TQ không thể làm suy yếu vai trò chiến lược của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương

02/03/2013 09:50
Việt Dũng
(GDVN) - Mặc dù Trung Quốc đang tích cực xâm nhập ở khu vực Ấn Độ Dương, nhưng ưu thế của Ấn Độ tại khu vực sẽ không mất đi.
Biên đội hộ tống tốp mới của Hải quân Trung Quốc tham gia diễn tập quốc tế hải quân ở Ấn Độ Dương.
Biên đội hộ tống tốp mới của Hải quân Trung Quốc tham gia diễn tập quốc tế hải quân ở Ấn Độ Dương.

Tờ “First Post” Ấn Độ vừa đăng bài viết của nhà phân tích Nilanthi Samaranayake, tổ chức CNA, Alexandria, bang Virginia, Mỹ.

Bài viết cho rằng, tuy Trung Quốc đang tích cực xâm nhập Ấn Độ Dương, tăng cường quan hệ kinh tế và quốc phòng với các nước láng giềng của Ấn Độ, nhưng vai trò ảnh hưởng của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương còn lâu mới suy yếu.

Trên thực tế, xét tới hợp tác an ninh từ lâu giữa Ấn Độ với các nước nhỏ ở Ấn Độ Dương và khả năng của Hải quân Ấn Độ không ngừng tăng lên, Ấn Độ vẫn chiếm ưu thế ở khu vực Ấn Độ Dương.

Theo bài viết, tháng 11/2012, sau khi Maldives hủy bỏ hợp đồng khai thác sân bay với công ty Ấn Độ, một số nhà phân tích đã kết luận “vai trò ảnh hưởng của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương đang giảm đi”. Sau đó, quan hệ giữa Trung Quốc với các nước nhỏ ở Ấn Độ Dương như Maldives ngày càng mật thiết, càng làm gia tăng mối lo ngại này.

Nhưng, trên thực tế, xét tới hợp tác an ninh lâu dài giữa Ấn Độ với các nước nhỏ ở Ấn Độ Dương, cùng với năng lực của Hải quân Ấn Độ liên tục tăng lên, Ấn Độ vẫn chiếm địa vị ưu thế ở khu vực Ấn Độ Dương. Hiện nay, sau khi một tòa án Maldives ra lệnh bắt, cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed đã tìm kiếm sự bảo vệ từ Ấn Độ, việc này đã làm nổi bật vai trò ảnh hưởng của New Delhi ở Ấn Độ Dương.

Bài viết cho rằng, Ấn Độ là một cường quốc biển mới nổi lên, đồng thời có ưu thế tự nhiên. Hơn nữa, Ấn Độ và các nước nhỏ Ấn Độ Dương có quan hệ dân tộc và lịch sử sâu xa.

Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed từng nhấn mạnh “quan hệ ưu tiên” giữa Maldives-Ấn Độ; trong khi đó, khi nhắc đến thành phố Trivandrum của Ấn Độ, một cựu Bộ trưởng Ngoại giao Maldives cũng nhấn mạnh: “Thực tế chúng tôi cách thành phố Trivandrum chỉ 200 dặm Anh là điều không thể thay đổi”.

Bài viết chỉ ra, Ấn Độ cho rằng họ có trách nhiệm an ninh đối với các nước ở khu vực Ấn Độ Dương, các hành động quân sự ở Sri Lanka và Maldives đã khẳng định phạm vi tác chiến của họ.

Năm 1987, Ấn Độ từng sử dụng lực lượng gìn giữ hòa bình của họ để can thiệp vào cuộc nội chiến Sri Lanka. Năm 1988, sau khi Sri Lanka xảy ra chính biến, lực lượng vũ trang Ấn Độ cũng từng xuất binh đến Maldives. Sau khi xảy ra sóng thần năm 2004, điều đầu tiên của Hải quân Ấn Độ là cung cấp viện trợ nhân đạo cho Sri Lanka, Maldives và Indonesia.

Ngoài tình trạng đặc biệt, Ấn Độ còn duy trì quan hệ quân sự lâu dài và ngày càng sâu sắc với các đảo quốc ở Ấn Độ  Dương. Mauritius giao Lực lượng bảo vệ bờ biển quốc gia của họ cho sĩ quan Hải quân Ấn Độ điều hành quản lý – 2/3 công dân Mauritius có nguồn gốc từ Ấn Độ.

Năm 2007, Ấn Độ đã xây dựng trạm nghe lén ở đảo Madagascar, truyền tin tình báo về Mumbai và Kochi của Ấn Độ. Ấn Độ cũng đã xây dựng mạng lưới radar duyên hải ở tất cả 26 đá ngầm của Maldives, phản hồi tin tức tình báo cho Ấn Độ.

Ngoài tiến hành diễn tập quân sự liên hợp với Seychelles, Maldives và Mauritius, Hải quân và Lực lượng bảo vệ bờ biển của Ấn Độ còn thường xuyên giúp các nước này theo dõi biển, điều tra thủy văn, huấn luyện quân sự, cung cấp trang bị quân sự trên biển và dịch vụ sửa chữa, hỗ trợ bảo vệ an ninh trên biển của các nước này.

Trong khi đó, ngoài cung cấp 2 tàu tuần tra và huấn luyện quân sự cho Seychelles, Trung Quốc hoàn toàn không cung cấp loại viện trợ trên biển như trên cho các nước nhỏ ở Ấn Độ Dương. Tháng 4/2012, Ấn Độ và Maldives đã tổ chức diễn tập DOSTI, thậm chí còn mời Sri Lanka tham gia cuộc diễn tập này.

Ấn Độ, Maldives và Sri Lanka tiến hành diễn tập "Dosti-XI"
Ấn Độ, Maldives và Sri Lanka tiến hành diễn tập "Dosti-XI"

Ấn Độ, Maldives, Sri Lanka sắp ký kết thỏa thuận, nâng cao ý thức trên biển khu vực. Cùng với việc tái khởi động cuộc diễn tập trên biển SLINEX, quan hệ quân sự giữa Ấn Độ và Sri Lanka đã được làm sâu sắc, năm 2012 hai nước bắt đầu tiến hành đối thoại Bộ trưởng Quốc phòng thường niên.

Ngoài quan hệ song phương, New Delhi còn đang từng bước phát huy vai trò lãnh đạo quan trọng hơn tại các tổ chức khu vực Ấn Độ Dương, chẳng hạn Diễn đàn kinh tế và ngoại giao, Diễn đàn hải quân Ấn Độ Dương của Hiệp hội hợp tác khu vực vành đai Ấn Độ Dương (Indian Ocean Rim-Association for Regional Cooperation -IOR-ARC). Vì vậy, vai trò ảnh hưởng của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương còn lâu mới giảm xuống, những điều này đã tăng cường quan hệ an ninh giữa New Delhi với các nước khu vực Ấn Độ Dương.

Về hoạt động an ninh của Ấn Độ ở các nước lân cận, hợp tác quốc phòng là một hiện tượng bình thường, hoàn toàn sẽ không gây ra sự quan tâm của thế giới. Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Maldives đã đến thăm Trung Quốc sau khi hợp tác sân bay Maldives-Ấn Độ bị hủy bỏ làm cho một số nhà quan sát cảm thấy lo ngại, nhưng năm 2009 Tổng thống Nasheed cũng từng thăm Ấn Độ - Nasheed được coi là một nhà lãnh đạo thân Ấn Độ.

Bắc Kinh từng cung cấp hệ thống vũ khí quan trọng cho Colombo (thủ đô của Sri Lanka) tấn công tổ chức “Những con hổ giải phóng Tamil” (LTTE), khi đó hợp tác quốc phòng giữa Trung Quốc và Sri Lanka được tăng cường. Nhưng, từ khi nội chiến kết thúc, quan hệ quốc phòng hai nước đã bị nới lỏng.

Song, gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cam kết cung cấp khoảng viện trợ quân sự 100 triệu USD giúp Sri Lanka phát triển hạ tầng cơ sở quân sự ở miền bắc và miền đông nước này.

Máy bay trực thăng Ấn Độ trên Ấn Độ Dương
Máy bay trực thăng Ấn Độ trên Ấn Độ Dương

Sau khi thăm Sri Lanka, ông Lương Quang Liệt đã thăm Ấn Độ, thảo luận với phía Ấn Độ về các vấn đề có liên quan đến thực thi các biện pháp xây dựng lòng tin.

Tuy nhiên, bài viết chỉ ra, mặc dù Ấn Độ và các nước nhỏ ở Ấn Độ Dương có bề dày lịch sử vững chắc, nhưng những nước này cũng gặp rất nhiều khó khăn do tài nguyên nhiên thiên thiếu thốn, vì vậy sẽ tiếp nhận viện trợ về hạ tầng cơ sở từ bất cứ nước nào như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran và Trung Quốc.

Các nước tương đối nhỏ tìm cách phát triển kinh tế tự thân trên cơ sở không đưa ra sự lựa chọn giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Trên thực tế, New Delhi hoàn toàn không phải luôn luôn đồng ý với lời đề nghị viện trợ phát triển của các nước nhỏ ở Ấn Độ Dương, vì vậy cũng không phải ngạc nhiên về các động thái của Trung Quốc ở những nước này.

Lấy Sri Lanka làm ví dụ, họ đã liên hệ trước với Ấn Độ về dự án xây dựng cảng biển Hambantota, nhưng đã bị New Delhi từ chối. Để tránh mất đi cơ hội trở thành đầu mối trọng yếu vận tải của khu vực Nam Á, Colombo đã chào đón nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Hơn nữa, bài viết còn cho rằng, giao lưu kinh tế giữa Bắc Kinh với các nước ở Đông Nam Á cũng ít nhiều có lợi cho Ấn Độ.

Trước khi New Delhi làm tốt việc gia tăng đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng cơ sở của khu vực, các dự án đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay của Trung Quốc có lợi cho việc cải thiện thương mại và tính chất kết nối của toàn bộ khu vực Nam Á – Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng, khu vực Nam Á là khu vực có mức độ nhất thể hóa thấp nhất thế giới.

Trung Quốc đầu tư xây dựng cảng Hambantota cho Sri Lanka.
Trung Quốc đầu tư xây dựng cảng Hambantota cho Sri Lanka.

Nhưng, bài viết nhấn mạnh, New Delhi không thể đương nhiên cho rằng bản thân cần chiếm vị trí thống trị ở Ấn Độ Dương. Tuy việc Maldives từ chối không đáng để căng thẳng thái quá, nhưng thực sự đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho New Delhi về hoạt động đầu tư ở “sân sau” của họ.

Có chuyên gia cho rằng, Ấn Độ thiếu một chiến lược cung cấp viện trợ có khả năng hội tụ. Sau khi tiến hành phân tích các hoạt động tích cực của các doanh nghiệp IT và viễn thông Trung Quốc ở Maldives và Nepal, Cơ quan tình báo đối ngoại Ấn Độ (RAW) gần đây yêu cầu Chính phủ New Delhi cung cấp nhiều chuyên gia hơn về vấn đề Maldives và Nepal.

Theo bài viết, mặc dù đã mất đi hợp đồng sân bay với Maldives, nhưng New Delhi vẫn chưa đối mặt với nguy cơ mất đi địa vị ưu thế của khu vực Ấn Độ Dương. Quan điểm này đã xem nhẹ quan hệ an ninh lâu dài giữa Ấn Độ và các nước trong khu vực, hơn nữa quan hệ an ninh này sẽ còn mở rộng và đi vào chiều sâu trong tương lai.

Điều này có nghĩa là, Trung Quốc sẽ ngày càng tìm kiếm cơ hội kinh tế ở Ấn Độ Dương, để phát triển kinh tế nước mình, các nước nhỏ ở khu vực Ấn Độ Dương cũng sẽ tiếp nhận sự viện trợ của Trung Quốc. Song, điều này hoàn toàn không phải là trò chơi “tổng bằng không”, cũng hoàn toàn không có nghĩa là Ấn Độ đang mất đi ưu thế chiến lược ở Ấn Độ Dương.

Tàu ngầm động cơ hạt nhân Chakra-2, Hải quân Ấn Độ
Tàu ngầm động cơ hạt nhân Chakra-2, Hải quân Ấn Độ
Việt Dũng