Cho phá sản ngân hàng yếu kém là đúng đắn và cần thiết

24/10/2016 15:19
Mai Anh
(GDVN) - Theo các chuyên gia, giải pháp cho phá sản ngân hàng yếu kém là việc cần thiết, mang lại nhiều hiệu ứng tích cực cho thị trường.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng 22/10, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Chính phủ sẽ quyết liệt trong tái cơ cấu kinh tế, không cứu các ngân hàng yếu kém.

Trước sự quan tâm của báo chí, dư luận đang về việc có hay không việc sử dụng các nguồn lực nhà nước để giải quyết nợ xấu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Chúng ta đừng lẫn lộn hai khái niệm ngân sách nhà nước và nguồn lực nhà nước. Thực tế là từ trước đến giờ và có lẽ sau này cũng vậy, chúng ta rất cân nhắc chuyện sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu và xử lý ngân hàng yếu kém”.

Các chuyên gia tài chính-ngân hàng cho rằng, giải pháp cho phá sản ngân hàng yếu kém là việc cần thiết, mang lại nhiều hiệu ứng tích cực cho thị trường. Ảnh minh họa, nguồn: Internet.
Các chuyên gia tài chính-ngân hàng cho rằng, giải pháp cho phá sản ngân hàng yếu kém là việc cần thiết, mang lại nhiều hiệu ứng tích cực cho thị trường. Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

Theo Phó thủ tướng, thực tế hiện nay chúng ta đang dùng nguồn lực nhà nước rồi. Khi một tổ chức tín dụng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu, tức là, nếu cho phép ngân hàng trích lập 100 đồng vào chỗ này thì ngân sách đóng 25 đồng rồi, bởi vì không cho trích lập thì nhà nước thu được 25 đồng (thuế thu nhập doanh nghiệp).

Rồi khi nhà nước cho Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành trái phiếu đặc biệt, có nghĩa là dùng ngân sách nhà nước rồi, bởi nếu cho vay thông thường thì lãi suất 7-8%, còn tái cấp vốn chỉ 3%.

“Cho nên đừng nghĩ chỉ dùng kỹ thuật là xử lý được nợ xấu. Lần này chúng ta khẳng định rằng, có thể sử dụng nguồn lực của nhà nước lớn hơn để xử lý nợ xấu”, Phó Thủ tướng nói. 

Phó thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ cũng đề xuất giải pháp mạnh hơn là thí điểm cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém. Chúng ta bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời không để xảy ra hiệu ứng domino, sẽ cho phá sản ngân hàng yếu kém.

“Lập ngân hàng cổ phần rồi để nhà nước phải mua lại 0 đồng, nhà nước phải đứng ra xử lý hậu quả thì ai cũng muốn làm”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu quan điểm.

Trước quan điểm của Chính phủ trong việc xử lý ngân hàng yếu kém, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Trương Thanh Đức - Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) khẳng định: “Giải pháp thí điểm cho phá sản ngân hàng yếu kém là hết sức đúng đắn, cần thiết của Chính phủ”.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, vấn đề cho phá sản ngân hàng quá yếu kém được bàn đến từ nhiều năm trước nhưng chưa thực hiện do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Cũng chính vì việc chưa có ngân hàng nào phải phá sản nên dẫn đến tâm lý ỷ lại Nhà nước theo kiểu cứ yếu kém là được nhà nước mua lại 0 đồng.

“Chúng ta là nền kinh tế thị trường, đã kinh tế thị trường cho thị trường quyết định, anh yếu kém thì phải phá sản để làm trong sạch hệ thống. Không thể để người ốm nặng với người lành, dẫn đến người dân không biết đâu ngân hàng mạnh, đâu là ngân hàng đang yếu kém. Vì vậy việc phá sản ngân hàng thực sự quá yếu kém là cần thiết”, Luật sư Đức cho hay.

Đặt vấn đề, nếu phá sản ngân hàng yếu kém vậy quyền lợi khách hàng gửi tín dụng sẽ sao? Luật sư Trương Thanh Đức phân tích: Người gửi tiền cũng phải tự chịu hậu quả, đó là phần trong rủi ro mà người gửi tín dụng phải chấp nhận trong nền kinh tế.

Theo Luật sư Đức, cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia khuyến cáo rất nhiều về việc khách hàng gửi tín dụng cần thận trọng không nên ham lãi suất cao, cần tìm hiểu thông tin về ngân hàng. Tuy nhiên, do việc ham lãi suất, bỏ qua cảnh báo dẫn đến gửi nhầm niềm tin vào ngân hàng yếu kém thì người gửi phải chịu trách nhiệm. Gửi tiền ngân hàng lấy lãi cũng là kinh doanh, đã kinh doanh phải có rủi ro.

Đồng quan điểm trên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho biết, theo nguyên tắc tự nhiên của nền kinh tế thị trường thì ngân hàng, doanh nghiệp yếu kém sẽ bị đào thải. Do đó quan điểm của Chính phủ về việc thí điểm cho phá sản ngân hàng thể hiện quyết tâm đưa nền kinh tế Việt Nam trở thành nền kinh tế thị trường toàn diện.

Theo TS. Hiếu, để thực hiện phá sản ngân hàng, chúng ta phải xây dựng Luật Phá sản ngân hàng, dựa vào đó thực hiện các bước thẩm định, đánh giá tiến tới quyết định phá sản một ngân hàng yếu kém nào đó.

Về quyền lợi của các bên trong trường hợp ngân hàng bị phá sản, theo TS. Hiếu sau khi ngân hàng phá sản, tài sản của ngân hàng sẽ được định giá để trả lại các bên, trong đó có cả khách hàng gửi tín dụng theo tỷ lệ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, nếu Chính phủ thực hiện phá sản ngân hàng yếu kém sẽ có tác dụng cảnh báo trong hệ thống. Tránh việc đua nhau thành lập ngân hàng cổ phần mà không tính toán nhu cầu thị trường dẫn đến hoạt động thua lỗ yếu kém như trong giai đoạn trước.

Mai Anh