Ngày 15/8/2013 Báo Giáo dục và Thời đại có bài viết "Đề án 35 trường chất lượng cao ở Hà Nội: Học phí ta, chất lượng tây", trong đó cho biết, đã có không ít ý kiến bất bình về đề án này:
"Hà Nội xây dựng một số trường công dành cho con em các gia đình giàu có”.
Giải thích lạ lùng của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khi đó được Báo Giáo dục và Thời đại dẫn lời cho rằng, chính dư luận mới không hiểu. Ông Đại nói:
"Chủ trương xây dựng các trường chất lượng cao theo quy định của Luật Thủ đô là hoàn toàn đúng đắn.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại, ảnh: hanoi.edu.vn. |
Tuy nhiên, việc phát triển trường chất lượng cao (Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất ban đầu theo tiêu chí trường chất lượng cao chuẩn quốc tế, chi phí cho các hoạt động giáo dục của trường chất lượng cao do người học đóng góp, học sinh vào học hoàn toàn tự nguyện) vẫn còn là điều quá mới mẻ;
Do đó trong xã hội nhiều người chưa hiểu vì vẫn cho rằng các trường công lập thì phải giống nhau về mức học phí (trong khi yêu cầu về trường chất lượng cao đều hướng tới chuẩn quốc tế, chương trình tiên tiến nhưng do chính thầy cô Việt Nam làm).
...Hơn nữa, khi một lượng lớn học sinh Thủ đô có điều kiện học ở các trường chất lượng cao sẽ giảm tải các trường công lập, nhân dân có nhiều lựa chọn và có nhiều chỗ học cho các em đúng tuyến trong những trường chuẩn quốc gia.
Ngân sách Nhà nước sẽ tập trung vào các trường công lập nhiều hơn ở những năm sau.
Bởi lẽ, sau ba năm đầu, Nhà nước sẽ không cấp kinh phí thường xuyên cho trường chất lượng cao, nguồn kinh phí đó sẽ dồn về các trường công và sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy chất lượng giáo dục đồng bộ phát triển." [1]
Luật Thủ đô chủ trương xây dựng một số trường phổ thông chất lượng cao là hoàn toàn đúng đắn, nhưng Luật Thủ đô không quy định phải phát triển cơ sở giáo dục chất lượng cao từ các trường công lập.
Giáo dục Thủ đô mải mê làm dịch vụ, nhiệm vụ chính trị để ai lo? |
Trong khi đó, bản chất của nhà trường công lập là cung cấp dịch vụ giáo dục cơ bản, phổ cập, miễn phí hoặc chi phí rẻ, để con em nhân dân được hưởng đầy đủ phúc lợi xã hội trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
Muốn tăng đầu tư cho các trường công lập trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, biên chế phình to như hiện nay, thiết nghĩ không có cách nào khác ngoài việc phát triển hệ thống giáo dục tư thục để cáng bớt gánh nặng cho trường công lập.
Ví dụ, thay vì nhà nước phải bỏ ra 100 đồng để lo cho 100 em, chỉ cần có chính sách phát triển giáo dục tư thục, khi trường tư lo cho 30 em con nhà khá giả, trung lưu trở lên, 100 đồng ngân sách sẽ được sử dụng trang trải việc học cho 70 học sinh con em nhân dân lao động.
Bộ máy biên chế giáo viên và quản lý giáo dục hưởng lương từ ngân sách cũng nhờ đó mà giảm xuống, chất lượng giáo dục được nâng cao bởi cạnh tranh giữa các cơ sở.
Những vấn nạn "mãn tính" của giáo dục công lập như lạm thu, chạy trường, chạy biên chế...cũng nhờ đó mà giảm xuống.
Như vậy, giáo dục vừa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của xã hội, vừa đỡ gánh nặng ngân sách và giảm biên chế bộ máy.
Mặt khác, trường chất lượng cao là cơ sở giáo dục đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, chứ không phải nhà nước cứ rót thật nhiều ngân sách, ưu đãi đủ thứ để có cơ sở vật chất hoành tráng, hút hết giáo viên giỏi của các trường khác thì được gọi là "chất lượng cao".
Đó là còn chưa kể đến chính sách tuyển sinh của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang "lùa" học sinh giỏi vào các trường này bằng chiến dịch tuyên truyền, quảng bá cho song bằng, chất lượng cao...
Muốn trở thành trường chất lượng cao, cơ sở giáo dục phải tự khẳng định mình bằng chất lượng, hiệu quả giáo dục và khi đạt một ngưỡng nào đó thì được tăng mức đầu tư, chứ không phải rót tiền ngân sách trước, chất lượng cao có sau như cách tư duy, cách làm hiện nay.
Cách làm hiện nay của Hà Nội là dùng ngân sách lẫn ưu đãi chính sách (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và công cụ tuyển sinh) để "thổi" một số cơ sở giáo dục thành trường chất lượng cao, chứ không phải các trường này tự thân vận động, phấn đấu để được cha mẹ học sinh công nhận.
Ảnh minh họa: Minh Quyết / TTXVN. |
Vô hình trung, cách làm này đang làm tăng tình trạng quá tải sĩ số ở các trường công lập, chứ không có chuyện giảm như lập luận của ông Phạm Văn Đại.
Những cuộc chạy đua mỗi mùa tuyển sinh, những lò học thêm sáng đèn tối ngày, những cuộc chạy trường, chạy lớp lại âm thầm diễn ra.
Hơn nữa, dường như lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã cố tình lờ đi một trong những nguyên tắc quan trọng để phát triển trường chất lượng cao;
Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 24/6/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ghi rất rõ: Chỉ phát triển trường chất lượng cao ở những khu vực đã có đủ chỗ học cho các đối tượng phổ cập.
Xin lưu ý, đủ chỗ học trong văn bản này cần phải được hiểu theo quy chuẩn sĩ số mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành trong điều lệ trường phổ thông, chứ không phải "chuẩn" Hà Nội, có lớp lên đến 60, 65 học sinh như hiện nay.
Nếu theo tiêu chí này, thì hầu hết các quận của Hà Nội khó có thể đáp ứng và nhiệm vụ trước mắt của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là phải tham mưu cho lãnh đạo thành phố lo đủ chỗ học cho con em nhân dân, chứ không phải làm dịch vụ.
"Thí điểm" song bằng gây bất công xã hội, phân chia giai cấp ngay trong lòng trường công là phản giáo dục, phản nhân văn
Ngay như trường Trung học cơ sở Chu Văn An tham gia thí điểm "song bằng", tuyển sinh 2 lớp, mỗi lớp 25 học sinh, thì sĩ số bình quân năm học 2018-2019 là 51 học sinh. [2]
"Song bằng" - dạy thêm có tổ chức và bóng dáng những sân sau |
2 lớp "song bằng" này đã chiếm mất chỗ học của không ít con em nhân dân phường Thụy Khuê.
6 trường trung học cơ sở công lập thí điểm "song bằng" còn lại cũng vậy, bởi sĩ số bình quân ở các trường này đều đang vượt ngưỡng quy định.
Nhưng điều quan trọng hơn là mô hình "thí điểm" song bằng lại đang gây ra những bất công, phân chia giai cấp ngay trong lòng cơ sở giáo dục công lập, khi một bộ phận nhỏ "con nhà giàu" được hưởng mọi chế độ ưu ái hơn hẳn các lớp khác.
Ví dụ như trường Trung học cơ sở Chu Văn An, để phục vụ 2 lớp song bằng, ông Lê Hồng Vũ - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ, cho biết:
"Chúng tôi đã có kế hoạch về kinh phí và đã được phê duyệt với tổng dự án khoảng 218 tỷ đồng và trang thiết bị cũng phải 20-30 tỷ đồng, bảo đảm chuẩn quốc tế."
Ông Lê Đức Thuận – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm cho hay:
"Trong năm học này, quận Hoàn Kiếm đăng ký hai trường là Trưng vương và Ngô Sỹ Liên tham gia song bằng với hai lớp/mỗi trường.
Đây là hai trường có chất lượng đào tạo cao trong thời gian gần đây. Tất cả các môn đã đầu tư toàn bộ giáo viên tốt nhất của hai nhà trường.
...Với sự vào cuộc của quận và nhà trường, chúng tôi sẽ có sự chuẩn bị đáp ứng tốt nhất cho chương trình đào tạo song bằng."
Bà Bùi Thị Minh Nga - Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định:
"Đề án này được Ủy ban nhân dân Thành phố đã duyệt và đã yêu cầu các quận đầu tư ở mức cao nhất cho nhà trường...tôi đều có chỉ đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo đầu tư những giáo viên có chất lượng tốt nhất." [3]
Giữa ngôi trường trung học cơ sở công lập khoảng 30 lớp học, lọt thỏm 2 lớp "con nhà giàu" với mọi ưu đãi khác biệt rõ ràng về cơ sở vật chất, phòng ốc thí nghiệm, đội ngũ giáo viên..., các em học sinh những lớp còn lại sẽ nghĩ gì?
"Phép vua" thua lệ Sở Giáo dục Hà Nội |
Không có các lớp "thí điểm song bằng" này, các em vẫn có cơ hội "hội nhập quốc tế", du học cơ mà? Tại sao không dùng tiền ngân sách "thí điểm song bằng" để làm học bổng cho các em học sinh giỏi tự chứng minh được năng lực của mình?
Đó là chưa kể đến dịch vụ mà cha mẹ các em lớp "song bằng" phải bỏ ra cả trăm triệu đồng chi trả chưa có gì đảm bảo chất lượng tương xứng như Sở đang quảng cáo, trong khi mọi rủi ro đã được quàng sẵn vào cổ học sinh và cha mẹ các em bởi 2 chữ "thí điểm" và "tự nguyện".
5, 6 năm nữa mới kết thúc đợt "thí điểm" song bằng này, chắc chắn cha mẹ học sinh lớp song bằng sẽ phải bỏ ra cả trăm triệu đồng hoặc hơn nữa, con em nhân dân lao động mất chỗ học, phân chia giai cấp do chính sách ngay trong trường công lập là thực tế hiện tiền;
Còn "song bằng" có thực hay không, và có giá trị gì không, có đáng đồng tiền bát gạo không, vẫn còn nằm ở thì tương lai.
Chỉ có Cambridge là thu được lợi nhuận chắc chắn từ phí bản quyền chương trình và bán dịch vụ khảo thí.
90% số tiền cha mẹ học sinh các lớp song bằng (bình quân 250 triệu đồng / 2 lớp song bằng / tháng) được một công ty tư nhân đứng ra tổ chức chia nhau thế nào, thì chỉ những người được hưởng mới biết.
Khoản tiền này dường như hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nước và cha mẹ học sinh.
Nguồn:
[1]http://giaoducthoidai.vn/tieu-diem/de-an-35-truong-chat-luong-cao-o-ha-noi-hoc-phi-ta-chat-luong-tay-5666-u.html
[2]http://c2chuvanan.edu.vn/tin-tuc-thong-bao/tin-tuc-cua-nha-truong/cong-khai-thong-tin-chat-luong-giao-duc-co-so-vat-chat-doi-n.html
[3]http://www.nhandan.org.vn/antuong/item/36962102-giao-luu-truc-tuyen-%E2%80%9Choc-song-bang-tu-lop-6-ban-khoan-va-ky-vong%E2%80%9D.html