Nghị quyết Trung ương số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” ban hành đã được 4 năm (từ 2013).
Ngoài một số vấn đề về khung chương trình giáo dục phổ thông, biên soạn sách giáo khoa cấp tiểu học và trung học cơ sở đang tiến hành, những vấn đề mang tính sống còn của hệ thống giáo dục là chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp, cơ sở vật chất và chính sách đối với nhà giáo dường như nằm ngoài tầm với của ngành Giáo dục.
Trong khi cơn bão tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm hoành hành dữ dội tại các bộ, ban, ngành, địa phương, kể cả trong các tổ chức chính trị, xã hội thì liệu ngành Giáo dục có là ngoại lệ?
Với quyết tâm và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiều vụ việc tại các Bộ Công Thương, Giao thông, Y tế, Nông nghiệp, Tài nguyên Môi trường, Văn hóa Thể thao Du lịch,…, tại các tỉnh Hậu Giang, Gia Lai, Đăk Nông, Yên Bái,… đã và đang được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét thì khó có thể khẳng định Bộ Giáo dục và Đào tạo không có vấn đề gì.
Có cần tổng kiểm tra ngành Giáo dục? (Ảnh minh hoạ/ Báo Giáo dục và Thời đại) |
Ngày 19/9/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga kiến nghị:
“Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời dư luận, cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định; bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng”.
Mới đây người dân cũng được biết Chính phủ đã tiến hành thanh tra nhiều vấn đề tại Bộ Y tế, thành phố Đà Nẵng,…
Vậy có nên tiến hành tổng kiểm tra ngành Giáo dục và nếu thực hiện tổng kiểm tra thì những vấn đề, đối tượng nào nên được xem là trọng tâm?
Lý do cần tổng kiểm tra ngành Giáo dục bởi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, chất lượng giáo dục quyết định chất lượng các thế hệ công dân và đó chính là tương lai dân tộc, đất nước.
Giáo dục là ngành sử dụng tới 20% chi ngân sách quốc gia, số tiền mà ngân sách dành cho giáo dục dù dùng tới 80% để trả lương thì phần dành cho đầu tư cũng còn rất lớn.
Lãng phí, thất thoát trong các đề án giáo dục không hề kém so với các dự án “đắp chiếu” của ngành Công Thương. Nguy hiểm của một nền giáo dục tụt hậu không hề kém so với việc nhập khẩu thuốc rởm chữa bệnh trong ngành Y tế.
Lợi nhuận bán sách VNEN chảy vào túi ai? |
Giáo dục thực sự vẫn là mối lo của toàn xã hội.
Trong mấy thập kỷ vẫn tồn tại nghịch lý là chất lượng giáo dục xuống cấp còn bệnh thành tích lại tăng cao.
Kết quả các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông luôn xấp xỉ 100% trong khi lực lượng cử nhân, kỹ sư ra trường không tìm được việc làm ngày càng tăng vì chất lượng không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Đã xuất hiện ý kiến cho rằng trong ngành Giáo dục đã xuất hiện những nhóm lợi ích tầm cỡ như thâu tóm việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa, việc nâng cấp các trường, mở thêm trường mới,…
Muốn đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo, bắt buộc phải “đại phẫu” để tìm xem đâu là nguyên nhân khách quan - cơ chế, chính sách vĩ mô, đâu là nguyên nhân chủ quan - chỉ đạo, quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của chính quyền địa phương đối với giáo dục.
Nếu một cuộc tổng kiểm tra được tiến hành, xin nêu một số kiến nghị:
Thứ nhất: Rà soát trên phạm vi cả nước việc sử dụng, cấp phát văn bằng, chứng chỉ cho đội ngũ công chức, viên chức, tập trung vào các đối tượng là lãnh đạo chủ chốt các cơ quan, đơn vị.
Lý do: Bộ Giáo dục và Đào tạo là nơi chịu trách nhiệm cấp phát và thẩm định văn bằng.
Ngày 5/9/2013, Baobaovephapluat.vn đăng bài “Tệ nạn làm băng hoại xã hội”, bài báo có đoạn:
“Năm 2001 (kéo dài đến năm 2004 - TG), Bộ Giáo dục và Đào tạo làm một cuộc rà soát lại trình độ học vấn của các cán bộ, nhân viên đang làm việc trong bộ máy công vụ nước ta đã phát hiện ra hơn 10.000 trường hợp sử dụng bằng giả.
Đáng tiếc con số này không được công bố rộng rãi và cũng không có một trường hợp nào bị xử lý…
Người sử dụng bằng giả nước ta ở khắp mọi nơi và ở mọi thứ bậc trong bộ máy công quyền Nhà nước, từ ông Chủ tịch, Bí thư xã đến cả vị Thứ trưởng của Bộ, cả Chủ tịch tỉnh, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh uỷ cũng dùng bằng giả”.
Gần 20 năm sau cuộc tổng kiểm tra năm 2001, nạn dùng văn bằng thật nhưng chất lượng giả vẫn không thay đổi.
Rởm ở "xứ ZÔ" |
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phát hiện có Ủy viên Trung ương dùng bằng tiến sĩ không được công nhận, đã phát hiện “lò ấp” thạc sĩ, tiến sĩ tồn tại công khai, hợp pháp nhưng chưa có chế tài xử lý đủ mạnh…
Nạn cá nhân sử dụng văn bằng giả và các cơ sở giáo dục cấp phát văn bằng thật nhưng chất lượng “rởm” chính là nguyên nhân làm xuất hiện đội ngũ cán bộ lãnh đạo kém đức, kém tài từ cơ sở đến trung ương.
Đây là một trong các nguyên nhân khiến đạo đức xã hội xuống cấp, chất lượng giáo dục giảm sút nghiêm trọng.
Đề nghị: Sửa điều 267 Bộ Luật Hình sự tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan,…” theo hướng bổ sung “tội sử dụng văn bằng, con dấu giả mạo” nhằm lừa dối người dân/cơ quan quản lý.
Cần đưa hình thức phạt tù những người sử dụng văn bằng giả để chui vào cơ quan, tổ chức, đặc biệt khi cá nhân đó đã trở thành lãnh đạo.
Thứ hai: Tổng kiểm tra việc nâng cấp trường từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học và việc ồ ạt thành lập mới các đại học, cao đẳng.
Lý do: Số trường phát triển quá nhanh nhưng đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất không đạt yêu cầu dẫn tới gian dối trong “ba công khai” nhằm đủ điều kiện tuyển sinh.
Một số trường ngoài công lập được thành lập với mục đích kinh doanh văn bằng hơn là phát triển giáo dục, quá trình “ăn chia” dẫn tới đấu đá nội bộ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giảng dạy và quyền lợi của học sinh, sinh viên.
Nhiều trường mới thành lập hoặc nâng cấp trở thành điểm “chạy sô” của một số người có học hàm, học vị khiến chất lượng công việc cả ở cơ sở chính lẫn nơi “chạy sô” đều không đảm bảo.
Các nhà quản lý giáo dục, xin hãy nghĩ lại! |
Đề nghị: Không thể trì hoãn việc sắp xếp, chia tách, giải thể các trường yếu kém, kiện toàn hệ thống các trường cao đẳng, đại học cả nước.
Thứ ba: Tổng kiểm tra hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Lý do: Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo tuy đã thanh tra và kết luận một số sai phạm tại Nhà xuất bản này song vì đây chỉ là thanh tra nội bộ nên còn rất nhiều vấn đề chưa được làm rõ như “lợi ích nhóm” trong biên soạn, in ấn, xuất bản sách giáo khoa;
Các hoạt động kinh doanh ngoài giáo dục của Nhà xuất bản này (đất đai, bất động sản…);
Việc tuân thủ pháp luật trong kiểm toán, sử dụng lãi từ doanh thu bán sách; Việc liên kết và thành lập công ty gia đình của lãnh đạo Nhà xuất bản;
Có hay không việc tham gia “nhóm lợi ích xuất bản” của một số lãnh đạo chịu trách nhiệm chỉ đạo hoạt động Nhà xuất bản này?
Có hay không hành động bật đèn xanh cho việc liên tục thay đổi nội dung sách giáo khoa nhằm bắt buộc cha mẹ học sinh phải mua sách mới, gây bức xúc toàn xã hội?
Đề nghị: Thanh tra Chính phủ hoặc Bộ công an cần vào cuộc để tránh tình trạng bao che, né tránh của người/cơ quan chủ quản.
Thứ tư: Kiểm tra toàn diện hoạt động của một số bộ phận chức năng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Lý do: Liên quan đến các hoạt động sau:
1. Cho phép mở chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục không đủ điều kiện trong và ngoài Bộ (giảng viên cơ hữu, phòng thí nghiệm, thư viện…) khiến tình trạng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ hiện nay bị dư luận đánh giá là thay thế đào tạo tại chức trở thành “nồi cơm” của không ít cơ sở giáo dục đại học.
Lợi nhuận khủng nhờ giỏi kinh doanh hay … “móc túi” nhân dân |
2. Phê duyệt, cho phép nâng cấp trường, xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh cho một số đại học, cao đẳng nhưng không thanh, kiểm tra các điều kiện bảo đảm chất lượng (giảng viên, cơ sở vật chất…);
Hiện tồn tại đại học không có bất kỳ giáo sư, phó giáo sư nào, cả trường chỉ có 07 người có học vị tiến sĩ (số liệu ba công khai 2015-2016 Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội);
3. Ban hành một số văn bản kiểu “trên trời” bị dư luận phê phán;
4. Buông lỏng quản lý hoạt động đào tạo dẫn tới dẫn tới tình trạng người sử dụng bằng tiến sĩ không hợp pháp vẫn làm Hiệu trưởng, Hiệu phó đại học, người này ký tên đóng dấu trên nhiều bằng tốt nghiệp trình độ cử nhân.
5. Có biểu hiện bao che cho cán bộ mắc sai phạm tại một số trường và chính cán bộ thanh tra của Bộ (vụ thanh tra tại Đại học Chu Văn An)…
Thứ năm:
Tổng kiểm toán và đánh giá việc sử dụng kinh phí cho các chương trình, dự án của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Lý do: Đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” có tổng kinh phí là 9.378 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và một số nguồn khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì.
Đến nay, đề án đã qua hai giai đoạn, sắp kết thúc giai đoạn cuối (năm 2020), chi phí cho hai giai đoạn lên đến vài nghìn tỷ nhưng kết quả được thừa nhận là thất bại.
Dự án VNEN (triển khai từ tháng 1/2013) với tổng số vốn được phê duyệt là 87,6 triệu USD (gần 2.000 tỷ), gồm vốn viện trợ không hoàn 84,6 triệu USD và vốn đối ứng trong nước 3 triệu USD.
Một chương trình được triển khai rầm rộ trong cả nước nhưng sau một thời gian thí điểm nhiều trường, thậm chí cả tỉnh (Hà Tĩnh) quyết định không tiếp tục áp dụng.
Dự án biên soạn sách giáo khoa phổ thông mới được Chính phủ trình Quốc hội với tổng mức đầu tư là 778,8 tỷ đồng.
Trong đó, 462 tỉ đồng để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ biên soạn sách giáo khoa, kể cả lực lượng của các tổ chức cá nhân viết sách giáo khoa; xây dựng, thẩm định sách giáo khoa (dự kiến có 4 bộ)…
Đề nghị: Xem xét toàn diện hai khía cạnh: sử dụng kinh phí và chất lượng công việc.
Trên đây mới chỉ là một số kiến nghị liên quan trực tiếp đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, những vấn đề thuộc về chủ trương, đường lối, liên quan đến chính quyền địa phương chưa được đề cập trong bài viết này.