Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 6/6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trả lời đại biểu về bệnh thành tích trong giáo dục.
Chất vấn về bệnh thành tích của ngành giáo dục, đại biểu Bùi Thị Thuỷ (Thanh Hóa) cho hay:
Khảo sát tại một số trường trung học phổ thông trong năm học 2017 - 2018 cho thấy khoảng 55-60% học sinh đạt khá, giỏi; tỷ lệ này ở lớp 11, lớp 12 còn cao hơn, lên tới khoảng 70%.
Từ thực trạng trên đại biểu Thuỷ cho rằng đó là biểu hiện rõ nét nhất của bệnh thành tích trong ngành giáo dục.
"Bộ trưởng có biết giấy khen hiện nay ở các nhà trường đang dần mất giá trị bởi vì cho quá dễ, kéo theo số lượng học sinh khá giỏi quá nhiều", đại biểu Thuỷ đặt vấn đề.
Đại biểu Bùi Thị Thuỷ (Thanh Hóa) cho hay: Khảo sát tại một số trường trung học phổ thông trong năm học 2017 - 2018 cho thấy khoảng 55-60% học sinh đạt khá, giỏi; tỷ lệ này ở lớp 11, lớp 12 còn cao hơn, lên tới khoảng 70%. (Ảnh minh họa: VOV) |
Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, quả thực vấn đề về bệnh thành tích đã tồn tại từ lâu và "mặc dù ngành giáo dục luôn cố gắng nói không với bệnh thành tích" nhưng nhận thấy trong quá trình thực hiện, đây không chỉ là vấn đề dừng lại ở quy định mà còn liên quan tới văn hóa và thói quen của một bộ phận không nhỏ những người làm trong ngành giáo dục tại Việt Nam.
Theo chia sẻ của Bộ trưởng, Bộ đang tích cực để hạn chế vấn đề này, cũng đã có những văn bản đề nghị bỏ rất nhiều cuộc thi, đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn các Sở để tiến tới việc không công nhận điểm các cuộc thi vào thành tích thi đua.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng thông tin: “Tới đây thông qua Luật Giáo dục, chúng tôi đưa vấn đề này vào để làm sao kết quả phải phản ánh thật, có nghĩa là hậu kiểm.
Những thầy cô nào thực hiện tốt đổi mới sáng tạo, có sản phẩm đích thực thì cơ sở, sở, bộ sẽ ghi nhận biểu dương.
Hạn chế đăng ký thi đua bởi lẽ chính đăng ký thi đua mới là gốc gác của vấn đề các thầy cô phải có những thành tích ảo”.
Mang tới một phản ánh khác cũng liên quan tới chủ đề này, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) hiện tượng học sinh chỉ học môn sẽ thi tốt nghiệp, bỏ học những môn không thi và phụ huynh “nộp tiền” cho giáo viên để con em được công nhận, đủ tiêu chuẩn thi.
“Bộ trưởng có biết việc này không, giải pháp nào chặn tình trạng tiêu cực đó?”, ông Cương hỏi.
Tư lệnh ngành giáo dục thừa nhận, Bộ chưa có thống kê rõ ràng nhưng hiện tượng học tủ, học lệch là có, đặc biệt ở trường chuyên.
"Chúng tôi không đồng ý với việc này và thậm chí cấm, vì giáo dục phổ thông là giáo dục toàn diện, đức, trí, thể, mỹ.
Và phải chú trọng đến những môn liên quan đến phát triển con người, có nghĩa là dạy làm người, chứ không phải đi thuần túy kiến thức để thi.
Chúng tôi kiên quyết phản đối và sẽ tiếp tục giám sát. Song cũng mong nhà trường thực hiện nghiêm quy định của Bộ để các cháu được học toàn diện, chứ không phải học để thi", ông Nhạ nói.
Trước đó, vào chiều 29/5, tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, nhiều phóng viên đặt câu hỏi về tình trạng “lạm phát” giấy khen cuối kỳ cho học sinh tiểu học.
“Em nào cũng có giấy khen, ví dụ như học tốt môn toán, môn văn… Có tình trạng lạm phát giấy khen hay không”, một phóng viên đặt vấn đề.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, việc khen thưởng đối với học sinh tiểu học hiện làm theo quy định tại điều 16 Thông tư 22 ngày 22/9/2016. Theo đó, quy định rất rõ về các trường hợp khen thưởng cho học sinh vào cuối năm học.