn cho rằng, nhà cầm quyền Đài Loan duy trì chốt giữ lâu dài ở đảo Ba Bình – hòn đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa, “đáng để cảm ơn” binh sĩ trên đảo.
Trung Quốc vừa cho tàu Hải tuần-21 đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bắt đầu từ ngày 9 tháng 10 năm 2014. Vậy nó đã làm gì? |
Trương Cửu Hoàn tuyên truyền xuyên tạc, đánh lừa dư luận mà không chút xấu hổ, nhục nhã cho rằng, đảo Ba Bình cũng tốt, quần đảo Trường Sa cũng tốt, đây đều là “sản nghiệp tổ tiên chung” của hai bờ, không có bất cứ lý do gì “mất đi một tấc đất”, hai bờ đều có mục tiêu và nguyện vọng chung trong “bảo vệ” các quần đảo ở Biển Đông. Ông ta nói: “Điều mà trước đây làm được thì tiếp tục làm, điều mà trước đây chưa làm được thì hai bờ cần tiếp tục làm”.
Tân Hoa xã dẫn “có nhà phân tích quốc phòng” xuyên tạc, kích động có chủ ý cho rằng, Trung Quốc và Đài Loan đồng thời đối mặt với sự “khiêu khích” của Philippines, Việt Nam, nếu có thể xây dựng cơ chế chia sẻ tình báo hoặc phối hợp chặt chẽ, sẽ có lợi cho bổ sung ưu thế cho nhau, cùng “bảo vệ” Biển Đông. Sau khi xây dựng bến cảng mới ở đảo Ba Bình, nếu có thể phát huy vai trò tích cực đối với việc “hai bờ cùng bảo vệ đảo đá Biển Đông” thì chắc chắn sẽ có tác dụng làm cho Philippines, Việt Nam “khiếp sợ”.
Bài báo tiếp tục xuyên tạc cho rằng, đầu tháng 4 năm 2012, Trung Quốc và Philippines xảy ra đối đầu ở bãi cạn Scarborough với thời gian dài nhất trong lịch sử (thực ra là Trung Quốc tiếp tục truyền thống ăn cướp biển đảo ở Biển Đông, cướp bĩa cạn này từ tay Philippines). Trong thời gian đó, đảo Ba Bình do nhà cầm quyền Đài Loan kiểm soát cũng bị tàu vũ trang Việt Nam “tập kích khiêu khích”, các tổ chức dân sự và học thuật hai bờ (Trung Quốc và Đài Loan) đã kêu gọi hai bờ cần bắt tay “bảo vệ Biển Đông”.
Có tin cho biết, cơ quan nghiên cứu của Quân đội Trung Quốc đưa ra ý tưởng “cơ chế liên quân hai bờ trong điều kiện một nước hai chế độ”, lấy phối hợp “phòng thủ Biển Đông” làm khâu đột phá, thúc đẩy lòng tin quân sự hai bờ.
Ngày 14 tháng 8 năm 2014, Hạm đội Nam Hải tập trận quy mô lớn đánh chiếm đảo đá |
Một chuyên gia quân sự giấu tên cho biết, ý tưởng cơ bản là hai bên xây dựng “pháp quy quân sự biển” chung và cơ quan chỉ huy liên hợp, xác lập nguyên tắc chỉ huy và nguyên tắc tác chiến liên hợp, vạch ra khu kiểm soát quân sự trên biển, hỗ trợ khu hợp tác và khu bảo đảm hậu cần, kiểm soát thực sự có hiệu quả cái gọi là “lãnh thổ biển” của Trung Quốc.
Nội dung cốt lõi của ý tưởng này là sau khi xây dựng, hoàn thành một loạt quy định (pháp quy) quân sự để Trung Quốc và Đài Loan cùng “phòng thủ biển”, hai bên cùng thiết lập một cơ quan chỉ huy liên hợp, xác định nguyên tắc chỉ huy, cơ quan làm việc chung có thể thiết lập ở Hồng Kông hoặc khu vực mà hai bên cùng cho phép, chỉ huy kiểm soát quân đội của mỗi bên.
Chuyên gia quân sự này cho rằng, thời bình có thể thiết lập cơ quan làm việc độc lập của mỗi bên, thời chiến có thể làm việc chung trong trạng thái khẩn cấp. “Trong tương lai, biên đội tàu sân bay Trung Quốc tuần tra các vùng biển Trung Quốc, tiến hành tiếp tế cho nhau ở khu vực bảo đảm hậu cần, chẳng hạn nói ở Biển Đông, đảo Ba Bình do Quân đội Đài Loan kiểm soát có thể cung cấp bảo đảm hậu cần cập bến cho biên đội tàu” – ông nói.
Theo ông ta, trong khuôn khổ cơ quan chỉ huy liên hợp, tiến hành chia sẻ tình báo quân sự, quân đội hai bờ thực hiện nhiệm vụ “phòng thủ” ở khu vực phòng thủ của mỗi bên, ở khu vực hợp tác thì do cơ quan chỉ huy liên hợp phối hợp “phòng thủ” thống nhất.
Trong ý tưởng này, lòng tin quân sự Trung-Đài cần trước hết đưa ra một loạt quy định quân sự, việc phân chia chi phí quân sự của mỗi bên, lựa chọn vũ khí trang bị, biên chế lực lượng quân sự, huấn luyện, nhiệm vụ tác chiến trên biển mới có căn cứ dựa vào, diễn tập quân sự phòng thủ biển thường lệ mới có thể triển khai.
Chuyên gia này cho rằng, vấn đề tiêu chuẩn hóa quân sự Trung-Đài cũng cần giải quyết. Hiện nay, vũ khí trang bị của hai bên lần lượt là trang bị kiểu Mỹ và kiểu Trung Quốc, hỗ trợ đạn dược cho nhau không thể thực hiện.
Tháng 5 năm 2013, tàu chiến 3 hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc (gồm Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải, Hạm đội Nam Hải) tổ chức tập trận quy mô lớn ở Biển Đông. Trong tháng 9, Hải quân, Không quân, Pháo binh 2 Trung Quốc cũng tập trận liên hợp quy mô lớn trên Biển Đông. Trung Quốc tăng cường tác chiến liên hợp tập trung ở Biển Đông để làm gì? |
Chuyên gia quân sự trên tiếp tục tiết lộ, mục tiêu tưởng tượng, tự nhận vơ trên là cùng “bảo vệ cái gọi là chủ quyền biển của Trung Quốc”, nguyên tắc là lấy lực lượng ở gần làm chính, lấy lực lượng ở xa làm phụ, trên phương diện không gian chiến lược cùng “phòng thủ toàn bộ lãnh thổ” thì lấy Quân đội Trung Quốc làm chính, Quân đội Đài Loan làm phụ. Nhưng, do bị chi phối với sự tính toán chính trị, ý tưởng này hiện nay vẫn dừng ở giai đoạn trao đổi, bàn bạc nội bộ.
Có nhà quan sát cho rằng, xây dựng cơ chế lòng tin quân sự Trung-Đài về bề ngoài là vấn đề quân sự, về thực chất là vấn đề chính trị. Dựa vào trình tự sắp xếp vấn đề “hai bờ kinh tế trước, chính trị sau, rồi đến quân sự”, vị trí chính trị của quan hệ Trung-Đài xếp trước vấn đề quân sự. Tuy Trung Quốc và Đài Loan đều cho biết tích cực tạo điều kiện để giải quyết vấn đề chính trị, quân sự, nhưng điều kiện tiền đề xây dựng trước trên phương diện cơ chế an ninh lòng tin quân sự vẫn tồn tại bất đồng rõ rệt.
Chuyên gia quân sự nêu trên cho rằng: “Cơ chế lòng tin quân sự cần hai bên cùng nỗ lực, chúng ta có thể đưa ra trước ý tưởng, làm tốt hoạch định cao nhất về quy hoạch, vẽ ra lộ trình”. Ý tưởng cơ chế quân sự liên hợp được xem xét trong nguyên tắc “một nước Trung Quốc”, Trung-Đài bắt tay cùng “bảo vệ chủ quyền biển” có lẽ cần 15 hoặc 20 năm sau mới có thể thực hiện.
Trung Quốc ưu tiên bố trí các lực lượng quân sự, vũ khí trang bị tiên tiến nhất, tăng cường tập trận, tăng cường biến đá hóa đảo, mời thầu và kéo giàn khoan vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam, ăn cướp bãi cạn Scarborough giữa ban ngày... ở Biển Đông đã thể hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ có một không hai trong thiên hạ giữa thời đại văn minh ở thế kỷ 21 này. Đây rõ ràng là những hành động ăn cướp trắng trợn không thể chấp nhận được. |