Những hành khách khiến hãng bay... ngao ngán

16/10/2014 10:35
Mai Anh
(GDVN) - Hành hung nhân viên, lén lút giấu hành lý, đe dọa có bom, sử dụng điện thoại… là một phần trong rất nhiều hành động khiến hành khách trở nên xấu xí khi bay.

Nỗi khổ khó nói

Nhắc đến đi máy bay, dịch vụ hàng không nhiều người nghĩ ngay đến dịch vụ cao cấp với giá thành cao, chất lượng phục vụ tốt. Vì thế những thông tin như chậm chuyến, hủy chuyến, thái độ phục vụ của nhân viên hàng không chưa tốt ngay lập tức nhận búa rìu phê phán của dư luận xã hội mà mục tiêu là các hãng hàng không.

Khi đó các hãng hàng không luôn là mục tiêu công kích của dư luận. 

Tuy nhiên ít ai biết ngoại trừ người trong ngành rằng hàng không cũng như bất cứ ngành dịch vụ nào khác khi phải “làm dâu trăm họ” phục vụ đủ mọi đối tượng khách hàng. Và có những nỗi khổ khó nói.

Dù được tiếp viên hướng dẫn nhắc nhở nhưng hành khách vẫn tự ý mở cửa thoát hiểm gây mất an toàn an ninh hàng không (ảnh minh họa)
Dù được tiếp viên hướng dẫn nhắc nhở nhưng hành khách vẫn tự ý mở cửa thoát hiểm gây mất an toàn an ninh hàng không (ảnh minh họa)

Trong số chuyến bay bị chậm và hủy chuyến không phải tất cả nguyên nhân đều từ khách quan do thời tiết, do thiết bị phục vụ tại cảng hàng không… Trong số đó có lỗi không nhỏ của chính hành khách. Thực tế nhiều hành khách đã bị cấm bay, phạt tiền và áp dụng nhiều biện pháp khác vì những vi phạm như dọa có bom, hành hung nhân viên, dọa bắn máy bay bằng tên lửa…

Vừa qua Vietnam Airlines (VNA) gửi công văn đến các đại lý bán vé máy bay khu vực miền Bắc đề nghị cấm bay với một hành khách và tăng cường giám sát an ninh đặc biệt với 3 hành khách khác.

Cụ thể, hành khách Mai Thị Minh Hà, sinh năm 1968, thường trú tại thị xã Ba Đình, Bỉm Sơn, Thanh Hóa bị cấm bay vì không chấp hành quy định xử phạt ngày 14/8/2014 của Cảng vụ Hàng không miền Bắc về việc sử dụng trái phép thiết bị điện tử trên máy bay. Bà Hà bị cấm vận chuyển 4 tháng từ ngày 28/9 đến 28/1/2015.

Cùng đó, 3 hành khách khác cũng bị tăng cường kiểm tra, giám sát an ninh và kiểm tra trực quan bắt buộc có thời hạn gồm: Hành khách Lê Thế Độ, sinh năm 1940, thường trú Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội bị tăng cường giám sát trong 12 tháng đến 28/9/2015 vì cung cấp thông tin sai có bom trong quá trình làm thủ tục hành lý.

Hành khách Nguyễn Hữu Liên sinh năm 1972, thường trú Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội và hành khách Lê Văn Hoan, sinh năm 1976, thường trú quận Tân Bình, TP.HCM cũng bị tăng cường giám sát 12 tháng do cung cấp thông tin sai về có vũ khí trong hành lý khi làm thủ tục.

Trong khi đó trên chuyến bay BL522 của Jetstar Pacific xuất phát Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất – TP. HCM tới Vinh (Nghệ An). Vì người quen không làm được thủ tục lên máy bay do trễ giờ, một hành khách đã gọi điện dọa sẽ bắn tên lửa cho nổ tung máy bay.

Tương tự trên chuyến bay mang số hiệu VJ8571 từ Hà Nội đi Nha Trang ngày 12/6 của VietJet, hành khách Lê Nguyễn Tuấn Tùng (sinh năm 1983) đã có những phát ngôn và hành động làm chậm giờ chuyến bay.

Để đảm bảo an toàn cho chuyến bay, cơ trưởng đã từ chối vận chuyển và bàn giao khách cho Cảng vụ Hàng không miền Bắc xử lý. Chuyến bay bị chậm gần 3 giờ so với dự kiến bay ban đầu và ảnh hưởng dây chuyền đến các chuyến bay sau đó.

Hình ảnh người Việt “xấu xí” trên chuyến bay

Bên cạnh việc đe dọa có bom, đe dọa bắn tên lửa… hành vi hành hung nhân viên, tự ý mở cửa thoát hiểm của “thượng đế” người Việt khiến các hãng hàng không ngán ngẩm.

Trên chuyến bay VJ8684 từ TP. HCM đi Hà Nội ngày 30/8/2014 của Hãng hàng không VietJet, hành khách Nguyễn Văn Thục đã có những hành động gây rối, la hét. 

Theo đó trong suốt chuyến bay, hành khách Thục có biểu hiện không bình thường, liên tục kêu gào than trách người thân và làm phiền đến các hành khách khác. Tiếp viên của Hãng đã nói chuyện trấn an hành khách, tuy nhiên hành khách không chịu hợp tác mà còn có hành vi xô đẩy tiếp viên, đe dọa an toàn bay. 

Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra an ninh sân bay, để đảm bảo chuyến bay an toàn cơ quan quản lý cần nâng mức xử phạt với vi phạm liên quan đến an toàn an ninh hàng không (ảnh kiểm tra an ninh tại sân bay)
Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra an ninh sân bay, để đảm bảo chuyến bay an toàn cơ quan quản lý cần nâng mức xử phạt với vi phạm liên quan đến an toàn an ninh hàng không (ảnh kiểm tra an ninh tại sân bay)

Để đảm bảo an toàn cho chính hành khách Thục và các hành khách còn lại, cơ trưởng đã quyết định khống chế hành khách và bàn giao hành khách cho cảng vụ miền Bắc khi máy bay hạ cánh. Việc hành khách gây rối làm ảnh hưởng đến cả chuyến bay và gây phiền hà cho gần 180 hành khách đi cùng.

Mới đây nhất ngày 29/9/2014, trong lúc di chuyển đến cửa ra tàu bay để chuẩn bị thực hiện chuyến bay VJ8687 từ Hà Nội – TP.HCM, hành khách Trương Thị Thiên Tr. (sinh năm 1980) đã có hành vi hành hung nhân viên  hàng không.

Sự việc xảy ra tại sảnh E, sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Hành khách Trương Thị Thiên T. đã làm xong các thủ tục để thực hiện chuyến bay. Tại cửa ra tàu bay, do hành khách mang theo hành lý quá to, cồng kềnh và vượt quá số lượng qui định, không tuân thủ các quy định về hành lý xách tay, cũng không đồng ý ký gửi hành lý nên nhân viên hàng không đã thông báo hành khách T. không được lên tàu bay. Hãng hàng không VietJet đã từ chối vận chuyển hành khách này.

Hành khách T. đã ngay lập tức rượt đuổi nhân viên hàng không suốt từ cửa ra tàu bay đến khu vực soi chiếu an ninh. Không dừng lại ở đó, nữ hành khách còn có hành vi hành hung, giật, kéo và xé rách áo nam nhân viên hàng không. 

An ninh sân bay buộc phải can thiệp, áp giải hành khách T. bàn giao cho Cảng vụ Hàng không miền Bắc xử lý. Cảng vụ đã quyết định xử phạt hành khách Trương Thị Thiên T. số tiền 7,5 triệu đồng (theo quy định tại điểm b, khoản 5, điều 24, Nghị định 134/2013/NĐ – CP ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hàng không dân dụng). 

Việc hành khách gây rối không chỉ gây mất trật tự công cộng, gây phiền hà cho các hành khách khác, mà còn tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn bay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh ngành hàng không. 

Bên cạnh việc gây rối, theo đại diện các hãng hàng không một hình ảnh không đẹp của hành khách đó chính là việc giấu hành lý cồng kềnh, quá trọng lượng qui định. Có nhiều trường hợp chuyến bay bị chậm hàng tiếng đồng hồ do xử lý sự cố liên quan tới hành khách, ảnh hưởng dây chuyền đến các chuyến bay sau đó. 

Có thể nói để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách trên các chuyến bay cần phải có cả hai yếu tố: Các hãng hàng không nâng cao chất lượng phục vụ, hành khách nâng cao ý thức nơi công cộng, tuân thủ quy định bay. Chưa nói đến những vi phạm về an toàn, an ninh hàng không. Theo đại diện hãng hàng không ý thức không ít người Việt khi đi máy bay như vứt rác bừa bãi trên máy bay, ghế máy bay, hay cách hành xử nói năng thiếu tôn trọng nhân viên hàng không là hình ảnh thường thấy khiến người Việt “xấu xí” trên những chuyến bay.

Chúng ta thường nói hàng không là đại diện hình ảnh của một đất nước, nhìn vào hàng không thế giới biết đến Việt Nam. Tuy nhiên cũng nhìn vào hành khách người Việt thế giới cũng có đánh giá riêng. Do đó cùng với việc cơ quan quản lý cần ra quy định xử lý nghiêm hơn hành vi gây rối, mất an toàn bay của hành khách thì chính mỗi hành khách đi máy bay cần nâng cao ý thức chấp hành quy định, ý thức chung nơi công cộng.

Mai Anh