Đôi điều chưa rõ trong một chủ trương mới của Bộ giáo dục

14/01/2017 07:23
TS.Dương Xuân Thành
(GDVN) - Công văn chưa cho thấy Bộ quyết định giữ hay bỏ điểm sàn, nên chăng Bộ cần công bố sớm để các trường và thí sinh có hướng xử lý.

LTS: Quý vị bạn đọc đang theo dõi bài viết của Tiến sĩ Dương Xuân Thành, Ban nghiên cứu và phân tích chính sách, Hiệp hội các trường Đại học - Cao đẳng Việt Nam.

Hôm nay, ông nêu ý kiến về công văn 37/BGDĐT-GDĐH của Bộ GD&ĐT, Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng quý vị bạn đọc.

Ngày 6/1/2017  Bộ Giáo dục & Đào tạo đã ban hành công văn số 37/BGDĐT-GDĐH (CV37) về việc “Rà soát, cung cấp và công bố thông tin tuyển sinh hệ chính quy đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2017”.

Một ngày sau, phát biểu tại hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Đại học” do Bộ giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 7/1/2017 tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ khẳng định:

Nếu trường nào không đạt chuẩn, không đảm bảo thì phải can đảm để chính thức khai tử, không thể để kéo dài tình trạng tiền lâm sàng mãi được”.

Có thể thấy chuyển động đầu năm 2017 tại Bộ Giáo dục & Đào tạo là tín hiệu đáng mừng, đáp ứng phần nào mong đợi của người dân, truyền thông và các chuyên gia giáo dục.

Người viết đồng tình và đánh giá cao chỉ đạo kiên quyết của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ qua một số văn bản đã công bố cũng như phát biểu trực tiếp trên diễn đàn.

Công khai, minh bạch trong tuyển sinh, khai tử các trường yếu kém là hai việc cần làm ngay nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Tuy nhiên, chỉ hai việc đó là chưa đủ bởi chất lượng giáo dục ngoài phụ thuộc vào trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất của nhà trường, thái độ học tập của sinh viên còn phụ thuộc rất nhiều vào sự quản lý, kiểm tra của các cơ quan chức năng mà Bộ Giáo dục & Đào tạo giữ vai trò nòng cốt.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường công bố thông tin tuyển sinh 2017 (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường công bố thông tin tuyển sinh 2017 (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Bài viết này xin nêu một số vấn đề thuần túy kỹ thuật về việc tổ chức thi và xét tuyển năm 2017.

Tìm hiểu kỹ các yêu cầu mà công văn số 37/BGDĐT-GDĐH đưa ra với các trường đại học, cao đẳng sư phạm có thể thấy tồn tại vài điểm sau:

Thứ nhất, quy định “xét tuyển”:

Một số quy định chủ yếu khi xét tuyển theo học bạ năm 2016:
Học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông (khóa 2015 trở về trước), có hạnh kiểm khá trở lên.

Với học sinh khóa 2016 cần tham gia thi 3 môn bắt buộc là Văn-Toán-Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong kỳ thi Quốc gia chung để làm căn cứ xét tốt nghiệp trung học phổ thông (để nộp hồ sơ theo hình thức xét học bạ vào các trường). 

Học sinh lớp phải đạt điểm trung bình chung 3 năm trung học phổ thông là 6 trở lên (bậc đại học) và 5,5 trở lên (bậc cao đẳng).

Được biết năm 2016, cả nước có hơn hơn 200 trường cao đẳng, đại học xét tuyển bằng học bạ trung học phổ thông. [1] 

Người viết cho rằng không có cơ sở nào khẳng định, học sinh tốt nghiệp nhiều năm trước năm 2016 có “hạnh kiểm khá” sau mấy năm vẫn “hạnh kiểm khá” và những người hạnh kiểm trung bình sau vài năm vẫn “trung bình”. Quy định này nên được sửa trong kỳ tuyển sinh 2017.

Năm 2017, Bộ nên công bố quy định rõ ràng hơn những tiêu chí “xét tuyển” bởi với khi Bộ mở rộng tổ hợp môn xét tuyển lên 163 tổ hợp, có nên giới hạn bắt buộc thí sinh phải thi “Văn-Toán-Ngoại ngữ và một môn tự chọn” mới được xét tuyển theo học bạ?  

Đôi điều chưa rõ trong một chủ trương mới của Bộ giáo dục ảnh 2

Bỏ “điểm sàn” vừa phù hợp với Luật Giáo dục đại học vừa phù hợp với xu thế

Thứ hai, khái niệm “giảng viên cơ hữu:

Trong Phụ lục 1 (mục 4 điều 2) có yêu cầu thống kê “giảng viên cơ hữu theo nhóm ngành”.

Cho đến nay quy định mang tính pháp lý về “giảng viên cơ hữu” vẫn chưa hoàn chỉnh.

Có trường như Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh - quy định “giảng viên cơ hữu là giảng viên trong biên chế và giảng viên ký hợp đồng lao động với trường”.

Cách quy định này là một sự mập mờ bởi pháp luật không có điều khoản nào cấm người lao động ký hợp đồng lao động với nhiều cơ sở giáo dục cùng một thời điểm.

Baochinhphu.vn ngày 1/4/2016 dẫn ý kiến Thứ trưởng Bùi Văn Ga: 

Ở Việt Nam hiện nay, một giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy ở rất nhiều trường.

Nếu chúng ta tính 1 giảng viên thỉnh giảng cho 10 trường thì cả 10 trường này đều tính giảng viên đó vào danh sách giảng viên thỉnh giảng của mình. 

Chính vì lẽ đó mà Bộ căn cứ vào số lượng giảng viên cơ hữu để quy định quy mô đào tạo, tiêu chí mở ngành chứ không phải giảng viên thỉnh giảng”. [2]

Người viết đã từng đề xuất ý kiến quy định thế nào là giảng viên cơ hữu dựa trên quy định số giờ giảng dạy trong một năm (tùy theo học hàm, học vị).

Không thiếu trường thực sự chỉ có hơn chục giảng viên nhưng vẫn báo cáo Bộ danh sách gần trăm người bởi tất cả đều có hợp đồng lao động, có bảng lương nhưng có người cả năm không lĩnh đồng lương nào vì không tham gia giảng dạy.

Làm sao có thể coi một giảng viên là cơ hữu khi hợp đồng lao động quy định dạy tiết nào trả tiền tiết ấy, không dạy không có lương?

Mặt khác, các thày cô giáo đã nghỉ hưu là nguồn lực rất quý bởi đều có khoảng trên 30 năm kinh nghiệm giảng dạy.

Nếu các thày cô tiếp tục tham gia đào tạo tại các trường thì cần được tính để quy đổi. Vấn đề là nếu một thày/cô tham gia tại nhiều trường thì có thể đưa ra quy định:

- Thày cô đăng ký cơ hữu tại trường nào (chỉ được đăng ký tại một trường)

- Nếu thày cô không đăng ký tại một trường thì quy đổi theo số trường tham gia giảng dạy với quy định số tiết dạy tối thiểu một năm và số năm tối thiểu đã giảng dạy tại trường đó (nên là 3 năm).

Thứ ba, tổ hợp môn xét tuyển:

Đôi điều chưa rõ trong một chủ trương mới của Bộ giáo dục ảnh 3

Nhiều trường Đại học khẩn trương xây dựng phương án tuyển sinh 2017

Quy định mới có tới 163 tổ hợp môn xét tuyển trong đó có 10 tổ hợp môn thi truyền thống, 10 tổ hợp cho khối ngành nghệ thuật, còn lại là 143 tổ hợp môn thi mới.

Đưa ra quá nhiều tổ hợp môn thi như vậy có thực sự cần thiết, đặc biệt là với một ngành, thí sinh có quyền chọn tới 4 tổ hợp và không giới hạn nguyện vọng?

Khi quy định có 7 nhóm ngành, Bộ đã mặc nhiên thừa nhận sự có khác nhau cơ bản giữa các nhóm ngành này, vậy vì sao không chọn các tổ hợp xét tuyển chung cho mỗi nhóm ngành (có thể mở rộng thêm do đặc thù môn ngoại ngữ).

Tuy nhiên khi đã chọn tiếng Anh là ngoại ngữ chính thì không cần thêm đặc thù này. 

Năm 2016 có khoảng 520.000 người tham gia thi để vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh Đại học, Cao đẳng, giả thiết rằng con số năm 2017 là tương đương. 

Bộ nên xem xét thử nghiệm phần mềm tuyển sinh bởi số thí sinh trúng tuyển lên đến trên nửa triệu người, mỗi người được chọn 4 tổ hợp trong số 163 tổ hợp. 

Xét về mặt toán học thuần túy, khi cho phép chọn 4 tổ hợp trong số 163 tổ hợp thì số phương án tối đa sẽ là tổ hợp chập 4 của 163 phần tử, đó là một con số khổng lồ mà phần mềm xử lý dữ liệu cần quan tâm, cụ thể là phương án loại trừ để tránh quá tải đối với máy chủ.

Thứ tư, về điểm sàn:

Công văn 37/BGDĐT-GDĐH chưa cho thấy Bộ quyết định giữ hay bỏ điểm sàn, nên chăng Bộ cần công bố sớm để các trường và thí sinh có hướng xử lý.

Việc bỏ điểm sàn (nếu được quyết định) cần đi kèm với lộ trình kiểm tra các thông tin bảo đảm chất lượng của các trường. 

Nếu có trường cố tình chậm công bố thông tin, khi kiểm tra thấy không đảm bảo chất lượng phải dừng tuyển sinh nhưng thông tin tuyển sinh đã công bố sẽ gây hệ lụy không đáng có cho thí sinh và dư luận xã hội.

Thứ năm, số đợt tổ chức xét tuyển:

Ngoài những điều đã nêu, Công văn 37/BGDĐT-GDĐH chưa có quy định cụ thể về số đợt xét tuyển trong năm 2017. 

Những trường nào được phép xét tuyển nhiều đợt, nhiều nhất là bao nhiêu đợt,…? 

Ngoài ra Bộ cũng nên sớm công bố hình thức đăng ký xét tuyển qua mạng, qua bưu điện hoặc đăng ký trực tiếp tại các cơ sở giáo dục hoặc giữ nguyên như năm 2016.

Hy vọng các bộ phận liên quan của Bộ Giáo dục & Đào tạo sớm hoàn thiện những vấn đề về pháp lý cũng như kỹ thuật trước khi kỳ thi quốc gia 2017 bắt đầu.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://hoc.vtc.vn/danh-sach-cac-truong-dai-hoc-cao-dang-xet-tuyen-bang-hoc-ba-thpt-nam-2016-5112.html

[2] http://baochinhphu.vn/Gop-y-Hien-ke/Quy-dinh-giang-vien-thinh-giang-Noi-va-quan/251120.vgp

TS.Dương Xuân Thành