Lịch sử như chiếc bánh trôi…

15/07/2018 07:34
Xuân Dương
(GDVN) - Không biết lịch sử đất nước thì lấy gì để bồi đắp lòng tự hào dân tộc, làm sao có ý chí chiến đấu bảo vệ chủ quyền quốc gia?

Phổ điểm kỳ thi quốc gia tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho thấy:

Trong tổng số hơn 925.000 thí sinh dự thi, có 563.013 thí sinh thi môn Lịch sử, số người đạt điểm dưới trung bình là 468.628 người, chiếm 83,24%.

Số liệu thống kê tại một vài địa phương về kết quả thi môn Lịch sử như sau:

Tỉnh Đồng Nai, môn Lịch sử có tỷ lệ bài thi đạt điểm trung bình là 12,76%.

Môn này chỉ có 9 bài từ 9 điểm trở lên, trong đó có một bài đạt từ 9,5 trở lên.

Trong khi có tới 180 thí sinh bị điểm liệt (chiếm trên 1%) ở môn này. [1]

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm nay môn lịch sử có đến 80,9% thí sinh điểm thi dưới trung bình, chỉ 19,1% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên; số thí sinh từ 8 điểm trở lên là 0,36%. [2]

Với mục đích tìm hiểu kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông môn Lịch sử của Hà Nội, ngày 12/7/2018 tìm trong mục “Điều hành tác nghiệp/Thống kê giáo dục” trên Cổng thông tin điện tử ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhận được kết quả: “Trang này hiện không hoạt động”. [3]

Ảnh chụp màn hình Cổng thông tin điện tử ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Ảnh chụp màn hình Cổng thông tin điện tử ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Tìm hiểu thêm thấy phía dưới Cổng Thông tin ghi: “Chịu trách nhiệm chính: Ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD-ĐT (chú thích: Sở Giáo dục và Đào tạo)”.

Có phải bộ phận thống kê Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và ông Giám đốc Chử Xuân Dũng không biết tình trạng này hay vì lý do nào đó mà quý sở không muốn công bố tất cả số liệu thống kê (không chỉ kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2018) để nhân dân được biết?

Chuyện học sử, thi sử của học sinh phổ thông không phải bây giờ mới là thảm họa và cũng không phải bây giờ người ta mới buộc phải đặt những câu hỏi về thực trạng dạy và học môn Lịch sử trong trường phổ thông.

Nhiều năm trước, thống kê của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, số bài thi môn Sử đạt từ 5 điểm trở lên dao động trong khoảng từ 15% đến 40%, số bị điểm kém (từ 0 đến 2,5 điểm) thường chiếm khoảng 50%.

Riêng đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh năm 2005 chỉ có 3,4% số thí sinh đạt yêu cầu, 96,6% không đạt (86% bị điểm kém). [4]

Phổ điểm môn Lịch sử trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018. Ảnh: Giaoduc.net.vn
Phổ điểm môn Lịch sử trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018. Ảnh: Giaoduc.net.vn

Năm 2011, số liệu từ bài báo trên [4] cho thấy: số thí sinh đạt yêu cầu chỉ từ 0,3% đến 5%, số thí sinh không đạt yêu cầu ở một số trường lên tới trên 99% như Đại học Đà Nẵng, Đại học Quảng Nam, Đại học Tôn Đức Thắng…

Có ý kiến cho rằng kết quả kém bất thường ở môn Sử có nguồn gốc từ đề thi tuyển sinh, một số cho rằng do cách dạy môn Sử trong trường phổ thông, do học sinh không thích môn Lịch sử và cũng do quá trình đào tạo giáo viên Sử tại các trường Sư phạm…

Kiến thức lịch sử trên đôi vai học sinh phổ thông đã trở thành gánh nặng không chịu nổi là do chủ quan hay khách quan?

Nếu do chủ quan thì nhận định sau đây là đúng hay sai:

Qua lăng kính người hoạch định chính sách, người quản lý giáo dục, vai trò môn Lịch sử không có nhiều ý nghĩa nếu không muốn nói tư duy quản lý, định hướng giáo dục môn Lịch sử đã và đang trở nên méo mó”.

Lịch sử như chiếc bánh trôi… ảnh 3Điểm thi môn Sử thấp, xem lại cách dạy và học Lịch sử trong nhà trường hiện nay

Buộc phải nêu nhận định này bởi chính Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có lúc đề xuất chuyện bỏ môn Lịch sử với vai trò là môn học độc lập, lồng ghép (tích hợp) môn Sử với một số môn học khác (Giáo dục công dân, An ninh quốc phòng).

Đặt trong mối quan hệ tổng thể, phương thức mà ngành Giáo dục đối xử với môn Lịch sử có gì khác so với cách thức đối xử với hiện thực lịch sử?

Thế hệ những người sinh từ thời đói kém 1945 trở lại đây đã từng nhiều lần phải thay đổi nhận thức về các sự kiện mà hầu như chẳng ai chứng kiến tận mắt, chẳng hạn chuyện Lê Văn Tám, chuyện chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập hay chuyện “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” (Tạm dịch: Phan (Thanh Giản), Lâm (Duy Hiệp) bán nước, triều đình bỏ rơi dân chúng);…

Đài truyền hình quốc gia trong chương trình Chuyển động 24h (phát sóng trưa ngày 11/7/2015) đưa tin, trước câu hỏi của phóng viên “Gò Đống Đa gắn với vị tướng nào trong lịch sử”, nhiều học sinh trả lời không biết.

Với câu hỏi: “Ông vua Quang Trung và ông Nguyễn Huệ có quan hệ gì với nhau?”, câu trả lời thật đa dạng:

Đó là hai người khác biệt; Hai người này là bố con, anh em cùng một nhà, bạn bè cùng chiến đấu;…” hoặc “Quang Trung đại phá quân Thanh trên sông Bạch Đằng”… [5]

Một trong những điều mà Hồ Chủ tịch lúc sinh thời căn dặn:

Dân ta phải biết sử ta; Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam;…

Từ năm 2006, Bộ Chính trị khóa X đã ban hành Chỉ thị số 06 về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Gần đây nội dung này được viết thành: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Mong muốn của Hồ Chủ tịch là như thế, chỉ đạo của Đảng là như thế, vì sao kiến thức lịch sử của học sinh phổ thông ngày nay lại kém đến mức báo động như vậy?

Trả lời câu hỏi này không chỉ là trách nhiệm của ngành Giáo dục và Đào tạo bởi lẽ “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Lịch sử như chiếc bánh trôi… ảnh 4Viết sách giáo khoa lịch sử, hãy nghĩ đến học sinh, đừng viết cho nhà nghiên cứu

Cùng chịu trách nhiệm với Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể không nhắc đến vai trò của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội và các ban ngành liên quan bên Đảng.  

Nhiều ý kiến biện minh, rằng không có bất kỳ quan điểm chính thức nào hạ thấp vai trò môn Lịch sử, rằng đây chẳng qua là “lỗi kỹ thuật” trong quá trình biên soạn sách giáo khoa, trong quá trình đào tạo giáo viên và việc chậm thay đổi cách dạy môn Lịch sử trong trường phổ thông,…

Trong thời gian khá dài, nếu sư phạm là lựa chọn cuối cùng của phần lớn người học, thì Lịch sử lại nằm ở đâu đó phía cuối của sự lựa chọn này, đó là nói về phía người dạy. 

Về sách giáo khoa Lịch sử, do đã có nhiều ý kiến thảo luận nên tạm không bàn thêm ở đây.

Về phía người học, có một thực tế đáng buồn là theo quy định tại Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT, để xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông, thí sinh học chương trình Giáo dục Trung học phổ thông phải dự thi 4 bài gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp (Khoa học Tự nhiên: tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học; Khoa học Xã hội: tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục Trung học phổ thông; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).

Như vậy Lịch sử chỉ có ý nghĩa với thí sinh chọn tổ hợp Khoa học Xã hội, mặt khác rất ít đại học, cao đẳng đưa môn Lịch sử vào tổ hợp xét tuyển do vậy tâm lý học Sử chỉ để tránh bị điểm liệt trở nên khá phổ biến.

Lịch sử như chiếc bánh trôi… ảnh 5Chính chương trình và cách dạy làm học sinh chán môn Lịch sử

Số liệu thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo được truyền thông đăng tải cho thấy số thí sinh dự kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia qua một số năm như sau:

Năm 2014 có 910.831 người, năm 2015 là 1.004.486 người, năm 2016 là 887.396 người, năm 2017 khoảng 866.000 người và năm 2018 con số này vào khoảng hơn 925.000 người.

Tính bình quân từ năm 2014, mỗi năm có 922.742 thí sinh dự thi. 

Nếu lấy mốc thời gian bắt đầu từ thiên niên kỷ thứ ba, tức là từ năm 2000 và giả sử số thí sinh dự thi mỗi năm vẫn duy trì ở mức 900.000 người thì trong 30 năm tới sẽ có 27 triệu người dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Nếu (đây chỉ là giả thiết) tỷ lệ dưới trung bình môn Sử năm 2018 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố (83,24%) được giữ “ổn định” trong 30 năm tới thì số người không đạt chuẩn kiến thức tốt nghiệp Trung học phổ thông môn Sử sẽ vào khoảng hơn 22 triệu người tức là gần 1/4 dân số cả nước.

Nếu cộng thêm những người không thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và một số đối tượng khác thì tỷ lệ này là bao nhiêu?

Dự báo này có làm giật mình những người đang và sẽ nắm vai trò hoạch định chính sách?

Trong ba môn thi độc lập bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, người viết cho rằng hai môn Toán, Ngữ văn không phải bàn luận.

Có nên cân nhắc giữa Ngoại ngữ và Lịch sử nếu vẫn giữ bốn bài thi như hiện tại hoặc bắt buộc phải đưa Lịch sử vào tổ hợp các môn xét tuyển đại học, cao đẳng?

Đề cao ngoại ngữ không sai, bởi đó là cửa sổ nhìn ra thế giới song hạ thấp vai trò môn Lịch sử tức là đóng toàn bộ cánh cửa nhìn về quá khứ hào hùng của dân tộc, cũng tức là đánh mất cội nguồn mà nhờ đó nước Việt và người Việt có ngày hôm nay.

Tình trạng này kéo dài như thế mang lại lợi ích cho ai?

Thực trạng hiểu biết kém về lịch sử của thế hệ học trò hôm nay là nỗi lo của rất nhiều người Việt nhưng lại là điều mà mà những kẻ mang dã tâm bành trướng, xâm lược vui mừng. 

Không biết lịch sử đất nước thì lấy gì để bồi đắp lòng tự hào dân tộc, làm sao có ý chí chiến đấu bảo vệ chủ quyền quốc gia? 

Nếu phải hỏi lỗi tại ai thì câu trả lời sẽ là: “Lỗi không phải của người dân, càng không phải là lỗi của học trò”.

Thế nên hãy đừng để “Lịch sử như chiếc bánh trôi; Lúc chìm lúc nổi do người cời than”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/giao-duc/dong-nai-chi-tren-12-thi-sinh-thi-mon-su-co-diem-trung-binh-tro-len-981383.html

[2] https://tuoitre.vn/hon-80-thi-sinh-tp-hcm-duoi-trung-binh-mon-su-thi-thpt-quoc-gia-20180709111709298.htm

[3] http://hanoiedu.vn/thongke/

[4] https://tuoitre.vn/nhieu-nguyen-nhan-khien-diem-thi-mon-su-thap-449259.htm

[5] http://vtv.vn/video/chuyen-dong-24h-trua-11-7-2015-84008.htm

Xuân Dương