Phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi |
Tờ "Nhật báo Trung Quốc" ngày 20 tháng 3 đưa tin, cùng ngày Chính phủ Trung Quốc thông qua người phát ngôn ngoại giao của họ có tên là Hồng Lỗi đã trả lời báo chí về nhiều vấn đề, trong đó có việc gần đây Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ kêu gọi các nước ASEAN hợp tác tuần tra ở Biển Đông.
Hồng Lỗi lại nói rằng: "Lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là rõ ràng. Các tranh chấp liên quan ở Biển Đông cần do các nước đương sự trực tiếp thông qua đàm phán, hiệp thương để giải quyết, hòa bình và ổn định của Biển Đông phải do Trung Quốc và các nước ASEAN cùng bảo vệ, đây là quan điểm 'đường đôi' xử lý vấn đề Biển Đông do Trung Quốc và các nước ASEAN cùng khởi xướng" (? – do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra tại một hội nghị với ASEAN trong năm 2014).
Theo Hồng Lỗi: "Ngôn luận liên quan của phía Mỹ hoàn toàn không có lợi cho hòa bình và ổn định của Biển Đông, cũng không có lợi cho giải quyết thỏa đáng tranh chấp. Chúng tôi hy vọng phía Mỹ tuân thủ cam kết không giữ lập trường trong vấn đề quy thuộc chủ quyền lãnh thổ, chấm dứt phát biểu thiếu trách nhiệm, làm nhiều việc có lợi cho tăng cường lòng tin và hòa bình, ổn định khu vực".
Được biết, trước đó, ngày 17 tháng 3, Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ Robert Thomas đã kêu gọi các nước ASEAN cần hợp tác thành lập lực lượng trên biển, tiến hành tuần tra ở Biển Đông, đồng thời cam kết Hạm đội 7 Mỹ sẽ cung cấp hỗ trợ cho việc này.
Theo tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc, tại Triển lãm hàng không-hàng hải quốc tế Langkawi Malaysia, Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ tuyên bố: "Hành động này có lợi cho làm rõ mục tiêu tác chiến muốn theo đuổi trong huấn luyện của Hải quân ASEAN". Ông nói thêm: "Chỉ cần các nước thành viên ASEAN có ý định, Hạm đội 7 sẽ cung cấp hỗ trợ".
Tờ “Văn hối” Hồng Kông – Trung Quốc cho còn cho biết, vào tháng 1 năm 2015, Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ Robert Thomas cũng trả lời phỏng vấn và tuyên bố: "Để ngăn chặn lực lượng trên biển ngày càng mạnh của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, Mỹ hoan nghênh Nhật Bản mở rộng khu vực tuần tra trên không tới vùng trời Biển Đông".
Đánh giá về vấn đề này, học giả vấn đề biển Trung Quốc có tên là Lưu Phong ngày 18 tháng 3 nói trên tờ "Văn hối" Hồng Kông rằng, Tư lệnh Robert Thomas đang "xúi giục" (khuyến khích) các nước Đông Nam Á liên kết đối phó với (yêu sách bành trướng lãnh thổ “đường lưỡi bò”) Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo Lưu Phong, trong tranh chấp Biển Đông, nếu nói trước đây chỉ có "bóng dáng" của Mỹ thì hiện nay rõ ràng có "bàn tay" can thiệp của Quân đội Mỹ. Ông ta tuyên truyền cho rằng, lời kêu gọi của Tư lệnh Mỹ "không mang tính xây dựng", nhưng sẽ tăng cường ảnh hưởng dư luận, các nước ASEAN nếu làm theo "sẽ chỉ gây ra tình hình căng thẳng ở Biển Đông, không phù hợp với lợi ích của ASEAN" (? - thực ra là không phù hợp với lợi ích của Trung Quốc!).
Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ Robert Thomas |
Theo "Văn hối", Quân đội Mỹ gần đây còn công bố báo cáo "Chiến lược hợp tác các lực lượng trên biển thế kỷ 21", chỉ trích việc xây dựng lực lượng trên biển của Trung Quốc thiếu minh bạch, gây ra căng thẳng và bất ổn.
Đáp lại, Cục thông tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng: "Trung Quốc kiên trì đi con đường phát triển hòa bình, thực hiện chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự, tăng cường xây dựng quốc phòng và quân đội là để bảo vệ an ninh quốc gia, không nhằm vào và không đe dọa bất cứ nước nào.
Lập trường của Trung Quốc trong vấn đề biển là nhất quán, rõ ràng, cũng là công khai. Hy vọng phía Mỹ áp dụng lập trường khách quan, công bằng, chấm dứt phát biểu không có trách nhiệm, có nỗ lực thiết thực cho tăng cường lòng tin giữa quân đội hai nước Trung-Mỹ, thúc đẩy quan hệ quân sự mới phát triển lành mạnh".
Trung Quốc nói xây dựng quốc phòng và quân đội không nhằm vào ai và kiên trì “con đường phát triển hòa bình”. Nhưng, phải nhìn vào Trung Quốc đang phát triển những loại vũ khí trang bị nào, tốc độ phát triển ra sao, các động thái huấn luyện, quân sự có những khoa mục nào và tổ chức ở đâu, đang dùng truyền thông tuyên truyền những gì v.v... thì mới biết được Trung Quốc đang tham vọng gì, đang muốn làm gì.
Còn khi mà Trung Quốc cứ cố chấp giữ lấy yêu sách tham lam "đường lưỡi bò" thì chắc chắn không thiếu những lời dị nghị, phê phán, không thiếu những hành động ngăn chặn, kiềm chế tham vọng tham lam đó, cho đến khi nào Trung Quốc chấm dứt tham vọng đó mới thôi.
Theo tờ "Văn hối", ngoài ra, ngày 18 tháng 3, Thủ tướng Australia Tony Abbott và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã tổ chức hội đàm, hai bên đồng ý tăng cường hợp tác an ninh, đồng thời nhấn mạnh phải giữ kiềm chế trong vấn đề Biển Đông, cảnh cáo không được đơn phương sử dụng vũ lực, (cùng bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định khu vực).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Australia Tony Abbott tại cuộc họp báo sau hội đàm ngày 18 tháng 3 năm 2015 |
Nhưng, đối với vấn đề này, với thói quen nói ra nói vào không cần thiết, ngày 18 tháng 3, Chính phủ Trung Quốc lại thông qua phát ngôn viên của họ có tên là Hồng Lỗi cho rằng: "Chúng tôi hy vọng hợp tác an ninh của các nước có liên quan có thể có lợi cho hòa bình, ổn định khu vực. Trong vấn đề Biển Đông, lập trường của Trung Quốc là rõ ràng, nhất quán. Chúng tôi tập trung cho, trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế, thông qua đàm phán song phương với các nước đương sự có liên quan, giải quyết tranh chấp chủ quyền một bộ phận đảo đá và quyền lợi biển ở Biển Đông”.
“Đồng thời, chúng tôi cũng tập trung vào, cùng các nước ASEAN bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực Biển Đông. Chúng tôi hy vọng các nước liên quan có thể đi cùng Trung Quốc. Các nước ngoài khu vực cần giữ lập trường khách quan, công bằng trong các vấn đề có liên quan, cần giữ trung lập trong vấn đề chủ quyền”.
Trung Quốc nói như vậy, nhưng ai cũng biết yêu sách "đường lưỡi bò" là không được, là mang tính xâm lược, là xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam và các nước khác, là đi ngược lại luật pháp quốc tế. Bất cứ tuyên bố nào, hành động nào có lợi cho việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, bảo vệ luật pháp quốc tế, bảo vệ hòa bình và ổn định của khu vực, ngăn chặn lòng tham “đường lưỡi bò” thì chắc chắn đó là điều cần thiết.
Việc đàm phán song phương hay đa phương hay bất cứ cách làm nào khác, miễn là đem lại công bằng với lịch sử, đem lại chủ quyền cho nước đáng để sở hữu nó, đem lại công lý quốc tế thì đều có thể sử dụng linh hoạt, không tùy thuộc vào ý chí của riêng Trung Quốc hay bất cứ nước nào.
Trung Quốc nói "tôn trọng sự thật lịch sử", vậy thì Trung Quốc nên tôn trọng lịch sử Việt Nam và lịch sử Trung Quốc, đó là: quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam; Trung Quốc đã tiến hành chiến tranh xâm lược quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa vào các năm 1974, 1988...
Trung Quốc nói "tôn trọng luật pháp quốc tế", vậy Trung Quốc hãy làm gương, hãy tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, rằng, Trung Quốc nên tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, đừng bao giờ đưa giàn khoan hay tàu chiến, máy bay quân sự vào đe dọa Việt Nam như năm 2014; đừng bao giờ đòi đấu thầu khai thác dầu khí ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam, đừng bao giờ có các hành động xâm lược như trước đây. Trung Quốc hãy trả lại biển đảo liên quan cho Việt Nam, và phải dừng xây dựng các tiền đồn quân sự để áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò”.
Đại đội viễn chinh 31 Quân đội Mỹ (nguồn báo Phượng Hoàng, Hồng Kông) |