Trong tháng 3/2016, Chính phủ Singapore đã công khai cân đối thu chi nhân sách trong năm tài chính 2016 theo quy định của Hiến pháp. Cán cân ngân sách nhà nước Singapore năm nay được dự báo thặng dư khoảng 3,45 tỷ USD.
Về chi ngân sách, Singapore chi cho phát triển xã hội chiếm gần một nửa, còn nguồn thu thì phần lớn từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế hàng hóa và dịch vụ”, theo graphics.straitstimes.com, cập nhật ngày 4/3.
Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Sweet Keat cho biết: "Chúng tôi xây dựng hệ thống kết nối tất cả các kế hoạch trong các lĩnh vực khác nhau. Chúng tôi cần phải kết nối mọi người lại với nhau.
Chúng ta cần tích hợp kế hoạch thành một hệ thống giúp cho các bộ phận khác nhau có thể làm việc cùng nhau. Chúng ta cần đưa các hiệp hội ngành công nghiệp cũng như các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ kết nối với nhau và điều đó sẽ có sức mạnh nhiều hơn mọi nỗ lực khác”.
Hệ thống doanh nghiệp Singapore là đối tác của Chính phủ Singapore – một quan hệ mới có thể giúp mọi nguồn lực của đảo quốc này được khai thác hiệu quả nhất. Ảnh: Bloomberg. |
Giám đốc tổ chức Hỗ trợ thanh niên quốc gia - liên minh Quốc hội và Chính phủ - Desmond Choo nhận định: “Ngân sách năm 2016 được xây dựng một cách rất cân bằng".
Ông Choo cũng cho rằng, Chính phủ đã hoạt động như một đối tác của doanh nghiệp hơn là nhà lãnh đạo hệ thống các doanh nghiệp trong việc đối đầu với những thách thức của tương lai, theo The Straits Times ngày 28/3.
Có thể thấy rằng, Chính phủ Singapore đã đặt mình ngang bằng với doanh nghiệp trong vai trò thúc đẩy phát triển đất nước. Với động thái này, chính phủ Singapore có thể huy động tốt nhất nguồn lực xã hội cho việc phát triển đất nước, xây dựng một xã hội tiến bộ và nhân văn.
Sử sụng ngân sách hợp lý và hiệu quả
Theo The Straits Times ngày 24/3, Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Sweet Keat khẳng định rằng, Chính phủ Singapore đã có những việc làm, thể hiện nỗ lực nhằm gắn kết Chính phủ với các hiệp hội kinh tế, phòng thương mại - công nghiệp và các doanh nghiệp để thực hiện tốt hơn quá trình chuyển đổi cơ cấu nền công nghiệp của đất nước.
Còn ông Desmond Choo phân tích:“Chính phủ không phải chỉ sử dụng ngân sách hỗ trở doanh nghiệp tìm giải pháp, mà thay vào đó bây giờ chính phủ làm việc với các hiệp hội kinh tế, các doanh nghiệp và các hội đoàn chặt chẽ hơn.
Thay vì áp dụng một cách tiếp cận từ trên xuống để khuyến khích các doanh nghiệp, với cách cách tiếp cận hiện nay khiến Chính phủ lựa chọn được công cụ phù hợp nhất giúp hệ thống doanh nghiệp phát triển”.
Các "tuyệt chiêu" giành thắng lợi của doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài |
Có thể thấy rằng khi chính phủ xem doanh nghiệp là đối tác, theo cách tiếp cận này thì quan hệ chính phủ - doanh nghiệp là quan hệ cộng sinh. Từ đó sẽ giúp cho việc sử ngân sách nhà nước một cách hợp lý và hiệu quả nhất với một cơ chế kiểm soát được thiết lập, trong đó vai trò và quyền lợi của chính phủ và doanh nghiệp là ngang nhau.
Doanh nghiệp đóng thuế cho nhà nước để thực hiện nghĩa vụ của mình, chính phủ có trách nhiệm phân phối lại ngân sách cho phát triển xã hội, trong đó có việc sử dụng các công cụ hỗ trợ hệ thống doanh nghiệp.
Doanh nghiệp mạnh thì nguồn thu ngân sách mới dồi dào, từ đó chính phủ mới có nền tảng tốt nhất thể hiện quyền lực của mình.
Doanh nghiệp được chính phủ tạo điều kiện cho sự ra đời và đảm bảo hoạt động, chính phủ thu tiền thuế của doanh nghiệp để tồn tại và phục vụ người dân và doanh nghiệp. Sự tồn tại của doanh nghiệp và chính phủ là sự ràng buộc lẫn nhau thông qua thu ngân sách và phân bổ ngân sách.
Vì vậy, khi xét thấy nhu cầu của doanh nghiệp là chính đáng thì chính phủ phải có trách nhiệm đáp ứng chứ không phải chuyện cấp phát hay xin - cho.
Tuy nhiên, đâu là lĩnh vực thực sự doanh nghiệp cần và cần như thế nào, cụ thể là bao nhiêu và bằng cách nào, chình phủ khó có thể tự xác định chính xác được. Bởi vậy cần có sự phối hợp giữa chính phủ và hiệp hội cách doanh nghiệp cũng như nghiệp đoàn của người lao động, xác định chính xác nhu cầu của doanh nghiệp về cả mặt định tính và định lượng.
Sử dụng ngân sách hiệu quả là một trong những mục đích của quan hệ đối tác Chính phủ - Doanh nghiệp tại Singapore. Ảnh: The Starits Times. |
“Chính phủ Singapore đã đưa ra gói hỗ trợ tài chính với trị giá 4,5 tỷ USD cho các doanh nghiệp trong việc đổi mới hoạt động, trong đó có hơn 400 triệu USD nhằm vào việc giúp các doanh nghiệp nhân rộng việc sử dụng tự động hóa trong các hoạt động của họ trong vòng 3 năm.
Đây là thể hiện rõ ràng nhất các tiếp cận mới của Chính phủ Singapore trong quan hệ đối tác với doanh nghiệp”, The Straits Times bình luận.
Ông Kurt Wee, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Singapore nhận xét: “Ngân sách phân bổ đúng địa chỉ có nhu cầu sẽ thúc đẩy phát triển và qua đó củng cố quan hệ đối tác giữa Chính phủ, hiệp hội các doanh nghiệp và nghiệp đoàn của người lao động. Nếu chúng ta có thể thu hẹp khoảng cách giữa các đối tác, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ có thể tiến xa hơn nữa".
Đề phòng tham nhũng và chống tham nhũng hiệu quả
Lucy P Marcus, Giám đốc điều hành Trung tâm Tư vấn doanh nghiệp Marcus, Giáo sư giảng dạy chương trình Lãnh đạo và quản trị của IE Business School, nhận định:
Lựa chọn ngôn ngữ - tầm nhìn vượt thời đại của Lý Quang Diệu |
“Tham nhũng là một tai họa toàn cầu, tham nhũng phát triển mạnh bất cứ nơi nào có quyền lực, mờ ám và có sự áp đặt. Nó được hoàn tác bằng các quan hệ dân sự mà doanh nghiệp là một bên trong quan hệ đó, vì vậy chống tham nhũng cần bắt đầu từ thay đổi quản trị doanh nghiệp”, theo The Guardian ngày 18/2.
Singapore là một trong số quốc gia có chỉ số tham nhũng thấp nhất thế giới, nhưng đất nước này cũng không hoàn toàn miễn nhiễm với tai hoạ toàn cầu này.
Vì vậy, theo cá nhân người viết thì việc thay đổi tính chất quan hệ giữa Chính phủ Singapore và hệ thống doanh nghiệp cũng là một trong những mục đích giúp chính quyền nước này làm trong sạch bộ máy, để hoạt động với hiệu quả cao nhất.
Tham nhũng là hệ quả mờ ám trong quan hệ giữa cơ quan công quyền với người dân và doanh nghiệp. Tham nhũng chỉ có thể xảy ra trong mối quan hệ không bình đẳng giữa một bên có quyền lực và những bên khác bị phụ thuộc vào quyền lực.
Tham nhũng chỉ có thể phát triển nếu quyền lực bị khai thác một cách cực đoan mà đỉnh điểm của nó là sự áp đặt, khiến cho nó trở thành bảo bối của lực lượng cầm quyền tồn tại bằng sự tước đoạt quyền lợi của những lực lượng khác trong xã hội.
Doanh nghiệp còn phải tiếp tay cho những kẻ tham nhũng và tạo điều kiện cho tham nhũng tồn tại, phát triển, chừng nào quan hệ giữa người sử dụng ngân sách và người đóng góp ngân sách vẫn là quan hệ giữa "ông chủ" và "công bộc"
Đây là một nghịch lý nhưng không dễ dàng mất đi nếu sự bình đẳng và minh bạch không được xác lập.
Nhưng khi chính phủ đã thay đổi cách điều hành và quản lý xã hội, thì đương nhiên doanh nghiệp cũng phải thay đổi cách quản trị của mình cho phù hợp, để không bị áp đặt và cũng là biện pháp đề phòng tham nhũng và chống lại tệ nạn tham nhũng một cách có hiệu quả. Và mọi sự thay đổi đều phải bắt đầu từ thay đổi trong tư duy, trong quan niệm.
Theo ông Jimmy Koh, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu của Trung tâm nghiên cứu AT UOB: “Những vấn đề của ngày hôm nay sẽ chỉ giúp doanh nghiệp tồn tại. Nếu bạn muốn thành công, bạn phải phân biệt được bản thân.
Không lãng phí nhân tài |
Chúng tôi muốn không chỉ là các doanh nghiệp nhỏ phân biệt bản thân, mà phải là toàn bộ nền công nghiệp. Chúng tôi biết Singapore là một nơi có chi phí thấp trên thế giới, vì vậy chúng ta phải tạo ra giá trị cao”.
Còn ông Desmond Choo thì cho rằng: “Đổi mới không có nghĩa là sử dụng phần mềm công nghệ cao để xử lý dữ liệu hay sử dụng robot để thúc đẩy tăng trưởng. Đó là áp dụng các công nghệ hiện có, thể hiện sự sáng tạo và luôn suy nghĩ rằng có thể làm việc trong mọi điều kiện và điều này cũng phù hợp với sự khuyến khích của chính phủ.
Chúng ta phải thay đổi cách sử dụng đồng tiền”, The Guardian ngày 28/3 tường thuật.
Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam có thể xây dựng quan hệ đối tác như Singapore?
Bản thân người viết cho rằng, cách tiếp cận của Chính phủ Singapore là một cách tiếp cận tuyệt vời. Nó tạo ra cơ chế khai thác tốt nhất mọi nguồn lực của xã hội, tạo nên động lực thúc đẩy sự phát triển đất nước. Và người viết cũng tin rằng, cả hai vấn đề mang tính hệ quả của việc thay đổi cách tiếp cận này của Singapore đều có thể phát huy hiệu quả ở Việt Nam.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và giúp cho người có thu nhập thấp có thể sở hữu nhà, Chính phủ Việt Nam đã dành 30.000 tỷ VND cho chương trình nhà ở xã hội.
Ngoại giao kinh tế khoai lang |
Tuy nhiên chương trình này chưa đạt được mục đích như kỳ vọng đặt ra, có lẽ là do còn thiếu sự chủ động bàn bạc tháo gỡ khó khăn như thế nào giữa Chính phủ và hiệp hội doanh nghiệp, để xem nên bắt đầu từ đâu, cách làm như thế nào rồi mới tính ra phương án ngân sách.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 1/6/2016, gói 30.000 tỷ đồng sẽ hết hiệu lực. Các khách hàng đã ký hợp đồng có thể sẽ phải tiếp tục giải ngân số tiền còn thiếu bằng lãi suất thương mại đã ký trong hợp đồng với các ngân hàng.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 2/2016, mức giải ngân thực tế của các ngân hàng mới chỉ đạt 2/3 tổng số tiền của gói tín dụng. Trước thực tế trên, ngày 15/3, Bộ Xây dựng đã có kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước hai hướng giải quyết với những hợp đồng chưa giải ngân hết trước ngày 1/6.
Hay việc dành quỹ tín dụng ưu đãi ngư dân đóng tàu vỏ sắt thay cho vỏ gỗ đảm đảm bảo đánh bắt xa bờ có hiệu quả, tuy nhiên, có lẽ Chính phủ thiếu thông tin từ Hiệp hội đánh bắt cá xa bờ nên chưa có cơ chế hỗ trợ thật sự phù hợp.
Bởi vậy đến nay gói tín dụng này không mang lại sự đổi thay cho ngư dân vùng biển. Thậm chí, bây giờ còn có người muốn trả lại tàu vỏ sắt cho chính phủ vì không phù hợp, không hiệu quả.
Ngày 29.3, ngư dân Lê Văn Sang (30 tuổi, ngụ P.Thuận Phước, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) cho hay gia đình đã quyết định trả lại tàu cá vỏ thép Sang Fish 01 do hư hỏng liên tục. Ảnh: Nguyễn Tú / Báo Thanh Niên. |
Đặc biệt, việc ban hành luật nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động tốt nhất luôn bị xem là không phù hợp, thậm chí có những dự luật còn như là rào cản hoạt động của doanh nghiệp.
Và doanh nghiệp có quyền biết là chi phí cho việc xây luật hết bao nhiêu vì đó là tiền ngân sách - thuế của doanh nghiệp, song như đại biểu Quốc hội Huỳnh Dũng đang tham gia kỳ họp cuối cùng Quốc hội khoá 13 cho biết: “Hỏi nhiều lần nhưng không có ai trả lời”.
Điều này khiến cho người dân và doanh nghiệp nghi ngờ có tiêu cực trong lĩnh vực xây dựng luật, thậm chí có nhiều dư luận cho rằng việc xây dựng luật đã tạo điều kiện cho “lợi ích nhóm” – thuật ngữ đang được sử dụng nhiều trong hoạt động phòng chống tham nhũng tại Việt Nam. Nghĩa là có nguy cơ tham nhũng có công cụ pháp lý bảo vệ.
Bởi vậy người viết cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam xây dựng quan hệ đối tác với hệ thống doanh nghiệp, xây dựng cơ chế kiểm soát sự minh bạch trong đóng góp và sử dụng ngân sách sẽ giúp khai thác tốt nhất nguồn lực của đất nước vào việc thực thi những chương trình của chính phủ thúc đẩy xã hội phát triển, qua đó nâng cao mức sống của người dân.