Giáo dục Hà Nội dẫn đầu, hay "Ăn như rồng cuốn, Nói như rồng leo"?

20/08/2018 06:55
Xuân Dương
(GDVN) - Nhắc đến dẫn đầu, người viết chợt nghĩ đến câu "ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo"...

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng khẳng định ngành giáo dục Hà Nội giữ “Vị trí dẫn đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ”.

Số liệu thể hiện “vị trí dẫn đầu này” là:

Đón năm học mới 2018-2019, thành phố Hà Nội đã dành 19.000 tỷ đồng để xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất trường, lớp học, chiếm 25,5% mức chi từ ngân sách.

Toàn thành phố có thêm 66 trường học và 22.000 phòng học mới”. [1]

Chuyện Hà Nội dành 19.000 tỷ đồng cho việc xây dựng mới và cải tạo các cơ sở giáo dục đã có nhiều bài phân tích trên báo Giaoduc.net.vn, xin không bàn thêm ở đây.

Vấn đề là khi ông Chử Xuân Dũng nói giáo dục Hà Nội giữ “Vị trí dẫn đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ” thì một cách tự nhiên người viết nhớ đến câu thành ngữ “Ăn như rồng cuốn; Nói như rồng leo; …” chứ không phải cụm từ hiện đại “Bệnh thành tích”?

Vì Nghị quyết 29-NQ/TW mà ông Giám đốc Dũng viện dẫn ban hành tháng 11 năm 2013 khi ông Dũng còn làm Hiệu trưởng một trường phổ thông nên những sự kiện nêu trong bài viết này sẽ chọn mốc thời gian từ 2013 trở lại đây, (ông Dũng được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm 2014).

Có mấy vấn đề dư luận muốn ông Giám đốc sở trả lời rõ để người dân thủ đô biết địa phương mình đang “dẫn đầu” những lĩnh vực nào. 

Giáo dục thủ đô đang dẫn đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ? Ảnh minh hoạ: http://cand.com.vn
Giáo dục thủ đô đang dẫn đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ? Ảnh minh hoạ: http://cand.com.vn

Thứ nhất, Hà Nội có đứng đầu cả nước trong việc phổ cập giáo dục tiểu học?

Ngay từ năm 1991 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 9, đã thông qua Luật Phổ cập giáo dục tiểu học (đã hết hiệu lực).

Điều 13 luật này quy định: 

Giáo dục tiểu học được thực hiện trong các trường, lớp tiểu học quốc lập, các loại hình trường, lớp dân lập.

Học sinh học tại trường, lớp tiểu học quốc lập không phải trả học phí”.

Khoản 1 điều 11 Luật Giáo dục 2005 quy định:

Giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở là các cấp học phổ cập.

Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước”.

Giáo dục Hà Nội dẫn đầu, hay "Ăn như rồng cuốn, Nói như rồng leo"? ảnh 2Sở Giáo dục Hà Nội đã sử dụng 19 nghìn tỷ đồng từ ngân sách như thế nào?

Quy định trong Luật Giáo dục: “Nhà nước bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước” phải hiểu thế nào khi tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 học sinh tiểu học không phải đóng học phí còn Hà Nội vẫn thu học phí tất cả các cấp học?

Mới nhất, Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐND do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành ngày 3/7/2017 đưa ra quy định mức thu học phí trên địa bàn thành phố với các cấp học từ nhà trẻ, mẫu giáo đến trung học phổ thông như sau: 

Vùng thành thị - 110.000 đồng/học sinh/tháng; 

Vùng nông thôn - 55.000 đồng/ học sinh/tháng; 

Miền núi - 14.000 đồng/học sinh/tháng. [2]

So với Thành phố Hồ Chí Minh, liệu thành phố Hà Nội có xứng đáng ở vị trí dẫn đầu?

Thứ hai, Hà Nội có đảm bảo môi trường học tập an toàn cho học sinh phổ thông?

Chuyện trường học xuống cấp gây tai nạn cho học sinh Hà Nội không phải là hiếm.

Báo Tienphong.vn đưa tin, ngày 20/3/2018, nhiều học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông (Hà Nội) bị mảng vữa trần rơi trúng khi đang ở trong lớp học phải nhập viện. Vụ việc khiến 3 học sinh phải nhập viện cấp cứu. [3]

Hiện trường ngổn ngang vụ rơi mảng vừa trong lớp học ở Trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông. Ảnh: Laodong.vn
Hiện trường ngổn ngang vụ rơi mảng vừa trong lớp học ở Trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông. Ảnh: Laodong.vn

Xin trích dẫn thông tin được báo Hanoimoi.com.vn đăng tải ngày 18/1/2018:

“Thực trạng trường, lớp học xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cũng diễn ra ở một số trường học trên địa bàn thành phố.

Cụm trường trung học phổ thông thuộc địa bàn Hoàng Mai - Thanh Trì có 6 trường trung học phổ thông công lập thì 2 trường là Ngọc Hồi và Trương Định xuống cấp trầm trọng.

Bà Nguyễn Thị Hà Thanh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngọc Hồi cho biết:

Trường có cơ sở vật chất kém nhất trên địa bàn với nhiều hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp như phòng học, phòng chức năng, tường rào”. [4]

Giáo dục Hà Nội dẫn đầu, hay "Ăn như rồng cuốn, Nói như rồng leo"? ảnh 422 nghìn phòng học Hà Nội xây mới ở đâu để con em chen chúc gần 70 học sinh/lớp?

Thông tin khác cũng được một tờ báo của thành phố Hà Nội đăng tải:

“Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Viết Cẩn cho biết, giai đoạn 2017 - 2020 có 49 dự án trường học trực thuộc Sở được đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp.

Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình hiện nay, Sở đã báo cáo và được chấp thuận ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư cho 9 dự án trường học xuống cấp trầm trọng, cần nguồn vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng/dự án, trong đó có 2 dự án triển khai ngay trong năm 2017 là trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông và trung học phổ thông Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm).[5]

Trong số 49 trường cần được đầu tư kinh phí cải tạo nâng cấp mới chỉ có 9 dự án được duyệt kinh phí, còn 40 dự án phải chờ, thế thì con số 19.000 tỷ chi cho xây mới, sửa chữa, nâng cấp phòng học được lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố là thực hay lỗi … đánh máy?

Xin lưu ý rằng các vụ việc và thông tin nêu trên đều diễn ra từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, đó là thời điểm mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chuẩn bị để “Đón năm học mới 2018-2019” như nội dung bài báo đã dẫn. [1]

Thứ ba, nhà giáo ở đâu trong sự nghiệp giáo dục thủ đô?

Ngày tận cùng của năm 2014, Uỷ ban Nhân dân huyện Sóc Sơn - Hà Nội ban hành thông báo số 452/TB-UBND cắt toàn bộ hợp đồng đối với 184 giáo viên đã ký hợp đồng năm học 2014-2015. 

Ai bồi thường tuổi thanh xuân cho 434 giáo viên nếu bị đuổi việc?

Gần một năm sau ngày 23/10/2015, Bộ Nội vụ đã có buổi làm việc với Sở Nội vụ thành phố và Uỷ ban Nhân dân huyện Sóc Sơn về việc này.

Theo đó, Bộ Nội vụ yêu cầu Uỷ ban Nhân dân thành phố chỉ đạo Uỷ ban Nhân dân huyện Sóc Sơn tổ chức ngay việc tuyển dụng viên chức theo đúng quy định pháp luật và tạo điều kiện để 184 giáo viên đã bị chấm dứt hợp đồng sớm được tham gia dự tuyển,… [6]

Đầu năm học mới 2015-2016, hàng loạt giáo viên có hợp đồng lao động tại huyện Ba Vì - Hà Nội bỗng nhiên mất ăn, mất ngủ vì nỗi lo mất việc.

Theo đơn kêu cứu của các giáo viên đang giảng dạy tại một số trường trên địa bàn huyện Ba Vì, nhiều người có tới 16-17 năm gắn bó với trường, với lớp.

Ở tuổi gần 40, họ vẫn làm việc cho trường với danh nghĩa là giáo viên hợp đồng với mức tiền công tối thiểu là 1,15 triệu đồng/tháng”. [7]

Hơn 20 năm nay Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với hàng loạt giáo viên.

Những người này chỉ được hưởng hệ số lương là 1,0.

Đến đầu năm 2018 có với 434 giáo viên đã ký hợp đồng, người lâu nhất là 22 năm và mới nhất là hơn 4 năm.

Giáo dục Hà Nội dẫn đầu, hay "Ăn như rồng cuốn, Nói như rồng leo"? ảnh 5Lãnh đạo Hà Nội thừa nhận về sự quá tải sĩ số học sinh

Thông tin trên báo Giaoducthoidai.vn viết:

Ngày 19/7/2018 Uỷ ban Nhân dân huyện Thanh Oai ban hành Công văn số 1020 trong đó nêu:

Uỷ ban Nhân dân huyện chấm dứt hợp đồng đối với những trường hợp trước đây được Uỷ ban Nhân dân huyện ký hợp đồng lao động làm giáo viên và nhân viên tại các trường công lập thuộc Uỷ ban Nhân dân huyện để chuyển về các nhà trường do hiệu trưởng xem xét, ký hợp đồng theo thẩm quyền.

Thời gian thực hiện từ ngày 1/9/2018”. [8]

Nêu một loạt dẫn chứng từ năm 2014 đến 2018 để thấy, nhà giáo ký hợp đồng dài hạn rồi bị “thanh lý” như món hàng hết hạn sử dụng dường như là một “truyền thống” có bề dày kha khá. 

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, làm việc tới 22 năm vẫn có nguy cơ mất việc chỉ bởi một văn bản hành chính liệu có hợp tình, hợp lý? 

Ai phải chịu trách nhiệm ngoài Sở Nội vụ thành phố và chính quyền các huyện?

Thứ tư, có hay không tình trạng “bạo lực học đường” ở thủ đô

“Học sinh 2 trường Trung học phổ thông Nguyễn Thượng Hiền và Trung học phổ thông Ứng Hòa A (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đánh nhau khiến 1 em tử vong ngày 14/3/2018”. [9]

Học sinh ở Hà Nội bị thầy giáo lên gối, tát xước mặt. [10]

78% học sinh Trung học cơ sở Hà Nội được hỏi cho rằng, bị bạo lực giới. [11]

80% học sinh tại Hà Nội đã từng bị bạo lực trong trường học. [12]

Tình trạng bạo lực học đường đã khiến Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phải ban hành Công văn số 3519/UBND-KGVX (tháng 8/2018), theo đó “Uỷ ban Nhân dân thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành Thành phố; Uỷ ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực học đường và vi phạm pháp luật tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố”. 

Với thực trạng đã nêu, với việc phải ban hành công văn 3519/UBND-KGVX, liệu đã có đủ cơ sở kết luận Hà Nội thuộc vào nhóm “dẫn đầu cả nước” về nạn bạo lực học đường?

Thứ năm, có hay không tình trạng lạm thu?

Giáo dục Hà Nội dẫn đầu, hay "Ăn như rồng cuốn, Nói như rồng leo"? ảnh 6Hà Nội đang lấy chỗ học của con em nhân dân lao động để làm dịch vụ?

Năm 2015, báo điện tử Vietnamnet.vn dẫn lời Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lúc đó là ông Nguyễn Hiệp Thống như sau:

Một gia đình có 2 con, một khoản thu vài triệu, chắc rằng cũng không có gì khó khăn lắm.

Cũng là một khoản thu không nhỏ nhưng cũng không có gì khó khăn lắm với phụ huynh”. [13]

Có thể đây chỉ là quan điểm cá nhân của Phó Giám đốc Nguyễn Hiệp Thống chứ không phải là quan điểm Phó Giám đốc Chử Xuân Dũng (năm 2015).

Dẫu sao người dân nghe được cũng không thấy vui vẻ gì khi một ông Phó Giám đốc sở phát biểu như vậy.

Đầu năm học 2017-2018, lạm thu tiền trường - căn bệnh mạn tính gây bức xúc xã hội, lại bùng phát dữ dội ở nhiều địa phương trên cả nước.

Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa… lần lượt xuất hiện những điểm nóng lạm thu khiến phụ huynh phản ứng gay gắt”.

Thông tin trên được tờ báo của Hà Nội là Anninhthudo.vn đăng tải.

Hà Nội được xếp đầu tiên trong bảng “ghi danh” các địa phương “lạm thu tiền trường” cả nước. 

Cuối năm 2017, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 10550/VP-KGVX, yêu cầu sở, ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã kiểm tra, giải quyết dứt điểm tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục.

Trường hợp để xảy ra lạm thu tiền trường, hiệu trưởng sẽ phải chịu kỷ luật.

Như vậy, quả thật giáo dục Hà Nội không phải là không “dẫn đầu” nhiều lĩnh vực. 

Là người trong ngành, cũng là dân Kẻ Chợ, nói ra thì bảo “bới bèo ra bọ” nhưng không nói thì lại sợ “bọ” sẽ nở thành “sâu”.

Nếu để tình trạng “cả một bầy sâu” lẩn khuất trong ngành Giáo dục thì e rằng những người không nói cũng chính là người có lỗi./.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/909707/quyet-tam-dan-dau-ve-doi-moi-giao-duc

[2] https://vanban.hanoi.gov.vn/documents/10182/2518750/NQ_01_2017.pdf

[3]https://www.tienphong.vn/giao-duc/tai-nan-kinh-hoang-trong-truong-hoc-ai-phai-chiu-trach-nhiem-1252543.tpo

[4] http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/888919/noi-lo-truong-lop-xuong-cap

[5] http://kinhtedothi.vn/uu-tien-cai-tao-truong-hoc-xuong-cap-305653.html

[6]https://laodong.vn/trang-ha-noi/vu-184-giao-vien-bi-cham-dut-hop-dong-o-soc-son-bo-noi-vu-yeu-cau-thanh-pho-vao-cuoc-396475.bld

[7]https://laodong.vn/cong-doan/giao-vien-hop-dong-tai-huyen-ba-vi-tpha-noi-mat-an-mat-ngu-vi-nguy-co-mat-viec-376205.bld

[8]https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thuc-hu-vu-viec-gan-600-giao-vien-co-the-bi-cham-dut-hop-dong-o-thanh-oai-ha-noi-chi-khac-ve-chu-the-ky-hop-dong-3941458.html

[9] http://kinhtedothi.vn/lai-nong-chuyen-bao-luc-hoc-duong-312061.html

[10] https://vtc.vn/hoc-sinh-o-ha-noi-bi-thay-giao-len-goi-tat-xuoc-mat-d419894.html

[11]https://thanhnien.vn/gioi-tre/78-hoc-sinh-thcs-ha-noi-duoc-hoi-cho-rang-bi-bao-luc-gioi-767584.html

[12]http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/80-hoc-sinh-tai-ha-noi-da-tung-bi-bao-luc-trong-truong-hoc-54579.html

[13]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/hieu-truong-khong-the-noi-lam-thu-do-phu-huynh-260450.html

Xuân Dương