Tranh luận tại Singapore: nước nhỏ có nên biết thân biết phận?

13/07/2017 16:32
Hồng Thủy
(GDVN) - Các nước lớn không thể xem thường Lý Quang Diệu, là bởi chính ông không xem thường mình và xem đất nước mình chỉ là nước nhỏ.

The Straits Times ngày 11/7 dẫn lời Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, Singapore có trách nhiệm phải lên tiếng về những vấn đề then chốt (khu vực và toàn cầu), để đảm bảo vai trò và vị thế của mình trên thế giới. [1]

Phát biểu mới nhất của Thủ tướng Lý Hiển Long về chính sách đối ngoại của quốc đảo Sư tử được đưa ra trong bối cảnh, đang có những tranh luận về vai trò và cách tiếp cận của quốc gia này với các vấn đề khu vực thời gian gần đây.

Nước nhỏ có nên biết thân biết phận?

Giáo sư Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ngày 1/7 có bài viết trên tờ The Straits Times: "Qatar: bài học lớn từ một quốc gia nhỏ bé". [2]

Vị giáo sư này nói rằng, với hơn 46 năm nghiên cứu về địa chính trị, ông hiếm khi bất ngờ bởi các diễn biến địa chính trị. Bởi có một logic hầu như không thể tránh khỏi trong các vấn đề này.

Ông cho rằng, Nga chiếm Crimea là điều gần như không thể tránh khỏi, bởi sự mở rộng táo tợn của NATO vào ngưỡng cửa của Nga.

Giáo sư Kishore Mahbubani, ảnh: Edwin Koo.
Giáo sư Kishore Mahbubani, ảnh: Edwin Koo.

Tương tự như vậy, ông không bất ngờ khi Bahrain, Ai Cập, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập (UAE) quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.

Lời giải thích chính thức cho quyết định này đã được đưa ra. Nhưng theo ông, nguyên tắc để phân tích diễn biến địa chính trị là không bao giờ có đen hoàn toàn hay trắng hoàn toàn.

Không có nước này đúng hết và nước kia sai hết. Thực tế thường lộn xộn. Nhưng Qatar đã mắc 3 sai lầm lớn, theo giáo sư Mahbubani, đó là bài học cho Singapore.

Một là nước nhỏ thì phải cư xử kiểu nước nhỏ.

Qatar "ngồi trên đống tiền", nên nước này tin rằng họ có thể đóng vai trò như một cường quốc tầm trung, có thể can thiệp vào công việc bên ngoài biên giới của họ.

Họ đã quyết định can thiệp vào công việc của Syria năm 2011, áp đặt trừng phạt chính quyền Bashar-al-Assad.

Thậm chí Qatar quyết định tham gia vụ đánh bom Syria năm 2014 dưới sự lãnh đạo của Mỹ, cùng Jordan, Saudi Arabia, Bahrian và UAE.

Trớ trêu thay, bây giờ chính các đồng minh đã từng cùng nhau trừng phạt Syria lại quay sang tuyệt giao với Qatar.

Đó là hệ lụy của việc Qatar tin rằng, cứ có tiền và chơi với Mỹ là có thể tránh được hậu quả.

Do đó, bài học cho Singapore ở đây là: Các nước nhỏ thì nên ứng xử theo kiểu của nước nhỏ.

Tranh luận tại Singapore: nước nhỏ có nên biết thân biết phận? ảnh 2

Tranh luận công khai, minh bạch là cách tốt nhất để có được lòng tin

Ông kêu gọi sự thận trọng và kiềm chế khi Singapore có ý kiến về các vấn đề liên quan đến siêu cường.

Mặc dù Lý Quang Diệu không bao giờ hành động như lãnh đạo của một nước nhỏ. Ông sẵn sàng bình luận một cách cởi mở và tự do về các siêu cường, kể cả Mỹ, Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ.

Tuy nhiên ông được quyền làm như vậy, vì các siêu cường tôn trọng ông tuyệt đối như một chính khách toàn cầu.

Ngày nay, Singapore đang ở thời kỳ hậu Lý Quang Diệu và có thể sẽ không bao giờ có được một chính khách toàn cầu như ông.

Vì thế Singapore cần thay đổi hành vi.

Giáo sư Kishore Mahbubani cho rằng, sẽ là khôn ngoan hơn nếu Singapore thận trọng khi phát biểu về Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 liên quan đến tranh chấp Biển Đông.

Đặc biệt là khi bên thắng cuộc còn chẳng nhấn mạnh đến nó. Tránh voi chẳng xấu mặt nào, hãy học cách ứng xử của một nước nhỏ từ bài học của Qatar.

Bài học thứ hai theo giáo sư Mahbubani, đó là Singapore phải biết bảo vệ tổ chức khu vực - ASEAN và bài học thứ ba là trân trọng, tôn trọng vai trò của Liên Hợp Quốc. [2]

Phát biểu của ông ngay lập tức dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi trên truyền thông Singapore. [3]

Đại sứ Bilahari Kausikan chỉ trích bài viết này của giáo sư Mahbubani là "lộn xộn, gian dối và thực sự nguy hiểm".

Thủ tướng Lý Hiển Long tuy không nêu đích danh cuộc tranh luận giữa Mahbubani với các nhà nghiên cứu, quan chức khác, nhưng ông khẳng định:

Tranh luận là cách hiệu quả nhất nếu mọi người nói chuyện với nhau một cách chân thành và xác tín niềm tin của chính họ.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trả lời báo chí bên lề G-20, ảnh: Lim Yaohui / The Straits Times.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trả lời báo chí bên lề G-20, ảnh: Lim Yaohui / The Straits Times.

Ông Lý Hiển Long bình luận:

"Nếu bạn tin những gì bạn nói, hãy nói nó, hãy thảo luận, và không đồng ý nếu bạn thấy cần thiết, chúng ta sẽ tìm ra cách tốt nhất ở phía trước.

Nhưng nếu mọi người không đưa ra lập trường rõ ràng, và bạn nêu quan điểm nhưng thực sự lại không chắc chắn nó có đúng hay không, chúng ta sẽ rơi vào vòng tròn con gà - quả trứng.

Tôi nghĩ điều đó làm mọi việc phức tạp hơn. Đó là chuyện không cần thiết.". [1]

Muốn bảo vệ lợi ích và vị thế quốc gia, phải có trách nhiệm lên tiếng trước các vấn đề then chốt

Thủ tướng Lý Hiển Long trả lời báo chí bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Đức, rằng Singapore có trách nhiệm làm nổi bật các vấn đề quan trọng có liên quan đến mình, đối phó với nó và làm nổi bật lập trường của mình về nó.

Làm như vậy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn hay lợi ích căn bản của Singapore trong các vấn đề khu vực, quốc tế.

Đặc biệt là trong bối cảnh việc bảo vệ luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp đang bị đe dọa, điều này càng trở nên quan trọng.

Ông Lý Hiển Long khẳng định:

"Nếu chúng ta không đứng dậy và được tính đến, bạn không thể nằm rạp xuống né tránh, rồi mong đợi không ai chú ý đến bạn nữa.

Đó là cách Singapore phải thực hiện trong chính sách đối ngoại của mình. Là nước nhỏ, Singapore phải nhận thức về thế giới đúng với thực tại của nó.

Cùng với việc bảo vệ lợi ích của mình, Singapore phải làm tốt nhất trách nhiệm của một thành viên trong ngôi nhà chung toàn cầu.

Hai mặt này bổ sung cho nhau, chứ không mâu thuẫn loại trừ nhau.".

Thủ tướng Singapore đã có các cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel tại Đức.

Ông Lý Hiển Long cho biết:

"Nếu có một chính phủ mới ở Mỹ, bạn phải xem xét điều này có ý nghĩa gì đối với thế giới? Khi ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn, chúng ta phải xem xét làm thế nào có thể phát triển quan hệ với họ.". [1]

Tranh luận tại Singapore: nước nhỏ có nên biết thân biết phận? ảnh 4

Châu Á có các "liên minh mới" chống Trung Quốc bành trướng Biển Đông?

"Chúng tôi có mối quan hệ rộng, nhưng cũng có những vấn đề có thể nảy sinh bất cứ lúc nào.

Chúng tôi đối diện với chúng một cách người lớn và do đó mọi thứ tiến triển về phía trước. 

Chúng tôi không mâu thuẫn với Trung Quốc và tôi nghĩ, Trung Quốc sẽ thấy hữu ích khi thân thiện với Singapore, vì đó là nền tảng tốt để hai bên hợp tác.". [4]

Về cuộc họp với Tổng thống Donald Trump và quan hệ Singapore - Hoa Kỳ, ông Long nhận xét:

"Tôi bước vào với một tâm thế cởi mở. Tôi nghĩ chúng tôi đã có một cuộc thảo luận tốt.

Tôi tập trung thực sự, khi tìm hiểu xem ông ấy nhìn nhận mối quan hệ hai nước như thế nào, cũng như các vấn đề mở rộng. Ông ấy cũng rất tập trung.

Họ hiểu, và chúng tôi chắc chắn hiểu, rằng Singapore - Hoa Kỳ là một trong những mối quan hệ rất rộng và đáng kể.

Hợp tác giữa hai nước rất rộng từ quốc phòng, an ninh cho đến kinh tế.

Tôi nghĩ rằng họ cũng rất muốn thúc đẩy mối quan hệ này.".

Việc Tổng thống Donald Trump rút khỏi TPP, ông Lý Hiển Long cho hay, Washington đã cân nhắc điều này và Singapore hiểu lập trường của Mỹ.

Khi được hỏi liệu có phải Mỹ đã nhường vị trí lãnh đạo của mình trong các vấn đề toàn cầu và một số nước như Trung Quốc sẽ can thiệp để lấp đầy khoảng trống, Thủ tướng Singapore nói rằng:

Các nước khác nhau đóng một vai trò khác nhau.

Hoa Kỳ đã có truyền thống đóng một vai trò độc đáo, không chỉ trong việc giữ gìn lợi ích quốc gia của họ, mà còn với hệ thống toàn cầu để họ phát huy tối đa ảnh hưởng, mang lại thịnh vượng.

Vai trò này hình thành kể từ sau Thế chiến II, và bản thân nước Mỹ đã xem đây là giá trị chính trị và xã hội cơ bản của họ.

Chính quyền ông Donald Trump có cách nhìn khác. Họ đặt nước Mỹ trên hết và trách nhiệm toàn cầu của Mỹ đang ít được xem trọng hơn.

Tuy nhiên, ông Lý Hiển Long lưu ý, các nước khác không có lịch sử, hình ảnh hoặc truyền thống, chính sách tương tự như Mỹ.

Hiện tại không có gì đảm bảo chắc chắn là, nếu Mỹ quyết định đóng vai trò khác, thì một ai đó có thể bước vào "lấp khoảng trống", thay thế vai trò của Mỹ.

Điều này cần phải theo dõi thêm. [4]

Tranh luận tại Singapore: nước nhỏ có nên biết thân biết phận? ảnh 5

Một vành đai, một con đường và chiến lược cò gỗ mổ cò thật

Vài lời bình luận

Cá nhân người viết cho rằng, quan điểm của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về quan hệ đối ngoại với các siêu cường là rất chính xác.

Đặc biệt là thái độ, trách nhiệm cần phải có của các nước nhỏ trước các vấn đề khu vực, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, là rất văn minh, phù hợp với lợi ích của bản thân quốc gia đó cũng như xu thế chung của nhân loại.

Chúng tôi thiết nghĩ, thượng tôn pháp luật và có trách nhiệm lên tiếng trước các vấn đề khu vực, quốc tế dựa trên luật pháp nên là lựa chọn của bất kỳ quốc gia tiến bộ nào, dù lớn hay nhỏ.

Trong quan hệ với các siêu cường, không phải cứ "ngoan ngoãn" hay "biết thân biết phận" là người ta sẽ bỏ qua, hay nói như Thủ tướng Lý Hiển Long, không phải bạn cứ nằm xuống là người ta không thấy bạn.

Ngược lại, trong bối cảnh các siêu cường tranh giành ảnh hưởng gay gắt như hiện nay, lựa chọn của Singapore vừa tự lực tự cường về đối nội, độc lập và linh hoạt về đối ngoại, chơi với tất cả các quốc gia và ứng xử dựa vào luật pháp quốc tế là lựa chọn phù hợp nhất.

Mềm dẻo trong sách lược, nhưng rõ ràng và dứt khoát về chiến lược.

Lý Quang Diệu trở thành chính khách toàn cầu không phải ngẫu nhiên, ông phát biểu thẳng thắn không né tránh về các siêu cường, nhưng với động cơ trong sáng và xây dựng.

Chúng tôi cho rằng các nước lớn không thể xem thường Lý Quang Diệu, là bởi chính ông không xem thường mình và xem đất nước mình chỉ là nước nhỏ.

Nếu vị Thủ tướng khai quốc của Singapore cũng chỉ "biết thân biết phận" như lời khuyên của giáo sư Hiệu trưởng cơ sở giáo dục duy nhất mang tên Lý Quang Diệu, có lẽ đã không có Singapore ngày nay.

Singapore mạnh là mạnh ngay từ suy nghĩ, tư duy và tư tưởng.

Do đó, việc Singapore lên tiếng ủng hộ Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông năm ngoái chính là sự thể hiện tinh thần trách nhiệm giữ gìn luật pháp quốc tế, hòa bình ổn định ở Biển Đông.

Đấy cũng chính là cách bảo vệ tốt nhất môi trường cần thiết phải giữ gìn để Singapore tiếp tục phát triển thịnh vượng.

Chúng tôi nhận thấy, dường như đang có một sự nhầm lẫn và ngộ nhận không nhỏ về vai trò, hiệu lực và giá trị của Phán quyết Trọng tài trong nhìn nhận của không ít học giả và các kênh truyền thông.

Đó là các giá trị pháp lý mang tính chung thẩm, có ý nghĩa rất to lớn và lâu dài về việc giải thích, ứng dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 vào các vùng biển tranh chấp phức tạp như Biển Đông, với khả năng thực thi một phán quyết / bản án của một cơ quan tài phán quốc tế.

Giá trị pháp lý này là vĩnh cửu, bởi nó trở thành án lệ, cấu thành một bộ phận không thể bỏ qua của Công ước, để các bên yêu sách căn cứ vào đó đàm phán, thương thảo tại bất kỳ diễn đàn đa phương hay song phương nào.

Phán quyết Trọng tài cung cấp đầy đủ các căn cứ pháp lý, lập luận, bằng chứng để bác bỏ các yêu sách vô lý, các hành động phi pháp trên Biển Đông một cách thuyết phục.

Cho dù Phán quyết có được nhắc tên hay không, điều đó không quan trọng.

Nội dung, giá trị, tinh thần của nó luôn luôn được vận dụng trong mọi hoạt động đàm phán, như COC, hay các cuộc tiếp xúc song phương, đa phương về Biển Đông.

Còn khả năng thực thi hiểu theo cách Trung Quốc công khai thừa nhận và thực hiện các nội dung phán quyết, thì đó là một vấn đề thuộc lĩnh vực chính trị quốc tế.

Chúng tôi thấy rằng, ngay cả các nghị quyết của Liên Hợp Quốc người ta vẫn cứ vi phạm. Hiến chương Liên Hợp Quốc vẫn cứ bị vô hiệu ở nơi này, nơi kia, lúc này hay lúc khác.

Vì thế chiến tranh xung đột mới liên miên không dứt.

Nói cách khác, công lý không phải tự nhiên trên trời rơi xuống, mà là mục tiêu đấu tranh, trong một số trường hợp là thành quả của một quá trình đấu tranh liên tục, bền bỉ và lâu dài.

Chúng tôi tâm đắc và đánh giá rất cao nhận định của nhà báo, nhà nghiên cứu Bill Hayton trên tờ Nikkei Asia Review, Nhật Bản ngày hôm qua 12/7 rằng, thực ra Trung Quốc đã âm thầm điều chỉnh chính sách của họ trên Biển Đông theo Phán quyết Trọng tài.

Nói cách khác, Trung Quốc đang thực hiện Phán quyết Trọng tài một cách âm thầm, nhưng nghiêm túc, chứ không phải vứt bỏ nó vào sọt rác như một quan chức ngoại giao nước này tuyên bố. [5]

Chúng tôi cho rằng, sở dĩ nhà báo - nhà nghiên cứu Bill Hayton đưa ra kết luận này là bởi ông hiểu rất sâu sắc giá trị pháp lý, hiệu lực và sức sống của Phán quyết Trọng tài, chứ không phải nhìn nhận nó một cách hời hợt qua tên gọi như một bản án dân sự, phổ thông.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi "lạc quan tếu", hoặc lơ là mất cảnh giác. 

Người viết hy vọng rằng, giá trị, nội dung, ý nghĩa và sức sống của Phán quyết Trọng tài nên được các học giả, các nhà hoạch định chính sách nghiên cứu thấu đáo hơn nữa, để thấy được cái bất biến và ứng dụng nó đối phó với cái vạn biến của tình hình phức tạp ở Biển Đông, cũng như trong chính trị khu vực và quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.straitstimes.com/politics/singapore-has-responsibility-to-speak-up-on-key-issues-to-secure-its-space-in-the-world-pm

[2]http://www.straitstimes.com/opinion/qatar-big-lessons-from-a-small-country

[3]http://www.straitstimes.com/search?searchkey=Mahbubani%20

[4]http://www.straitstimes.com/politics/singapore-has-broad-relationship-with-china-and-united-states-and-is-working-to-deepen-ties

[5]http://asia.nikkei.com/Viewpoints/Bill-Hayton/Beijing-changes-tack-after-South-China-Sea-ruling

Hồng Thủy