LTS: Thẳng thắn chia sẻ những đề xuất cần phải được giải quyết trước khi nghĩ đến việc tuyển sinh được những học sinh ưu tú nhất cho ngành giáo dục, tác giả Nhật Duy cho rằng, muốn thu hút được học sinh giỏi vào học sư phạm thì trước tiên phải làm cho mọi người tin và yêu ngành sư phạm.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đã nhiều năm nay, chúng ta nói mãi về bài toán nhân lực của ngành sư phạm.
Điểm đầu vào thấp, sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc phải chạy việc mới có chỗ làm. Trong khi nhà nước phải bù tiền học phí, phải trả lương cho một đội ngũ giảng viên hùng hậu của 132 trường, cơ sở, khoa sư phạm trong cả nước.
Giải bài toán đầu vào, đầu ra trong bối cảnh hiện nay không chỉ là vấn đề cấp thiết về nhân lực cho ngành mà điều cốt lõi là nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên sư phạm bởi tương lai họ sẽ là những người thầy đứng trên bục giảng thì không thể là những người có điểm đầu vào mỗi môn 3 điểm.
Bài toán nhân lực của ngành sư phạm (Ảnh minh họa: TT). |
Hội nghị Hiệu trưởng các trường sư phạm do Bộ giáo dục và Đào tạo vừa diễn ra vào ngày 27/12/2017 đã một phần nào giải đáp được những băn khoăn của dư luận khi đưa ra những giải pháp cụ thể cho việc đào tạo nhân lực ngành sư phạm trong những năm tới.
Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh: “Chúng ta thống nhất rằng từ năm 2018 chỉ tiêu tuyển sinh các trường sư phạm phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng.
Học sinh vào học ngành sư phạm phải là những học sinh ưu tú nhất, quyết tâm để năm 2018 điểm đầu vào sư phạm nằm trong top đầu, các trường không vì chạy theo chỉ tiêu mà chấp nhận điểm đầu vào thấp”.
Thế nhưng, liệu “những học sinh ưu tú nhất” có học ngành sư phạm hay không thì câu trả lời vẫn còn để ngỏ cho tương lai.
Chuyện quan tâm đến đội ngũ nhà giáo chúng ta đã nói hàng mấy chục năm nay rồi nhưng có lẽ chưa thoát được lời nguyền “chạy cùng sào mới vào sư phạm” bởi thực tế học sinh giỏi ngày nay rất ít em vào sư phạm.
Có lẽ không phải là ngành sư phạm không có sức hút mà chính cách hoạch định, cách tuyển dụng cùng các chính sách dành cho nhà giáo hiện nay chưa đủ sức hấp dẫn các bạn trẻ.
Đó là chưa nói những tiêu cực khi tuyển dụng, khi công tác mà một bộ phận lãnh đạo địa phương, ngành giáo dục đang làm thui chột ý chí, động lực của nhiều bạn trẻ khi có ý định theo đuổi nghề sư phạm.
Lâu nay, người ta nói nhiều về thu nhập của nhà giáo nhưng theo chúng tôi đó chưa phải là vấn đề cốt lõi của nhiều bạn trẻ.
Vấn đề mà các bạn trẻ quan tâm hiện nay là môi trường giáo dục chưa cuốn hút được người vào học sư phạm.
Nhiều cha mẹ là giáo viên nhưng không hướng con mình vào sư phạm bởi những bất cập của ngành.
Đó là sự dối trá về thành tích; cào bằng về thi đua, đánh giá; cùng rất nhiều những áp lực vô hình, những loại sổ sách hồ sơ, những cuộc thi vô bổ mà ngành, lãnh đạo nhà trường áp xuống.
Vì thế, nhiều sinh viên ra trường mang theo rất nhiều lí tưởng cao đẹp đã hẫng hụt khi phải đối mặt với thực tế công tác. Sự năng động, sáng tạo của nhiều bạn trẻ khi còn ngồi trên giảng đường sẽ phải tuân theo một quy trình áp đặt, máy móc nếu muốn tồn tại lâu dài với nghề.
Từ chính hiện thực của ngành giáo dục bây giờ thì việc Tư lệnh ngành dù có quyết tâm đến bao nhiêu cũng chưa thể biến ước mơ, mong muốn của Bộ trưởng cũng như toàn xã hội thành hiện thực trong vài năm tới đây.
Muốn thu hút được học sinh giỏi vào học ngành sư phạm thì trước tiên phải làm cho mọi người tin, yêu ngành sư phạm. Trong khi còn đầy rẫy những bất cập thì việc “mong muốn và hiện thực” vẫn là vấn đề nan giải.
Theo chúng tôi thì cá nhân Bộ trưởng, ngành giáo dục và lãnh đạo địa phương cần phải giải quyết được các vấn đề sau đây trước khi nghĩ đến tuyển sinh được những học sinh ưu tú nhất đến với mình:
Thứ nhất, bỏ việc miễn học phí đối với ngành sư phạm, tuyển sinh như các ngành nghề khác để tạo sự cạnh tranh. Nếu duy trì việc miễn học phí thì sau khi sinh viên ra trường có việc làm chúng ta mới chi trả.
Thực tế, điều kiện kinh tế bây giờ không phải khó khăn như 20 năm trước khi chúng ta bắt đầu miễn giảm học phí. Những em khó khăn đang được miễn, học phí theo chế độ hiện hành nên không ảnh hưởng nhiều đến việc học sinh nghèo không học được đại học.
Thứ hai, xây dựng được các tiêu chí đánh giá giáo viên thực chất, chính xác, tránh cào bằng, cả nể, tránh làm cho có rồi tất cả đều đánh giá, xếp loại như nhau.
Cuối năm, chủ yêu xếp loại ai cũng có chuyên môn giỏi giỏi, xếp loại viên chức tốt, cũng được xét thi đua thì cuối cùng chẳng có mấy người phấn đấu, trau dồi. Bởi, phấn đấu thì cũng vậy, không phấn đấu thì cũng thế, phấn đấu làm gì cho mệt mỏi.
Thứ ba, phải nhanh chóng xây dựng, tham mưu để có các tiêu chí cụ thể và chỉnh sửa, bổ sung một số văn bản hiện hành để tiến tới là thi tất cả các chức danh từ phó hiệu trưởng trở lên.
Chỉ khi nào chọn được các thành viên trong ban giám hiệu hội tụ cả tài năng, đức độ, không tham lam, không cục bộ, bè phái thì khi đó mới tạo nên tính đoàn kết, thống nhất nhằm thúc đẩy sự đi lên trong đơn vị.
Song cũng phải xây dựng công cụ giám sát thì mới có thể hạn chế tối đa sự độc quyền, độc đoán của hiệu trưởng.
Thứ tư, cần có những chính sách cụ thể để tuyển dụng những sinh viên đã tốt nghiệp ngành sư phạm đang phải “ẩn mình” trong các khu công nghiệp hay làm nhiều ngành nghề khác để tránh lãng phí thời gian, công của nhà nước nhân dân đã đầu tư trước đây.
Đồng thời, làm được việc này sẽ tạo được niềm tin cho những thế hệ học trò sau này muốn vào sư phạm. Nếu không làm được thì hàng chục nghìn sinh viên sư phạm đang thất nghiệp sẽ là hình ảnh “trực quan” sinh động nhất cho những ai muốn vào học ngành sư phạm.
Thứ năm, cần sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống trường, khoa sư phạm một cách khoa học và hiệu quả. Chỉ tập trung đào tạo sư phạm ở một số trường sư phạm có uy tín, trọng điểm. Các trường sư phạm địa phương thì cần thiết sáp nhập và cơ cấu lại bộ máy nhân sự để tránh lãnh phí và đào tạo tràn lan như những năm qua.
Thứ sáu, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên dư thừa hiện nay ở các trường học. Những giáo viên thừa có thể luân chuyển đến các trường thiếu hoặc bố trí công việc khác. Việc tinh giản biên chế cũng đã được Đảng và Nhà nước đưa ra lộ trình.
Vấn đề còn lại là trách nhiệm của những người đứng đầu đơn vị, lãnh đạo địa phương đối với ngành giáo dục, với đất nước mà thôi.
Ai cũng muốn ngành giáo dục có những người thầy giỏi chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm với đơn vị mình công tác để thúc đẩy sự phát triển của ngành.
Nhưng thực tế những năm qua chúng ta đã tuyển những học sinh trung bình, thậm chí là yếu vào trường sư phạm.
Vì thế, mong muốn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng là mong muốn của toàn xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế của xã hội.