Chuyện rúng động đất cảng: Cụ già 80 đạp xe đi hỏi vợ

05/06/2011 00:47
Chuyện tình của cụ làm rúng động làng trên xóm dưới, vượt qua khỏi giới hạn khắt khe của lệ làng.

Khi ở độ tuổi ngoài 80, người ta chỉ nghĩ đến cuộc sống an nhàn vui vầy với cái con nhưng ở thành phố cảng Hải Phòng, cụ Trần Quang Xê vẫn miệt mài đi tìm nửa kia của mình. Chuyện tình của cụ làm rúng động làng trên xóm dưới, vượt qua khỏi giới hạn khắt khe của lệ làng.

80 tuổi cưỡi xe đạp đi tìm vợ
 
Trong ngôi nhà cấp 4 do các con xây cất cho, cụ Xê ngày ngày làm vườn, chăm cá dưới ao để vun đắp cho tình yêu mới chớm nở của mình. Cách đây ít năm, vợ của cụ Xê mất do tuổi già để lại cụ trống vắng trong căn nhà rộng. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, vợ ông có gửi lại những lời trăng chối “nhờ các con kiếm cho bố một bà để nương tựa lúc tuổi già”. Vợ cụ đã nhờ em gái ở lại chăm sóc anh rể nhưng bà cô không chịu nghe. Mồ yên mả đẹp cho vợ xong, cụ Xê cũng hao mòn sức khỏe, các con mỗi đứa lại về với gia đình riêng để cụ đêm đêm với di ảnh của vợ mà ứa nước mắt.

Cụ Xê xúc động: “Tôi vốn được vợ cũ chăm như con mọn nên khi bà ấy còn sống, tôi chẳng phải lo liệu cơm nước gì cả. Giờ bà ấy mất rồi, đụng vào thứ gì là hỏng cái đó, tôi không tự lo được cho bản thân”. Do thế, cụ Xê với chiếc xe đạp cũ, rong ruổi khắp làng trên xóm dưới đến thăm bạn bè cũ nhưng mục đích chính là hỏi thăm xem quanh làng xóm có bà nào chồng mất sớm tầm tuổi 50 – 60 tuổi, thì để ông đến “tán”.

Cụ Trần Quang Xê.
Cụ Trần Quang Xê.


Sau nhiều tháng mòn mỏi kiếm tìm bằng nhiều phương cách khác nhau, bóng dáng người bạn đời tương lai chưa thấy đâu trong mắt cụ Xê. Nhiều hôm, đứa con cả phát hoảng thấy bố chuẩn bị áo lạnh, áo mưa, ô nón, lại còn có cả âu cơm, và chút tiền phòng thân. Người con hỏi cụ đi đâu? Cụ Xê bảo: “Tao đi chơi vài ngày ở nhà bạn”. Nhưng thấy cụ chuẩn bị cả hộp cơm nên người con sinh nghi và hỏi dồn dập. Cuối cùng, cụ Xê cũng tâm sự thật là: “sau khi mẹ mày mất, chúng mày mỗi đứa một nhà, một tổ ấm chăm lo, thân già này ăn ít lắm nhưng không thể bỏ bữa. Tao chả lo toan được nên đang tính đi tìm người ở cùng”. Cụ Xê nói đi tìm “người ở cùng” khiến người con cả sững sờ và gàn bố  nhưng không được. Cụ vẫn quyết chí đi đến các xã bêncạnh tìm người bạn đời ưng ý.

Sau nhiều tuần mòn gót chân đi tìm vợ, cụ Xê cũng bất thành bởi người hợp tuổi lại vương vấn con nhỏ, người già quá thì sức khỏe yếu. Tiêu chí của cụ Xê không quá cao xa nhưng quan trọng là phải hợp nhau, thứ nữa là không vướng bận chuyện con cái và phải có đủ sức khỏe để chăm lo cơm nước gia đình. Làm theo cách truyền thống không thành, cụ Xê nhờ các con đi công tác hoặc đi đâu đó cố gắng hỏi và chụp ảnh lưu vào điện thoại, lấy số điện thoại rồi về đưa cho cụ xem. Ban đầu, 8 người con của cụ Xê phản đối cha đi tìm vợ nhưng rồi thương cảnh tuổi già quạnh hiu một mình, các con cũng thông cảm và trợ giúp bố đi tìm bạn đời.

Hành trình tìm vợ của cụ Xê tưởng như đi vào ngõ cụt nhưng khi một người con mang chiếc điện thoại có tấm hình một bà lão khiến cụ Xê phát mừng. Bà tên là Nguyễn Thị Thực, người xã bên, 2 nhà cách nhau khoảng 5km. Cụ Xê vẫn nhớ như in ngày 12/12/2009, cụ nhấc máy lên alo cho bà Thực. Cụ Xê không còn nhớ nội dung cuộc gọi đó như thế nào nhưng đại ý là cụ kể những hoàn cảnh mình đang gặp phải và có ý “mời bà” về ở cùng một nhà cho vui. Nghe được những lời chân tình của cụ Xê, bà Thực cũng e thẹn như gái đôi mươi, cũng hứa hẹn và cũng có ý là “trước là mâm cơm cúng tổ tiên, sau là mời hàng xóm láng giềng để tôi về với ông cho nó phải lẽ”.

Ngay hôm sau, cụ lại đạp xe sang nhà bà Thực để hai người gặp nhau. Qua trò chuyện, cụ nhanh tay lấy điện thoại do các con trang bị cho chụp hình bà Thực. “Đến khi tôi mang bức hình của bà Thực, cũng như nói về tính cách của bà cho các con, chúng đều gật đầu và quyết định chở bố xuống nói chuyện chính thức với gia đình nhà bà”- cụ Xê kể lại.

Cụ Xê cũng cảm mến tính chịu thương chịu khó của bà Thực. 20 năm sống góa chồng, một mình làm lụng nuôi 4 người con trưởng thành. Bà thực đã ngoài 60 nhưng trông nom vẫn còn nhanh nhẹn và  khỏe mạnh lắm. BàThực cũng chân thành: “Lần đầu tiên gặp, tôi đã có cảm giác mình phải có trách nhiệm chăm sóc ông bởi thương hoàn cảnh gia đình ông. Vợ mất, ở một mình, con cháu cũng chỉ   chăm sóc phần nào”. Tuy nhiên, mặc dù hai cụ ngay khi gặp mặt đã thấy thương nhau, nhưng để đến  được với nhaucũng gặp một số trắc trở.

Sóng gió tình yêu tuổi cổ lai hy

 
Cụ Xê và bà Thực về sống với nhau từ đầu năm 2010 sau hơn 10 mâm cơn báo hỷ cho họ hàng hai bên. Bữa cơm không có dây hoa, loa đài nhưng cũng đủ ban bệ họ hàng nhà trai, nhà gái. Sau một tuần rượu mừng, cụ Xê cầm tay bà Thực và nói với toàn thể hội hôn: “Hôm nay, ngày lành tháng tốt, tôi có  mâm cơm, chén rượu nhạt để họ hàng hai bên biết bà Thực về nhà tôi sống”. Đêm “động phòng hoa chúc”, bà Thực được cụ Xê trao cho 2 chỉ vàng cùng một số tiền nho nhỏ để mua sắm trang trải cuộc sống. Đáp lại tình cảm của ông, bà Thực cũng hứa là sẽ bên ông suốt đời.
 

Cụ Xê và cụ Thực.
Cụ Xê và cụ Thực.


Dù về với nhau vì cảm mến nhưng sẽ không tránh khỏi xét nét của hàng xóm vì từ trước đến nay tiền lệ trong làng chưa có cảnh gái về nhà chồng mà không tổ chức cưới hỏi. Tuổi già có thể thông cảm cho nhau nhưng giới trẻ lại nghĩ khác. Nhiều người thâm thù nói ác cho rằng bà Thực hám của cải nhà cụ Xê nên về sống để lợi dụng. Chuyện này có lẽ chỉ như gió bạt qua tai nếu không có chuyện tháng 9/2010, bà Thực khăn gói quả mướp lên thăm nhà họ hàng ở trên Bắc Giang. Trước khi đi, bà Thực có mang theo một chút tiền, mang theo số vàng cụ Xê cho làm của dưỡng già. Cả cái xóm nghèo của xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng xôn xao việc bà Thực cầm của chạy lấy người sau một thời gian về sống với cụ Xê.

“Tôi vẫn tin là bà ấy lên Bắc Giang để thăm họ hàng vì bà không thể bỏ tôi được, còn con cái ở xã bên nữa, bà ấy phải nể mặt con cái chứ”. Trong giọng nói của cụ Xê vẫn phảng phất một nỗi gì buồn, một nỗi nhớ nhung bà Thực. Hôm chúng tôi đến, từ cổng vào đã thấy mùi thơm của thịt kho.

Chúng tôi hỏi cụ đang nấu cơm à, thì được nghe một loạt tâm sự: “Tôi bảo mấy đứa cháu mua cho ít thịt, trời giở gió nên ăn thịt luộc bã lắm, phải kho mềm mới nuốt được cơm”. Cụ Xê mở tủ khoe ảnh của cụ và bà Thực ngồi giường và chỉ vào tấm hình cho biết: “đây là tấm chụp lâu rồi, bà còn đeo vàng tôi biếu đây”.

Chúng tôi định viết bài báo này lâu lắm rồi nhưng lại đợi bà Thực quay về với cụ Xê mới đủ tư liệu để chắp bút. Đúng như mong ước của cụ Xê, bà Thực chỉ đi thăm họ hàng vài tuần rồi lại về với cụ. Qua điện thoại, cụ Xê hồ hỏi thông báo rằng bà đã về, khỏe mạnh và vẫn thương cụ như hồi nào.

Qua câu chuyện cụ Xê kể lại, bà Thực đi thăm thú họ hàng cũng một phần là do sức ép từ dư luận xóm làng. Bà muốn “trốn” ông một thời gian để quên đi những giằng xé trong nội tâm. Bà Thực chia sẻ: “Tuổi già như chiếc chum sành, dễ vỡ lắm, tôi có thể cắn răng chịu khổ nuôi con nửa đời rồi nhưng nghe hàng xóm nói qua nói lại, ức lắm”. Bà Thực cũng cho biết thêm, gần 1 tháng sống trên Bắc Giang, bà thương ông lắm, không biết ai sẽ nấu cơm cho ông ăn, ai sẽ kho thịt đúng vị và mềm cho ông. Rồi ao cá, vườn tược, có ai chăm không?. Nghĩ là làm, bà Thực lại quay về với ông và có lời xin lỗi vì hành động đi chơi mà không báo cho ông biết. Thế mới hiểu, tuổi già mến nhau về ở cùng không đơn giản. Nhưng thời thế đổi thay, xóm làng đã có cái nhìn khác về chuyện này. Mọi người lại khen cụ Xê có chí “làm lại cuộc đời” với bà Thực.

Chúng tôi đem câu chuyện tình này kể cho ông Nguyễn Viết Thái, Chủ tịch UBND xã Thắng Thủy biết thì ông chỉ cười: “Chúng tôi còn biết hơn những gì các bạn kể, chuyện tình của cụ Xê làm chúng tôi xúc động lắm”. Quan điểm của chính quyền xã là việc cụ bà về ở với gia đình ông Xê là hoàn toàn bình thường, song về mặt pháp lý thì hai người cần phải có giấy đăng ký kết hôn và chuyển khẩu nơi bà Thực sinh sống. Chính quyền xã cũng hết sức khuyến khích các ông, các bà đã có chồng hoặc vợ mất, nếu có cảm mến nhau nên về ở với nhau. Xã sẽ tổ chức những đám cưới vàng, đám cưới bạc để hàng xóm có thêm những niềm vui của hạnh phúc hôn nhân.

Phùng Nguyên/ Phunutoday