Mua tàu cũ Trung Quốc, trách nhiệm của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ở đâu?

06/02/2016 07:06
Việt Hoài
(GDVN) - Tại sao chỉ có ông Nguyễn Viết Hiệp bị miễn nhiệm và trách nhiệm của lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ở đâu trong đề xuất mua tàu cũ Trung Quốc?

Theo thông tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trong buổi họp chiều ngày 4/2 của Hội đồng quản trị Công ty CP vận tải Đường sắt Hà Nội, ông Nguyễn Viết Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty CP vận tải Đường sắt Hà Nội - đã được điều động sang vị trí mới: Phó Trưởng ban Ban Vận tải Đường sắt Việt Nam.

Tại cuộc họp, các thành viên chỉ biểu quyết miễn nhiệm ông Hiệp thôi không ở vị trí là người đại diện 35% vốn của đường sắt Việt Nam tại Công ty CP vận tải Đường sắt Hà Nội - đồng nghĩa là ông Hiệp không còn là Tổng giám đốc nữa.

Trong trường hợp này, ông Hiệp gọi là bị cách chức cũng đúng mà được điều chuyển cũng chẳng sai, bởi hai từ “miễn nhiệm” của Hội đồng quản trị Tổng Công ty CP vận tải Đường sắt Hà Nội.

Hình ảnh đường sắt Việt Nam (ảnh nguồn VOV giao thông - Đài Tiếng nói Việt Nam).
Hình ảnh đường sắt Việt Nam (ảnh nguồn VOV giao thông - Đài Tiếng nói Việt Nam).

Dư luận đồ rằng, “lệnh” của Bộ trưởng Đinh La Thăng đã được Hội đồng quản trị Tổng Công ty CP vận tải Đường sắt Việt Nam giải quyết khá êm thấm, vừa né được khoản 9 Điều 34 Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Công chức, vừa làm êm lòng cơn phẫn nộ của dư luận đang lên cao trào… vì tội mua đồ cũ của Trung Quốc.

Như thông tin trên báo Người Lao động, để đưa ra quyết định cách chức, ngay Bộ trưởng Thăng cũng từng thừa nhận, đây là việc làm không dễ dàng gì. Muốn cách chức một cán bộ làm bừa, làm ẩu cũng không cách chức được. Nói cách chức ngay thì Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ bảo là sai, phải kiểm điểm từ dưới lên rồi Bộ thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét, xử lý kỷ luật được hay không, sau đó Bộ trưởng mới ký quyết định.

Như vậy, ông Nguyễn Viết Hiệp được Hội đồng quản trị Tổng Công ty biểu quyết miễn nhiệm vị trí người đại diện 35% vốn nhà nước… chứ không phải là cách chức phải tuân thủ theo trình tự quy định của pháp luật đối với công chức.

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đơn vị này không có bất cứ văn bản nào cho phép đầu tư cũng như chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhập khẩu toa xe hàng của Trung Quốc đã qua sử dụng. Chính ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã trả lời trên báo chí rằng: Tôi chưa được báo cáo về việc mua tàu cũ của Trung Quốc. Tàu mới sử dụng một năm tôi cũng không mua chứ đừng nói đến tàu đã qua sử dụng 20 năm.

Thế nhưng, công văn số 1442 của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ký ngày 3/6/2015 gửi Cục Đường sắt Côn Minh, trong đó ghi rõ: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã làm việc với Cục Đường sắt Côn Minh, về việc mua các toa xe đã qua sử dụng khổ đường 1000mm của Cục Đường sắt Côn Minh về vận dụng trên đường sắt Việt Nam. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giao cho Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội trực tiếp thương thảo ký hợp đồng và mua các toa xe đã qua sử dụng…

Chuyện đã rõ mười mươi, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã làm việc trực tiếp với Cục Đường sắt Côn Minh và giao cho hai đơn vị cấp dưới thực hiện. 

Liệu ông Trần Ngọc Thành có biết công văn số 1442? Hay ông ngồi vị trí cao nhất của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam mà lại bị cấp dưới qua mặt khi đã làm việc với Cục Đường sắt Côn Minh để mua lại các toa xe cũ, lại không hề báo cáo để ông biết?

Còn những uẩn khúc trong việc "miễn nhiệm" đối với ông Nguyễn Viết Hiệp trong vụ việc đề xuất mua toa tàu cũ của Trung Quốc. Dư luận vẫn băn khoăn câu hỏi: Trách nhiệm của lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ở đâu?

Việt Hoài