Nikkei Asian Review ngày 20/5 bình luận, Thứ Hai ngày 22/5 tới Tổng thống Barack Obama sẽ tiếp tục bước chân của 2 người tiền nhiệm Bill Clinton và George W. Bush, sang thăm chính thức Việt Nam. Tuy nhiên chuyến thăm của ông Obama có ý nghĩa nhiều hơn so với 2 lần trước, với dự kiến ông sẽ công bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong cuộc họp báo chung Thứ Ba 23/5.
Tổng thống Barack Obama, ảnh: AP. |
Mỹ muốn tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh hàng hải với Việt Nam và Philippines trong bối cảnh Trung Quốc ngày một phiêu lưu quân sự trên Biển Đông. Việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là một điều kiện tiên quyết để thực hiện chiến lược này.
Tuy nhiên vẫn chưa có gì chắc chắn về việc hợp tác mua bán vũ khí khí tài quân sự giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, vì hơn 90% vũ khí trang bị của Quân đội Việt Nam hiện nay là mua của Nga.
Một quan chức quân sự Mỹ tiết lộ, Việt Nam sẽ mua máy bay trinh sát tàu ngầm P-3C và máy bay vận tải C-130H của Mỹ nếu lệnh cấm được dỡ bỏ hoàn toàn.
Nikkei Asian Review lưu ý, Việt Nam được cho là chưa mua vũ khí nào của Mỹ kể từ khi Washington nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam năm 2014, sau khủng hoảng giàn khoan 981 Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Lý do theo Nikkei Asian Review, sắm vũ khí Mỹ nói chung rất tốn kém.
Ví dụ một chiến đấu cơ cùng thế hệ của Mỹ có giá đắt gấp 3 đến 4 lần chiến đấu cơ Nga chế tạo. Đạn dược, nhiên liệu và dịch vụ bảo trì của các loại vũ khí Mỹ cũng đắt hơn Nga nên việc thay thế dù chỉ một phần cũng rất khó khăn.
Do đó tác động của việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận, theo Nikkei Asian Review hầu như giới hạn trong việc cung cấp phụ tùng thay thế cho trực thăng vũ trang và xe quân sự mà quân đội Mỹ phải bỏ lại Việt Nam sau khi kết thúc Chiến tranh.
Động lực thúc đẩy Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương
Việt Nam có thể khai thác được gì từ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ? |
Nikkei Asian Review tin rằng, Cam Ranh là một đầu mối quan trọng trong tính toán này của Hoa Kỳ. Nằm cách Hoàng Sa và Trường Sa chừng 550 km, nếu được sử dụng một cách hiệu quả thì Cam Ranh có thể tăng cường đáng kể khả năng giám sát của Việt Nam trên Biển Đông.
Việt Nam đã mở cửa phần nào cảng biển quốc tế Cam Ranh cho các tàu nước ngoài, kể cả quân sự và dân sự. Trong khi tuyên bố chào đón tất cả các nước sử dụng dịch vụ để giảm thiểu tối đa tác động của quyết định mở cửa dịch vụ ở Cam Ranh, Việt Nam vẫn có cơ chế lựa chọn tàu của từng nước có thể truy cập cảng nước sâu quan trọng này, đặc biệt là với các tàu chiến.
Việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí sát thương với Việt Nam được cân nhắc với điều kiện, tàu quân sự Mỹ có thể truy cập và sử dụng dịch vụ tại Cam Ranh. Mỹ đã kêu gọi chính phủ Việt Nam không cho Nga sử dụng dịch vụ tại Cam Ranh vì cho rằng một máy bay quân sự Nga tiếp dầu tại Cam Ranh đã bay sát căn cứ quân sự Mỹ tại Guam đầu năm 2015.
Để cân bằng ảnh hưởng với Nga ở Cam Ranh trong bối cảnh Nga có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, Mỹ cần phải chứng minh cam kết hợp tác quân sự với Việt Nam trước dư luận trong nước và quốc tế thông qua việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí.
Mặt khác, tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam trên Biển Đông đối với Hoa Kỳ đang gia tăng cũng vì ông Rodrigo Duterte đắc cử Tổng thống Philippines và sẽ nhậm chức vào cuối tháng Sáu tới.
Tân Tổng thống Philippines lặp đi lặp lại tuyên bố sẽ xem xét đàm phán với Trung Quốc giải quyết tranh chấp Biển Đông thay vì theo đuổi các giải pháp pháp lý như người tiền nhiệm.
Philippines đã duy trì một lập trường cứng rắn chống lại hành vi bành trướng, phiêu lưu quân sự hóa Biển Đông từ phía Trung Quốc thông qua việc khởi kiện Trung Quốc (áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm UNCLOS) lên Tòa Trọng tài Thường trực.
Nếu Manila thay đổi lập trường của mình trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam chắc chắn sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong chính sách quốc phòng của Mỹ trên Biển Đông, Nikkei Asian Review bình luận.