Xuân mới, thăm Bảo tàng Vũ khí

23/01/2012 10:28
Theo QĐND
Mùa xuân năm nay thật ý nghĩa với các chiến sĩ của Bảo tàng Vũ khí bởi sau hơn 10 năm “thai nghén”

Mùa xuân lại gõ cửa muôn nhà để mang đến không khí ấm áp và những điều tốt lành cho mọi người dân Việt Nam.

Thời khắc đất trời “chuyển mình” khiến cho lòng người xao xuyến, bâng khuâng. Mùa xuân năm nay thật ý nghĩa với các chiến sĩ của Bảo tàng Vũ khí bởi sau hơn 10 năm “thai nghén”, năm 2011 vừa qua, Bảo tàng này mới chính thức đi vào hoạt động.

Sử dụng nhạc nền trong thuyết minh hiện vật

Chúng tôi đến thăm Bảo tàng Vũ khí vào một ngày đầu năm mới, dường như những tia nắng ấm áp của mùa xuân đang len lỏi vào từng hiện vật được trưng bày tại đây để “thổi hồn” cho các loại vũ khí - những hiện vật đã góp phần làm nên chiến thắng trong các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc.

Khu trưng bày pháo mặt đất tại Bảo tàng Vũ khí
Khu trưng bày pháo mặt đất tại Bảo tàng Vũ khí

Hiện nay, Bảo tàng Vũ khí mới hoàn thiện giai đoạn 1 và đang tiếp tục thi công, xây dựng giai đoạn 2 vào những năm tới. Với hơn 1000 hiện vật trưng bày, trong đó có nhiều loại vũ khí của Quân đội Việt Nam sử dụng trong các cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược.

Hầu hết các bộ sưu tập vũ khí trưng bày tại bảo tàng đều là hiện vật gốc đã được sưu tầm và lưu giữ hơn nửa thế kỷ qua.

Bảo tàng vũ khí là bảo tàng chuyên ngành kỹ thuật quân sự mang nét đặc thù nên tuy mới thành lập nhưng đã để lại những ấn tượng sâu sắc với người xem bởi những bộ sưu tập hiện vật trưng bày độc đáo,

phong phú và đa dạng, hình thức trưng bày cũng được đổi mới, có tính “đột phá”, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Để tạo sự hấp dẫn cho khách tham quan, Bảo tàng Vũ khí đã mạnh dạn đưa âm nhạc vào làm nền cho thuyết minh hiện vật.

Mặc dù hình thức này mới chỉ mang tính thực nghiệm nhưng đã được các nhà chuyên môn và đông đảo khách tham quan đánh giá cao.

Âm nhạc như một loại ngôn ngữ đặc biệt, trong chiến tranh âm nhạc đồng hành cùng người lính ra trận và làm cho quân thù phải khiếp sợ và ngày nay âm nhạc dường như là thứ “vũ khí” dù không cất lên tiếng nói nhưng cũng giúp người nghe cảm nhận, hiểu nội dung mà người khác muốn truyền tải.

Bởi thế, dù khác dân tộc và không cùng một quốc gia nhưng qua âm nhạc, mọi người vẫn gắn kết và hiểu được nhau bằng ngôn ngữ đặc biệt này.

Lựu pháo 105mm M101 là một trong những hiện vật thuộc bộ sưu tập pháo mặt đất trưng bày tại Bảo tàng Vũ khí
Lựu pháo 105mm M101 là một trong những hiện vật thuộc bộ sưu tập pháo mặt đất trưng bày tại Bảo tàng Vũ khí
Với mong muốn phát huy những giá trị quý báu của âm nhạc để ứng dụng vào thực tế. Đại tá Lại Huy Thực – Giám đốc Bảo tàng Vũ khí không chỉ có kiến thức về hội họa mà còn rất đam mê nghệ thuật, những lúc rảnh rỗi anh vẫn thường vẽ tranh, làm thơ và sáng tác ca kịch…

Có lẽ đây là yếu tố cơ bản, cần thiết đối với người làm công tác bảo tàng. Những hiện vật được lưu giữ và trưng bày ở đây đều gắn liền với lịch sử và văn hóa xã hội. Hiện vật không chỉ là một thứ vô cảm mà cũng cần phải có tiếng nói và ngôn ngữ riêng.

Đại tá Lại Huy Thực chia sẻ: “Những hiện vật của Bảo tàng Vũ khí có sức hút mãnh liệt đối với tôi. Nếu tiếp tục được đầu tư hoàn thiện, Bảo tàng Vũ khí sẽ là địa chỉ tin cậy của khách tham quan trong nước và quốc tế, là một thực thể của mạng lưới Bảo tàng Việt Nam nói chung và hệ thống Bảo tàng Quân đội nói riêng”.

Khi ý tưởng đưa âm nhạc vào thuyết minh hiện vật hình thành, được sự đồng ý của lãnh đạo chỉ huy Tổng cục Kỹ thuật, Ban Quản lý dự án xây dựng Bảo tàng Vũ khí đã mời các nhạc sĩ như:

Trương Ngọc Ninh, Vũ Thiết, Trần Tựa…tham gia, góp ý kiến xây dựng để biến ý tưởng thành hiện thực. Cho dù ý tưởng trên vẫn tiếp tục nghiên cứu, đầu tư để hoàn thiện hơn nhưng dù sao cũng đã mở ra một tư duy và cách nhìn mới đối với những người làm công tác bảo tàng.

Vào bảo tàng nghe tiếng vó ngựa phi, tiếng súng nổ, máy bay  gầm rú…

Vừa bước chân vào Bảo tàng, người xem được nghe những thanh âm trầm bổng của tiếng vó ngựa phi, tiếng súng nổ, máy bay địch gầm rú...

tạo nên một không gian sống động giúp người xem hình dung ra khung cảnh của thời chiến tranh đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đây chính là nét độc đáo mang đặc trưng của Bảo tàng Vũ khí.

Bộ sưu tập đạn
Bộ sưu tập đạn

Tác giả của những bản nhạc nền này là Đại tá, nhạc sĩ Minh Quang - Nguyên Phó Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Quân đội, người đã viết các ca khúc nổi tiếng như: "Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara, Hoa sim biên giới, Hoa ban, Chiếc lá nhỏ, Kỷ niệm đầu tiên, Cây đàn ghi ta một dây, Sông Lô chiều cuối năm” .

Để có được những tác phẩm âm nhạc sử dụng riêng cho việc thuyết minh tại bảo tàng, nhạc sĩ Minh Quang đã dầy công nghiên cứu, sưu tầm để viết những nốt nhạc phù hợp với từng chủ đề của các bộ sưu tập hiện vật vũ khí.

Đan xen giữa tiếng của hướng dẫn viên giới thiệu từng loại vũ khí là phần nhạc nền vang vọng tạo cảm giác cho người xem như đang đứng giữa khói lửa chiến tranh.

Mỗi gian trưng bày được chia thành từng giai đoạn như: Vũ khí thời dựng nước; giai đoạn sau 1945, giai đoạn từ 1945 đến 1975, đều có các phần nhạc nền khác nhau.

Nhạc sĩ Minh Quang tâm sự, đây là đề tài mà anh tâm huyết từ nhiều năm nay và anh sẽ tiếp tục nghiên cứu, để cho ra đời những tác phẩm có giá trị đích thực trong đời sống xã hội và chuyên ngành bảo tàng.

Theo chân hướng dẫn viên tham quan Bảo tàng Vũ khí, người xem sẽ hiểu rõ hơn về các loại vũ khí tự tạo mà cha ông ta đã sử dụng để đấu tranh chống quân xâm lược.

Khi bước vào cổng Bảo tàng Vũ khí, chúng ta đã thấy tính quy mô, hoành tráng của Bảo tàng chuyên ngành kỹ thuật quân sự, giải pháp trưng bày độc đáo, mang tính khoa học chuyên sâu, hiện vật trưng bày với nhiều chủng loại vũ khí khác nhau, phong phú,

đa dạng như: khu trưng bày pháo mặt đất, khu trưng bày pháo phòng không, dàn phóng BM21, BM14. Ngoài ra còn có khu dành riêng để trưng bày, sưu tập vũ khí đặc chủng như: máy bay, tàu chiến, xe tăng, xe thiết giáp…

Khu trưng bày nội thất còn có súng hỏa tiễn bằng gang, các sưu tập như: đạn đá, súng kíp, hỏa mai do nhân dân sáng tạo và sử dụng, súng K54 đạn cao su, súng chống tăng DKZ, sưu tập đạn tên lửa, mìn, lựu đạn…

Cọc Bạch Đằng
Cọc Bạch Đằng

Hình ảnh chiếc cọc Bạch Đằng hiện hữu giữa không gian bằng tranh vẽ lại trận chiến thắng Bạch Đằng thời Ngô Quyền trong bảo tàng đã để lại ấn tượng sâu sắc với người xem vì đã khắc họa được sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Để bộ sưu tập hiện vật vũ khí trưng bày ngày càng phong phú, sắp tới, Bảo tàng Vũ khí sẽ phối hợp với Quân khu 7, Quân khu 9 tiến hành khảo sát, sưu tầm vũ khí của quân và dân Nam Bộ đã sáng tạo và sử dụng trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ để bổ sung cho các bộ sưu tập vũ khí đang trưng bày tại bảo tàng.

Nói về công tác bảo quản các hiện vật vũ khí tại bảo tàng, Thượng tá Nguyễn Đức Hoàn – Phó Giám đốc Bảo tàng cho biết:

“Hiện nay, Bảo tàng Vũ khí đã được lắp đặt hệ thống cảnh giới an ninh cho các hiện vật. Thời gian tới, chúng tôi sẽ lắp đặt hệ thống mái che để bảo đảm cho hiện vật trưng bày ngoài trời không bị hư hỏng. Hơn nữa, theo định kỳ hàng tháng, chúng tôi có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng và bảo quản hiện vật”.

Ngay sau khi khánh thành giai đoạn 1, Bảo tàng Vũ khí đã tiếp đón gần hai vạn lượt khách đến tham quan. Hiện nay, Bảo tàng Vũ khí tiếp tục báo cáo Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và Bộ Quốc phòng phê duyệt,

điều chỉnh tổng mức đầu tư để hoàn thiện các hạng mục còn lại của Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Vũ khí theo số 322/QĐ-BQP đã được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt ngày 28-2-2005 và hoàn thành trưng bày nội thất tầng 2 và 3.

Ai đã đến thăm Bảo tàng Vũ khí đều nhận thức rằng, vũ khí có vai trò lớn trong từng trận đánh, từng chiến dịch và từng cuộc kháng chiến. Trong điều kiện nào, vũ khí cũng luôn là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh, nâng đỡ tinh thần bộ đội bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam và là yếu tố cấu thành sức mạnh quân sự Việt Nam.

Trong tương lai, Bảo tàng Vũ khí sẽ khẳng định được vị trí của một Bảo tàng chuyên ngành Kỹ thuật quân sự, là nơi lưu giữ, trưng bày các bộ sưu tập vũ khí. Những hiện vật này góp phần tuyên truyền giáo dục, phổ biến kiến thức cho mọi tầng lớp nhân dân, khách tham quan trong nước và Quốc tế. Là sự hội tụ khoa học quân sự, giúp cho các cơ quan, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sáng tạo ra thế hệ vũ khí mới.

Theo QĐND