Việt-Mỹ hợp tác chiến lược làm thay đổi cục diện địa-chính trị Đông Á?

15/10/2014 08:59
Đông Bình
(GDVN) - Theo báo HK, Mỹ coi Việt Nam là điểm tựa chiến lược quay trở lại Đông Á, ngăn chặn TQ trỗi dậy, trong khi Việt Nam tăng cường quan hệ với Mỹ.
Ngày 2 tháng 10 năm 2014, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Ngày 2 tháng 10 năm 2014, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

Tờ "Tin tức bình luận Trung Quốc" Hồng Kông ngày 12 tháng 10 có bài viết cho rằng, gần đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp gỡ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, đã chính thức thông báo với Việt Nam rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ đang áp dụng biện pháp "cho phép trong tương lai chuyển nhượng cho Việt Nam các hàng hóa quốc phòng liên quan đến an ninh hàng hải".

Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực cảnh báo sớm và năng lực an ninh trên biển. Theo bài báo, hành động này cho thấy, Mỹ đang hủy bỏ lệnh cấm tiêu thụ vũ khí đối với Việt Nam. Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, hành động này hoàn toàn không phải nhằm vào Trung Quốc.

Nhưng trên thực tế, chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương" của Mỹ đã được đưa ra trong tình hình Trung Quốc không ngừng trỗi dậy, hoạt động và các biện pháp của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều coi Trung Quốc là mục tiêu công khai hoặc tiềm tàng. Đặc biệt là trên phương diện viện trợ quân sự và vũ khí đối với những nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc, càng nhằm vào Trung Quốc.

Xem xét về địa-chiến lược, bài báo xuyên tạc cho rằng, Mỹ tích cực tận dụng ưu thế địa lý tiếp giáp giữa Việt Nam và Trung Quốc và sự lo ngại ngày càng lớn của Việt Nam đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, coi Việt Nam là một điểm tựa chiến lược quay trở lại Đông Á, đưa Việt Nam vào trong chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” của Mỹ để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc dẫn Bloomberg cho rằng, Trung Quốc có thể giấu kho vũ khí dưới lòng đất ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc dẫn Bloomberg cho rằng, Trung Quốc có thể giấu kho vũ khí dưới lòng đất ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Trong khi đó, bài báo suy đoán, Việt Nam hy vọng dựa vào sức mạnh của Mỹ, tăng cường thực lực và con bài mặc cả trên phương diện bảo vệ chủ quyền lãnh hải và phát huy vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Sự gặp nhau về chiến lược này đã cấu thành động lực chủ yếu để quan hai nước Việt-Mỹ có được phát triển mang tính thực chất trong những năm gần đây.

Theo bài báo, sự xích lại nhanh chóng của quan hệ Việt-Mỹ không tách rời sự tranh thủ tích cực của Việt Nam. Những năm gần đây, đối đầu và xung đột xoay quanh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải giữa Trung-Việt ngày càng gay gắt (do tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc gây ra), thậm chí đã phát triển thành “giao tranh” trực tiếp trên biển, ở Việt Nam cũng đã nổ ra “làn sóng chống Trung Quốc”.

Bài báo tiếp tục suy diễn: Mặc dù hai bên Trung Quốc và Việt Nam đều đã áp dụng các biện pháp nhất định, đặc biệt là Việt Nam đã tích cực khắc phục quan hệ xấu đi, nhưng về chiến lược, Việt Nam lại ngày càng rời xa Trung Quốc, tăng cường quan hệ chiến lược với các nước lớn ngoài khu vực vì tham vọng Trung Quốc quá đáng lo ngại.

Báo Hồng Kông cho rằng, Việt Nam thân thiện với Mỹ có mặt đề phòng sự trỗi dậy của Trung Quốc, tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ, “cùng chung chí hướng” với Mỹ, nhưng Việt Nam cũng không sẵn sàng trở thành quân cờ của Mỹ.

Trung Quốc đang tập trung xây dựng căn cứ hải không quân ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam?
Trung Quốc đang tập trung xây dựng căn cứ hải không quân ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam?

Đối với Việt Nam, kinh tế là trọng điểm trong ngoại giao của họ, tăng cường quan hệ với các nền kinh tế chủ yếu của thế giới trở thành trục chính của ngoại giao Việt Nam những năm gần đây.

Do sự phá hoại nghiêm trọng của nhiều năm chiến tranh, chính sách yếu và tình hình quốc tế khó khăn, kinh tế Việt Nam có giai đoạn khó khăn. Bài báo nghĩ rằng, dưới sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế và cái gọi là “của Trung Quốc”, Việt Nam đã thực hiện chính sách đổi mới mở cửa, kinh tế Việt Nam bắt đầu từng bước khôi phục, mãi đến khi nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tỷ lệ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Việt Nam đã đạt 7,5%.

Là láng giềng và đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc đang tồn tại tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam (do Trung Quốc tiến hành chiến tranh xâm lược vào các năm 1974, 1988… gây ra). Để tránh lợi ích lãnh thổ bị “ép” bởi lợi ích kinh tế, Việt Nam “khát vọng” tăng cường hợp tác kinh tế với các nước khác.

Bài báo cho rằng, là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, Mỹ trở thành sự lựa chọn đầu tiên của Việt Nam. Xuất phát từ nhu cầu của địa-chiến lược, Việt Nam hy vọng dựa vào sức mạnh của Mỹ để chống lại Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, trong khi đó Mỹ lại có thể dự định tận dụng Việt Nam tiếp tục củng cố “chiến lược tái cân bằng” châu Á-Thái Bình Dương của họ, cải thiện và nâng cao quan hệ đồng minh của Mỹ ở khu vực này. Trong khi đó, trên phương diện hợp tác an ninh, Mỹ-Việt xích lại càng gần. Mỹ ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc.

Vụ hạ đặt phi pháp giàn khoan 981 ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam là một cuộc tập dượt quy mô lớn của Trung Quốc cho các hành động mang tính xâm lược, ăn cướp nguy hiểm hơn trong tương lai?
Vụ hạ đặt phi pháp giàn khoan 981 ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam là một cuộc tập dượt quy mô lớn của Trung Quốc cho các hành động mang tính xâm lược, ăn cướp nguy hiểm hơn trong tương lai?

Mặc dù quan hệ hai nước Việt-Mỹ tiếp tục ấm lên, nhưng quan hệ đối tác toàn diện hai nước cũng đối mặt với các thách thức, do hai nước Việt-Mỹ tồn tại sự khác biệt lâu dài về ý thức hệ, sự khác nhau về chế độ chính trị và ý thức hệ làm cho hai nước Việt-Mỹ tồn tại vấn đề thiếu lòng tin, có khoảng cách tương đối lớn trong xử lý một số vấn đề, rất khó hình thành đối tác chiến lược thực sự bình đẳng.

Việt-Mỹ xây dựng quan hệ đối tác toàn diện hoàn toàn không có nghĩa là Việt Nam ngả vào lòng Mỹ, trở thành một quân cờ kiềm chế Trung Quốc của Mỹ. Tất cả các nước bình thường ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương không có nước nào không muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp với Mỹ, cũng không có nước nào sẵn sàng đối đầu trực tiếp với Trung Quốc.

Đặc biệt là một số quốc gia Đông Nam Á thực hiện ngoại giao cân bằng giữa các “nước lớn” Trung Quốc và Mỹ, tạo được mọi thuận lợi để đạt được lợi ích thực tế nhiều hơn. Nhưng, cùng với quan hệ chiến lược Việt-Mỹ không ngừng mạnh lên, cục diện địa-chiến lược Đông Á cũng sẽ có sự thay đổi mới.

Báo của TQ từ suy nghĩ đó đã đưa ra tư vấn cho Bắc Kinh rằng: "Trung Quốc cần cảnh giác cao về mặt chiến lược, tranh thủ giảm khả năng tác động gây ra từ sự thay đổi địa-chiến lược này tới mức tối thiểu".

Ngay khi lên nắm quyền lực cao nhất ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã 2 lần đến Hạm đội Nam Hải, thăm làng chài để hô hào cái gọi là "giấc mơ Trung Quốc" ở Biển Đông. Trung Quốc cũng đặc biệt ưu tiên triển khai vũ khí trang bị mới nhất ở Biển Đông, tăng cường các cuộc tập trận quy mô lớn và có tính chất liên hợp giữa các hạm đội lớn, các quân binh chủng, thực hiện chỉ thị "có thể đánh và đánh thắng" của ông Tập Cận Bình... Đây là những động thái cần hết sức cảnh giác.
Ngay khi lên nắm quyền lực cao nhất ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã 2 lần đến Hạm đội Nam Hải, thăm làng chài để hô hào cái gọi là "giấc mơ Trung Quốc" ở Biển Đông. Trung Quốc cũng đặc biệt ưu tiên triển khai vũ khí trang bị mới nhất ở Biển Đông, tăng cường các cuộc tập trận quy mô lớn và có tính chất liên hợp giữa các hạm đội lớn, các quân binh chủng, thực hiện chỉ thị "có thể đánh và đánh thắng" của ông Tập Cận Bình... Đây là những động thái cần hết sức cảnh giác.
Đông Bình