Bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam là lợi ích của Mỹ

21/05/2016 07:00
Ts Trần Công Trục
(GDVN) - Dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam là hành động chính trị cần thiết và có lợi cho Mỹ.

LTS: Xung quanh chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama, dư luận đặc biệt quan tâm tới khả năng Mỹ sẽ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, cũng như khả năng và triển vọng hợp tác an ninh hàng hải Việt - Mỹ trên Biển Đông.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận của ông về vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp diễn ra. Dư luận Việt Nam, Hoa Kỳ cũng như truyền thông quốc tế đều hết sức quan tâm, theo dõi chuyến thăm này bởi nó diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tăng cao trên Biển Đông vì những hành động phiêu lưu quân sự của Trung Quốc, đe dọa hòa bình ổn định của khu vực cũng như lợi ích của Việt Nam và Hoa Kỳ.

Trước thông tin có khả năng ông Obama sẽ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, dư luận đặt câu hỏi điều này có ý nghĩa như thế nào trong quan hệ Việt - Mỹ? Có tác động gì đến cục diện Biển Đông và khả năng hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh hàng hải hiện nay hay không?

Dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam là hành động chính trị cần thiết và có lợi cho Mỹ

Việt Nam là một quốc gia từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt với các cường quốc hàng đầu thế giới nên hơn ai hết, người Việt thấu hiểu và trân quý giá trị của hòa bình.

Nhưng tạo hóa đặt Việt Nam ở vị trí địa chiến lược nơi cạnh tranh giữa các siêu cường, trong khi nước láng giềng Trung Quốc lại đang ra sức bành trướng trên Biển Đông và đặt độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trước nguy cơ bị xâm hại, đe dọa sống còn.

Do đó hơn ai hết, người Việt hiểu rằng muốn giữ vững độc lập chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cũng như lợi ích hợp pháp của mình nhất là trên hướng Biển Đông trong bối cảnh hiện nay, ngoài chính sách đối ngoại khôn khéo để tránh xung đột đối đầu, giữ gìn hòa bình ổn định thì việc tăng cường quốc phòng an ninh, nâng cao năng lực phòng thủ là công việc hết sức hệ trọng.

Để làm tốt việc phòng thủ đất nước không chỉ đòi hỏi bản lĩnh, tinh thần và lòng yêu nước của mỗi người con đất Việt, mà các lực lượng vũ trang cần phải được trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại, chính quy và tinh nhuệ, đủ sức răn đe các âm mưu xâm lược và đánh lùi bất cứ kẻ thù nào một khi bị đẩy vào xung đột, một khi Tổ quốc bị xâm phạm.

Rõ ràng trong bối cảnh đó, nếu Quân đội Nhân dân Việt Nam có được các loại vũ khí sát thương hiện đại của Hoa Kỳ để tăng cường khả năng phòng thủ, giữ yên bờ cõi cho mình là một điều rất đáng mừng, có lẽ là mong muốn của hầu hết những người con yêu nước.

Tuy nhiên thực tế các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc của người Việt Nam đã chứng minh, yếu tố quan trọng nhất của thắng lợi không nằm ở vũ khí, mà ở lòng người. Chúng ta chỉ chiến thắng khi nào "tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào" như Đức thánh Trần đã nói.

Ngay cả trong kháng chiến chống Mỹ hơn 40 năm về trước, Việt Nam chiến thắng đâu phải vì sử dụng vũ khí hiện đại của Hoa Kỳ? Những vũ khí của Việt Nam khi đó phần lớn do Nga và Trung Quốc cung cấp, mặc dù tính năng hiện đại của vũ khí Hoa Kỳ thì không ai phủ nhận. 

Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm ngoái theo lời mời của Tổng thống Obama đã xóa bỏ nhiều rào cản trong quan hệ Việt - Mỹ. Ảnh: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm ngoái theo lời mời của Tổng thống Obama đã xóa bỏ nhiều rào cản trong quan hệ Việt - Mỹ. Ảnh: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Mặt khác về mặt kỹ thuật, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng đã cho rằng, hơn 90% vũ khí trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện nay là của Nga, nên ý nghĩa giao dịch thương mại của việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam không nhiều.

Bởi Việt Nam có muốn thay thế cũng cần thời gian và lộ trình. Mặt khác, vũ khí Mỹ khá đắt đỏ nên việc liệu cơm gắp mắm là điều các nhà hoạch định Việt Nam phải tính tới.

Nói cách khác, xét về khía cạnh quan hệ cung - cầu thì Việt Nam có nhiều lựa chọn ngoài vũ khí Hoa Kỳ. Trong khi những kho vũ khí tồn dư của các siêu cường còn rất lớn và đang muốn đẩy ra ngoài. Chính những kho vũ khí này đã gây ra rất nhiều cuộc chiến đẫm máu, xung đột quân sự không lối thoát vẫn đang diễn ra đây đó trên Trái Đất này, như Trung Đông hay Trung Á hiện nay.

Như vậy có thể nói, việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam xét về giao dịch thương mại quân sự thuần túy thì có lợi cho Mỹ hơn là Việt Nam. Và Hoa Kỳ với tư cách một nhà cung cấp muốn chào hàng vũ khí của mình thì cần chủ động tiếp cận tìm hiểu nhu cầu và cung cấp giải pháp, chăm sóc khách hàng, chứ không phải đặt điều kiện này, điều kiện khác.

Vậy tại sao dù khả năng mua vũ khí Mỹ không cao và không nhiều, nhưng Việt Nam vẫn hối thúc Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này? Theo người viết, đây chính là cử chỉ thiện chí của Việt Nam trong việc xóa bỏ những mặc cảm của Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam, để quan hệ hai nước được bình thường hóa hoàn toàn và triệt để.

Bởi lẽ sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, hai nước Việt Nam và Mỹ đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục và chính trị. Lòng tin chiến lược giữa hai bên ngày càng được bồi đắp và tăng cường, nhất là từ khi Tổng thống Hoa Kỳ mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức nước Mỹ. 

Trong bối cảnh đó mà Mỹ vẫn duy trì một lệnh cấm vận nào đó thì thật khó có thể nói hai bên đã hoàn toàn bình thường hóa quan hệ triệt để, đủ lòng tin lẫn nhau để nâng tầm quan hệ như mong muốn của hai bên.

Cá nhân tôi cho rằng, đó chính là mục đích và ý nghĩa của việc Việt Nam đề nghị Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận này, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ muốn xem Việt Nam như một đối tác quan trọng trong chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương.

Vì thế việc một bộ phận dư luận và cơ quan nhà nước Hoa Kỳ cho rằng cần phải đặt điều kiện về vấn đề nhân quyền mới xóa bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam là một sai lầm khi gán ghép hai sự việc không liên quan gì đến nhau.

Việt Nam làm điều này trên thực tế vì chính lợi ích của nước Mỹ, sau đó mới đến bản thân mình vì còn phải tính toán nhiều yếu tố kỹ thuật, thực tế mua sắm và sử dụng trang thiết bị quốc phòng.

Vén mây giữa trời

Năm ngoái khi chủ trì tiệc chiêu đãi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã "lẩy" hai câu Kiều rất giàu ý nghĩa, hợp cảnh, hợp tình và mang nhiều thông điệp quan trọng cho quan hệ song phương, nhất là trên Biển Đông:

"Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời"

Bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam là lợi ích của Mỹ ảnh 3

Việt Nam có thể khai thác được gì từ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ?

(GDVN) - Mỹ là nước duy nhất có thể lập lại trật tự trên Biển Đông trước hành động leo thang của Trung Quốc. Do đó Việt Nam nên tận dụng tối đa.

Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm nay, Việt Nam và Hoa Kỳ từ thù thành bạn. Với nhiều người dân Mỹ, nhắc đến Việt Nam không còn là nhắc đến tên một cuộc chiến tranh, mà là một điểm đến của hòa bình, của du lịch, của cơ hội đầu tư, của tìm hiểu một nền văn hóa với bề dày truyền thống.

Cũng có người đặt câu hỏi, việc Tổng thống Obama thăm Việt Nam khi chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc nhiệm kỳ và rời khỏi Nhà Trắng có làm giảm ý nghĩa chuyến thăm hay tầm quan trọng của Việt Nam hay không?

Tôi cho rằng, chuyến thăm diễn ra sớm hay muộn không quan trọng, mà quan trọng nhất là nội dung và kết quả thực chất từ chuyến thăm đó mang lại cho quan hệ song phương. Mà để có kết quả thực chất, đó là cả quá trình chuẩn bị và đàm phán của hai bên.

Cho nên chuyến thăm sẽ rất có ý nghĩa khi đạt được kết quả cụ thể như việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương, triển khai các hoạt động hợp tác thực chất với Việt Nam trên các lĩnh vực hai bên quan tâm và cùng chung lợi ích.

Thiết nghĩ điều này quan trọng hơn nhiều một chuyến thăm vội vàng, chóng vánh chỉ để đáp lễ ngoại giao. Người Mỹ rất thiết thực nên không làm những điều viển vông, đặc biệt là các hoạt động đối ngoại của Tổng thống Hoa Kỳ.

Ngoài vấn đề dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương, dư luận còn đặc biệt quan tâm theo dõi khả năng và tiến triển của hợp tác Việt - Mỹ về an ninh hàng hải trên Biển Đông ra sao sau chuyến thăm ý nghĩa này.

Có thể nói, chưa bao giờ Biển Đông lại đối diện với những nguy cơ bất ổn và xung đột như hiện nay, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, theo đuổi chính sách phiêu lưu quân sự, bồi đắp đảo nhân tạo và leo thang quân sự hóa Biển Đông.

Bầu trời Biển Đông đang bị bao phủ bởi những đám mây đen vần vũ của tham vọng bành trướng, của mộng bá quyền với những con kền kền sắt ngày đêm gầm rú. Trung Quốc có thể liều lĩnh điều chiến đấu cơ "tạt đầu" máy bay trinh sát quân đội Hoa Kỳ ở Biển Đông thì thử hỏi trong tương lai, với các nước nhỏ hơn họ còn liều lĩnh đến mức nào?

Do đó Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đang đổ dồn sự chú ý về chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương và cam kết của Tổng thống Hoa Kỳ. Hy vọng Tổng thống Obama và người kế nhiệm sẽ có những quyết sách nhất quán trong việc "vén mây đen" đang làm vẩn đục bầu trời Biển Đông.

Là ông chủ của chiến lược xoay trục, lúc này hơn bao giờ hết, Tổng thống Obama cần chứng minh quyết tâm, nỗ lực và để lại thành quả của mình nếu muốn người kế nhiệm tiếp tục chiến lược ấy khi tiếp quản Nhà Trắng.

Do đó hợp tác an ninh hàng hải giữa Hoa Kỳ với Việt Nam cũng như các đối tác khác trong khu vực để duy trì hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế, tự do hàng hải hàng không trên Biển Đông là rất cần thiết và cấp bách.

Bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam là lợi ích của Mỹ ảnh 4

Âm mưu của Đài Loan can thiệp bất ngờ và khả năng phán quyết của PCA

(GDVN) - Phán quyết của PCA sẽ gợi mở cho Việt Nam những cánh cửa pháp lý để giải quyết các vấn đề cụ thể trên Biển Đông.

Cũng có thể nói rằng, chưa bao giờ lợi ích giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ luật pháp và trật tự quốc tế trên Biển Đông lại trùng nhau đến thế.

Đây hoàn toàn không phải việc kiềm chế Trung Quốc hay chống lại Trung Quốc như những gì Bắc Kinh đang tuyên truyền, mà chỉ là hành vi tự vệ và chống lại các hoạt động bá quyền, bành trướng, vi phạm luật pháp quốc tế.

Bởi vậy, triển khai hợp tác an ninh hàng hải trên Biển Đông, Hoa Kỳ giúp Việt Nam nâng cao năng lực phòng thủ và tuần tra hàng hải, trinh sát tình báo, chia sẻ thông tin, tham vấn lẫn nhau về cục diện trên Biển Đông và có kế hoạch chung sức ứng phó, cùng nhau bảo vệ luật pháp và trật tự quốc tế mà cụ thể là phán quyết của PCA sắp được đưa ra tới đây, thiết nghĩ là điều rất cần thiết, khả thi, hiệu quả và lợi ích cho cả hai, cũng như cho khu vực mà Tổng thống Obama không nên bỏ qua.

Trục quan hệ Mỹ - Việt - Trung - Nga - Nhật trong vấn đề Cam Ranh và thiện chí của Việt Nam

Cá nhân tôi cho rằng, chưa bao giờ vị trí địa chính trị của Việt Nam hay giá trị của Cam Ranh lại được các cường quốc quan tâm, tranh giành ảnh hưởng công khai như bây giờ.

Mỹ, Nhật Bản, Nga và nhiều quốc gia khác rất muốn tiếp cận và sử dụng dịch vụ tại Cam Ranh, đương nhiên có cả Trung Quốc. Trong khi đó các nước này đều không muốn những cường quốc còn lại được "ưu tiên" tiếp cận với Cam Ranh, đó là thực tế.

Chủ trương của Việt Nam rất rõ ràng, Việt Nam mở cửa Cam Ranh và chào đón tàu thuyền quốc tế truy cập và sử dụng dịch vụ nếu phù hợp với các điều kiện, quy định của Việt Nam.

Đồng thời Việt Nam không cho bất kỳ nước nào đặt căn cứ quân sự, lực lượng quân sự trên lãnh thổ Việt Nam, sử dụng lãnh thổ Việt Nam vào việc chống lại một nước thứ 3. Cá nhân tôi hy vọng và tin rằng, các "ông lớn" hiểu và chia sẻ điều này.

Việt Nam chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, mong muốn làm bạn với tất cả các quốc gia dân tộc yêu chuộng hòa bình, thượng tôn công lý. Còn trên thực tế, do mâu thuẫn về lợi ích địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế, địa chiến lược đan xen nhau nên vừa hợp tác, vừa đấu tranh đã trở thành đặc điểm nổi bật của quan hệ quốc tế hiện đại.

Việc xác định bạn - thù không còn nhằm vào chủ thể đối tượng, mà là các hành động và tính toán của đối tượng, cái nào xâm hại và đe dọa xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì đó là thù, cần đấu tranh tới cùng và triệt để.

Những nhân tố nào giúp Việt Nam bảo vệ hòa bình và phát triển, bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thì đó là bạn, cần khai thác tối đa.

Trung Quốc là một trong hai đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, nhưng trên Biển Đông thì chính âm mưu, hành động của Trung Quốc lại là đối thủ trước mắt cũng như lâu dài nguy hiểm nhất vì tham vọng của họ muốn độc chiếm Biển Đông làm ao nhà, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Vì vậy đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững hòa bình ổn định, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế là chủ trương nhất quán của Việt Nam.

Vì vậy, có thể có những quan điểm lăn tăn khi Việt Nam tuyên bố có thể chủ động mời tàu Trung Quốc vào Cam Ranh, đặc biệt là từ phía Hoa Kỳ.

Tuy nhiên người viết cho rằng, điều đó chỉ thể hiện tính nguyên tắc và thiện chí của Việt Nam, còn việc tàu quân sự bất cứ nước nào muốn vào Cam Ranh đều phải tuân thủ những quy định và tiêu chí chặt chẽ của Việt Nam.

Bởi lẽ Cam Ranh vừa là chủ quyền lãnh thổ, vừa là nơi trọng yếu về quân sự quốc phòng nên chắc chắn sẽ không có sự tùy tiện, đặc biệt là với nước đang chiếm đóng bất hợp pháp một phần lãnh thổ máu thịt của Việt Nam.

Mặc dù quan hệ Việt Nam - Trung Quốc rơi vào khủng hoảng năm 2014 do Trung Quốc đơn phương hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam khiến dư luận người Việt trong và ngoài nước hết sức phẫn nộ, nhưng năm ngoái Việt Nam vẫn chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm chính thức với thiện chí và nghi thức cao nhất.

Bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam là lợi ích của Mỹ ảnh 5

Thông điệp lạ từ chuyến thăm Việt Nam của ông Thường Vạn Toàn

(GDVN) - Cách tốt nhất để "phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch" là giải quyết một cách sòng phẳng, khách quan, cầu thị...

Điều đó cho thấy sự kiềm chế cảm xúc, thiện chí mong muốn đối thoại và giữ gìn hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như quan hệ Việt Nam - Trung Quốc của các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Việt Nam chỉ muốn đối thoại, không muốn đối đầu. Có như vậy quan hệ Việt - Mỹ mới có thể trở lại bình thường và phát triển sau Chiến tranh. Cũng chỉ có như vậy mới có thể giải quyết ân oán bất đồng với Trung Quốc bằng biện pháp hòa bình, hợp pháp và tránh được xung đột, chiến tranh.

Các quan chức cấp cao Hoa Kỳ như Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter từng nhiều lần khẳng định, Mỹ không có ý định và cũng không rảnh để kiềm chế Trung Quốc. Mỹ mong muốn Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, phát triển và trở thành nước lớn có trách nhiệm, đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Tiếc rằng, hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay không chỉ phá vỡ hiện trạng, leo thang căng thẳng, mà còn đang đe dọa hòa bình, ổn định, luật pháp, trật tự quốc tế sau Chiến tranh Thế giới II và Hoa Kỳ không thể làm ngơ.

Với tư cách một thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc và cũng đang bị chính những hành vi này của Trung Quốc đe dọa độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, buộc Việt Nam phải đấu tranh tự vệ và chống lại những hành vi bất thiện đó. 

Điều này hoàn toàn không phải Việt Nam theo nước này chống nước kia. Và giả sử ai đó có tính toán điều này thì cũng khó có thể trở thành sự thật, vì nó chỉ đẩy dân tộc này, quốc gia này vào hang hùm miệng sói.

Do đó chính Hoa Kỳ cũng hiểu, hợp tác với Việt Nam để bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp, trật tự quốc tế và tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông trước hành động phiêu lưu nguy hiểm của Trung Quốc là rất cần thiết, khả thi, nhưng nếu chỉ để và chỉ vì chống Trung Quốc thì điều đó không bao giờ có.

Thiết nghĩ những điều này đủ để trả lời câu hỏi Việt Nam và Hoa Kỳ có thể trở thành đồng minh quân sự, liên minh chiến lược hay không. Việt Nam không liên minh với nước này chống nước kia, Việt Nam chỉ bảo vệ mình và bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực, luật pháp quốc tế, tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông.

Còn một khi độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam bị đe dọa, người Việt sẽ làm mọi việc để chống lại các thế lực xâm lược, và đến lúc đó liên minh chống xâm lược tự nó sẽ hình thành. Lịch sử chiến tranh cận hiện đại đã cho thấy rõ điều này nên thiết nghĩ không cần đặt vấn đề đồng minh, liên kết.

Như vậy có thể thấy rằng, thông qua việc Hoa Kỳ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, hai nước sẽ loại bỏ được rào cản cuối cùng để tiến tới củng cố lòng tin chiến lược, làm nền tảng cho những hợp tác bền vững, lâu dài mà hai bên cũng như khu vực đều có lợi.

Hợp tác an ninh hàng hải ở Biển Đông, duy trì và bảo vệ luật pháp quốc tế, tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông không chỉ là sự quan tâm và mong mỏi của dư luận, nó còn là tiêu chí đánh giá kết quả và mức độ thành công chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Obama, cũng như di sản ông để lại trước khi rời nhiệm sở.

Ts Trần Công Trục