LTS: Trước thông tin Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ điểm sàn đại học trong mùa tuyển sinh 2017, nhiều chuyên gia lo ngại thí sinh đạt 9 điểm tổ hợp 3 môn xét tuyển vẫn đỗ đại học.
Trong khi đó, công tác kiểm định chất lượng giáo dục, siết đầu ra chưa được thực hiện nghiêm túc. Nhiều người băn khoăn với chất lượng đầu vào.
PGS. Trần Xuân Nhĩ từng là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lí của ngành giáo dục. Qua câu chuyện dưới đây, ông cho rằng, chủ trương bỏ điểm sàn là điều sớm muộn cũng phải làm vì nó không cần thiết và có thể vì nó mà đánh mất cơ hội của học sinh có năng lực.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện với PGS.Trần Xuân Nhĩ xung quanh dự thảo về Quy chế tuyển sinh đại học 2017 mới công bố của Bộ GD&ĐT.
Phóng viên: Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ điểm sàn trong quy chế tuyển sinh đại học năm 2017, ông có suy nghĩ gì?
PGS. Trần Xuân Nhĩ: Tôi thấy, dự kiến bỏ điểm sàn là quyết định sáng suốt của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Bởi điều này vừa phù hợp với Luật giáo dục Đại học vừa phù hợp với xu thế thế giới.
Việc bỏ điểm sàn cũng là một cơ hội để các em học sinh có thể phát huy được đúng sở trường các mình, các trường cũng tuyển được thí sinh có sở trường mà ngành mình đang đào tạo.
Nhưng hiện nay dư luận băn khoăn rằng,“bỏ điểm sàn” giống như việc “thả nổi” chất lượng đầu vào, ông nhận định thế nào về quan điểm này?
PGS. Trần Xuân Nhĩ: Tôi cho rằng, việc bỏ điểm sàn không những không giảm chất lượng đầu vào mà còn tạo sự tự chủ cho các trường khi chúng ta đã xác định điểm tốt nghiệp THPT làm chuẩn để xét đầu vào.
PGS. Trần Xuân Nhĩ (Ảnh: Thùy Linh) |
Lâu nay, chúng ta đo lường năng lực của thí sinh chỉ bằng điểm thi vài môn học là rất bất cập, thiếu toàn diện. Một học sinh học kém môn văn, hay toán không có nghĩa các em kém toàn diện và không có quyền bước chân vào Đại học.
Theo như lộ trình cải cách của Bộ GD&ĐT, học sinh học môn gì thi tốt nghiệp THPT môn đó, nghĩa là các em sẽ được đánh giá kiến thức tổng thể.
Như vậy, các em đã tốt nghiệp THPT hoàn toàn có đủ kiến thức để được vào đại học.
Trên thế giới đều áp dụng mô hình mở rộng đầu vào nhưng siết chặt đầu ra. Vì thế, chúng ta nên trao quyền được đi học cho tất cả mọi người, còn sau đó thì quản lý chặt trong quá trình đào tạo.
Bỏ điểm sàn, trường tốp dưới và cao đẳng có uy tín vẫn rất hấp dẫn thí sinh(GDVN) - Bất kỳ trường nào cũng mong muốn tuyển được sinh viên có chất lượng, đủ số lượng và phù hợp với chương trình đào tạo. |
Khi các trường được tự chủ thì họ cần tuyển thí sinh ở trình độ nào, năng lực ra sao thì họ có quy định tuyển sinh riêng.
Khi bỏ điểm sàn, nhiều người lo ngại các trường đại học sẽ “vét” hết thí sinh của các trường cao đẳng, trung cấp.
Ông nghĩ điều này có thể xảy ra không?
PGS.Trần Xuân Nhĩ: Tất nhiên khi bỏ điểm sàn phải đi kèm việc đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng và siết chặt đầu ra.
Tôi đề xuất một số giải pháp để việc bỏ điểm sàn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào và các trường vẫn tuyển sinh đầy đủ:
Thứ nhất, Bộ GD&ĐT cần tổ chức tốt, nghiêm túc kỳ thi tốt nghiệp THPT;
Thứ hai, Bộ GD&ĐT cần yêu cầu các trường đại học công khai chỉ tiêu, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, cam kết chuẩn đầu ra để xã hội nắm được.
Thứ ba, để tránh tình trạng mất cân đối nguồn nhân lực, Bộ GD&ĐT cần ra chỉ tiêu cụ thể cho các trường căn cứ trên năng lực đào tạo, sứ mệnh của trường đó và nhu cầu của xã hội.
Ví dụ, một trường đại học có khả năng đào tạo 1000 sinh viên nhưng sứ mệnh của trường và nhu cầu xã hội chỉ cần 500 sinh viên của ngành học đó thì Bộ GD&ĐT cũng chỉ giao từng đó chỉ tiêu cho trường.
Hơn nữa, Bộ cần tính toán giao chỉ tiêu cho các trường sao cho tổng chỉ tiêu đào tạo đại học sẽ phải thấp hơn tổng số học sinh tốt nghiệp THPT, như vậy sẽ đảm bảo vẫn có lượng học sinh vào học trường nghề, cao đẳng…
Nhiều năm qua, khi trường đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu, Bộ chỉ xử phạt hành chính, ông nghĩ biện pháp này có đủ sức răn đe?
PGS.Trần Xuân Nhĩ: Lâu nay, nhiều trường lo thí sinh đăng ký rồi không đến học nên “khống” chỉ tiêu lên nhưng không ngờ thí sinh lại tới quá đông dẫn tới việc thừa, buộc phải nộp phạt nhưng các trường không sợ.
Ví dụ, trường A vượt quá chỉ tiêu là 100 thí sinh, Bộ phạt 100 triệu đồng nhưng so với tổng số học phí mà trường thu được từ 100 sinh viên (10 triệu x 100 = 1 tỷ đồng) vì thế nên các trường thà bị phạt còn hơn bị thiếu sinh viên.
Do vậy khi đã bỏ điểm sàn thì thì Bộ cần có thiết chế nghiêm ngặt hơn, với những trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu thì không thể chỉ phạt tiền mà cần cắt tuyển sinh năm đó vì vi phạm kỉ luật của Bộ GD&ĐT.
Làm được như vậy thì các trường tốp dưới không lo không có nguồn tuyển và với các trường tuyển đúng chỉ tiêu sẽ có điều kiện chăm sóc chu đáo nguồn nhân lực của mình hơn đáp ứng yêu cầu của xã hội tốt hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông.