Chứng chỉ hành nghề nhà giáo là cần thiết và cần 1 đơn vị độc lập sát hạch

15/06/2024 06:36
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - TS Tôn Quang Cường nhận định: "Có thể tóm gọn quy định về chứng chỉ hành nghề nhà giáo là cần thiết, kịp thời, chuyên nghiệp và phù hợp với xu thế chung".

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố và lấy ý kiến dư luận về dự thảo Luật Nhà giáo. Một trong những quy định được nêu trong dự thảo là quy định chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Đây là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định.

Chứng chỉ này được kỳ vọng giúp chuẩn hóa và nâng cao chất lượng của nhà giáo.

Chứng chỉ hành nghề nhà giáo là cần thiết, kịp thời, chuyên nghiệp và phù hợp với xu thế chung

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đội ngũ nhà giáo nước ta đang phải chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp lý khác nhau (như Luật Viên chức và khoảng 200 văn bản dưới luật điều chỉnh nhà giáo nói chung, cả công lập và ngoài công lập). Điều này gây ra sự chồng chéo, thiếu nhất quán, khó thực hiện luật và kém hiệu quả của thể chế.

gdvn-ts-pham-do-nhat-tien-3932.jpg
Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Phạm Minh

“Hiện nay, vấn đề định danh nhà giáo trong pháp luật nước ta vẫn chưa rõ ràng. Nhà giáo dạy học ở các cơ sở giáo dục công lập thì được đánh đồng với mọi viên chức, còn nhà giáo dạy học ở cơ sở giáo dục tư thục lại được đánh đồng với những người lao động ngoài khu vực công khác. Chúng ta không trả lời được một cách tường minh cho câu hỏi “nhà giáo là ai?”. Bản thân các nhà giáo cũng không nhìn thấy chính mình trong khung pháp lý về nhà giáo hiện nay.

Điều này đến từ việc quy định pháp lý chưa có sự thống nhất, chưa làm rõ được những yếu tố cơ bản tạo nên bản sắc nhà giáo thông qua vị trí, vai trò, lao động đặc thù, hoạt động nghề nghiệp, các chuẩn mực và giá trị của nhà giáo” – Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến nhận định.

Do đó, ông Tiến rất ủng hộ việc có quy định về chứng chỉ hành nghề nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo. Vì chứng chỉ này sẽ là xác nhận về mặt pháp lý, khẳng định vị thế và tính chất chuyên nghiệp trong nghề dạy học của nhà giáo trong xã hội; đồng thời, chứng chỉ này có vai trò hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng giáo dục (thu hút được lao động đặc thù có phẩm chất, năng lực chuẩn của người giáo viên, góp phần vào việc hình thành và phát triển nhân cách người học).

Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến khẳng định, điều này là đặc biệt quan trọng và cần thiết trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và sẽ đem lại tác động tích cực trên nhiều phương diện:

Trước hết, xét ở góc độ quản lý, quy định về chứng chỉ hành nghề tạo ra cơ sở pháp lý giúp Nhà nước và xã hội phân định được nhà giáo chính danh với nhà giáo tự xưng, nhất là trước bối cảnh thị trường giáo dục ngày càng trở nên phức tạp dưới tác động của công nghệ thông tin và truyền thông, sự bùng nổ của mạng xã hội. Đây là tình trạng không chỉ riêng đối với giáo dục. Để khắc phục tình trạng này, cần thiết phải có giải pháp bảo đảm chất lượng chuyên môn của các hoạt động nghề nghiệp thông qua chứng chỉ hành nghề. Trong tương lai, rất cần có khảo sát, giám sát, đánh giá và tổng kết thực tiễn của tình trạng này để có các quy định pháp lý cần thiết và phù hợp.

Tiếp nữa, xét ở góc độ hội nhập quốc tế, khi chúng ta chủ động và tích cực đẩy mạnh tiến trình trao đổi nhà giáo trong khu vực và quốc tế, điều kiện tiên quyết là những nhà giáo này (bao gồm cả nhà giáo nước ngoài và nhà giáo Việt Nam) đều phải có chứng chỉ hành nghề.

Cuối cùng, xét ở góc độ vị thế và hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, chứng chỉ hành nghề không chỉ khẳng định vị thế nhà giáo mà còn tạo điều kiện để nhà giáo phát huy được các quyền của người dạy học chuyên nghiệp (bao gồm quyền tự chủ, quyền thăng tiến, quyền phát triển nghề nghiệp liên tục, quyền được làm việc trong một môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, hướng tới đổi mới sáng tạo...).

Đồng thời, điều này kéo theo các quy định cần thiết về môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ nhằm bảo đảm nhà giáo được phát huy đầy đủ quyền tự chủ trong hoạt động nghề nghiệp.

Bày tỏ sự ủng hộ của mình, Tiến sĩ Tôn Quang Cường – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, có thể tóm gọn quy định về chứng chỉ hành nghề nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo là cần thiết, kịp thời, chuyên nghiệp và phù hợp với xu thế chung.

“Đã đến lúc nghề giáo cần được nhìn nhận là một nghề chuyên nghiệp, được vận hành theo những quy định của một nghề có tính chuyên nghiệp cao. Trước đây, dù đã có chuẩn nghề nghiệp giáo viên nhưng nghề giáo vẫn chưa thực sự được chuẩn hóa. Nghề giáo viên chưa được coi là một nghề chuyên nghiệp mà phần lớn chỉ được coi là một nghề xã hội.

Trong khi đó, vai trò của nhà giáo rất quan trọng, tác động trực tiếp đến sự hình thành và phát triển của một con người. Nhưng một số vấn đề quản lý nhà nước và quản lý chuyên môn của giáo viên còn bị “bỏ ngỏ”, chứ chưa nói đến việc có nhiều nhà giáo tự xưng” – thầy Cường cho hay.

5fb1afdae27942271b68 (1).jpg
Ảnh minh họa: KMC

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã có quy định về chứng chỉ hành nghề nhà giáo. Ngay cả ở nước ta, một số nghề nghiệp (như bác sĩ, luật sư, kiến trúc sư,…) cũng đã có chứng chỉ hành nghề, khẳng định tính chất chuyên nghiệp trong nghề nghiệp. Vì thế, việc cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo cũng hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thời đại.

Tính hiện đại, chuyên nghiệp ở chỗ, đối với một nhà giáo, khi đã xác định làm nghề chuyên nghiệp thì cần toàn tâm toàn ý cho công việc, giúp hoạt động giáo dục đảm bảo cuộc sống của nhà giáo ấy.

Dựa trên những quy định về việc cấp chứng chỉ sẽ tạo ra hành lang pháp lý, để một người là nhà giáo cần có trách nhiệm với công việc, sản phẩm của mình.

“Tôi cho rằng, những quy định này sẽ là một cơ chế sàng lọc rất hay. Bởi hiện nay, nhiều sinh viên tuy học khối ngành Sư phạm, nhưng không mong muốn theo đuổi nghề giáo. Những người này hoàn toàn có quyền lựa chọn làm trái ngành, trái nghề. Do đó, có quy định cụ thể sẽ hạn chế sự lãng phí nguồn lực; thay vào đó, lựa chọn được đội ngũ nhà giáo chất lượng, đạt chuẩn” – thầy Cường nêu quan điểm.

Đồng thời, theo Tiến sĩ Cường, việc ra đời của Luật Nhà giáo và chứng chỉ hành nghề nhà giáo sẽ quay trở lại điều tiết hoạt động, tăng trách nhiệm của các cơ sở đào tạo ngành Sư phạm. Ngoài ra, khiến các cơ sở đào tạo cử nhân ngành này phải tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục khác ở các cấp để trở thành mạng lưới kết nối, cung cấp cơ sở thực tập, thực tế cho sinh viên thực hành.

Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội còn nhận định, việc cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo không hề làm khó cho các giáo viên, mà ngược lại, chứng chỉ này là minh chứng năng lực, giúp mở rộng cơ hội được hành nghề ở những môi trường khác nhau (ngoài nhà trường) cho nhà giáo.

Vấn đề này còn tạo cơ hội, động lực để các nhà giáo luôn luôn phấn đấu, nâng cao chất lượng (năng lực và phẩm chất đạo đức của giáo viên).

Quy trình đánh giá chất lượng nhà giáo là vô cùng quan trọng

Để được cấp chứng chỉ hành nghề dạy học, theo Dự thảo Luật Nhà giáo, sẽ có hai đợt đánh giá. Đợt đánh giá đầu tiên là đợt đánh giá quen thuộc đối với sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm (đối với sinh viên ngành khác muốn được tuyển dụng làm nhà giáo sẽ cần phải trải qua thêm đợt đánh giá khác để được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm). Đây được coi như điều kiện cần để được cấp chứng chỉ hành nghề.

Còn điều kiện đủ là phải vượt qua đợt đánh giá thứ hai. Đó là đánh giá mang tính kiểm chứng về thực hành để bảo đảm ứng viên có khả năng vận dụng hiệu quả kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm vào thực tế lớp học (bao gồm quản lý lớp học, tương tác với người học, điều chỉnh phương pháp giảng dạy để phù hợp với nhu cầu người học).

“Bấy lâu nay, việc đánh giá thứ hai này bao gồm đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết giai đoạn tập sự của người được tuyển dụng dưới sự hướng dẫn của nhà giáo có kinh nghiệm. Trong Dự thảo Luật Nhà giáo, việc đánh giá thứ hai này được quy định là kỳ sát hạch.

Về vấn đề này, tôi nhất trí là rất cần làm rõ về quy trình, nội dung, phương thức và phương pháp sát hạch để việc đánh giá này được thực chất, công bằng, khách quan và minh bạch” – Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến nêu quan điểm.

gdvn-tiensinguyentunglam-2-791.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng. (Ảnh: Nguyên Phương)

Bày tỏ quan điểm của mình Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng cho rằng, hiện nay, đa phần cử nhân được đào tạo ngành Sư phạm ra trường mới chỉ được đáp ứng được trình độ cử nhân khoa học sư phạm, cử nhân khoa học giáo dục, nặng về mặt lý thuyết.

Để làm được nhà giáo, còn đòi hỏi người dạy học phải có sự tích lũy, kinh nghiệm thực tiễn. Mặc dù sinh viên ngày này đã được tham gia hoạt động thực hành, thực tập, thực tế, nhưng số lượng thời gian thực hành này là chưa đủ.

Vì thế, Luật Nhà giáo cần có quy định cụ thể về điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo. Để nâng cao chất lượng của đội ngũ này, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm, họ nên được phân công về các cơ sở giáo dục, được giáo viên giỏi hướng dẫn, đánh giá để có kinh nghiệm.

Kết thúc thời gian tập sự này, người đó cần phải có bài thu hoạch, có những đánh giá của hội đồng,… nhằm đảm bảo chất lượng giáo viên.

“Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ đang nói nhiều về việc cần phải cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo cho những sinh viên mới ra trường, mà chưa nói nhiều đến quy định chứng chỉ cho những giáo viên đã giảng dạy lâu năm. Vì thế, trong Luật Nhà giáo cũng cần có quy định cụ thể, xác định mốc thời gian làm nghề để giáo viên đã giảng dạy lâu năm không phải thi lại chứng chỉ này nữa” – Tiến sĩ Tùng Lâm đề xuất.

Cũng có những góp ý về quy trình đánh giá chất lượng nhà giáo, Tiến sĩ Tôn Quang Cường cho rằng, vì hoạt động dạy học là một hoạt động nghề nghiệp chuyên nghiệp, nên việc cấp chứng chỉ này cũng cần có thời hạn nhất định. Sau một khoảng thời gian làm việc, giáo viên cần chứng minh về sự cập nhật, nâng cấp, phát triển bản thân như thế nào để đáp ứng được nhu cầu học tập của xã hội, của học sinh. Tránh tình trạng “nhà giáo suốt đời”.

“Cần có một đơn vị độc lập nhằm đánh giá, sát hạch chứng chỉ hành nghề nhà giáo. Đơn vị này có thể theo hình thức của một hiệp hội nghề nghiệp (theo kinh nghiệm quốc tế), hay một đơn vị có các chuyên gia/ những người có hiểu biết, uy tín về giáo dục làm giám khảo đánh giá.

Trong thời gian trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể huy động nguồn lực từ mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng uy tín của Việt Nam để thành lập nên một hội đồng đánh giá. Dựa trên những tiêu chuẩn năng lực, đạo đức của nghề giáo và bối cảnh thực tiễn của nền giáo dục để cụ thể hóa và đưa ra những tiêu chí đánh giá chính xác.

Như vậy, bên cạnh bằng cử nhân, người tốt nghiệp ngành Sư phạm còn cần tham gia thực hành, thực tế tại các cơ sở giáo dục chính thống để đạt được chứng nhận về kinh nghiệm giảng dạy; từ đó, đủ điều kiện thi sát hạch chứng chỉ hành nghề. Nếu qua được sát hạch đó thì mới đủ điều kiện làm giáo viên.

Cũng cần lưu ý, sát hạch không chỉ là làm bài thi về lý thuyết, mà còn cần có minh chứng thực tế, cụ thể” – Tiến sĩ Cường nêu ý kiến.

gdvn-222-1851.jpg
Tiến sĩ Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Thiên Nhi

Ngoài ra, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội còn cho rằng, việc giải quyết “bài toán” tổng thể về nguồn lực cũng là rất quan trọng. Điều này đòi hỏi cơ quan chủ quản kết hợp với các bộ, ngành liên quan đưa ra những dự báo khoa học, chính xác, cụ thể về nguồn lực giáo viên. Điều này sẽ tránh được tình trạng thừa/ thiếu giáo viên, tránh lãng phí nguồn lực.

Kim Minh Châu