"Xăng mà tăng giá, tôi chỉ còn nước bán xe ba gác..."

11/09/2012 15:55
H.T (tổng hợp)
(GDVN)  - Nếu giá xăng tăng, những người chạy xe ôm, xe ba gác chở hàng không thể tăng giá vận chuyển thì lựa chọn duy nhất của họ lúc này là bán xe hoặc chuyển nghề khác.

Kể từ khi quyền định giá được giao trở lại cho DN, các "đơn" đăng ký giá xăng dầu lại tới tấp gửi tới Bộ Tài chính sau 10 ngày mỗi lần tăng giá. Đây là lần thứ 5 liên tiếp, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tiếp tục xin tăng giá bán lẻ. Giá dầu muốn được tăng 1.300 đồng/lít.

Như vậy, nếu Bộ Tài chính đồng ý với đề xuất của các doanh nghiệp thì đây sẽ là mức tăng thứ 5 liên tiếp, với tần suất tăng khoảng 10 ngày/lần, kể từ thời điểm doanh nghiệp được quyền quyết định giá bán. Theo tính toán, sau khi trừ đi khoảng 300 đồng/lít lợi nhuận định mức, mức tăng giá sẽ dao động trong khoảng 700 - 1.000 đồng/lít tùy loại.

Với mức đề xuất này, nếu giá xăng dầu lại điều chỉnh tăng, giá xăng A92 bán lẻ sắp tới sẽ lập kỷ lục mới, vượt qua mốc 24.000 đồng/lít.

Người dân tiếp tục đón đợt tăng giá xăng mới?
Người dân tiếp tục đón đợt tăng giá xăng mới?

Việc tăng giá xăng dầu liên tục đã gây ra những xáo trộn không nhỏ trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Bên cạnh hàng trăm khoản chi tiêu khác, người dân lại quay cuồng với giá xăng khi nó có thể tăng vào bất cứ lúc nào. Và đến thời điểm này là mốc tăng kỳ lục.

Ngoài việc giá xăng, điện tăng trực tiếp làm đội lên chi phí sinh hoạt hàng tháng của các hộ gia đình, người dân còn lo sợ giá cả các mặt hàng khác cũng leo thang "ăn theo" một cách tự ý và vô tội vạ. Ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là những người chạy xe ôm, ba gác máy. Theo ghi nhận của báo Tuổi trẻ, trong bãi xe ba gác chở hàng sát bến xe An Sương (Q.12, TP.HCM), ông Nguyễn Chánh Thi ngồi ngủ gật chờ khách dưới mái hiên nóng hầm hập. Ông mua chiếc xe để chở hàng cách đây hai năm với giá hơn 80 triệu đồng. Trung bình mỗi ngày ông kiếm được khoảng 100.000 đồng.
“Hằng ngày tui tốn khoảng 50.000 đồng tiền đổ xăng. Xăng tăng giá như vậy, tốn thêm mấy chục ngàn đồng nhưng tui không thể tăng giá chở hàng, vì tăng thì khách không chịu” - ông Thi nói.

Đối với những người chạy xe ôm, xe ba gác chở hàng không thể tăng giá vận chuyển thì lựa chọn duy nhất của họ lúc này là bán xe hoặc chuyển nghề khác.

Ông Thi cho biết đang có ý định bỏ nghề, chuyển qua làm thợ hồ. Còn ông Nguyễn Việt Cường (nhà ở P.Tân Chánh Hiệp, Q.12) đã bán xe ba gác chở hàng của mình tháng trước vì thu nhập giảm hẳn từ khi xăng tăng giá.
Ông Trương Thanh Tùng (đường D5, Q.Bình Thạnh, chạy xe ba gác máy gần mười năm) cho biết giá xăng tăng nhưng ông không thể tăng giá vận chuyển. “Tui định bán xe nhưng không biết bán thì làm gì để sống. Mấy người chạy xe gần đây cũng bán xe rồi. Khu này trước đây có 4-5 chiếc xe ba gác máy chuyên chở hàng, nay chỉ còn hai chiếc” - ông nói.

Tháng 8 vừa qua, việc xăng tăng giá mạng đã giáng một đòn đau vào doanh nghiệp. Theo khảo sát của Vnexpress, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều lao đao, doanh số sụt giảm khi giá xăng tăng. 

Ông Trương Vĩnh Thọ, Trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty Da giày Sunhyun Vina tâm sự, đơn hàng của công ty đang giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp phải thường xuyên vận chuyển hàng từ nhà máy ra cảng hoặc vận chuyển ra sân bay để xuất khẩu. 

Không những tác động giá thành đầu ra, theo nhiều doanh nghiệp, lần nhiên liệu tăng cao này sẽ khiến doanh thu của công ty mình sụt giảm do giảm sức mua. "Ít nhất là giảm từ 10-15% doanh thu của chúng tôi vì công ty vận chuyển hàng đi khắp nơi trên cả nước", ông Vũ Bá Đức - Giám đốc Công ty Inox Đức Việt nói.

Giám đốc doanh nghiệp chế biến rau quả Hoàng Gia Nguyễn Trần Thái Bình thì cho rằng xăng tăng sẽ tác động đến 2 mặt: giá thành sản phẩm và tâm lý người tiêu dùng. "Người dân sẽ e ngại hơn, dè dặt hơn khi chi tiêu, sức mua chắc chắn bị kéo giảm, chúng tôi xuất hàng rau quả đi châu Âu một tháng khoảng gần 20 tấn, thời gian tới, con số này nhiều khả năng sụt giảm vì giá xăng", ông Bình khẳng định…
H.T (tổng hợp)